Không biết các bạn trước khi đi làm công việc đầu tiên có hồi hộp không? Mình nhớ lúc mình được nhận công việc đầu tiên là nhân viên Marketing cho một trung tâm tiếng Anh, mình hồi hộp cực kỳ. Không biết phải nói chuyện với sếp thế nào, làm sao để thân thiện với mọi người, công việc phải làm những gì, vân vân và mây mây.
Sau này trải qua nhiều công việc khác nhau rồi, nhưng mỗi lần đổi việc và chuyển sang một môi trường mới mình vẫn cứ hồi hộp như ngày đầu tiên.
Mình nghĩ chắc nhiều bạn cũng hồi hộp và băn khoăn lắm cho công việc đầu tiên, vậy nên mình viết bài này chia sẻ một vài bí kíp giúp các bạn chuẩn bị cho ngày đi làm đầu tiên tốt hơn, suôn sẻ hơn nhé.
1/ Cách để kết thân với mọi người trong công ty
Với một công việc đầu tiên hay một môi trường mới, cái mà chắc nhiều bạn băn khoăn nhất là làm thế nào để kết thân được với mọi người trong công ty đúng không? Làm gì thì làm, cũng phải có những mối quan hệ tốt mà – nên càng sớm làm thân với mọi người được bao nhiêu thì mình càng dễ hoà nhập với công ty bấy nhiều.
Một số giải pháp mình làm đấy là:
Một tuần đầu tiên mình sẽ không mang cơm trưa đi làm. Tính mình rất là tiết kiệm, nên thường đi làm thì mình sẽ mang cơm nấu ăn từ nhà đi. Tuy nhiên nếu chuyển sang một công ty mới, một tuần đầu mình sẽ không mang cơm ở nhà đi. Lý do đơn giản là mình muốn đi ăn trưa cùng mọi người – ăn trưa là cách nhanh nhất để kết nối với mọi người trong công ty. Có thể có lúc đi ăn trưa cùng cả phòng ban, có thể có lúc chỉ đi ăn trưa với một hai người thôi, thế nào cũng được. Miễn sao là phải đi ăn trưa. Ăn xong thì có người thích cà phê cà pháo nữa, một tuần đầu tuy bạn thích ngủ trưa lắm nhưng cũng cứ thử hi sinh giấc ngủ một chút nhé, để làm quen với mọi người mà.
Khi giới thiệu mình sẽ nói tên mình trước. Thường ngày đầu đi làm thì nhân viên mới sẽ được một anh chị nào đó dắt đi giới thiệu với các nhân viên cũ nè. Và việc thường xảy ra là anh chị đó giới thiệu ‘Đây là bạn A – nhân viên phòng X’ – hai bên nhìn nhau cười cái rồi thôi. Đảm bảo đi một hồi bạn sẽ chẳng nhớ ai với ai, mà người ta cũng chả có ấn tượng gì về bạn. Tip của mình ở đây là, khi được giới thiệu với ai, bạn hãy chủ động tiến tới bắt tay người ấy và nói “Em chào anh/chị, em tên là A, ở phòng gì đó‘. Việc chủ động khiến cho người ta nhớ mình lâu hơn, bạn cũng có thể hỏi tên người ta luôn cho người ta đỡ ngại ngần.
2/ Hiểu rõ những điều cơ bản về hợp đồng lao động
Đây là vấn đề mình thấy các bạn trẻ, đặc biệt là các em sinh viên thường coi nhẹ hoặc có thể là chưa được ai dạy nên dễ bị nhà tuyển dụng chèn ép. Nói hết về hợp đồng lao động trong một bài viết thì sẽ khô khan lắm, nên mình sẽ tóm ra đây một vài ý mà các em nên lưu ý hen.
Thời gian thử việc. Tại Việt Nam, pháp luật quy định thời gian thử việc tối đa là 60 ngày, phụ thuộc vào tính chất công việc chứ không phải bằng cấp của người xin việc. Cụ thể:
- 60 ngày đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên
- 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp
- 6 ngày đối với các công việc khác
Mức lương thử việc. Sau khi xem xét thời gian thử việc, một vấn đề khác các bạn cần quan tâm là mức lương thử việc. Mức lương thử việc ít nhất phải bằng 85% lương chính thức, trong đó lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiếu vùng. (Các bạn lên Google tìm ‘lương tối thiểu vùng’ để nắm được con số nhé).
Có cần nộp bằng tốt nghiệp gốc? Các bạn cần lưu ý là bằng gốc chỉ cấp 1 lần; đề nghị cấp lại cũng chỉ là bản sao. Vì thế, phía tuyển dụng không có quyền yêu cầu người lao động phải nộp văn bản gốc, gồm giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ…
Thời hạn hợp đồng lao động sau khi thử việc. Có 3 loại hợp đồng mà doanh nghiệp có thể ký với người lao động:
- Hợp đồng không xác định thời hạn (hợp đồng dài hạn)
- Hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng)
- Hợp đồng theo mùa vụ hoặc giao kết thực hiện một công việc nhất định (dưới 12 tháng).
Nói chung theo luật thì người ta cấm sử dụng hợp đồng mùa vụ với các công việc thường xuyên. Ví dụ bạn vào ngân hàng cho vị trí chăm sóc khách hàng hoặc trực tổng đài mà hợp đồng 3 tháng thay vì 12 tháng là sai với quy định.
3/ Một số lưu ý nữa thôi
Tốt nhất là ngày đầu tiên đi làm sớm. Ví dụ công ty yêu cầu bạn đến lúc 8:30, thì cứ có mặt từ 8:00 cho chắc. Tránh trường hợp kẹt xe này kia, bạn đến muộn trong ngày đầu tiên đi làm thì cũng không vui vẻ lắm. Nữa là khi đi làm sớm, bạn sẽ gặp từng người đến công ty lần lượt, việc đến và quen một người sẽ thoải mái hơn là đến và giới thiệu bản thân trước một đống người đúng không.
Tối đầu tiên trước khi đi làm, hãy viết ra lý do vì sao mình chọn công việc này. Vì khả năng rất cao là sau 1 tháng, 2 tháng vì một lý do nào đó bạn sẽ cảm thấy thật là chán. Đấy là lúc bạn cần ngồi lại và xem xem vì sao ngày xưa mình chọn công việc này, bây giờ lý do đó có còn phù hợp với mình nữa không.
Vậy nhen, chúc các bạn nhân công việc mới thật vui.
Với các bạn chưa tìm được việc, mình có thể hỗ trợ tại đây: http://bit.ly/TuVanCaNhan
Các bài viết khác về chủ đề tìm việc: https://anhtuanle.com/articles/
1 bình luận cho “Cần Chuẩn Bị Gì Cho Công Việc Đầu Tiên?”
[…] Cần Chuẩn Bị Gì Cho Công Việc Đầu Tiên? […]
ThíchThích