Thời gian trước mình cũng thích đọc sách theo thành tích. Nào là thi đọc 1 quyển 1 ngày hoặc thi đọc 365 quyển sách một năm, mục đích chẳng gì khác ngoài sống ảo khoe lên mạng xã hội với mọi người là mình đọc rất nhiều.

Nhưng rồi mình nhận ra là sống ảo cũng chỉ có ‘thời hạn’ nhất định của nó. Mình sống ảo được thì người ta cũng sống ảo được, chẳng có gì khiến mình khác biệt cả. Cái có thể khiến mình khác biệt trường tồn với thời gian như ‘bức tường’ được đấy là kiến thức mà mình áp dụng được khi đọc quyển sách đấy.

Thế nên mình quyết định đổi chiến lược. Mình học một số phương pháp đọc sách hiệu quả từ những người đọc sách nhiều và quyết định áp dụng với bản thân.

1. Đọc có mục đích

Trước khi mình quyết định mua và đọc một quyển sách nào đấy, mình dành thời gian tưởng tượng xem mình muốn học, lấy được cái gì từ cuốn sách này. Mình tin là mọi thể loại sách, dù chủ đề gì đi chăng nữa cũng có thể giúp ích được phần nào trong cuộc sống của chúng ta.

Lấy ví dụ có muốn cuốn mình được giới thiệu đấy là cuốn Lean In của cô Sheryl Sandberg. Thành thật với bản thân mình là một đứa thích những thứ ‘xôi thịt’ thì những cuốn có nội dung đậm chất ‘business’ như cuốn này thực sự không có cuốn hút mình cho lắm. Nên lúc đó mình đọc xong cũng để đó thôi, không có vào đầu nhiều.

Sau này khi mình bắt đầu đi làm rồi, phải làm việc với nhiều bạn nữ trong công ty, cần hiểu hơn về cách làm việc, cách suy nghĩ của các bạn nữ khi đi làm thì bỗng nhiên thấy nội dung cuốn Lean In rất là giá trị vào thời điểm đấy. Mình tin là các bạn nữ cũng vậy thôi à, có thể khi các bạn đọc cuốn này vào thời sinh viên thì thấy không giúp ích được gì cho lắm, nhưng khi đọc vào thời điểm đã đi làm rồi thì sẽ có một cái nhìn khác.

Vậy nên mình nghĩ là không có sách nào quá là dở. Quan trọng là chọn sách đúng thời điểm và bổ trợ được cho những gì chúng ta đang cần bây giờ. Ví dụ mình phát triển và hướng nghiệp và làm việc hiệu quả, mình sẽ dành thời gian để đọc những cuốn sách về các chủ đề này. Vì nó phục vụ cho mục đích công việc của mình, nên tự nhiên khi mình đọc sách cũng tập trung và bớt buồn ngủ hơn.

2. Đọc xong dạy lại cho người khác

Với cá nhân mình (và mình nghĩ cũng hợp với nhiều bạn), việc chia sẻ lại kiến thức cho người khác là cách học nhanh nhất. Lần tới khi đọc một cuốn sách có thông tin gì đó hay ho, hãy chia sẻ lại với bạn bè của mình, nói ở trong một cuộc nói chuyện sẽ khiến bản thân nhớ lâu hơn.

Ví dụ hôm nay mình đọc cuốn Thiện Ác Smartphone của TS. Đặng Hoàng Giang có một đoạn như sau:

Nhục, giống như cái lạnh, về bản chất là sự thiếu hơi ấm. Và khi nó đạt tới mức độ mạnh mẽ bao trùm, nhục được cảm nhận như sự lạnh giá, một cảm giác của chết chóc và tê liệt. Trong ‘Inferno’ của Dante, tầng thấp nhất của địa ngục không phải là nơi của lửa thiêu, mà của băng giá, của giá lạnh tuyệt đối. 

Đọc xong đoạn này hôm nay trên đường chở gấu đi làm, mình hỏi gấu ‘Đố em biết tầng thấp nhất của địa ngục là gì? Không biết đúng hông. Tầng thấp nhất là băng giá đấy, vì băng giá là cô đơn, lạnh lẽo, còn đáng sợ hơn lửa thiêu nhiều. Thế là nhớ nội dung đã đọc lúc sáng.

Ở trên là một ví dụ vui vậy thôi. Nếu bạn đọc nhiều và có một kiến thức nhất định về một lĩnh vực, bạn có thể tổ chức một hội nho nhỏ chia sẻ lại những vấn đề đó. Hoặc bạn lên Facebook viết review, cảm nghĩ của bản thân về cái đó cũng là một cách để nhớ rồi.

3. Ghi chú, chụp lại, viết lại những thứ đã đọc

Ai đọc sách chắc chắn cũng đồng ý với mình đấy là chúng ta càng dành thời gian lưu lại những gì đã đọc thì chúng ta sẽ càng nhớ lâu hơn.

Lưu lại thì có nhiều cách, tuỳ vào sở thích và ‘độ giữ gìn’ sách của mỗi người mà chúng ta có cách đánh dấu thông tin khác nhau.

Ví dụ bản thân mình thì thích gập đầu trang sách có nội dung mình thích lại. Có bạn thì lấy bút để kẻ dòng câu yêu thích, có bạn thì dùng bút để highlight, có bạn thì lại thích lấy smartphone ra chụp ảnh lại

Nói chung là cho dù bạn chọn cách nào, tip duy nhất mình muốn đưa ra là hãy đánh dấu để đó rồi đọc tiếp. Ví dụ khi mình quyết định bỏ ra 1 tiếng đọc sách, cứ đọc đến đâu hay thì mình đánh dấu lại, sau đó đọc tiếp. Sau khoảng 50 phút thì mình sẽ dừng đọc, 10 phút cuối mình sẽ dành thời gian xem lại những cái mình đã đánh dấu, như vậy sẽ giúp mình nhớ lại một lần nữa và nhớ lâu hơn.

4. Tưởng tượng những gì mình đang đọc

Các bạn có biết vì sao tiểu thuyết kiểu Harry Potter rồi The Hunger Games các kiểu lại khiến chúng ta nhớ lâu, nhớ kĩ về cốt truyện và nhân vật không? Trong khi cũng là sách mà đọc vài trang sách self-help hoặc tiểu sử ông này ông kia là lại buồn ngủ.

Đấy là vì với tiểu thuyết nó có bối cảnh, có nhân vật, mô tả rõ ràng nên ta dễ mường tượng. Vậy thì để đọc những quyển sách dạy kinh doanh, dạy kĩ năng và nhớ được lâu, ta cũng nên cố gắng dành thời gian để mường tượng ra những gì mà người ta dạy trong sách đấy.

Ví dụ khi mình đọc cuốn Body Language của Allan Pease và Barbara Pease, mình được dạy là khi nói chuyện với người đối diện, để tạo sự tin tưởng thì nên để lộ lòng bàn tay với người khác. Vậy là mình sẽ ngồi tưởng tượng xem sắp tới mình có buổi phỏng vấn, mình sẽ nói gì và dùng tay như thế nào để lộ lòng bàn tay trong buổi phỏng vấn đó.

5. Áp dụng ngay một thứ đã đọc được

Để cơ thể điều hoà thì ngoài việc chúng ta ăn vào, chúng ta còn phải thải ra mỗi ngày nữa. Tương tự với việc đọc sách cũng vậy đó, nếu chúng mình ‘nhận vào’ mà không ‘thải ra’ thì kiến thức cũng hổng có ý nghĩa gì cả.

Để phát triển bản thân tốt hơn từ việc đọc sách, không quan trọng là việc bạn đọc được bao nhiêu, mà quan trọng là việc bạn áp dụng được bao nhiêu thứ từ trong sách đấy. Vậy nên khi đọc xong một quyển sách hoặc một chương sách, hãy hỏi bản thân mình:

Mình có thể áp dụng được gì từ chương/ quyển sách này cho cuộc sống hiện tại của mình không?

1 bình luận cho “ĐỌC như nào để HỌC được nhiều?”

  1. Bài viết thật sự rất hay ạ. Có thể ứng dụng rất nhiều trong việc đọc sách của em. Cảm ơn anh đã chia sẻ ạ.

    Vào 13 thg 6, 2017 11:57, “Anh Tuan Le” đã viết:

    > Anh Le posted: “Thời gian trước mình cũng thích đọc sách theo thành tích. > Nào là thi đọc 1 quyển 1 ngày hoặc thi đọc 365 quyển sách một năm, mục đích > chẳng gì khác ngoài sống ảo khoe lên mạng xã hội với mọi người là mình đọc > rất nhiều. Nhưng rồi mình nhận ra là sống ảo ” >

    Thích

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.