Ngày 01/11/2018

Hôm nay là ngày một tháng mười một, tôi tự cho bản thân mình tham gia một thử thách kì quăc, đó là viết một cuốn tiểu thuyết trong vòng ba mươi ngày. Trò chơi này cực kỳ đơn giản, trong một tháng tôi đặt mục tiêu viết tự do được 50,000 từ, tương đương mỗi ngày là 1,667 từ. Mục tiêu là cứ viết, viết và viết thôi – đừng đọc lại mà cũng đừng chỉnh sửa gì những gì đã viết hết. Và chắc chắn là sau một tháng tôi sẽ cho ra một cuốn ‘tiểu thuyết’ hay gọi là sách nhiều chữ gì đó, chất lượng dở tệ nhưng chắc chắn là sẽ rất rất vui.

Tôi sẽ tự đặt tên cho dự án này của bản thân là ‘Dự án hạnh phúc’, trong ba mươi ngày tới tôi sẽ viết về những ‘hạnh phúc’ mỗi ngày của bản thân và của người khác. Tôi sẽ viết dưới góc nhìn ở ngôi thứ nhất, của bản thân vì tôi biết mình chỉ giỏi tự kể lể như vậy thôi, không có giỏi tạo ra nhân vật và những cuộc hội thoại như những cuốn tiểu thuyết thông thường.

Hôm nay là ngày 01/11/2018, tròn hai năm kể từ ngày tôi chính thức ‘rời bỏ’ Hà Nội mà vào Sài Gòn. Tôi rời bỏ thủ đô một phần vì kết thúc một mối tình, một phần để tìm kiếm những cơ hội mới cho nghề nghiệp của bản thân mình. Hai năm vậy mà trôi nhanh như một cái chớp mắt. Vô tình làm sao đúng hai năm sau tôi lại đang nghỉ lễ tại Hà Nội. Nhìn lại bản thân hai năm qua, thấy bản thân mình cũng đã làm được rất rất nhiều điều. Tôi viết và cho ra mắt hai cuốn sách tên là Nhắm mắt bắt được việc và Định vị bản thân, hoàn thiện ước mơ có một sản phẩm mang tên mình. Và thật vui hơn nữa khi biết rằng cuốn sách của mình có thể giúp cho người khác tìm được công việc tốt hơn và hạnh phúc hơn với công việc của họ. Đó là điều mà tôi luôn tâm niệm trong những dự án mình làm. Tôi chẳng cần cả trăm nghìn người biết đến mình một cách hời hợt, nếu chỉ có một người biết đến và thực sự những gì tôi chia sẻ đã giúp được họ, với tôi như vậy là thành công. Trong năm 2017, tôi đã mở ra bốn lớp học hướng nghiệp và phát triển bản thân – nơi tôi được gặp gỡ hơn 50 con người đáng yêu, ở đủ mọi hoàn cảnh, đủ mọi tính cách. Và hiện giờ tôi được làm trong một công ty cực kỳ phù hợp với bản thân, nơi tôi được tự do thể hiện những gì mình có khả năng làm cũng như được theo đuổi về đam mê hướng nghiệp của mình.

Tôi tin rằng hạnh phúc đến từ những thói quen hằng ngày, không cần phải đi tìm kiếm ở đâu xa xôi. Đó là một phần lý do tôi chọn công việc thúc đẩy, tạo động lực cho mọi người xây dựng những thói quen tốt nhiều nhất có thể. Một thói quen tốt tôi thấy đó là tập thể dục. Có rất nhiều cách để tập thể dục, có thể ra phòng tập, có thể chạy bộ, bơi, chơi bóng đá, bóng chuyền hay bất cứ môn thể thao nào mà bản thân cảm thấy thích. Tôi đặt ra mục tiêu cho bản thân là ngày nào cũng phải vận động, môn gì cũng được, nhưng phải vận động. Nếu được chơi thể thao là tốt nhất. Còn không thì chạy bộ, nếu không chạy bộ được thì phải đi bộ 10,000 bước chân. Cá nhân tôi thấy rằng vận động rất tốt, chắc chắn là tốt cho sức khỏe và ngoài ra nó còn tốt cho tinh thần. Bạn cứ thử tập thể dục một lần và nhớ lại cảm giác lúc vừa mới tập xong mà xem, tuy có mệt nhưng rất nhẹ nhàng và thoải mái. Đó là lý do mà tôi nghĩ rằng, nếu bản thân là một đứa có nhiều suy nghĩ trong đầu, và những suy nghĩ đó là những suy nghĩ tiêu cực chẳng hạn, hãy bước chân ra ngoài để tập thể dục.

Cái thói quen thứ hai mà tôi thấy tốt đó là ăn uống. Thời buổi bây giờ, ăn sạch được là tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, để hiểu rõ về thành phần của đồ ăn cũng như biết bản thân cần gì, cần phải có quan sát cụ thể. Việc đầu tiên mà tôi có thể làm đó là ghi chép lại những gì mà bản thân đã ăn. Ví dụ sáng nay tôi ăn một bánh mỳ Doner Kebab, buổi trưa ăn một bát cơm cùng với trứng kho thịt, buổi tối ăn một tô cơm niêu Singapore. Việc ghi chép lại hằng ngày ăn gì sẽ là bước đầu tiên để tôi giúp bản thân mình kiểm soát ăn uống tốt hơn. Hôm nay vẫn có một thứ chưa ổn đó là tôi vẫn uống nước ngọt, thứ mà đáng ra nên tránh xa ra nhất có thể. Chắc là vì bản thân chưa phát bệnh gì nên vẫn chủ quan đây mà.

Mấy ngày nay tôi có dịp trò chuyện với nhiều bạn bè từ cả ba miền bắc trung nam và nhận ra được rất nhiều điều thú vị về cuộc sống của ba miền. Ví dụ, người Bắc mà tôi gặp thường nói với tôi rằng dân miền Nam ăn chơi lắm, kiếm mười tiêu mười một chẳng biết tiết kiệm chắt chiu gì. Người Nam thì nói rằng người Bắc tằn tiện quá, làm mà không ăn tiêu sao mà khổ quá vậy. Nói chung là mỗi người một kiểu. Tôi học được rằng có lẽ cuộc sống người Bắc do chịu ảnh hưởng từ thời xưa chiến tranh cho đến bao cấp, việc họ đã quen với cái khổ, với những thảm họa thiên nhiên nên họ phải tập làm quen với việc chắt chiu, trong nhà lúc nào cũng có khoảng dự phòng. Dân miền Nam tiếp xúc với những tư tưởng phóng khoáng hơn, dân miền Tây thì cứ đói ra ao là có cá, nên tâm lý của họ có vẻ thích hưởng thụ hơn. Tôi không nghĩ rằng có điều đúng hay sai ở đây cả. Bản thân tôi thích cả hai đức tính của hai miền, và tôi chấp nhận cả hai đức tính đó. Sao cứ phải tranh cãi về hai vấn đề khác nhau mà không có lời giải, thay vào đó không tận hưởng sự thú vị khác biệt đó chứ nhỉ?

Gặp lại cô bạn cấp ba, đã có con trai gần hai tuổi. Những câu chuyện, những suy nghĩ mà bạn chia sẻ với tôi thật khác. Bạn đề cao sự ổn định gia đình, bạn không thích việc đi đây đi đó. Cũng dễ hiểu thôi, vì bạn đã lập gia đình và bắt đầu có con, bạn đã hiểu hơn về sự khó khăn, cực khổ của ba mẹ dành cho con cái mà. Cũng may, bản thân tôi sinh ra trong một gia đình được ba mẹ thương. Thương nhưng không ép phải nghe theo. Thương và vẫn để tôi tự do với những lựa chọn của bản thân mình.

Bạn đọc đến đây có thấy nội dung bài viết này thật nhảm nhí không? Ừ thì nó nhảm nhí thật mà vì tôi viết mà đâu có nghĩ đến một cấu trúc nào đâu. Tôi nghĩ đây cũng là một điều hạnh phúc. Cứ coi tất cả những suy nghĩ của bản thân giống như một dòng chất gì đó, mỗi một từ viết ra đây là ta đang rót hết những suy tư trong lòng, cả tích cực và tiêu cực ra con chữ. Để trước khi đi ngủ, ta có cho mình một cái đầu trống rỗng, không nặng đầu suy nghĩ về bất kỳ vấn đề gì. Ngày mai khi ta thức dậy, ta sẽ là một con người mới, ta mới vừa sinh ra, ta chẳng có gì ngoài cơ thể trần trụi của mình – ta bắt đầu một ngày mới như vậy. Việc bắt đầu một ngày mới một cách trần trụi sẽ giúp ta sắp xếp lại thứ tự ưu tiên tốt hơn cho cuộc sống. Ta sẽ biết quý trọng hơn những thứ đơn giản như ăn sáng, đi bộ, nhìn thấy người thân thay vì sáng sớm ngủ dậy đã lo lắng về công việc này kia.

Viết đến đây thì quả nhiên tôi cạn kiệt nguồn ý tưởng – tuy rằng chỉ còn khoảng một trăm từ nữa là đủ chỉ tiêu ngày hôm nay rồi. Thôi thì mong bạn đọc tới đây lấy bài viết này làm cảm hứng, đặc biệt là với những bạn thích viết, hãy tham gia thử thách viết 50,000 từ trong một tháng này cùng tôi nhé.



Ngày 02/11/2018 – 22:05′ Hạnh phúc dến từ đâu? 

Trong khuôn khổ một ngàn rưỡi từ hôm nay, tôi muốn đàm đạo về chuyện hạnh phúc đến từ đâu? Tôi nghĩ đơn giản rằng, hạnh phúc đến từ chính chúng ta, từ bên trong mỗi người chứ chẳng phải đến từ đâu cả.

Bản thân ta cứ nghĩ rằng, nếu đạt được một điều gì đó ta muốn thì sẽ hạnh phúc. Hồi cấp ba ta nghĩ rằng nếu làm bài kiểm tra tốt được điểm cao sẽ hạnh phúc. Thi đỗ đại học sẽ hạnh phúc. Nộp đơn vào một công ty mình yêu thích và được nhận sẽ hạnh phúc. Thăng chức sẽ hạnh phúc. Và danh sách những hạnh phúc bên ngoài cứ nối dài như vậy mãi. Thật là đáng buồn nếu chúng ta cứ phải theo đuổi những thứ hạnh phúc bên ngoài như vậy. Nếu chúng ta đặt ra mục tiêu và đạt được những mục tiêu đó – thật may mắn. Nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng như vậy, sẽ có những mục tiêu không đạt được hoặc những mục tiêu chỉ hoàn thành được một nửa mà thôi. Nếu điều đó xảy ra, chẳng lẽ ta lại không hạnh phúc?

Vậy nên hạnh phúc phải đến từ trong tâm. Hạnh phúc phải đến từ chính mình. Mình phải học cách làm sao chỉ ngồi im thôi cũng thấy hạnh phúc. Được ngồi im trên mặt đất, với đầy đủ chân tay, thở ra thở vào đều đặn, trên người không bệnh tật gì, chẳng phải đó là điều hạnh phúc nhất hay sao. Nếu ta tập làm quen được với hạnh phúc tại tâm như vậy, ta sẽ bớt bị giao động bởi những phiền não bên ngoài, từ đó ta sẽ dễ dàng tìm thấy hạnh phúc nhiều hơn.

Trong một buổi họp mặt gia đình, một cô gái trẻ bị cả đại gia đình ngồi ‘khuyên bảo’, răn đe cô gái chỉ vì cô gái lỡ yêu một anh chàng kém tuổi mình và ở một nơi rất xa. Nàng ở ngoài Bắc còn chàng ở trong Nam, hai người vô tình gặp và quen nhau trong một lần công tác. Mọi người trong gia đình nêu ra rất nhiều lý do về việc vì sao cô gái nên bỏ chàng trai kia đi để làm quen với một người ở gần nhà hơn. Gần nhà hơn để đi lại tiện hơn. Gần nhà hơn để thăm bố mẹ dễ hơn. Gần nhà hơn để khi có công có việc, đám cưới đám giỗ sẽ dễ dàng di chuyển hơn. Trong thâm tâm mọi người, việc chọn chồng ở xa đồng nghĩa rằng cô gái đang làm mất đi tình cảm anh em trong gia đình. Chuyện thì chưa có hồi kết, nhưng cá nhân tôi vẫn mong cô gái dù đưa ra lựa chọn gì, đó sẽ là lựa chọn mà cô gái thấy tốt nhất cho bản thân mình. Cá nhân tôi nghĩ rằng, một người phải có một cuộc sống hạnh phúc, bản thân cảm thấy hạnh phúc thì tâm mới an để đi lo lắng cho người khác được. Làm sao có thể chăm lo cho người khác nếu như chính bản thân mình không thấy hạnh phúc? Nếu bản thân không hạnh phúc, sự chăm lo cho người khác đó có chăng chỉ là nghĩa vụ mà chẳng phải là tình yêu thương.

Sống ở xã hội hiện tại, chắc chắn không thể tránh khỏi việc nghe thấy những điều không hay hoặc không đúng ý mình. Việc mọi người nói và khuyên nhủ chẳng qua là vì họ thương mình thôi, mình cứ nghĩ như vậy. Người Việt Nam thì lại thường hay quan tâm nữa, quan tâm nhiều thì lại nói nhiều. Là một cá thể chúng ta không thể nào bắt họ ngừng nói được, như vậy là vô lễ, là không phải phép. Điều chúng ta có thể làm là tự kiểm soát chính suy nghĩ và hành động của mình. Nghe thì vẫn nghe, nhưng ta biết chọn lọc đâu là cái để tiếp thu, đâu là cái để bỏ qua. Khi một người kể chuyện, ta cứ tập thói quen lắng nghe thật chăm chú, nhưng không nhất thiết phải đồng ý hết với toàn bộ điều họ nói. Và cũng đừng quy chụp điều một người khác nói mà không đúng ý mình là sai, chẳng qua là khác nhau về mặt quan điểm thôi. Mỗi người chúng ta lớn lên trong một môi trường khác nhau, được dạy dỗ và tiếp xúc với những con người khác nhau, chúng ta không thể đòi hỏi họ có suy nghĩ giống chúng ta được.

Để học được hạnh phúc tại tâm, ta tập chú tâm vào mỗi việc mình làm trước. Bưng một ly nước lên uống, ta chú tâm tập trung hoàn toàn vào ly nước đó. Ta cảm nhận tay ta đang chạm vào ly nước. Ta cảm thấy sức nặng của ly nước trong tay khi ta từ từ nâng ly nước lên. Ta nhìn vào trong ly nước, cảm nhận rõ sự sóng sánh của nước bên trong ly. Ta từ từ thưởng thức nước trong ly và cảm nhận vị ngọt của nước nơi đầu lưỡi. Đó là một ví dụ. Ta có thể áp dụng điều này với mọi việc, mọi hoạt động thường ngày trong cuộc sống.

Hôm nay khi ngồi nói chuyện với người khác, tôi phát hiện ra một chuyện rất thú vị về sự im lặng trong một cuộc trò chuyện. Bản thân tôi trước đây sợ sự im lặng xảy ra trong một cuộc trò chuyện lắm. Vậy nên khi ngồi cà phê với một người, tôi cứ cố gắng nghĩ ra càng nhiều thứ để nói để hỏi càng tốt. Vì tôi nghĩ rằng, nếu hai người không nói gì với nhau, chắc chắn đang có thứ gì đó rất nhạt nhẽo ở đây. Nhưng sau này nghĩ lại thì không thấy như vậy. Trong một cuộc trò chuyện mà có một khoảng lặng cũng rất hay. Khoảng lặng để chúng ta sắp xếp suy nghĩ trong đầu tốt hơn, khoảng lặng để chúng ta cảm nhận năng lượng của người khác bên cạnh ta. Có khoảng lặng như vậy, cuộc trò chuyện sẽ chất lượng hơn chứ chẳng hề nhàm chán đi.

Có một việc ta có thể làm mà đạt được hạnh phúc đó là, ta chuyển hạnh phúc sang hành trình thay vì tìm đến đích đến. Nếu ta tìm học bổng, thay vì hạnh phúc khi đạt được học bổng và không hạnh phúc nếu không đạt được, ta hãy hạnh phúc vì trong vài tháng đó ta đã dành thời gian hiểu về bản thân. Nếu chơi thể thao, thay vì hạnh phúc khi thắng và không hạnh phúc khi thua, ta hãy cảm thấy hạnh phúc vì đã có mặt trong buổi chơi thể thao đó. Việc hạnh phúc trên hành trình và hạnh phúc khi hiện diện là việc ta có thể kiểm soát được, còn kết quả thì không.


Ngày 03/11/2018 lúc 20:21 – Ta học sự khác biệt của nhau

Có một học viên hỏi tôi rằng, phải làm sao để thuyết phục được một người bảo thủ phải nghe theo mình hoặc làm theo mình mà họ vẫn vui vẻ hài lòng? Tôi chia sẻ thành thật rằng chẳng có cách nào cả. Mỗi người chúng ta sinh ra trong một môi trường khác nhau, được nuôi dưỡng bởi những con người khác nhau, chúng ta hấp thụ những tư tưởng và dòng suy nghĩ khác nhau, làm sao đòi hỏi chúng ta suy nghĩ giống nhau được. Vậy nên khi trò chuyện với một người không giống ta, thay vì khó chịu vì sự khác nhau đó, ta phải nhìn nhận lại trước đã. Một người ta nghĩ là bảo thủ, họ nghĩ rằng họ là người kiên định. Một người ta nghĩ rằng nhanh nhẩu ẩu đoảng, có thể người khác sẽ thấy rằng đó là người quyết định nhanh và dứt khoát. Ta có thể chia sẻ quan điểm của ta, ta có thể trình bày những gì mà ta nghĩ, nhưng nếu ta vẫn giữ mong muốn thuyết phục được người kia theo ta, ta sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc cả. Một người có thể tìm đến ta để lấy lời khuyên, ta khuyên nhủ họ rất nhiều điều, họ lắng nghe vậy thôi, nhưng việc họ quyết định làm hay không thì ta không thể kiểm soát được. Họ có cuộc đời của họ, ta có cuộc đời của ta mà. Vậy nên, nếu ta đặt sự kì vọng của mình dừng ở mức chia sẻ lời khuyên, thay vì đặt kì vọng ở việc người ta sẽ thay đổi theo mình muốn, ta sẽ dễ dàng hài lòng và vui vẻ hơn.

Trên mạng xã hội có rất nhiều chủ đề chúng ta thường tranh luận với nhau. Lịch sự cũng có, bất lịch sự cũng có. Nhờ có mạng xã hội mà những chủ đề tưởng chừng như rất bình thường trước kia chẳng ai ngó ngàng tới bây giờ được đem ra mổ xẻ. Vấn đề gì cũng có thể mổ xẻ được hết. Tôi đồng ý rằng tranh biện với nhau sẽ giúp cho kiến thức của nhau cùng phát triển, để nâng cao chất lượng kiến thức cũng như nâng cao khả năng suy nghĩ của mỗi người. Đó là nếu tranh biện văn minh. Nếu ta tranh biện và sẵn sàng mở lòng ra đón nhận luồng suy nghĩ khác. Còn nếu ta tranh biện mà cứ giữ khư khư suy nghĩ của riêng mình, chờ đối phương mở ra một lời ta liền bắt lấy làm lỗi, thì chẳng thà không tranh biện còn hơn. Có những cuộc tranh luận về âm nhạc, về đồ ăn, về cái đẹp – là những cuộc tranh biện chẳng bao giờ có hồi kết. Nếu thay vì dành thời gian trì chiết những quan điểm khác biệt của nhau, tại sao ta không học cách mở lòng chấp nhận sự khác biệt đó? Cãi nhau vì khác nhau thì dễ, chấp nhận cái khác của nhau mới khó.

Hãy nói một chút về chuyện xấu hổ và sợ hãi. Chắc nhiều người chúng ta thường xuyên xấu hổ hoặc sợ trước một cuộc gặp gỡ với một người hoặc một nhóm người nhất định đúng không. Ta có thể sợ làm phật lòng nhà tuyển dụng nên họ không tuyển ta. Ta sợ rằng ta thuyết trình gì đó sai thì người khác sẽ cười. Ta sợ rằng ta tỏ tình với một cô gái không thành công thì không còn yêu ta nữa. Ta sợ rất rất nhiều thứ. Tuy nhiên, liệu mọi chuyện có đáng sợ đến thế không? Nếu ta làm trò lố với một nhà tuyển dụng, có chắc là không công ty nào tuyển ta nữa không? Nếu hôm nay ta đứng lên thuyết trình và làm trò cười cho hơn một trăm con người nơi khán phòng, có chắc là khi ta đến một nơi khác, những người mới đó sẽ biết mà cười ta không? Có chắc là nếu ta tỏ tình thất bại với cô gái này, sẽ không còn cô gái nào yêu ta nữa không? Tôi nghĩ là không. Vậy nên mỗi khi cảm thấy hơi sợ hay có cảm giác xấu hổ ngại ngần khi đối diện với một người hay một nhóm người, tôi thường tự nhủ rằng, đây chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ trong cuộc đời của mình thôi, nếu có sai, vẫn còn cả trăm ngàn khoảnh khắc khác cho mình làm lại.

Tôi có thói quen đến sân bay sớm, để được ngắm nhìn những cuộc đời khác nhau ngoài sân bay. Có rất nhiều hình ảnh đối lập ngoài sân bay. Đó có thể là một số ít người hoặc chẳng có người Việt nào cầm một cuốn sách để đọc cả. Thay vào đó là những chiếc màn hình điện thoại cùng những chiếc tai nghe. Đó có thể là hình ảnh những bạn tiếp viên hàng không đẹp trai xinh gái, lịch sự, chuyên nghiệp đối lập với hình ảnh một vài bác nông dân có lẽ là lần đầu đi máy bay vẫn còn bỡ ngỡ. Ở sân bay Việt Nam còn được chứng kiến nhiều điều thú vị và với-người-khác-là khó-chịu-như: một vài người chen hàng lên trên trước bạn, những người để chân rất bẩn lên ghế, những người nói chuyện điện thoại rất to, những người ngồi lên ghế mát xa không nhét tiền vào và để ghế kêu bim bim cả mười mấy phút đồng hồ. Có thể với người nào đó, những khoảnh khắc này sẽ khó chịu lắm. Nhưng với tôi thì không. Việc người khác làm, ta làm sao kiểm soát được. Vậy tại sao lại đi khó chịu vì một điều mà ta không kiểm soát. Thay vào đó, tôi học cách quan sát những điều đó nhưng một sự khác biệt thú vị, tôi quan sát nó như một đứa trẻ lần đầu được ra ngoài xã hội, thấy cái gì cũng mới, thấy cái gì cũng lạ. Tôi chấp nhận và tự an ủi rằng, những điều chưa-phải mà những người đó làm, có thể vì họ chưa hiểu phép tắc lịch sự, chứ không phải họ cố tình như vậy. Dần dần họ sẽ hiểu. Bao giờ họ hiểu thì cũng không sao, tôi vẫn vui vẻ ngắm nhìn những điều khác biệt đó.

Có một cách rất ngược để có sự tự tin trước người khác, đó là bộc lộ hết những gì mình còn kém ra và thừa nhận nó một cách trung thực. Thay vì cứ chém gió về cái mình không biết, cứ thành thật chia sẻ về việc đó và tìm kiếm sự giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng không có ai ghét một người khiêm nhường cả, đặc biệt là một người khiêm nhường mà biết học hỏi.


Ngày 04 tháng 11 năm 2018, lúc 22:06′. Chủ đề: Ta cần phải nói chuyện với nhau 

Một cuộc trò chuyện chất lượng là khi hai người chúng ta tập trung hoàn toàn vào nhau, dành trọn vẹn năng lượng đang có cho nhau, thay vì cho một người nào khác hoặc một nơi nào đó khác. Đó cũng chính là tư tưởng chính của thiền. Thiền không phải là ngồi khoanh chân tạo vẻ bí hiểm, thiền chỉ đơn giản là khi ta chú tâm và một việc mà ta đang làm vào thời điểm đó. Nếu ta đang ngồi im và thở, ta chú tâm vào hơi thở. Nếu ta đang uống ly sinh tố, ta chú tâm vào ly sinh tố đó. Tương tự với một cuộc trò chuyện, thiền khi trò chuyện là khi ta chú tâm và tập trung hoàn toàn vào người đối diện của ta. Một trong những lý do có thể làm ta phân tâm nhiều nhất ở thời buổi hiện nay chính là chiếc điện thoại yêu dấu. Càng nhiều tính năng, chiếc điện thoại càng làm phiền ta. Ta đang ngồi với một người bạn thân ở quán cà phê nhưng tâm trí ta nhờ có chiếc điện thoại lại đang để ý đâu đâu đó khác. Có thể là khi ta trả lời một cuộc gọi của sếp giao việc ở công ty. Hay khi ta trả lời tin nhắn một người bạn khác trên Facebook. Hoặc ta lướt Instagram xem những người xung quanh ta đang sống chết như thế nào. Ta ở đây, nhưng tâm hồn ta lại đang ở chỗ khác. Tương tự vậy, khi ta gặp một người khác, tâm hồn ta lại đang chú tâm đến một người khác nữa. Vậy nên, việc tưởng chừng rất dễ đó là không sờ đến điện thoại khi nói chuyện với một người thật ra lại khó không tưởng. Nếu ta vẫn để sóng điện thoại, ta không thể nào cưỡng nổi cảm giác phải kiểm tra ngay khi có một tin nhắn mới. Nếu bảo ta hãy tắt điện thoại đi và để chế độ máy bay, ta lại lo lắng rằng chẳng may có chuyện gì thì sao?

Một trong những kĩ năng quan trọng để duy trì một cuộc trò chuyện thật ra không phải là việc ta nói gì, mà đó là việc ta nghe như thế nào. Có nhiều học viên tìm đến tôi và hỏi bí kíp để giao tiếp tốt hơn. Tôi hay nói với các em rằng, khoan hãy nghĩ đến chuyện nói cái gì cho hay, nói cái gì để thu hút, hãy tập một việc dễ hơn nhiều trước đó là lắng nghe cho đúng cách đã. Nghe đúng cách là như thế nào? Ta cứ nghĩ đơn giản rằng, nghe là ngồi ở đó, đưa tai ra, để dòng âm thanh chảy vào tai ta, gật gù gật gù – chứ còn gì hơn được nữa. Nhưng thật ra đó không phải là nghe đúng cách. Đó không phải là cách để ta làm tăng chất lượng của một cuộc trò chuyện. Nghe đúng cách có một vài nguyên tắc mà ta phải cân nhắc. Thứ nhất, khi nghe ta phải hiện diện tại đó. Tức là ta tập trung hoàn toàn trí âm, tinh thần và tình yêu cho câu chuyện mà ta nghe. Đừng nghe một người nói chuyện mà ta liên tưởng đến vấn đề khác. Não con người hơn bộ máy một cái về khả năng xử lý liên tục, đó cũng chính là cái dở. Vì não xử lý liên tục, làm cho ta khó mà chú tâm vào một việc duy nhất. Thật không hay ho chút nào khi ta đang nghe bạn A nói chuyện nhưng lại nhớ đến những điều bạn B đã nói với ta ngày hôm qua. Hay khi bạn A kể chuyện tình yêu mà ta lại liên tưởng đến những đổ vỡ trong tình yêu của chính mình. Nói chung, thân xác ở đó nhưng tâm hồn lại bay đâu đâu, đó không phải là nghe.

Thứ hai, đã nghe thì phải trọn vẹn. Đặc biệt là những lúc cãi nhau, thật khó để ta đủ kiên nhẫn nghe một người khác trì triết, nói những điều xấu thật xấu về chúng ta. Tâm lý con người mà, khi nghe điều không hay ta sẽ xù lông lên, lập ra một màng chắn bảo vệ và ngay lập tức phản biện những câu gì đó để bảo vệ cho bản thân mình. Điều đó cũng tốt, nhưng không phải cách hay để giải quyết một cuộc tranh cãi. Có những người cãi nhau với ta, họ thực chất chẳng cần ta phải giải thích hay đưa ra cách giải quyết vấn đề mà họ đang nói, họ cũng chẳng cần ta phải lặp đi lặp lại câu xin lỗi nhiều lần đâu. Cái họ cần là sự thành tâm của ta khi lắng nghe họ, ta lắng nghe với sự tập trung tuyệt đối, ta lắng nghe mà đầu không suy nghĩ về cách để đối đáp lại với họ. Làm được chuyện đơn giản như việc, cuộc tranh cãi đã giải quyết được năm mươi phần trăm vấn đề rồi.

Thứ ba, khi chúng ta giao tiếp với nhau, ta có xu hướng quy chụp cho nhau những tính từ không hay. Ví dụ một lần ta đi trễ, bạn ta nói ngay ‘Cậu suốt ngày trễ hẹn’. Một lần ta làm điều gì đó sai, người yêu ta nói ‘Sao anh không bao giờ thay đổi?’. Những câu như ‘suốt ngày’, ‘không bao giờ’ đó ta có thể buột miệng nói ra một cách rất dễ dàng, nhưng đó lại là những lời làm cho người đối diện nghe rất khó chịu và ngay lập tức họ sẽ dựng lên một bức tường phòng vệ với ta. Một người khi nói chuyện với ta mà đã dựng lên một bức tường phòng vệ thì làm sao ta khuyên bảo họ hay nói được gì với họ nữa. Vậy nên khi góp ý với người khác, một trong những điều ta có thể làm là hạn chế dùng những tính từ chỉ trích và các trạng từ không cần thiết. Ví dụ nếu bạn mình trễ hẹn hai lần trong một tuần, nó chỉ đơn giản là bạn trễ hẹn hai lần một tuần, không phải ‘bạn là một đứa vô trách nhiệm’. Nếu bạn mình không nói những lời yêu thương với mình thường xuyên, đó có thể là ‘một tháng nay anh chưa nói với em là anh yêu em’ chứ không phải ‘anh là một thằng khô khan, không lãng mạng’. Việc bớt đi những tính từ miêu tả sẽ giúp cho những vấn đề được góp ý dễ dàng giải quyết hơn.


Ngày 05 tháng 11 năm 2018, lúc 22:46. Buồn được cứ buồn.

Bạn hỏi tôi: “Làm sao để hết buồn?”. Làm sao để hết giận? Làm sao để hết một cảm xúc tiêu cực nào đó. Nếu là tôi trước đây, tôi sẽ nghĩ ra rất rất nhiều những phương pháp và giải pháp để giúp bạn giải toả những tiêu cực đó. Không biết hiệu quả đến đâu, chắc có người được người không – và chắc là cũng không thể có được những hiệu quả lâu dài. Thời gian gần đây, tiếp xúc nhiều hơn với những hoạt động tâm lý, tôi tự hiểu ra rằng muốn giúp bản thân mình hay giúp cho bất kỳ ai về những cảm xúc tâm lý, thứ ta cần không phải là biện pháp này kia, thứ ta cần đầu tiên là phải hiểu rõ về từng loại cảm xúc trước đã. Sức khoẻ tinh thần cũng quan trọng như thể chất vậy, thế mà ta lại thường dành thời gian quan tâm đến thể chất nhiều hơn, không dành cho tinh thần được sự quan tâm như thế. Ví dụ chỉ cần một chút triệu chứng hắt hơi, sổ mũi hoặc nhức đầu, ta có thể đoán là bản thân sắp bị cảm cúm và cần phải mua thuốc để chữa. Thế nhưng ta lại chẳng nắm được những triệu chứng dẫn đến việc ta buồn hay ta có những cảm xúc tiêu cực. Và khi những thứ tiêu cực đó đến với ta, ta cũng chưa chủ động hay chưa biết cách tìm thuốc cho nó.

Vậy liều thuốc cho tinh thần có thể là gì? Đầu tiên là thuốc phòng ngừa, tức là ta phòng trước các triệu chứng liên quan đến bệnh. Bằng việc tìm đến những tổ chức tâm lý, học những khoá học về Thấu hiểu cảm xúc của chính mình, hoặc tham gia những hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa, ta sẽ học được cách hiểu rõ và sâu hơn về cảm xúc của chính ta. Ta có thể biết được rằng, khi đang giận ta sẽ nóng ở phần nào trên người, ta cảm thấy đau ở đâu và ta sẽ phun ra những lời như thế nào. Khi đang sợ tim ta sẽ đập ra sao, tay ta nóng lạnh như thế nào. Việc hiểu rõ những cảm xúc đó sẽ giúp cho ta biết rõ hơn về những trạng thái tâm lý của bản thân, từ đó có sự phòng trước nếu có trạng thái tiêu cực xảy đến. Thứ hai, nếu ta tiêu cực, đừng ôm nó một mình. Giống như bị sốt, ta đâu thể nào tự nằm một mình được. Phải tìm đến bác sĩ để kê đơn thuốc. Nếu bị sốt đi bác sĩ, ta đâu có ngại. Vậy nếu tinh thần không ổn, cũng đừng ngại đến bác sĩ tâm lý. Các bác sĩ sẽ là người lắng nghe ta, bắt mạch câu chuyện và vấn đề cho ta, họ sẽ không nói cho ta biết cần phải làm gì để giải quyết vấn đề đó nhưng họ sẽ đồng hành cùng ta.

Cá nhân tôi thấy, con gái giỏi hơn con trai ở chuyện nhận biết cảm xúc của người khác, có lẽ là do giác quan thứ sáu. Đấy cũng có lẽ là lý do các chị em dễ phát hiện các anh em ngoại tình hơn, còn các chị em đã ngoại tình mà muốn giấu thì thật khó để các anh em phát hiện ra được. Nhưng tôi nghĩ con trai khó học về cảm xúc hơn con gái không có nghĩa là không thể. Ta có thể bắt đầu học bằng những liều thuốc mà tôi nói đến ở trên. Ta học các khoá học về tinh thần và nghệ thuật để nhìn sâu vào bên trong hơn. Trong những lớp học đó, ta sẵn sàng mở lòng ra với mọi người, không ngại chia sẻ những tổn thương ta từng trải qua, vì một khi ta chịu mở lòng với người lạ thì đó là lúc ta có thể bắt đầu có được sức mạnh để hiểu người khác hơn.

Có đôi khi một người tìm đến ta tâm sự một chuyện khó khăn, họ không có cần ta đưa ra giải pháp. Gia đình họ trục trặc, ta đâu giúp gì được. Họ và người yêu cãi nhau, họ cũng không thích ta nói xấu người yêu họ đâu. Cái ta có thể làm được là hiện diện ở đó toàn phần với người bạn của mình, chăm chú lắng nghe, hiểu về cảm xúc của họ lúc đó và phản hồi lại những cảm xúc đó. Với một người có nhiều tâm sự trong lòng, chỉ cần một người để tâm sự mà không bị phát xét như vậy là quá đủ rồi.

Tôi nghĩ rằng, ai cũng nên có một người bạn mà ta có thể hoàn toàn chia sẻ hết, cởi bỏ hết lớp áo giáp của bản thân. Ta có thể giả tạo với cả xã hội ngoài kia, nhưng hãy tìm cho bản thân một người đủ tin tưởng để ta tìm về.



Ngày 06 tháng 11 năm 2018 – lúc 20:42. Một ngày mới. 

Mỗi ngày với tôi bắt đầu như là ngày đầu tiên tôi có mặt trên đời. Trần trụi về thể xác, trần trụi về tinh thần và tôi bắt đầu một ngày mới một cách trần trụi như thế. Nếu tôi là một đứa trẻ mới sinh ra, tôi có cần phải lo lắng về việc hôm nay phải mặc gì cho đẹp không, hay tôi chỉ cần có cái mặc là vui rồi? Nếu hôm nay là ngày đầu tiên của tôi trên đời, tôi có cần phải ăn một bữa ăn thật sang chảnh không, hay chỉ cần có một bữa ăn đã vui rồi? Nếu hôm nay là ngày đầu tiên tôi sinh ra, tôi có ký ức gì đau buồn, mệt mỏi để lo lắng không, hay có thể dành những năng lượng của bản thân để bắt đầu giải quyết những việc của ngày hôm nay. Nếu hôm nay là ngày đầu tiên trên đời, việc nào với tôi sẽ là việc quan trọng nhất để giải quyết trước?

Tôi nghĩ rằng, sức khỏe là quan trọng nhất. Thân và tâm đi cùng với nhau. Cơ thể khỏe mạnh, không bệnh tật, không ốm yếu thì tự khắc tâm trạng cũng tốt hơn nhiều phần. Có tu tập nhiều đến đâu mà cơ thể không được khỏe, làm sao mà ta có thể suy nghĩ tích cực hoàn toàn cho được. Vậy nên việc đầu tiên trong ngày hôm nay của tôi là đi khám sức khỏe định kỳ. Trước đây tôi cứ chần chừ về vấn đề này mãi, một phần vì sợ cái đông của bệnh viện, một phần vì nghĩ rằng mình khỏe re tự nhiên đi khám làm gì cho tốn tiền. Cái đông đúc của bệnh viện được tôi giải quyết bằng cách đi khám ở phòng khám quốc tế, đại học Y Dược – chỗ này thì tốn tiền hơn nhưng tôi nghĩ rằng không nên tiếc tiền cho sức khỏe, bởi nó là cái quan trọng nhất mà. Nhìn chung sức khỏe của tôi cũng ổn, không có vấn đề gì nghiêm trọng. Hạn chế thịt đỏ và hải sản lại để bớt nguy cơ bị bệnh gút. Hạn chế ăn đồ chiên xào và đồ ngoài đường để không bị nguy cơ mỡ máu khi nhiều tuổi hơn. Những cái này tôi đều tự nhận ra được, nhưng đúng là phải có bác sĩ nhúng tay vào thì mới sợ. Cứ có con số khoa học chứng minh, tự nhiên là tin sái cổ.

Trong lúc chờ đợi khám và đi bộ vòng quanh bệnh viên, tôi tìm đến các bài pháp thoại của sư ông làng Mai. Bản thân tôi những lúc rảnh rỗi rất hay suy nghĩ và làm những việc linh tinh, không chịu ngồi im để ngẫm nghĩ được. Thôi thì cũng một công đôi việc nghịch linh tinh, mình sẽ tìm đến cái gì đó có ích và mang lại cảm giác bình yêu cho bản thân để đọc. Có lẽ tôi có duyên với đạo Bụt, mỗi lần đọc các tác phẩm và các bài viết của các thầy, các sư, cảm giác mang lại đều rất bình an. Tôi biết rằng bản thân sẽ không thể tu theo mười giới sa di được nhưng học những phẩm chất tốt trong đó cũng rất hay. Ví dụ như không nói dối, không sát sinh, không dâm dục – là những thứ rất cơ bản mà tôi có thể học được. Cái lớn nhất tôi học được là tinh thần ‘đã về đã tới’ của làng Mai. Không cần phải cứ đi đến đích mới là vui, phải coi hiện tại là đích, học cách chú tâm và tận hưởng những gì mình đang có ở hiện tại. Ta không cần phải di chuyển nhanh từ A đến B để đạt được niềm vui. Quãng đường mà ta đi đó nếu biết chánh niệm cũng đã đủ vui rồi. Ta không cần phải ăn sơn hào hải vị mới vui, cảm nhận khoảnh khắc ở đó được ăn đồ ăn và có một cuộc trò chuyện chất lượng với người thân của mình cũng là rất vui rồi.

Có một sự đối nghịch về tính ‘nhanh’ và ‘chậm’. Có những người rất nhanh, giải quyết công việc rất tốc độ, có khả năng nhìn ra vấn đề và triển khai ý tưởng mới rất tốt, làm mọi thứ với tốc độ ngựa phi nước đại. Điểm mù của những người này đó là khả năng tiểu tiết kém, không giỏi lên kế hoạch và các dự án đi nhanh nhưng không đi được dài. Ngược lại có những người lên kế hoạch rất tốt, mọi thứ được làm chi li tỉ mỉ tới từng vấn đề nhỏ một. Một thứ gì đó không đúng theo kế hoạch với họ là không chịu được. Điểm mù của những người này là khả năng thực hiện, vì lên kế hoạch quá tỉ mỉ chi tiết mà họ kém hơn trong việc thực thi kế hoạch đó, biến bản kế hoạch thành một hành động hay họ sẽ bị bị động nếu khi thực hiện kế hoạch của họ có điểm không ổn phát sinh. Vậy giữa hai trường phái này, người nào đúng, người nào sai? Người nào đáng để học theo, người nào phải sửa chữa? Thật ra là chẳng có người nào cả. Mỗi loại người đều có đặc tính riêng của họ và dù có cố gắng đến đâu, ta cũng không thể nào học hay biến mình trở thành một người ngược lại với đặc tính đó được. Nếu ta là người nhanh nhảu, không thể học để thành tỉ mỉ được. Nếu ta là người chi tiết, làm sao bắt ta trở thành một người bao quát đây. Việc ta có thể làm là hiểu rõ bản thân mình là người như thế nào, xem xét các điểm mạnh đó có thể áp dụng cho công việc ra sao, và quan trọng nhất là hiểu rõ cả điểm mù của mình. Hiểu rõ không phải để dấu diếm nó đi mà không cho người khác biết. Khi ta hiểu điểm mù của mình rồi, ta cần phải chia sẻ với người khác để người khác có thể hỗ trợ, hoặc tìm một người đồng đội hỗ trợ cho ta. Có như vậy cả hai mới cùng phát triển. Khi làm việc với một người khác tính cách, chắc chắn ta sẽ rất khó chịu, tuy nhiên nếu ta nhìn nhận ở khía cạnh tích cực rằng đó là thứ mà ta đang cần và ta đang thiếu, tự nhiên ta sẽ mở lòng và đón nhận tốt hơn.

Tôi cho rằng, một thứ mới có ích cho xã hội không nhất thiết phải so sánh với một thứ khác. Lấy đơn cử về giáo dục. Gần đây thấy có nhiều phụ huynh và những người có tâm bắt đầu những dự án giáo dục không giảng đường hay tương tự như vậy rất hay. Những chương trình, kế hoạch, bài giảng, nội dung đều rất tuyệt vời. Chỉ có một điều tôi thấy hơi tiếc là họ vẫn so sánh mình với các trường phái khác. Tôi nghĩ rằng, cứ làm tốt phần của mình là đủ rồi. Của mình hay, chưa chắc của người khác đã là không hay. Khi một kiến thức, trường phái vẫn có thể so sánh được với người khác, điều đó có nghĩa là nó vẫn có những thứ bất cấp và chắc chắn tương lai sẽ lại có những giải pháp khác hay hơn.

Thôi thì hết một ngày. Mai lại là một ngày mới.


Ngày 07 tháng 11 năm 2018. Lúc 21:37. Nói về cái chết.

Ngày hôm nay mình muốn chia sẻ một vài điều mình đã học được trong thời gian qua về chủ đề cái chết. Mình học được những điều này qua các bài viết của sư ông Thích Nhất Hạnh, cuốn sách Những điểm đến của cuộc đời của bác Đặng Hoàng Giang, một vài bài viết trên Facebook mình đọc được trong đó có Tony Buổi Sáng, cuốn Hành trình của những linh hồn mà mình mới đọc được ba chương trong ngày hôm nay, cuối cùng là từ những trải nghiệm cá nhân của mình.

Mình có đọc được ở đâu đó nói rằng, dù ta chẳng có xu nào trong túi hay có một tỉ đô la trong két sắt ngân hàng, cái kết cuộc đời ta sẽ là một cái lỗ 2m x 1m, sau này văn minh hơn có lẽ là một cái lọ đựng tro. Nếu ta có nhiều tài sản, điện thoại xịn, nhà đẹp, xe ô tô thật to, có chết đi cũng chẳng mang được những cái đó đi cùng. Tài sản khi mình chết đi để lại, nó sẽ vứt đi hoặc chuyển giao cho người khác. Thứ mình nên để lại trên cõi đời này là những kiến thức, những dấu ấn tinh thần có thể truyền đi truyền lại cho nhiều người qua nhiều đời khác nhau. Ví dụ, dấu ấn mình muốn để lại trên cuộc đời là việc mong muốn mọi người có khả năng tích cực trong những hoàn cảnh tiêu cực. Khi bản thân biết suy nghĩ tích cực, tự khắc sẽ biết tìm đến nhiều cách giải quyết vấn đề. Khi vấn đề của bản thân được giải quyết, tự khắc ta sẽ làm được những điều tốt hơn cho cộng đồng.

Mình học được rằng, chết không phải là hết. Thể xác ta chết, nhưng tinh thần và tư tưởng của ta vẫn còn đó. Sách phật dạy mình rằng không có gì là biến mất tuyệt đối. Những thôi miên khoa học nói rằng khi chết thì vẫn còn đó phần linh hồn chở thêm tâm tưởng của ta. Tất cả đều nói rằng, nếu khi sống mà mình tu tập tinh thần tốt, hiểu rõ về chuyện cái chết thay vì tránh né nó, lúc chuyện xảy ra mình sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Vì mình biết chết không phải là hết, mình ít sợ hơn. Vì mình biết vẫn còn một cuộc sống nào đó ngoài kia sau cái chết, mình sẽ tò mò hơn.

Chết thì cũng đáng sợ, nhưng nên tìm hiểu về nó thay vì trốn tránh. Đọc những cuốn sách như của bác Đặng Hoàng Giang, cuốn Hiểu về cái chết hay cuốn Hành trình của những linh hồn giúp mình nhìn rõ hơn những câu chuyện, những biểu hiện, những đau khổ của những người sắp chết hoặc đã trải qua cái chết. Tự nhiên mình nhớ đến câu chuyện quả sầu riêng. Nếu mình chưa ăn sầu riêng bao giờ, thì một người có mô tả cách nào cũng khó có thể mường tượng được. Nhưng nếu có cơ hội được cầm trái sầu riêng đó lên cầm, nắm, nhai thử một miếng, chắc chắc sẽ biết rõ hơn – sau này khi ăn lại trái sầu riêng sẽ bớt bỡ ngỡ hơn. Chuyện hiểu về cái chết cũng vậy. Hiểu hơn về những triệu chứng trước cái chết, những gì đau đớn một người có thể trải qua, những hành xử kỳ lạ của một người bệnh sẽ giúp bản thân đối mặt tốt hơn.

Hình như phật có dạy một việc là quán chiếu cái chết. Tập nhìn hình ảnh một cái xác động vật, một cái xác người, đối mặt với nó để hiểu rằng cơ thể chúng ta rồi cũng sẽ đến một ngày trở về với cát bụi, mục rữa như vậy. Ta có thể chăm sóc cơ thể tốt đến đâu, chắc chắn cũng sẽ đến điểm kết thúc. Nhưng tinh thần, thể trí thì vẫn có thể minh mẫn, để lại nếu ta biết tập trung luyện tập cho nó.


Ngày 08 tháng 11 năm 2018 – lúc 21:58. Chuyện những thói quen.

Một người có những thói quen tốt thì sẽ có một cuộc sống tích cực. Cuộc sống của chúng ta, mỗi ngày của chúng ta là một chuỗi những thói quen khác nhau. Nếu chúng ta luyện những thói quen tốt và có ích, nó sẽ mang lại những điều tích cực cho bản thân. Nếu chúng ta vẫn đang dính vào những thói quen tiêu cực, thì chất lượng cuộc sống của chúng ta vẫn sẽ chưa được cải thiện.

Có những mục tiêu trong cuộc đời 5-10 năm tới khó mà ta có thể đo trước được. Làm sao ta biết chắc 5 năm tới ta sẽ làm ở công ty đó? Làm sao biết chắc được 10 năm tới ta sẽ sống tại thành phố đó. Thứ bất biến với chúng ta chính là 24 giờ mỗi ngày và cách chúng ta sử dụng 24 giờ đồng hồ đó như thế nào mà thôi.

Hãy bắt đầu suy nghĩ về những thói quen tốt bằng việc đi ngủ. Mấy giờ bạn đi ngủ? Mấy giờ bạn thức dậy? Khi ngủ bạn có ngủ tốt không? Khi thức dậy bạn có cảm thấy khoẻ khoắn trong cơ thể không. Thông thường một người ở độ tuổi trưởng thành cần ngủ khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày để duy trì một tình trạng sức khoẻ tốt, một tinh thần minh mẫn để làm các việc trong ngày. Đương nhiên vẫn sẽ có những trường hợp ngoại lệ, có người ngủ ít hơn vẫn thấy khoẻ, có người lại cần ngủ nhiều hơn. Việc bạn cần làm là hãy ghi chép lại thời gian ngủ mỗi ngày, chọn lọc và đưa ra một con số thích hợp cho bản thân.

Hãy bắt đầu tiếp theo với việc chọn ra một chuỗi những thói quen buổi sáng. Các cụ đã nói đầu xuôi thì đuôi lọt. Việc gì buổi sáng suôn sẻ thì cả ngày sẽ tràn đầy năng lượng hơn. Vậy để buổi sáng suôn sẻ, ta hãy luyện một chuỗi việc để nó có thể trở thành thói quen, cứ sáng dậy ta làm mà không cần nghĩ nhiều đến nó. Ví dụ một số chuỗi các thói quen tốt buổi sáng của mình như là: gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, tắm nước lạnh, làm đồ ăn sáng theo chuẩn sạch và đi bộ ra khỏi nhà thay vì thang máy. Những việc nhỏ thôi nhưng nó giúp hình thành một con người tích cực.

Hãy chú tâm đến sức khoẻ thông qua việc ăn uống và tập thể dục. Đầu tiên hãy hiểu việc mình ăn cái gì vào bụng, ăn một cách có chủ động chứ không bị động. Ghi chép lại tất cả những gì mình đã ăn. Cố gắng ăn đồ tươi, hạn chế tránh đồ làm sẵn. Hạn chế ăn ngoài. Mình chia sẻ như vậy vì mình ăn gà rán và ăn ngoài nhiều quá, đợt rồi khám sức khoẻ các chỉ số liên quan đến mỡ máu và bệnh gút tăng rất cao. Bây giờ thì chưa sao, nhưng lớn thêm vài tuổi bệnh tật trong người sẽ mệt mỏi lắm. Thứ hai là, nếu chưa ăn sạch được hoàn toàn thì cần tập thể dục để thải bớt độc tố ra. Leo núi, chạy bộ, cầu lông, bóng đá, chơi môn gì cũng được. Hãy chơi mỗi ngày. Hoặc nếu không chơi được, hãy cố gắng đi bộ cho đủ nhé.

Trong công việc có rất nhiều thói quen, một trong những thói quen tốt nhất là tập trung. Để luyện tập trung ngắn hạn, ta chia thời gian làm việc thành những khung thời gian nhỏ, làm việc 25 phút nghỉ 5 phút – hay còn gọi là Phương pháp Pomodoro. Để tập trung dài hạn, ta luyện cho bản thân khả năng thiền, dành thời gian chất lượng cho bản thân, đơn giản là không làm gì cả – chỉ ở đó và hiểu về cơ thể mình mà thôi.

Bạn thì sao, bạn đã thấy mình có những thói quen nào tốt trong ngày rồi?



Ngày 09 tháng 11 năm 2018 – lúc 22:38. Chủ đề: Muốn giỏi phải cực đoan

Khi nhắc đến một người nổi tiếng, thứ gì của họ khiến bạn nhớ nhất? Với mình, đó là sự “cực đoan” và “bảo thụ” đã làm nên chất riêng của họ. Steven Jobs cực đoan với sự đơn giản ông đưa vào triết lý Apple. Mark Zuckerberg khiến mình nhớ vì tủ đồ có rất ít đồ. Donald Trump khiến mình nhớ vì một cách làm chính trị dữ dội chẳng giống ai. Chú Quảng BPhone tuy nổ nhưng chính cái nổ đó đã làm nên thương hiệu, dễ gọi dễ nhớ.

Những người giỏi thì có rất nhiều, nhưng để trở thành duy nhất và có thể khiến người khác nhớ thì ta phải có một cái riêng. Cái riêng đó có thể là tôn giáo, là suy nghĩ, là lối sống, là phong cách thời trang, bất kỳ cái gì mà ta tin vào nó để bỏ qua mọi thứ khác. Vấn đề của sự cực đoan này là ta sẽ vấp phải những ý kiến khác biệt với nó. Nếu ta theo đạo Phật, sẽ có những đạo khác có tư tưởng khác. Nếu ta ăn chay, sẽ có người nói về mặt tốt của chuyện ăn thịt. Nếu ta mặc duy nhất một kiểu đồ, sẽ có những tín đồ thời trang thấy như vậy thật là kinh dị. Giống như một đồng xu luôn có hai mặt, mọi quan điểm, triết lý, phong cách mà ta đã trọn đều có hai mặt của đồng tiền. Chẳng có mặt nào đúng hoàn toàn, chẳng có mặt nào sai hoàn toàn, chỉ có mặt nào mà ta tin tưởng nhất.

Mình nghĩ rằng phần nhiều những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội xuất phát từ sự khác biệt quan điểm. Chúng ta mới chỉ biết cách “bảo vệ” phía mình, “công kích” phía không phải mình mà chưa biết “mở lòng” để đón nhận sự khác biệt. Mình nghĩ rằng tập được việc mở lòng này sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong cuộc sống. Vì cuộc sống có mấy tỉ con người, mỗi con người là một hệ tư tưởng khác nhau, làm sao đòi hỏi sự giống nhau hoàn toàn được. Nếu không mở lòng ra, làm sao ta có thể giao tiếp với người khác, làm sao có thể đón những kiến thức mới vào bản thân mình?


Ngày 10 tháng 11 năm 2018. 23:31′. – Viết về nỗi sợ 

Trong cuộc sống mỗi người chúng ta có rất nhiều “nỗi sợ”. Chính những nỗi sợ này làm cho chúng ta trì hoãn, làm cho chúng ta không chịu đưa ra quyết định hoặc khiến cho chúng ta có những quyết định sai lầm. Quan sát cuộc sống của chính mình và quan sát cuộc sống của những thân chủ tôi may mắn được gặp trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, tôi được gặp gỡ và “trò chuyện” cùng nhiều nỗi sợ khác nhau. Hôm nay tôi ghi ra đây để chia sẻ cùng bạn đọc.

Thứ nhất là sợ tương lai. Sợ những chuyện trong tương lai xảy ra không đúng ý mình hoặc theo kế hoạch của mình. Sợ tương lai mình sẽ hối hận vì những quyết định ở hiện tại. Điều này tôi được gặp rất nhiều ở các câu chuyện định hướng nghề nghiệp. Một người không dám nghỉ công việc “an toàn” nhưng không thích của bản thân để theo đuổi một công việc bản thân thích hơn nhưng không biết tương lai thế nào. Hay nhiều người có thể lên kế hoạch tương lai rất rõ ràng nhưng chẳng thể bắt tay vào làm vì sợ sai. Vậy phải làm gì với vấn đề này? Có một cách đó là thay đổi tư tưởng. Tôi luôn quan niệm rằng, quá khứ là chuyện đã qua, tương lai là chuyện chẳng có thật, chỉ có hiện tại là thật. Dù ta có lên kế hoạch kĩ càng đến đâu, không thể chắc chắn 100% rằng mọi chuyện có thể theo kế hoạch của ta được, vậy thay vào đó hãy quyết định xem điều gì là tốt nhất theo suy nghĩ của mình hiện tại, chứ đừng lo lắng quá đến tương lai.

Thứ hai là sợ con người. Cụ thể hơn là sợ bị đánh giá, bị phán xét mà chúng ta ngại giao tiếp. Ta ngại đứng lên thuyết trình vì sợ sai sẽ bị cười. Ta ngại bắt chuyện với người lạ vì sợ cảm giác gì đó không rõ. Ta sợ phải nói ra những góp ý với đồng nghiệp hay sếp vì sợ mất lòng. Và cả trăm kiểu sợ khác. Với kiểu này, tôi luôn quan điểm rằng, thế giới cả mấy tỉ người, nếu mình có mất đi một mối quan hệ với một người xa lạ vì lỡ nói sai gì đó – cũng chẳng phải thảm họ lắm đâu.

Thứ ba là sợ thử cái mới. Chủ yếu là sợ bản thân mình không làm được, sâu xa hơn là sợ khi không làm được sẽ bị mọi người cười chê và đánh giá. Ví dụ, bản thân tôi rất ngu về nghệ thuật, các môn đàn và hát. Trước đây tôi rất sợ khi đụng đến loại hình này, vì sợ những người giỏi hơn cười chê tôi. Gần đây tôi bắt đầu tư tưởng, một là tôi hiểu rằng nếu có cười có chê thì cũng là nhất thời, chẳng ảnh hưởng gì tới tôi lâu dài. Hai là thật ra những người có học thức, họ rất trân trọng và yêu quý sự khác biệt của một người khác họ. Vậy nên tôi quyết định đi học đàn, hát nơi công cộng, dù vẫn dở như thường, nhưng bớt sợ hơn.

Cảm giác vượt qua được một nỗi sợ của bản thân dù chỉ là tạm thời là một cảm giác rất phê pha. Nó cũng giống như nâng được thêm một mức tạ mới khi tập gym hay chạy thêm được vài trăm mét so với mục tiêu vậy.

Còn bạn, bạn đã từng sợ điều gì, và đã có lần nào tìm cách vượt qua chưa?



Ngày 11 tháng 11 năm 2018. 21:47′. Mua sắm bao nhiêu là đủ?

Hôm nay nhân ngày độc thân và khắp các trang thương mại điện tử đang sale-off tối đa, mình chia sẻ vài dòng về chuyện mua sắm.

Bản thân mình sống theo phong cách tối giản, tức là có khá ít đồ đạc và không mua sắm nhiều. Ví dụ trong nhà trọ mình hiện tại có vài bộ quần áo, một cái nệm để ngủ cùng vài đồ sinh hoạt cá nhân. Mình không mua đồ vì tính năng mà nó quảng cáo, mình chỉ mua đồ khi mình thực sự cần và đồ mình đang dùng hiện tại đã bị hỏng mất rồi. Cá nhân mình thấy sống tối giản rất hay, giúp mình được hai vấn đề là tiết kiệm được kha khá tiền cho việc mua sắm và kha khá năng lượng não dành cho việc phải chọn cái này hay cái kia.

Nếu bạn quyết định lên núi sống một cuộc đời tự do và đeo theo một ba lô đồ đạc, bạn sẽ mang theo cái gì? Đó là câu hỏi trong thử thách “The Mountain Challenge” của trang Nas Daily đặt ra dành cho những bạn đang thấy bản thân mua sắm quá nhiều. Trong ba lô đó có cần phải có cây son mới nhất, lọ nước hoa mới được quảng cáo, đôi dày Adidas hàng hiệu 2018 không? Hay chỉ đơn giản là những thứ đủ để giúp cho chúng ta tồn tại là được rồi? Sẽ không có đáp án như thế nào là đủ cho một người. Có người sống cực đoan không cần gì cả. Có người thì dù thiếu gì cũng được, nhưng không được thiếu sách. Có người thì đam mê giày, quần áo, vân vân. Vậy nên, mình không đánh đồng mua sắm nhiều là sai, chừng nào bạn vẫn hài lòng với việc đó. Nhưng nếu bạn thấy bản thân không ổn, thấy áy náy mỗi khi chi tiền, thì nên xem lại.

Mình thấy rằng, mua sắm thường là một giải pháp để cá nhân mình giải quyết một nỗi sợ nào đó bên trong. Vì mình sợ bị mọi người đánh giá, nên mình phải mua quần áo cho kịp với thời đại. Vì mình sợ rằng mình không cập nhật được những tin tức mới nhất, nên mình sẽ mua iPhone, laptop mới để giải quyết. Cùng nhiều nỗi sợ khác nữa. Nên vấn đề đầu tiên cần giải quyết được để bớt mua sắm đi là phải học cách bỏ qua sự đánh giá của người khác đi mà tập trung vào chính bản thân mình. Không phải cứ ai nói cái gì đó không ổn thì mình sẽ mua một thứ để bù lại, cái không ổn đó phải từ chính mình nhận ra.

Còn bạn, bạn có thấy mình đang gặp phải vấn đề về mua sắm không?


Ngày 12 tháng 11 năm 2018. Lúc 22:07. Chủ đề: Một ngày hạnh phúc như bao ngày khác.

Để mình kể các bạn nghe về một ngày hạnh phúc.

Lúc 6AM, mình mở mắt dậy, cảm nhận sự hạnh phúc sau một tối ngủ ngon.

Mình gấp chăn lại thật gọn, thấy hạnh phúc vì đã làm xong việc đầu tiên trong ngày.

Mình đi tắm nước lạnh, thấy hạnh phúc và sảng khoái khi làn nước lạnh gột rửa hết đi những bụi bặm quá khứ.

Sáng nay mình ăn ngũ cốc, trứng luộc, chuối thay vì ăn một tô phở bò ngoài đường, thấy hạnh phúc vì mình đang nạp thức ăn sạch cho cơ thể của mình.

Mình bỏ qua thang máy để đi bộ 5 tầng lầu xuống cầu thang, thấy hạnh phúc vì mình vẫn đi được cầu thang.

Mình đi bộ 2km đến chỗ làm, thấy hạnh phúc vì mình thật khác biệt giữa đám đông đang chen chúc tắc đường.

Mình hoàn thành 10 Pomodoro trong ngày làm việc, gạt việc cá nhân sang một bên để tập trung hoàn toàn cho việc công ty, thấy hạnh phúc vì mình đã biết ưu tiên.

Mình ăn trưa chậm rãi, từ tốn, nhai 30 lần, ăn rau gấp 3 lần ngày thường, lại thấy hạnh phúc cho cơ thể.

Mình ngủ trưa 20 phút, thấy hạnh phúc cho tâm trí và bắt đầu lại buổi chiều như một ngày mới.

Mình được người yêu tặng một đôi giày Biti’s mình thích, hạnh phúc quá độ.

Tối mình đi bộ 30 phút với người yêu tám chuyện trong ngày, thấy cực kỳ hạnh phúc khi có người ở bên.

Giờ đây mình đang ngồi giữa đường, viết những dòng này dưới tiết trời se lạnh buổi tối Sài Gòn một cách hạnh phúc.

Chút nữa mình bước vào phòng, thấy chăn mền gọn gàng và sẵn sàng cho một giấc ngủ hạnh phúc.

Mình nghĩ rằng hạnh phúc không cần tìm đâu xa. Hãy gắn nó với những việc nhỏ mình làm trong ngày.

Hôm nay, bạn có hạnh phúc không?

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: