Trong bài chia sẻ của mình, ông Raza Abbas đến từ Pakistan – đã tổng kết và chia sẻ lại chương trình nâng cao nhận thức hướng nghiệp dành cho phụ huynh ở Pakistan. Có một số điểm chính Tuấn Anh ghi chép lại và học được từ bài chia sẻ này đó là:
1/ Tình trạng phát triển hướng nghiệp ở các nước Nam Á
Theo người trình bày, để hỗ trợ phát triển hướng nghiệp dành cho học sinh khu vực châu Á, cần phải có 3 điểm dưới đây:
- Một hệ thống hỗ trợ giúp khám phá và nuôi dưỡng tiềm năng của mỗi học sinh ở trường. Mình có thể hiểu nôm na một cách đơn giản là cần một phòng hướng nghiệp hoặc các chương trình hướng nghiệp chỉn chu tại trường.
- Giảm ranh giới (gap) về hướng nghiệp, nghề nghiệp giữa phụ huynh và các em học sinh.
- Thúc đẩy ba mẹ, thầy cô, chuyên viên tư vấn trở thành cầu nối để giúp các em học sinh hiểu hơn về tầm quan trọng của hướng nghiệp.
Ba cái cần này Tuấn Anh thấy hoàn toàn đúng khi áp dụng vào thị trường hướng nghiệp hiện tại tại Việt Nam.
- Hiện tại không có quá nhiều trường cấp ba và cả đại học có một phòng hướng nghiệp đầy đủ các chức năng. Thường một phòng hướng nghiệp đầy đủ chức năng chỉ thấy ở các trường quốc tế. Còn lại chủ yếu là các hoạt động hướng nghiệp lẻ tẻ do nhà trường hoặc thầy cô tâm huyết làm.
- Vẫn có một khoảng cách lớn về độ hiểu thế giới nghề nghiệp giữa ba mẹ và con cái, đặc biệt là các ba mẹ đã lớn tuổi hoặc ở các vùng quê. Ví dụ đơn giản, làm sao cho ba mẹ hiểu rằng con cái họ có thể làm những nghề như “Digital Marketing”, “Quản lý quán rượu”, vân vân.
- Ngày càng nhiều thầy cô và ba mẹ ở Việt Nam quan tâm hơn đến chuyện hướng nghiệp, vấn đề bây giờ là phải làm sao để các thầy cô và ba mẹ có cơ hội tiếp cận được với các tài liệu hướng nghiệp chất lượng, phù hợp chứ không phải các tài liệu rác đang trôi nổi ngoài xã hội kia.
Ngoài ba điểm cần, tác giả còn chỉ ra ba vấn đề gặp phải trong hướng nghiệp đó là:
- Việc thiếu định hướng và giáo dục nghề nghiệp tạo nên sự “vừa thừa vừa thiếu” ở thị trường lao động. Ví dụ ở Việt Nam, thừa quá nhiều các cử nhân trong khi những lao động tay nghề cao trong lĩnh vực Cơ Khí, Y Tế, vân vân lại thiếu.
- Thiếu các chuyên gia định hướng và tư vấn nghề nghiệp.
- Nhà trường, cơ quan ban ngành thiếu tiền để triển khai các dự án hướng nghiệp.
Nếu bạn đọc là người thích đọc sâu nghiên cứu, tác giả có gợi ý một số tài liệu để tìm hiểu thêm về tác động của gia đình tới hướng nghiệp cho con, như hình dưới đây.
2/ Báo cáo dự án hướng nghiệp dành cho cha mẹ tại Pakistan
Trong dự án này, tác giả thí điểm nghiên cứu dựa trên 500 phụ huynh có trẻ đang học từ lớp 8 đến lớp 12 (lý do chọn độ tuổi này vì đây là độ tuổi và trẻ phần nào bắt đầu có nhận thức về chuyện nghề nghiệp tương lai). Tác giả khảo sát thông qua các bảng câu hỏi đầu vào cũng như tổ chức các chương trình đào tạo hướng nghiệp dành cho phụ huynh. Một số ghi chép nhanh theo ý hiểu của Tuấn Anh đó là:
1/ Để tăng hiệu quả hướng nghiệp tại trường, cần:
- Có một tổ chức chính thống tại mỗi trường phụ trách chuyện hướng nghiệp. Có thể là một phòng ban, một câu lạc bộ. Việc này tạo sự nhận thức cho cả phụ huynh, học sinh và thầy cô rằng khi họ có vấn đề và ý tưởng liên quan đến hướng nghiệp, họ có thể tìm tới đây.
- Tăng cường tổ chức các chương trình hướng nghiệp cho phụ huynh có con học cấp 2 và cấp 3. (Tác giả gọi cái này là “supply side” – tức là tăng nguồn cung).
- Bên cạnh việc tăng nguồn cung bằng chương trình, chúng ta cũng cần tăng “nguồn cầu” bằng cách tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh về chuyện hướng nghiệp – từ đó giúp phụ huynh nhìn ra tầm quan trọng của việc này để tích cực tham gia vào các chương trình kể trên.
2/ Sự khác nhau về góc nhìn nghề nghiệp giữa ba mẹ và con cái
- Ba mẹ: Nghề nào mang đến sự ổn định? Con cái: Con thích những nghề có sự phát triển và làm việc ở công ty lớn.
- Ba mẹ: Con nên theo đuổi những nghề cơ bản như bác sĩ, giáo viên, vân vân – gọi là nghề truyền thống. Con cái: Con thích khám phá những nghề mới, nhiều tiềm năng như Social Media, Blockchain, vân vân.
- Ba mẹ: Băn khoăn chuyện đầu tư tiền cho con học như thế nào cho hiệu quả. Con cái: luôn mong muốn được đi học ở nước ngoài.
- Ba mẹ: Quan tâm đến truyền thống gia đình, mong con cái học nghề có thể nối dõi ba mẹ. Con cái: Thích sự tự do, thích được làm chủ.
- Ba mẹ: Có một số ba mẹ mong con theo học những nghề mà trước đây ba mẹ có ước mơ nhưng không được học. Con cái: Mong muốn sự tự do chọn lựa.
Đánh giá nhanh của Tuấn Anh thì đây là một bài báo cáo cơ bản về thực trạng tại Pakistan, nếu chúng ta để ý thì cũng có phần nào khá giống với thực trạng hiện tại ở Việt Nam phải không mọi người?