Nguyên tháng 8/2019, mình không viết một bài nào mới trên blog anhtuanle.com của mình. Tháng 7/2019 có một bài, tháng 6/2019 có hai bài. 2/3 năm 2019 trôi qua rồi mình mới viết có 11 bài. So với năm 2018 là 65 bài hay 2017 là 91 bài – con số năm nay có vẻ èo uột hơn hẳn. Con số èo uột này dẫn đến một số hệ quả nhỏ như là thương hiệu cá nhân của mình trên mạng xã hội được biết đến ít hơn và ít thu nhập hơn từ các khoản tư vấn tìm việc. Tuy có những ‘hậu quả’ như vậy, mình vẫn rất vui, vì đây là ‘hậu quả’ mà mình đã chọn để nhận trong năm 2019 này.

Tính mình là một người thích làm nhanh, không thích và không giỏi làm sâu. Tức là mình có thể hiểu rất nhanh một vấn đề, học rất nhanh một cái mới, thực thi một ý tưởng thành hiện thực rất nhanh. Tuy nhiên, mình không trả lời được sâu khi bị hỏi xoáy vào vấn đề đó, mình học nhanh nhưng cũng nhanh chán và thiếu kiên trì, mình thực hiện ý tưởng nhanh nhưng cũng rất dễ sập vì thiếu tư duy đường dài. Một trong những ví dụ cụ thể là khi mình phát triển website 8morning.com – một website hướng nghiệp cho người trẻ hay chương trình Bình Dân Học Vụ Tiếng Anh – một chương trình ‘xóa mù’ tiếng Anh vào năm 2016. Cả hai dự án được mình và đồng nghiệp từ khi lên ý tưởng đến khi thực hiện chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày. Tụi mình phát triển nhanh, có tiếng tăm trên truyền thông, nhưng vì thiếu định hướng lâu dài và thiếu chiến lược, cuối cùng đều sập hết. Một ví dụ khác chính là blog này và thương hiệu cá nhân này của mình đây. Từ khi mình viết blog vào tháng 4 năm 2014, với kiến thức truyền thông học được cộng với một chút may mắn, mình đã phát triển thương hiệu cá nhân khá là nhanh. Từ một đứa chẳng ai biết, mình có những bài viết trăm nghìn lượt xem, mình có lớp đào tạo kỹ năng, mình được mời về các trường đại học. Từ những ‘vinh quang’ đó, mình rất tin tưởng vào khả năng làm việc tự do của bản thân – và quyết định nghỉ việc toàn thời gian để làm việc như một người tự do. Tự do thì vui, nhưng lại một lần nữa vì thiếu chiến lược, các lớp học của mình vắng dần, các dịch vụ ít người tìm đến hơn – tiền hết. Tiền hết thì bụng đói. Bụng đói thì phải ngồi lo lắng và suy ngẫm.
Thời gian suy ngẫm giúp mình nhận ra nhiều điều. Mình nhận ra rằng mình rất may mắn khi có được những thành tựu mà nhiều người khác đang hướng tới – đó là tiền đủ sống, là sự nổi tiếng trên mạng xã hội, sự công nhận của một cộng đồng. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó thôi thì chưa có đủ. Mình ngồi xuống và nghĩ xem mình muốn trở thành một người như thế nào. Mình muốn trở thành một chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, người có ảnh hưởng đến một cộng đồng người trẻ, có được một tổ chức của riêng mình – tổ chức đó hoạt động trơn tru, hiệu quả và có chiến lược rõ ràng. Chiến lược, kiến thức chuyên môn sâu, làm việc đội nhóm trong một công ty trong một thời gian dài – tất cả những thứ đó đều là điều mình đang thiếu. Đó là lý do dẫn mình tới Hồn Việt – công ty hiện tại mình đang làm khi viết những dòng này. Mình hiểu rằng, để có được những điều ở trên, mình phải chuyên tâm và hết mình trong ít nhất 3 đến 5 năm tới, chứ không phải ngày một ngày hai.
Thế hệ 9x rất giỏi, nhanh nhẹn, tư duy sáng tạo, nhạy bén công nghệ – nhưng lại thiếu sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm – đó là một chủ đề trò chuyện giữa mình và mentor của mình trong lĩnh vực hướng nghiệp. Tự suy từ bản thân mình, đúc kết từ những bạn trẻ 9x mình đã may mắn có cơ hội được dạy và tư vấn – cá nhân mình thấy điều này khá là đúng. Thật không khó để nhìn xung quanh mà thấy rất nhiều các bạn 9x ra trường đi làm 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng – thậm chí 1 tuần rồi nghỉ vì ‘không hợp’. ‘Không hợp’ là một từ chung chung của rất nhiều lý do khác nhau, công việc văn phòng tù túng quá, công việc phải đi lại nhiều quá, sếp dễ tính quá không dạy được gì, sếp khó tính quá toàn bắt làm, đồng nghiệp trẻ quá hơi nhoi, đồng nghiệp già quá hơi trầm, vân vân và mây mây. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ, mọi thứ đều nhanh và thay đổi liên tục, có quá nhiều lựa chọn để chọn, nên khái niệm ‘thời gian trải nghiệm và học hỏi’ của đám trẻ như tụi mình hơi khác. Để hiểu được văn hóa và cách làm việc của một công ty, có lẽ ít nhất một năm ở đó mới đủ. Để phát triển từ một đứa học viên đến một đứa chuyên môn tầm trung, ba đến năm năm là chuyện rất bình thường. Người trẻ tụi mình, nghe đến việc phải bỏ thời gian để chuyên tu cho việc gì đó 3 hay 5 năm là lắc đầu, lè lưỡi, xanh mặt lại, sao mà dài quá.
Quay lại với chuyện đi làm của bản thân, những tháng đầu tiên khi mới vào Hồn Việt – mình vẫn rất ‘hai mang’. Hai mang giống như cái cách mình đã làm ở công ty cũ. Tức là một mặt mình vẫn làm việc công ty, mặt khác mình vẫn tích cực viết blog, dạy các lớp học ở ngoài – làm những dự án cá nhân của riêng mình. Mình còn trẻ, nên mình tự tin vào sức khỏe và khả năng làm việc đa nhiệm của bản thân. Mình nghĩ mình không có đủ 3 đầu 6 tay, nhưng mình thừa sức ‘phân thân’ để làm nhiều vai trò như vậy. Đấy là mình nghĩ vậy. Thực tế là, mình sợ cảm giác không được công nhận và sợ không có tiền. Mình sợ bây giờ nếu mình không đăng bài Facebook nữa, không viết blog nữa thì mình sẽ không được ai biết đến, dần dần mọi người sẽ quên mất ông Anh Tuan Le là ai, không ai còn nhận ra mình, mình không còn nổi tiếng nữa. Đó là khi mình nhận ra, à – mình đang làm việc không phải vì mình, mình đang chạy theo sự công nhận của người khác. Mình đang không còn viết blog vì vui nữa – mình mệt khi nghĩ đến chuyện viết blog như thế nào cho hay và có nhiều người đọc. Nếu khi làm một việc không phải vì mình và đang vì muốn chứng tỏ điều gì đó, đây là lúc mình cần xem xét lại.
Chúng ta có xu hướng làm những điều để chứng tỏ bản thân với người khác – và nếu cứ chạy theo những điều này thì sẽ mệt lắm. Chúng ta mặc những bộ đồ không thoải mái, nhưng vì muốn chứng tỏ mình đẹp so với người khác. Chúng ta ép mình giảm cân, tăng cân một cách không điều độ, để muốn khoe body đẹp với người khác. Những thứ này, xuất phát từ một nỗi sợ nào đó. Sợ không được công nhận, sợ không có giá trị, sợ mình thấp kém, vân vân và mây mây. Đó là lúc mà mình học được về việc quay về bên trong, học cách nhận biết và trân trọng những gì mình đang có trước. Thông qua thiền, mình học cách yêu thương bản thân như mình đang là – phát triển bản thân để giỏi hơn mình của ngày hôm qua, chứ không phải để giỏi hơn người khác nữa.
Vì làm việc ‘hai mang’, nên hậu quả là mình không tập trung. Việc cá nhân cũng giảm sút, mà công việc tại công ty cũng chẳng hiệu quả. Đó là lúc mình ra một quyết định can đảm, mình cắt đứt hoàn toàn 95% các công việc cá nhân khỏi thời gian biểu của mình. Mình không còn lên kế hoạch cho việc đăng bài blog vào ngày nào, mỗi ngày viết bao nhiêu bài blog nữa, mà thay vào đó mình chỉ lên kế hoạch cho công việc ở công ty thôi. Mình sẽ coi việc viết blog, thương hiệu cá nhân là một sở thích, mà sở thích thì không nên nặng nề việc đặt mục tiêu, chỉ đơn giản thích lúc nào thì làm lúc đó thôi. Ví dụ hôm nay mình viết bài này là do nghỉ lễ được rảnh nên ngồi viết thôi nè, chứ chẳng có mục tiêu gì cả. Mình học được rằng, việc học thêm một điều mới đã khó, việc dám nói không và bỏ bớt những điều đã mang lại thành công trong quá khứ cho bản thân mình còn khó gấp bội hơn nữa. Đó là bài học lớn nhất mình học được trong năm 2019 này. Vậy khi mình cắt giảm như vậy, hiệu quả công việc của mình có tăng lên không? Điều này chưa chắc chắn. Mình không thể đảm bảo doanh số sẽ tăng, tiền ở công ty sẽ nhiều hơn, nhưng mình có thể tự hào nói rằng mình đã cố gắng hết mình ở từng công việc.
Mình vẫn thích viết blog lắm, và mình không muốn blog bị mốc đâu. Nên mình sẽ cố gắng khắt khe hơn một chút, mỗi cuối tuần ngồi gõ bàn phím như thế này. Mình sẽ viết về những suy nghĩ của bản thân, những điều mình quan sát được, để các bạn đọc chơi nhé.
5 bình luận cho “Vì sao mình ít viết blog hơn?”
Chúc b nghỉ lễ vui nè 🙂
ThíchThích
Một chia sẻ rất thực. Vô cùng đồng cảm với anh khi em cũng có nhưngx trải nghiệm tương tự trong năm 2019. Chúc anh luôn vui vẻ và cân bằng trong công việc và cuộc sống!
ThíchThích
Cảm ơn anh
ThíchThích
Thích đọc bài của anh lắm! Những cảm nhận của em tương đối giống anh về cuộc sống! Ở đâu đó là 1 sự nhiệt huyết, nổi loạn.. nhưng ẩn sâu bên trong lại sâu lắng tinh tế! Thôi thì mỗi ngày em đành cố gắng vậy! Em chúc anh luôn thành công với những dự định của mình!
ThíchThích
em hiểu cái câu “mình sợ cảm giác không được công nhận và không có tiền”
Những ngày sống trong cảm giác đó rất khó tả.
ThíchThích