Có bạn sau khi rải CV đến 5-10 công ty mà không nhận được phản hồi nào, đâm ra bị ‘bệnh’ bi quan về triển vọng nghề nghiệp tương lai của bản thân. Bệnh nhẹ thì đổ tại thị trường lao động sao mà khó khăn quá, chẳng có được công việc tốt. Bệnh nặng hơn thì quay sang đổ tại mình kém cỏi, bất tài.

Vấn đề là ở chỗ, hình như bạn đang tìm việc sai phương pháp mất rồi.

Nếu bạn chưa biết, một trong những công việc của Tuấn Anh là tư vấn CV, tức là giúp các bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ tốt nhất trước khi gửi cho nhà tuyển dụng. Tuy đây là công việc kiếm cơm đó, nhưng Tuấn Anh vẫn phải khẳng định một điều rằng, tìm việc chỉ bằng cách đi gửi CV khắp nơi thực sự không phải là một phương pháp hiệu quả đâu.

Thay vào đó, các bạn phải chủ động thông qua các mối quan hệ.

Quy trình tìm người của một công ty

Nếu bạn nào đã đi làm (hoặc hãy hỏi các anh chị đã đi làm), các bạn sẽ hiểu rõ hơn về quy trình tìm người tài của một công ty. Đầu tiên, luôn luôn ưu tiên sự giới thiệu của nhân viên nội bộ trước, vì người nội bộ giới thiệu dù sao cũng có uy tín hơn mà đúng không. Đó là lý do vì sao các bạn sẽ thấy có nhiều công ty có chính sách thưởng tiền (quà) cho các nhân viên giới thiệu người thành công đó. Ngoài ra, có nhiều vị trí sẽ ưu tiên nội bộ luân chuyển trước, tức là người từ phòng ban khác nhảy qua, trước khi tuyển ra ngoài.

Qua kênh trên, công ty có thể tìm qua mạng lưới bạn bè thân quen, kiểu như là “Mày có biết đứa nào giỏi A,B,C không giới thiệu đi” hoặc sử dụng mạng lưới săn đầu người (Headhunter) cho các vị trí cấp cao hơn.

Thường qua những kênh trên sẽ hiệu quả hơn, nên các công ty sẽ ưu tiên làm trước. Đến khi nào qua hết các kênh này rồi mà vẫn không tìm được, lúc đó mới đăng tuyển lên các kênh truyền thông đại chúng – và đó là lúc các bạn nộp CV đó. Đến giờ thì các bạn đã hiểu hơn phần nào rằng – khi các bạn nộp CV thì tỉ lệ trúng đã giảm đi phần nào rồi đúng không nào?

Kinh nghiệm cá nhân của Tuấn Anh

Từ khi đi làm đến giờ – thực sự có mỗi công việc đầu tiên sau khi ra trường thực tập tại phòng Tư vấn hướng nghiệp của trường Đại học RMIT là Tuấn Anh nộp CV mà thôi. Còn lại, Tuấn Anh đều tìm được qua hai kênh chính là giới thiệu thương hiệu cá nhân hết.

Ví dụ, khi Tuấn Anh làm việc cho hãng phim Oriental Picture để quản lý phát hành dự án phim tài liệu Lửa Thiện Nhân, Tuấn Anh được chị sếp cũ giới thiệu đến anh đạo diễn rằng “Bạn này giỏi truyền thông và nhiệt tình lắm” – vậy là trò chuyện một buổi rồi vào làm. Khỏi CV.

Có một đợt Tuấn Anh làm việc tại LINE Việt Nam cho một dự án liên quan đến nội dung, các bạn nhân sự bên đó cũng tự tìm đến Tuấn Anh sau khi đọc blog của mình và mời đến phỏng vấn. Phỏng vấn xong thì vào làm. Khỏi CV.

Công việc gần nhất tại Hướng nghiệp Sông An cũng vậy. Công việc này Tuấn Anh trực tiếp hỏi chị sếp công ty rằng “Bên mình có cần tuyển vị trí nào không?” đồng thời đưa ra một số điều Tuấn Anh có thể làm được, vậy là chị sếp thấy cũng hợp lý và đề xuất lên cấp trên một vị trí mới – Tuấn Anh vào làm.

Từ những câu chuyện trên Tuấn Anh muốn tóm gọn lại 3 điều để giúp các bạn có nhiều cơ hội việc làm hơn đó là:

  • Phải mở rộng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, tức là giữ liên lạc với những người có chuyên môn trong thị trường việc làm. Cho họ biết về bạn, bạn có thể làm gì, bạn giỏi lĩnh vực nào.
  • Tranh thủ xây dựng một thương hiệu cá nhân thông qua việc sản xuất nội dung (viết, video, podcast, ảnh, vân vân) – để nhà tuyển dụng tự tìm đến bạn.
  • Đừng chờ! Hãy chủ động tìm đến công ty và giới thiệu, vì có khi công ty còn chẳng biết là họ cần vị trí đó đâu.

Áp dụng thực tiễn

Phong cách chia sẻ của Tuấn Anh là đi thẳng vào những gì áp dụng được – vậy nên đây là một số điều bạn có thể làm nếu thời gian quan tìm việc chưa có hiệu quả. Những điều này có thể rất mới, rất lạ lẫm – nhưng nó sẽ giúp mang đến cơ hội cho bạn.

  1. Lập một tài khoản LinkedIn và cập nhật thông tin trên đó. Tự viết một bài rao bán mình trên LinkedIn tới các nhà tuyển dụng (bao gồm công việc bạn mong muốn, kiểu công ty, mức lương, các kỹ năng bạn có thể làm…).
  2. Làm tương tự, chia sẻ CV lên Facebook và nói về những ý tương tự ở trên. Đừng ngại, Facebook cũng có những người đi làm – và biết đâu công ty họ đang cần.
  3. Vào các nhóm về nhân sự hoặc ngành nghề bạn quan tâm trên Facebook, dành thời gian Stalk ra thông tin email của nhân sự các công ty bạn thấy thích – chủ động gửi email CV của bạn cho người ta – chia sẻ về những gì bạn có thể làm xem họ có hứng thú hay trống vị trí nào không.
  4. Tìm đến các sự kiện hướng nghiệp, các hội thảo hướng nghiệp, các sự kiện chuyên ngành – đem theo CV của bạn, tìm cơ hội được trò chuyện và kết nối với mọi người ở đấy.
  5. Tranh thủ chưa có việc bắt tay vào xây dựng thương hiệu cá nhân. Tham khảo thêm sách “Định vị bản thân” của Tuấn Anh có hướng dẫn kỹ các cách.
  6. Đăng ký tư vấn với Tuấn Anh để được Tuấn Anh đồng hành cùng bạn cho đến khi bạn tìm được công việc như ý. Link: https://bit.ly/tuvan-anhtuanle

Chúc các bạn tìm được công việc thành công.

____

Các bài viết khác của Tuấn Anh:

❤️ ĐỂ TRÒ CHUYỆN THÊM VỀ HƯỚNG NGHIỆP:

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: