Em hỏi tôi: “Anh nghĩ sao nếu một người học đại học rồi đến thạc sĩ ngành Tài Chính ở nước ngoài, tốn bao nhiêu là tiền của thời gian, bây giờ lại không muốn làm trong ngành Tài Chính nữa.” Tôi cười trả lời em: “Cũng bình thường mà em, làm gì bản thân mình thấy đúng với chính mình là được. À, nhưng mà phải luyện khả năng chiến đấu với sóng gió xã hội ngoài kia em nhé.”

Sóng gió xã hội tức là rất nhiều thứ xung quanh em: những lời khuyên của cha mẹ, họ hàng về việc em phải làm thế này thế kia vì họ là người từng trải, họ biết như vậy là tốt cho em. Sóng gió là khi em nhìn đám bạn xung quanh thấy đứa thì làm quản lý, đứa thì đi công tác nước ngoài, đứa thì có gia đình vui vẻ – em thì vẫn “lông bông” theo một cách nào đó chưa đâu vào đâu. Sóng gió đến khi em đọc Kênh14, CafeBiz, Facebook và thấy những tựa bài báo kiểu như là “Tuổi 30 phải làm được điều này!”.

Càng tìm hiểu nhiều về việc xây dựng thói quen, lựa chọn lối sống, càng gặp gỡ nhiều người ở nhiều hoàn cảnh khác nhau – tôi càng đúc kết lại rằng: chẳng có một quan điểm, lời khuyên, ý tưởng, phương pháp nào đúng hoàn toàn. Những thứ đó chỉ đúng: khi nó phù hợp với chính bản thân mình, và phù hợp với đúng thời điểm hiện tại. Còn tương lai, một cái chớp mắt nữa còn chưa biết chuyện gì xảy ra mà.

Lấy ví dụ chuyện giấc ngủ. Đọc về những doanh nhân, tôi được dạy là hãy ngủ ít, để có thời gian làm việc. Đọc về các sư thầy, tôi được dạy là hãy dậy sớm thật sớm để đón năng lượng đầu ngày. Khi bắt đầu tập gym, tôi được dạy là ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày là không tốt cho việc phát triển cơ bắp. Cái nào cũng đúng, cái nào cũng thuyết phục. Áp dụng phương pháp “đúng” ở trên, tôi tự hỏi bản thân mình: cái nào trong đống trên là đúng với mình (sau khi đã thử) và hợp với mình ở thời điểm này. Hiện tại, tôi chú trọng vào tập gym, nên cần giấc ngủ đủ và chất lượng để phát triển cơ bắp – tôi sẽ không thấy phiền não hay trách móc bản thân khi không dậy sớm được như mọi người.

Quay lại chuyện công việc, tôi thường hay đùa rằng “Hành trình một người hướng nghiệp chắc sẽ dễ dàng hơn, ít bất an hơn nếu chúng ta đang ở trong chùa, hoặc ở trong …tù.” Ở những nơi mà đặc thù không cho chúng ta tiếp cận quá nhiều các kênh thông tin đại chúng như TV, Internet, Mạng xã hội hay không có cơ hội cho chúng ta gặp gỡ quá nhiều người – chúng ta có khi lại ít bị ảnh hưởng hơn. Trước đây tôi vẫn luôn tin rằng, chỉ cần có nội lực (willpower) thì dù chuyện có khó khăn, khó nhằn đến đâu chúng ta cũng sẽ giải quyết được. Đến bây giờ tôi phải tự sửa lại câu trên là: nội lực không chưa có đủ, phải có môi trường phù hợp nữa. Nếu ngày ngày chúng ta lướt Facebook và thấy những đứa bạn khoe hết thành công này đến thành công kia, làm sao chúng ta bình an cho nổi. Nếu xung quanh chúng ta là những người thích khuyên bảo, bố mẹ bảo làm cái này, cô chú bảo làm cái kia, anh trai bảo làm cái nọ – ai cũng cho là mình đúng, thì làm sao chúng ta có thể ra quyết định được.

Chúng ta cần phân biệt giữa tình thương, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và chuyên môn chuyên biệt về một vấn đề. Ba mẹ vì thương mình nên có thể khuyên mình nên học ngành này, làm cái kia, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mấy chục năm trước của ba mẹ – chúng ta hãy trân trọng điều đó, lắng nghe và tham khảo. Nhưng hãy dừng ở đó thôi. Dừng ở việc lắng nghe và tham khảo. Chúng ta phải biết rằng, ba mẹ có tình thương, có kinh nghiệm cuộc sống – nhưng để quyết định giữa việc học trường nào, học ngành gì thì ngoài bản thân mỗi người tự quyết định, nếu muốn tìm đến một lời khuyên – hãy tìm đến các chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, vì họ có chuyên môn và được đào tạo bài bản hơn.

Một chút câu chuyện cá nhân, gần 30 tuổi đầu nhưng hình như con đường nghề nghiệp và phát triển cuộc sống của tôi không có giống ‘đa số’ những lộ trình được vạch sẵn cho một người đàn ông ngoài kia. Cái sự khác đấy đôi khi cũng làm cho gia đình lo lắng. Gần 30 tuổi rồi, xe thì chưa mua được, tiền tiết kiệm chưa để được bao nhiêu, nhà cũng chưa có hay chưa thấy có ý định gì là mua trả góp để có – làm sao mà lấy vợ, làm sao mà ổn định – các cụ nhà tôi hay than phiền như thế. Tôi nghe, cười và gật gù. Thấy biết ơn vì các cụ vẫn thương mình, có thương thì mới lo, có lo thì mới nói. Các bạn biết đấy, các cụ chúng ta thể hiện tình thương một cách rất dân dã giống như cách các cụ đã được thương từ nhỏ, thông qua những câu hỏi, những câu trách móc, những câu mà giới trẻ chúng ta có thể cảm thấy vô duyên – nhưng đấy là thương đấy. Cảm ơn tình thương đó, nhưng quyết định sống tiếp thế nào hoàn toàn là quyết định của tôi. Tôi vẫn tiếp tục kiên định trên hành trình mình đã trọn, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc mà mình đang có, theo đuổi những dự án không mang lại nhiều tiền nhưng mang lại nhiều giá trị về mặt tinh thần.

Còn em, nếu em đã trót tốn vài năm và một số tiền không nhỏ để theo đuổi một ngành nhưng hiện tại lại đang có hứng thú và mong muốn theo đuổi một ngành khác – cứ thử đi em. Thử dấn thân vào, tìm hiểu nát cái lĩnh vực đó ra, gặp gỡ thật nhiều người trong ngành. Thử sáng tạo hơn nữa, xem có cách nào kết hợp giữa ngành em đã học và lĩnh vực em đang quan tâm hay không, dù ban đầu nghe có vẻ không liên quan gì cả. Người Việt Nam chúng ta giỏi cực, khó thế nào cũng xoay xở được.

1 bình luận cho “Bản Thân Mình Thấy Đúng Là Được”

  1. Em vẫn nhớ câu nói của ba “Hồi tao lấy mẹ mày, tao cũng chỉ là một thằng thất nghiệp”. ba em là người lập gia đình muộn, ngoài 30 ba em có trong tay một tấm bằng học ở trường cơ giới và một vài cái huân chương bộ đội ở chiến trường Campuchia. Ba em mất cả thanh xuân để đi tìm một lối đi đúng. Nhưng mọi thứ chẳng hề dễ dàng, vì bất lực vì đời vùi dập, ba em đã thử đi kiếm tiền bằng nhiều công việc khác nhau. Ba em đã từng xâm trên đôi tay của mình là “hận kiếp nghèo”. Đến nỗi mẹ em không phải là sự lựa chọn của ba, mà đó chính là sự sắp đặt. Em biết, lúc đó ba đã áp lực với ông bà nội rất nhiều. Chưa có sự nghiệp trong tay nên không dám lấy vợ, chưa có sự nghiệp trong tay nên mọi người khinh thường. Ba em giỏi nhiều thứ lắm, nhưng vì điều kiện gia đình nên ý chí đó đã vụt tắt. Bản thân em bây giờ cũng thế. Giống hệt anh, không có tiền tiết kiệm, vẫn muốn theo đuổi cái mình thích. Ba mẹ thì không thích, muốn em phải làm nhân viên trong một công ty nào đó. Còn em, muốn theo đuổi, nhưng hiện giờ điều kiện vẫn không cho phép. Giờ em cũng khá bế tắc.

    Thích

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: