Vấn đề #7: Hết tiền

Trong một cuộc chuyện trò phù phiếm khi bon chen giữa con đường kẹt xe Sài Gòn, em hỏi tôi rằng: “Nếu được đưa ra một lời khuyên cho thằng Ti Ây 18 tuổi, anh sẽ khuyên gì.” Chẳng chút lưỡng lự, tôi trả lời: “Tiết kiệm tiền đi bồ“.

Phải thú thật, mình là đứa rất dở trong việc quản lý tài chính và giữ tiền. Đến tầm này đã đi làm vài năm rồi, vẫn dở. Hồi mới tốt nghiệp bỏ Hà Nội vào Sài Gòn làm thực tập mức lương 3 triệu, mình tự nhỏ trong đầu: “Sau này lương trên 10 triệu thì sướng, mình sẽ tiết kiệm được một đống, tha hồ ăn ngon, một tháng mua vé máy bay về Hà Nội chơi mấy chuyến”. Đến bây giờ, lương trên 10 triệu rồi, có được ăn ngon thật, nhưng chưa tiết kiệm được một đống, cũng chưa tự tin vung tay mua vé về Hà Nội mỗi tháng một lần mà không cần đắn đo.

Sống một mình giữa cái đất Sài Gòn này, tự bươn chải và tự lo mọi thứ, mình cũng có lúc ‘giàu’ để tự tin vung tiền đi chơi, mà cũng có lúc ‘nghèo’ đắn đo xem sáng nay ăn gì cho tiết kiệm. Nhớ lúc mới viết cuốn sách đầu tiên, công việc cũng đang ổn định, mình sẵn sàng mua iPhone mới ngay ngày hôm sau sau khi bị giật, sẵn sàng đóng tiền tập California 2 năm không cần đắn đo, sẵn sàng mua tour đi Đài Loan, Singapore mà không nghĩ quá nhiều. Rồi lúc hết tiền thì nằm nhà lo lắng về chuyện tháng sau sẽ kiếm đâu ra tiền.

Như đã nói ở trên, mình đã từng nghĩ, lương cao hơn, thu nhập nhiều hơn thì mình sẽ có được nhiều niềm vui hơn. Nhưng hóa ra niềm vui và tiền chẳng liên quan gì đến nhau quá nhiều. Chính cái lúc không có quá nhiều tiền, mình lại tìm được nhiều niềm vui hơn. Vì khi tiền hạn hẹp, mình phải biết quyết định xem điều gì thực sự là quan trọng, đáng để dành thời gian, điều gì thì không. Tiền là một đơn vị. Thời gian là một đơn vị khác. Tiền có người ít người nhiều. Thời gian thì ai cũng như nhau.

Chính nhờ lúc tiền gần xuống đáy, mình biết đến và thực hành lối sống tối giản cho đến tận bây giờ. Chính từ lúc sống tối giản, mình tự nhắc bản thân rằng việc dành thời gian trải nghiệm, dành thời gian chất lượng với người mình yêu thương quan trọng hơn nhiều là mua một chiếc xe mới, một những bộ quần áo theo thời. Ngồi nhà hàng sang trọng nhưng mỗi người một chiếc điện thoại, mỗi người tâm hồn ở một ngả, không bằng việc ngồi trong một quán ăn gia đình thật nhỏ – nhưng hai người có mặt trọn vẹn ở đó cùng nhau.

Cũng nhờ thời điểm hết tiền đó, mình mới biết sự quan trọng của việc chuẩn bị cho bản thân một ‘quỹ khẩn cấp’. Quỹ khẩn cấp là một khoản tiền mặt tương đương chi tiêu trong khoảng 3-6 tháng. Việc có một quỹ như thế này giúp bản thân an tâm rất nhiều. Nếu bạn chưa có được một quỹ thế này, thì có ngay và luôn đi nhé.


Sê ri này được mình viết theo cảm xúc mỗi ngày, quan sát của mình về một vấn đề nhất định trong cuộc sống, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng đọc được những comment sẻ chia từ mọi người.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Vấn đề #6: Sức khỏe có vấn đề

Quanh mình là rất nhiều những người bạn, những người thân yêu dường như đang xếp sức khỏe là điều ưu tiên thứ cấp so với những điều khác trong đời. Có thể thấy rất có lỗi nếu muộn họp, nhưng thấy bình thường khi muộn hoặc bỏ bữa sáng. Sẵn sàng mua thuốc đau bao tử thay vì ăn uống đúng giờ. Đi khám bác sĩ ra một đống vấn đề nhưng vẫn chọn ngồi máy tính cả ngày thay vì dành một chút thời gian cho thể thao.

Mình hiểu rằng, mỗi người ở mỗi giai đoạn cuộc đời đều có những ưu tiên khác nhau. Ưu tiên cho sự nghiệp, ưu tiên cho những mối quan hệ, ưu tiên cho việc học, ưu tiên cho gia đình vân vân – nhưng không phải sức khỏe là cái đáng phải ưu tiên hàng đầu sao? Không khỏe, làm sao mà làm. Không khỏe, làm sao mà đi chơi. Không khỏe, làm sao có sức mà học. Nếu phải nằm viện liên miên, làm sao mà chăm sóc hay báo hiếu cho cha mẹ được.

Những gì liên quan đến sức khỏe đang là một ngành công nghiệp kiếm tiền màu mỡ với vô số các loại thức ăn dinh dưỡng, các phòng tập chất lượng cao, các loại thực phẩm chức năn này kia. Tuy nhiên, tóm gọn lại sức khỏe chỉ đơn giản là hai thức: thứ ta ăn vào miệng và việc vận động mỗi ngày.

Chẳng có gì bí hiểm hay cao siêu về việc trở nên khỏe cả, nếu bạn chưa khỏe, 90% là do bạn lười.

Vậy nên mình mong bạn đọc:

  • Hãy đi khám sức khỏe tổng quát nếu bạn chưa làm bao giờ. Một lần khám sức khỏe tổng quát tốt khoảng 700K – 1 triệu thôi. Bạn sẽ cơ bản biết được về máu, về đường, về mỡ, về các loại bệnh cơ bản. Hằng năm mình hay khám ở Phòng khám quốc tế đại học Y Dược TP HCM, hơi mắc nhưng chất lượng rất tốt.
  • Bắt đầu để ý hơn tới những gì mình ăn mỗi ngày. Bạn có nhớ ngày này tuần trước mình ăn gì không, ngày hôm nay đã ăn bao nhiêu Calorie không? Mình dùng ứng dụng MyFitnessPal để làm điều này.
  • Có thể thử bắt đầu ăn chay hoặc ăn chế độ nhiều trái cây, rau hơn, sẽ nhẹ bụng và yêu đời hơn hẳn. Bắt đầu từ 2020 này, mỗi tuần mình dành ra ít nhất 1 ngày ăn chay. Năm sau sẽ tăng thêm.
  • Uống nhiều nước lên nhé. Nếu mà lười thì để một cái bình 2 lít ở trên bàn làm việc ấy, khi nào bình hết nước thì hãy đi về.
  • Xách mông lên và vận động ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần 30 phút. Tập gym, chạy bộ, cầu lông, đá cầu, bơi – làm gì cũng được.
  • Cứ một tiếng ngồi trước máy tính, hãy đứng lên đi thong dong xung quanh khoảng 5 phút, vươn vai cho đỡ mỏi, phóng tầm mắt ra xa cho khỏe mắt, giãn người ra nhé.

“Nếu chúng ta phá sức khỏe để có được kiến thức, chúng ta đã vất vả vì một thứ rồi sẽ vô dụng trong tay ta.”

Bạn có bí kíp nào chăm sóc sức khỏe không, comment ở đây để Tuấn Anh và các bạn đọc khác học hỏi với nhé.


Sê ri này được mình viết theo cảm xúc mỗi ngày, quan sát của mình về một vấn đề nhất định trong cuộc sống, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng đọc được những comment sẻ chia từ mọi người.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Vấn đề #5: Chuyện chán đời ở công ty

Một ngày đẹp trời, công ty giải thể, bạn bị đuổi ra ngoài đường và chính thức thất nghiệp một cách bàng hoàng. Bạn buồn thối ruột.

Tết đến cận kề, sếp bỗng nhiên dở chứng và hay gắt gỏng, bạn thấy nguy cơ sếp sắp đuổi mình để cắt thưởng tết là có thật. Bạn cũng buồn thối ruột.

Đúng là những chuyện không như ý liên quan đến công việc sẽ làm cho bạn buồn thối ruột thật. Nhưng nỗi buồn sẽ nhanh vơi đi, sự lo lắng sẽ ít ít lại nếu:

  1. Trong thời gian đi làm, bạn tiết kiệm được một khoản đủ chi tiêu 6 tháng không cần làm gì. Trong tài chính cá nhân, khoản này được gọi là ’emergency fund’ – tức quỹ khẩn cấp. Quỹ này được xài trong những trường hợp đột ngột như trên. Nếu bạn bắt đầu kiếm ra đồng tiền đầu tiên, hãy tích đủ quỹ khẩn cấp trước khi ăn chơi xả láng. Quỹ khẩn cấp giúp cho bạn tự tin hơn hẳn, sếp có dọa đuổi việc vào ngày mai cũng không có gì phải sợ hết.

  2. Bạn coi công việc là một phần trong cuộc sống, ngoài ra còn có nhiều phần khác. Đi làm trung bình một ngày 6-8 tiếng thôi, tức là mới chỉ có 1/3, 1/4 cuộc đời. Còn 2/3, 3/4 cuộc đời khác ở những khía cạnh khác nữa mà. Học hỏi, vui chơi, các mối quan hệ, chăm sóc bản thân – cái nào cũng quan trọng hết cả. Một cú shock công việc nên dừng lại ở công việc. Hãy tiếp tục chăm bẵm 2/3, 3/4 những thứ còn lại để nó nâng đỡ, giúp mình vượt qua cú shock đó. Đừng làm ngược lại, vì 1/3, 1/4 của công việc mà tất cả đều xuống dốc như nhau.

  3. Xây dựng một thương hiệu cá nhân/ hoặc có một nghề tay trái. Viết lách về một chủ đề bạn thích. Làm YouTuber để kiếm tiền quảng cáo. Thử dạy các khóa học online. Giỏi về tài chính thì nghiên cứu thêm chứng khoán, Forex. Giỏi kinh doanh thì nghiên cứu thêm bất động sản, các kiểu. Nói chung, luôn có cho bản thân một đường lui thì sẽ yên tâm hơn.


Sê ri này được mình viết theo cảm xúc mỗi ngày, quan sát của mình về một vấn đề nhất định trong cuộc sống, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng đọc được những comment sẻ chia từ mọi người.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Vấn đề #4: Chúng nó ghét mình

Khi xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, mình nhận ra một điều đấy là: số người biết đến mình sẽ tỉ lệ thuận với số người không thích/không ưa/ghét. Đã chia sẻ quan điểm, kiểu gì cũng sẽ có những ý kiến trái chiều. Quan điểm càng cứng, lượng người ghét càng đông. Mà có khi quan điểm trung lập cũng bị ghét nữa, vì người ta cho rằng mình ba phải.

Khi bạn đã quyết định chia sẻ một điều gì đó lên mạng xã hội, bạn phải biết trước rằng điều này sẽ chắc chắn xảy ra. Kiểu gì cũng có những người không đồng tình, không vừa lòng, không thấy những gì bạn chia sẻ là đủ hay. Ví dụ như việc viết, mỗi người một kiểu viết, muôn hình vạn trạng, đủ loại chê bai. Viết gì mà sến thế. Viết gì mà khô khan thế. Viết gì mà lý thuyết thế. Viết chẳng có chiều sâu gì cả. Vân vân và mây mây.

Điều mình đã học được là, mình chẳng thể làm vừa lòng tất cả mọi người trên thế giới này.

Mình chia vui vui xã hội xung quanh thành 03 nhóm người: 33.3% những người thích mình, thích lối sống của mình, 33.3% là những người chẳng biết mình là thằng nào cả, 33.3% là những người dù mình không làm gì cũng có thể bị ghét.

Mình chẳng thể kiểm soát suy nghĩ của một người khác, nên thay vì tập trung làm sao cho nhóm 33.3% người ghét kia không ghét mình nữa, mình dành thời gian và sức lực để cống hiến cho nhóm 33.3% đang thích mình sẵn, và thêm thời gian sức lực để có thêm những người từ nhóm 33.3% không biết mình thành biết mình.

Thật ra việc một người khác chỉ trích mình không phải là xấu. Mình có thể học từ những chỉ trích đó. Làm sao bóc tách được thông tin và cảm xúc trong sự chỉ trích đó là được.


Sê ri này được mình viết theo cảm xúc mỗi ngày, quan sát của mình về một vấn đề nhất định trong cuộc sống, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng đọc được những comment sẻ chia từ mọi người.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Vấn đề #3: Thấy mình không giỏi …như người ta

Càng dành nhiều thời gian lướt Facebook, xem YouTube, ngắm Instagram – mình càng thấy tự ti. Sự tự ti đến từ việc nhìn thấy những người trạc tuổi mình thôi, mà sao các bạn đi xa thế trên con đường sự nghiệp.

Mình thấy Khoai Lang Thang quay vlog cảnh thiên nhiên thật đơn giản, chân chất và đẹp. Mình cũng hay đi du lịch, thích sự đơn giản chân chất đó, sao mình không được như người ta? Hay mình thấy Viruss có những video reaction rất hay, trông có vẻ dễ, mình ăn nói cũng không đến nỗi nào, sao mình không được như người ta? Giang Ơi có những vlog chia sẻ quan điểm rất ý nghĩa, sao mình không làm được như thế? Em Sun Huyn còn trẻ mà đã làm rất nhiều vlog về lifestyle rất hay. Ngoài những vlog, mình còn rất thích những blog của chị Chi Nguyễn – The Present Writer về lối sống tối giản, của Mai Anh D., của chị Rosie Nguyễn, của Milena Nguyễn và nhiều người khác nữa. Ai trông cũng có vẻ thành công, trừ mình.

Sự so sánh này không chỉ đến ở mạng xã hội thôi đâu, nó còn đến từ trong công việc nữa. Xung quanh mình là những người làm việc rất chăm chỉ, có người làm cho những dự án bảo tồn thiên nhiên rất hay, có người có khả năng điều phối cả chục dự án một lúc, có người đi khắp nơi trên thế giới để làm việc, vân vân và mây mây. Ai trông cũng có vẻ giỏi, trừ mình.

Những người mình kể trên, những sản phẩm họ tạo ra, những khả năng trong công việc của họ – mình nghĩ mình làm được, chỉ cần cố gắng và kiên trì. Mình cũng đã thử, có cái làm được – có cái không. Thành thật mà nói, có những thứ dù có cố cách mấy mình cũng không thể giỏi. Ví dụ, một đứa khiếu nghệ thuật kém như mình, có chăm quay vlog mấy cũng chẳng thể cho ra những khung hình đẹp như Khoai. Một đứa làm mọi thứ nhanh nhảu và ít chịu đầu tư tìm tòi nghiên cứu như mình, sẽ chẳng thể viết được những cuốn sách chất lượng như chị Nguyễn Phương Mai. Một đứa cảm xúc khô khan như mình, sẽ rất khó viết ra những câu văn đánh động nhiều vào cảm xúc của người khác.

Mình quyết định dừng lại, nhìn lại mình và tự đặt câu hỏi: “Ủa chứ mình giỏi cái gì?” – cái gì là sở trường và là thứ mình thực sự làm thoải mái, thoải mái để học thêm về nó. Mình giỏi về cho ra những ý tưởng mới, giỏi thực thi một công việc nhanh hoặc chữa cháy một vấn đề ngay lập tức, giỏi viết, giỏi cách biến những thứ phức tạp thành những thứ đơn giản dễ hiểu. Vậy thì tại sao không bắt đầu từ những điều mình giỏi đó, mà lại cứ đi nhìn vào người khác và cố để làm được những điều giống như họ.

Đến đây, mình nhận ra là, khi thấy bản thân chưa đủ giỏi, việc đầu tiên cần làm là nhìn vào bên trong mình, trước khi ngó nghiêng ra bên ngoài. Thiền để lắng đọng, viết để rót ra những suy nghĩ trong đầu, thường xuyên reflection (không biết dịch tiếng Việt sao) để hiểu rõ mình có khả năng gì, đang ở mức thang nào trong khả năng đó. Học hỏi theo một người là tốt, nhưng bắt đầu từ việc khẳng định mình sẽ tốt hơn.

Khi mình đi chia sẻ ở những buổi hội thảo cho sinh viên, mình thường có một câu hỏi nhỏ là “Em giỏi điều gì?” – 20 tuổi rồi, phải giỏi thứ gì đó, hoặc ít nhất là có sở trường tốt hơn người khác chứ – đâu thể nói em không giỏi gì hết được. Mình vẫn nhớ trong buổi hội thảo gần nhất cho DRD, sau một hồi khai thác thì các bạn lòi ra được rất nhiều cái giỏi: “giỏi phối đồ”, “giỏi tính tiền shopping”, “giỏi cãi nhau lý lẽ với người khác”, “giỏi lắng nghe”, vân vân. Tất cả đều là cái giỏi cả, và phải nói ra thì người khác mới biết.

À thêm một tí, nếu bây giờ 20 gần 30 rồi mà chưa để lại thành tựu gì cho cuộc đời, cũng chẳng sao cả. Hít một hơi thật sâu, thở hắt ra một cái, thấy mình đang sống yên ổn đã là một thành tựu rồi.


Sê ri này được mình viết theo cảm xúc mỗi ngày, quan sát của mình về một vấn đề nhất định trong cuộc sống, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng đọc được những comment sẻ chia từ mọi người.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Vấn đề #2: Bị stress/ trầm cảm

Bạn nào đã từng tiếp xúc với mình đều sẽ biết, mình là một đứa rất tích cực. Mình nhìn đời qua lăng kính màu hồng, chuyện gì cũng có thể giải quyết, không bao giờ nổi giận, có một sự bình tĩnh nhất định, không quá vui cũng chẳng bao giờ quá buồn vì bất kỳ vấn đề gì. Nói chung, đa số các thời điểm cuộc sống mình dễ dàng và thoải mái.

Nhưng mình biết, xung quanh mình có nhiều người sống không dễ dàng và thoải mái được như vậy. Nhiều bạn bè xung quanh mình gặp nhiều những khó khăn trong cuộc sống, bắt nguồn hoặc dẫn đến stress, trầm cảm hoặc những vấn đề tâm lý khác. Mình biết có người chọn đi làm/học xa khỏi gia đình, để chạy trốn những vấn đề riêng ngay trong gia đình, đến bây giờ vẫn chưa thực sự thoát được. Có người bề ngoài cười nói vui vẻ, nhưng khi một mình thì lại rơi vào trạng thái trống rỗng. Có người đêm xuống tâm trạng sẽ bất ổn. Có người gặp khó khăn trong việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Nhiều lắm.

Lúc nghĩ đến chủ đề này, mình tò mò một chút về số liệu. Và mình đọc được một số thống kê như thế này: “6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm”, “trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 – 27 tuổi”, “nữ giới bị trầm cảm nhiều hơn nam giới”, “số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 – 30% mỗi năm”, “khoảng 8% – 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần”.

Mình ghi ra đấy để muốn nói rằng, các bạn ơi, nếu các bạn đang cảm thấy stress, mệt mỏi, không ổn về mặt tinh thần, các bạn không có đơn độc đâu. Trong một xã hội vật chất đã đủ đầy hơn, cái ăn cái mặc không còn là nỗi lo hàng đầu, tinh thần ngày càng phát triển thì việc tỉ lệ các bệnh liên quan đến tinh thần tăng cao là một chuyện rất bình thường. Tinh thần, thể xác – đều quan trọng như nhau. Nếu ta bị cúm, ta liền chạy ngay đến hiệu thuốc mua thuốc, vậy tại sao nếu ta không ổn về tinh thần, tâm lý, ta chưa đi tìm ‘thuốc’ cho bản thân mình?

Cuộc sống mình màu hồng, không phải vì nó luôn màu hồng như thế, mà vì mình chọn cách nhìn nó qua lăng kính màu hồng. Mình cũng trải qua những thăng trầm nhất định trong cuộc sống. Mất việc có, kết thúc một mối quan hệ có, hết sạch tiền có, một người thân qua đời có. Tuy nhiên có lẽ vì một phần năng lực tự nhiên của mình là ‘làm hồng’ mọi thứ, một phần khác đến từ những gì mình chọn tiếp xúc – lối sống tối giản, tư duy tích cực, viết lách – giúp mình vượt qua những điều đó khá dễ dàng. Mình viết tới đây phải đính chính lại liền để bạn đọc không hiểu nhầm, không phải với mình dễ dàng thì mình sẽ phán xét những người đang sống chung với các vấn đề của bản thân một cách khó khăn là không tốt. Trong 2 năm qua làm trong một công ty tâm lý, mình hiểu ra một điều rất quan trọng rằng, mỗi người có một nhân sinh quan riêng, một thế giới quan riêng, lớn lên khác nhau, tiếp xúc với những người khác nhau – nên không thể có một cách hỗ trợ, tư vấn, lời giải đáp nào có thể đúng hết với tất cả mọi người. Không phải vì mình làm được, người khác không làm được mà người ta không giỏi, không tốt.

Giải pháp hôm nay của mình với vấn đề trên được tóm gọn trong một câu: “Chúng ta không cần thêm, mà nên bớt”. Nếu bạn đang stress, thử ‘bớt’ bằng một số cách dưới đây xem sao:

  • Dọn dẹp lại nhà cửa và văn phòng
  • Nói ‘không’, từ chối một vài cuộc họp
  • Nói ‘có’, nhận lời với những người làm mình vui
  • Mua ít những món đồ vật chất
  • Giảm bớt đi những mối quan hệ độc hại
  • Chỉ tập trung đọc một trang báo, theo dõi một người, xem một kênh YouTube thôi thay vì đọc, theo dõi, xem nhiều
  • Đọc ít sách và thật sự ngẫm, thay vì đọc tất cả các cuốn mọi người giới thiệu
  • Đầu tư và tiết kiệm tiền để đỡ lo về khoản hết tiền
  • Có một khoảng thời gian trong ngày, trong tuần, trong tháng thực sự không làm gì cả.

<

p id=”09e0″ class=”ib ic dt ax id b ie me ig mf mg mh mi mj mk ml io”>___

Sê ri này được mình viết theo cảm xúc mỗi ngày, quan sát của mình về một vấn đề nhất định trong cuộc sống, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Hôm nay mình viết muộn hơn một chút, vì mình biết những bạn buồn thường hay thức khuya. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây. Hi vọng đọc được những comment sẻ chia từ mọi người.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Vấn đề #1: Mỗi ngày đều giống nhau

Nếu một ngày không có sự kiện nào quá đặc sắc thì cơ bản nó sẽ diễn ra như thế này: Ngủ dậy (lăn lộn trên giường mãi mới dậy). Ăn sáng (hoặc bỏ ăn luôn). Đi làm (nhiều khả năng là trễ giờ). Ăn trưa ở ngoài tốn tiền. Lại làm. Phóng xe máy về nhà. Ăn tối. Xà quần không biết làm gì mà hết buổi tối. Đi ngủ.

Thật ra sống mà có được một cái lịch ổn định như trên thì cũng tốt lắm rồi. Thế nhưng mà, xã hội bảo, ai đó ngoài kia bảo, Kênh14 bảo là: còn trẻ thế này mà không trải nghiệm, không làm những điều mới mẻ, không học những thứ hay ho, không đi du lịch đây đó thì thật là phí cả cuộc đời. Nghe xã hội bảo như thế, mình tự dưng nhìn lại một ngày ở trên, thấy nó thật là chán, thật là ‘boring’.

Vậy có chắc là khi học những điều mới, khi gặp gỡ thêm nhiều người, khi đi du lịch được chỗ này chỗ kia, mình sẽ thấy bớt chán hơn không nhỉ? Hay là chán kiểu khác.

Mỗi ngày sẽ đều chán và giống nhau như thế, nếu như bạn chẳng có lý do đằng sau những gì mà bạn đang làm.

Giải pháp cho bớt chán:

Làm tìm niềm vui ở sự lặp lại. Vẫn là việc đó mỗi ngày, nhưng thêm thắt một tí gì đó hay ho, đặt mục tiêu khó hơn tí tẹo – làm sao cho việc đó thêm vui. Ngày mai vẫn sẽ ăn ba bữa, nhưng ba bữa này có thể cố gắng ăn nhiều rau hơn, ăn ít thịt lại, hoặc thử một bữa ăn chay. Ngày mai vẫn phải đi làm, nhưng có thể thử đi bộ hoặc xe bus thay cho một ngày đi xe máy. Ngày mai vẫn đi làm, nhưng sẽ thử dùng một phương pháp làm việc hiệu quả tên là Pomodoro để đo xem mình tập trung được mấy tiếng. Ngày mai vẫn sẽ ngủ, nhưng trước khi ngủ có thể thử nghe một bài nhạc thiền xem đêm nay có ngủ ngon hơn không. Bắt đầu từ việc thêm những thứ mới và những việc làm hằng ngày, rồi sau đó mới tính đến chuyện thêm những thứ mới hoàn toàn, ví dụ như một tháng tới đặt mục tiêu là:

  • Đi đến một nơi chưa đến bao giờ (một con đường trong thành phố cũng được)
  • Nói chuyện với một người lạ chưa nói bao giờ
  • Học một kỹ năng mới chưa học bao giờ

Những thứ mới kể trên, học mãi rồi sẽ lại thành cũ – và bạn phải đối mặt với sự lặp lại. Đừng coi sự lặp lại là thứ gì đó rất chán, hãy coi nó như một thú vui, thêm tí mắm muối cho sự lặp lại thêm mặn.


Sê ri này được Tuấn Anh viết vào mỗi tối mà không có sự chuẩn bị trước, viết xong cũng không thèm đọc lại, mục đích là để thoát khỏi sự lười biếng của việc viết mỗi ngày và để thỏa cơn nghiện viết của bản thân. Ngoài ra, Tuấn Anh đăng vào khung giờ 21h – 23h để câu like, không có mục đích cao siêu gì hơn. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây.

#VấnĐềCuộcĐời #LifeProblems #AnhTuanLe

Photo by Vitaly Taranov

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: