Với nhiều bạn, việc liệt kê những kinh nghiệm làm việc hay bằng cấp đã có vào CV quá đơn giản đúng không nào? Trong quá trình sửa CV cho các bạn, mình có nhân được kha khá nhiều câu hỏi về việc đưa sở thích cá nhân vào CV. Có nên đưa hay không? Và nên đưa sở thích nào vào? Bài viết này sẽ giúp các bạn phần nào giải đáp được thắc mắc trên.

0996b65

Tại sao nên có sở thích trong CV?

Câu trả lời đơn giản thôi, đó là làm cho CV của chúng mình có chút màu sắc cá nhân. Thử tưởng tượng đọc 100 cái CV và toàn học trường này trường nọ, kinh nghiệm làm ở đây ở kia, nhiều cũng ngán phải không nào. Đôi khi đọc một CV có chút về sở thích cũng sẽ giúp mình hiểu hơn xíu xíu về người đang nộp đơn.

Ngoài ra nữa là, nếu những sở thích bạn liệt kê trong CV có liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, chắc chắn đó sẽ là điểm cộng cho bạn so với những ứng viên khác đó. Ví dụ tuyển một người tổ chức sự kiện, có sở thích đi bar cuối tuần, ăn chơi nhảy múa mỗi tháng mười mấy lần, thì sẽ thấy rằng đây là một người rất năng nổ, có nhiều mối quan hệ cũng như biết nhiều địa điểm ăn chơi – rất hợp làm sự kiện (nhưng cũng phải xem xét xem có ăn chơi nhiều quá quên việc không).

Nhà tuyển dụng có đọc phần ‘Sở thích’ không?

Câu trả lời của mình là: Có và Không!

Có nhiều nhà tuyển dụng đọc CV rất kĩ, đọc từ đầu đến cuối CV, săm soi từ chỗ một. Đó là những nhà tuyển dụng công ty nhỏ, vì họ nhận được ít ứng viên. Với những công ty lớn hơn, nhà tuyển dụng chỉ đọc lướt thôi, lúc đó phần sở thích của bạn sẽ không phải là phần họ đọc đầu tiên hay quan tâm nhiều. Với những công ty lớn, họ sẽ chú ý đến phần sở thích của bạn nếu họ đang phân vân giữa 2-3 ứng viên có thành tích học tập cũng như kinh nghiệm làm việc na ná nhau đó.

Mình chỉ có một lời khuyên thôi, đó là khi bạn viết bất kì chữ nào vào CV, hãy nghĩ xem nó có thực sự liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển không nhé. Đừng viết theo kiểu liệt kê 100% kinh nghiệm mình đã có chỉ để CV trông cho nó dài.

Vậy sở thích trên CV có cần liên quan đến công việc không?

Chắc chắn là có. Nếu không liên quan bạn viết vào làm gì.

Thử tưởng tượng bạn ứng tuyển vị trí kế toán, một vị trí cần đến sự tỉ mỉ và chính xác, và bạn nói sở thích của bạn là ca hát. Cũng chẳng có gì sai, nhưng đâu có liên quan lắm đâu nhỉ?

Sở thích không nhất thiết phải là những thứ quá cao siêu như các bạn hay viết trong CV như đi du lịch, đọc sách, vân vân. Đôi khi có những hoạt động hằng ngày của bạn, sẽ giúp bạn luyện được những kĩ năng tốt cho công việc bạn đang ứng tuyển đó. Ví dụ mình có thể liệt kê sở thích đá bóng của mình trong CV, vì đá bóng đòi hỏi phải làm việc nhóm nhiều, và làm việc nhóm là một trong những kĩ năng nhà tuyển dụng đòi hỏi ở một người làm Truyền thông.

Một vài kĩ năng hay ho nên liệt kê là gì?

  • Lập trình, coding (cho người ứng tuyển IT)
  • Viết blog về thời trang (cho ai muốn thành nhà báo)
  • Huấn luyện đội bóng thiếu nhi ở làng (cho ai muốn làm trainer trong phòng gym chẳng hạn).
  • Chủ tịch câu lạc bộ ở trường (cho bạn nào thích làm sếp)
  • Làm bánh (cho bạn nào thích lĩnh vực nhà hàng, khách sạn)

Nói chung một lần nữa, mình muốn nói là, sở thích không nhất thiết phải liên quan trực tiếp đến công việc. Ví dụ một người làm event không nhất thiết sở thích của em là chạy event mỗi ngày. Sở thích có thể là đi bar với bạn bè, tổ chức hội họp, vân vân.

Thế nếu em chẳng có kĩ năng nào hay ho thì sao?

Thì thôi chứ sao! Đừng có bịa ra rồi viết vào CV, đến lúc bị hỏi lại mệt lắm. Mình nhớ đâu có lần một bạn bảo em thích đọc sách, đi phỏng vấn được hỏi thế sách mới nhất em vừa đọc là gì, lại ngắc ngứ luôn. Tội chưa!

Thích đi chơi, thích ăn quà vặt, thích đi xem phim là những sở thích rất hay ho mà rất nhiều người chúng mình ai cũng thích. Nhưng chúng không đủ hay ho để bạn viết vào CV đâu nhé.

Nếu bạn muốn tạo sợ khác biệt với ứng viên khác mà chẳng tìm thấy sở thích nào hay ho, bạn có thể bổ sung thêm phần ‘Volunteer’ hay ‘Extracurricular Activities’ vào CV của bạn. Thêm những hoạt động tình nguyện như hiến máu nhân đạo, thăm trại trẻ mồ côi cũng hay đấy chứ.

Thế cuối cùng là viết hay không viết sở thích?

Câu trả lời là tùy.

Viết nếu bạn cảm thấy mình có những sở thích phù hợp với ngành nghề ứng tuyển, hãy viết vảo. Còn nếu bạn cảm thấy CV của bạn quá dài, thì tốt nhất đừng nên cố tham lam. Đây là một số kinh nghiệm cá nhân của mình:

Ai thì nên viết sở thích?

  • Những bạn nghỉ học đã lâu
  • Những bạn mới tốt nghiệp
  • Bạn nào thiếu kinh nghiệm
  • Và bạn nào có sở thích liên quan trực tiếp đến công việc

Những ai thì không nên viết sở thích?

  • Những bạn chẳng biết mình thích gì
  • Những bạn mục đích viết để cho CV dài thêm
  • Những bạn CV đã có quá nhiều thông tin

Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng bạn nên biết phải nói gì khi viết sở thích vào CV nhé. Đừng viết bừa rồi đến lúc đi phỏng vấn lại lặng im hen.

Đăng ký dịch vụ sửa CV chuyên nghiệp, tư vấn hướng nghiệp và giúp đỡ bạn kết nối với nhà tuyển dụng: http://bit.ly/Sua-CV-giup-ban

Đăng ký dịch vụ sửa CV trong vòng 24h, giá chỉ với 50,000 VND. http://bit.ly/CV24hVN

Mọi thắc mắc dịch vụ và trao đổi về nội dung bài viết, hãy liên hệ đến địa chỉ mail anhtuanle234@gmail.com

Chúc bạn cuối tuần nhiều niềm vui!

3 bình luận cho “Em có nên viết sở thích vào CV không?”

  1. Ví dụ em apply nhân viên phục vụ quán đồ ăn nhanh thì viết sở thích đọc và thực hiện công thức nấu ăn vào CV chắc là được ạ? Cám ơn anh Tuấn Anh ạ!

    Thích

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.