Tôi thấy mọi người xung quanh thường khổ vì “sự khác nhau”. Quan điểm khác nhau, lối sống khác nhau, tính cách khác nhau, những đòi hỏi khác nhau. Hiểu được sự khác biệt của nhau đã khó, chấp nhận được sự khác biệt đấy hay không lại càng khó hơn.
Tình Yêu
Lấy ví dụ trong chuyện tình yêu, cô em than vãn “Em rất là yêu thương người ta. Em lúc nào cũng muốn dành thời gian cho người ta hết, nhưng mà người ta chẳng thèm quan tâm đến em. Chắc người ta không có yêu em nhiều“. Tôi cười hỏi lại: người ta không yêu em nhiều, là em đang đánh giá dựa trên thang điểm “nhiều” của em hay thang điểm của người ta? Em có chắc là thang điểm 10 trong tình yêu của em cũng giống y hệt thang điểm 10 của người ta không?
Nhân tiện đang đá chuyện tình yêu (không biết sao dạo này thích nói chuyện này thế), hồi trước đi học lớp Couple Camping 3 ngày ở Phan Thiết tôi nhớ nhất khái niệm “Năm ngôn ngữ tình yêu”. Đại khái là mỗi chúng ta đều bộc lộ hay cảm nhận tình yêu theo nhiều cách khác nhau, và thấu hiểu sự khác biệt đó sẽ cự kì hữu ích cho mối quan hệ của bạn. (Bạn tìm đọc thêm sách The Five Love Languages của tác giả Gary Chapman). Năm ngôn ngữ này bao gồm:
- Lời Nói Yêu Thương: bày tỏ yêu thương qua sự trìu mến, ngợi ca hoặc niềm trân trọng được thể hiện ra thành lời.
- Hành Động Giúp Đỡ: dùng những hành động, hơn là lời nói, để biểu lộ và tiếp nhận tình yêu.
- Những Món Quà: quà tặng là biểu tượng của tình yêu và sự mến mộ.
- Thời Gian Chia Sẻ: thể hiện tình yêu với sự toàn tâm toàn ý, trọn ven và không sao lãng.
- Tiếp Xúc Cơ Thể: có thể là sex, cũng có thể chỉ là cầm tay. Người nói thứ ngôn ngữ tình yêu này cảm nhận sự âu yếm thông qua những tiếp xúc cơ thể.
Quay lại với chuyện cô gái ở trên, có thể ngôn ngữ tình yêu của cô ở đây là Thời Gian Chia Sẻ, còn ngôn ngữ của chàng trai kia là Tiếp Xúc Cơ Thể chẳng hạn (tôi cũng không biết, chỉ đoán mò vậy thôi). Không có ngôn ngữ nào là đúng hay sai ở đây, điều duy nhất có thể đúng ở đây là hai người dành thời gian để cùng tìm hiểu về vấn đề này. Trước tiên là biết bản thân mình có thể đem tới cái gì, rồi sau đó tìm hiểu xem đối phương đang cần điều gì. Bạn nào rảnh có thể thử vào trang https://www.5lovelanguages.com/quizzes/ làm nhanh bài trắc nghiệm để hiểu hơn về ngôn ngữ yêu thương của bản thân.
Sự Nghiệp
Cái “khổ vì khác nhau” tôi cũng hay thấy trong những câu chuyện nghề nghiệp khi đi làm tư vấn hướng nghiệp cho mọi người. Có những thân chủ tìm đến tôi và tâm sự rằng họ thấy “khổ” (áp lực, căng thẳng, stress) khi lên Facebook nhìn những người bạn bè cùng trang lứa hoặc lớn hơn một tí chia sẻ về những thành công trong sự nghiệp của người ta. Đứa thì lên chức, đứa thì tốt nghiệp thạc sĩ, đứa thì mới mua được ô tô, vân vân và mây mây. Tôi thì nghĩ đơn giản, ông trời chẳng cho ai tất cả mọi thứ, mà cũng chẳng ai giỏi hơn ai tất cả mọi thứ. Bạn A có thể rất khéo léo trong chuyện làm ăn, kiếm tiền, nhưng bạn B lại giỏi trong việc giữ gìn các mối quan hệ và vun vén cho hạnh phúc gia đình. Trong trường hợp này, nếu lấy thang điểm thành công của bạn A để đo cho bạn B, làm sao mà đúng.
Vậy nên mới nói, việc đầu tiên cần làm là phải nhận ra sự khác nhau giữa mình và người kia. Mình khác bạn mình ở cái gì? Hoàn cảnh sống của mình có gì khác nó? Điều kiện của mình có gì khác nó? Tính cách thì sao? Sự may mắn nữa chứ. Tổng hợp một đống sự khác nhau như vậy, sẽ cho ra hai con người khác nhau là đúng rồi. Nhìn ra được sự khác nhau chắc không khó, khó hơn có lẽ là chấp nhận sự khác nhau đó. Để chấp nhận, cần thời gian nuôi dưỡng. Để nuôi dưỡng được, cần tạo môi trường phù hợp với những gì bạn đang theo đuổi. Ví dụ một người bạn tôi đã tốt nghiệp, đang theo đuổi những điều ý nghĩa liên quan đến thiền, tâm linh, yêu bản thân – thay vì theo đuổi thành công trong tiền bạc. Việc bạn làm là tham gia vào những hoạt động mà bạn đang theo đuổi, tránh xa những tin tức liên quan đến thành công công việc, gặp gỡ những người có cùng sở thích với bạn – ít thôi, nhưng đủ để nâng đỡ bạn mỗi ngày.
Phản Ứng Đầu Tiên: Tại Sao Người Ta Khác Mình Nhỉ?
Tôi thấy một đứa trẻ con đang bi bô tập nói hay con cún nhà tôi có một đặc điểm tính cách rất tốt mà người lớn hay bị bỏ quên mất: đấy là sự tò mò. Với một đứa nhỏ, cái gì cũng thấy hay, cái gì cũng muốn sờ thử. Với một chú chó lần đầu ra công viên, mọi gốc cây, ngọn cỏ đều là một thế giới mới lạ. Với con người, có nhiều người càng học cao, càng có nhiều kiến thức đáng ra thế giới quan phải rộng mở để đón nhận sự khác biệt, thì họ lại đóng lại và khư khư giữ lấy cái tôi của mình.
Lần tới, khi lên mạng đọc được một điều gì đó rất khác so với quan điểm của bạn – hay khi đi cà phê mà nói chuyện với ai đó có tư duy rất trái ngược với bạn, thử áp dụng tính tò mò một tí vào xem bạn nhé. Thay vì ngay lập tức bực bội, cáu gắt và tìm cách đáp trả, mình có thể hít một hơi thật sâu và đưa tính tò mò vào câu chuyện này. Tại sao người này lại chia sẻ những điều như này nhỉ? Họ lớn lên như thế nào, cùng ai? Xung quanh họ là những ai? Họ được hưởng sự giáo dục như thế nào? Tò mò một chút không có hại đâu.
Nhờ tò mò vậy, tôi thấy xung quanh tôi ai cũng rất thú vị.
Tôi biết rằng những ngày này bạn có rất nhiều lựa chọn để giải trí, nhưng bạn đã bớt vài phút cuộc đời để đọc bài viết này. Tôi rất cảm ơn và trân trọng điều đó. Chúc tất cả chúng ta thật khỏe.
Các bài viết khác của Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/articles/