Những ngày cuối năm đã cận kề, đây là thời điểm bạn bắt đầu đặt ra những mục tiêu mới cho công việc trong năm mới: có thể làm tìm việc mới, có thể là thăng tiến trong công việc hiện tại hoặc đổi sang một lĩnh vực mà bạn đang quan tâm bấy lâu nay.
Năm 2020 vừa qua là một năm đầy biến động của thị trường việc làm, khi mà rất nhiều lĩnh vực phải đóng băng hoàn toàn hoặc phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên nếu nhìn ở một khía cạnh tích cực, trong nguy có cơ, đây hoàn toàn là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu thử tìm kiếm một cơ hội mới cho bản thân, sống chậm lại và theo đuổi những gì mình thích bấy lâu nay.
Để tìm được một công việc mới đúng với mong muốn của bản thân, bạn cần phải hiểu về các yếu tố giúp bạn có được công việc đó. Trong tư vấn hướng nghiệp có một công thức tuyển dụng được hiểu rất đơn giản đó là:

1/ CÔNG VIỆC LÀ GÌ?
Việc làm (tiếng Anh: job) hay công việc là một hoạt động được thường xuyên thực hiện để đổi lấy việc thanh toán hoặc tiền công, thường là nghề nghiệp của một người. Một người thường bắt đầu một công việc bằng cách trở thành một nhân viên, người tình nguyện, hoặc bắt đầu việc buôn bán. Thời hạn cho một công việc có thể nằm trong khoảng từ một giờ (trong trường hợp các công việc lặt vặt) hoặc cả đời (trong trường hợp của các thẩm phán). Nếu một người được đào tạo cho một loại công việc nhất định, họ có thể có một nghề nghiệp. Tập hợp hàng loạt các công việc của một người trong cả cuộc đời là sự nghiệp của họ.
Một công việc phải có điểm đầu và điểm kết thúc, phải có mục tiêu, kết quả, có nguồn lực.
Hầu hết mọi người sẽ làm việc tám giờ mỗi ngày và hơn bốn mươi hoặc nhiều giờ hơn mỗi tuần để làm công việc được trả lương. Một số trường hợp như trẻ em hay người khuyết tật sẽ làm việc với thời gian ít hơn. Ngoài ra, công việc cho những nhóm người đều khác nhau, ví dụ như những công việc toàn thời gian, bán thời gian, tình nguyện viên , hay công việc nội trợ. Đối với trẻ em trên năm tuổi, chúng đã bắt đầu trở thành một phần trong xã hội, vì vậy công việc chính của trẻ em sẽ là học và trở thành một học sinh.
2/ KỸ NĂNG / KIẾN THỨC
Kiến thức là những gì bạn học được thông qua sách vở hoặc các kênh thông tin. Ví dụ bạn học về Marketing, bạn có kiến thức về 4P, 4C, SEO. Bạn học kế toán, bạn biết về nghiệp vụ mua hàng, nghiệp vụ bán hàng, phương pháp tính giá, vân vân. Bạn học logistics bạn biết về lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan. Tương tự vậy với những lĩnh vực khác. Bạn có thể có được những kiến thức này thông qua việc học tại trường hoặc tự học online trên các trang như Coursera, Udemy.
Kiến thức sẽ dễ ngấm vào đầu bạn nếu bạn thích tìm hiểu về nội dung đó. Chính vì vậy việc chọn đúng ngành, đúng nghề là rất quan trọng. Chọn đúng thứ mình thích, học sẽ dễ vào hơn. Bạn có thể tham khảo thử mô hình cây nghề nghiệp để biết cách chọn sao cho đúng.
Kỹ năng có 2 loại là Kỹ năng chuyên môn và Kỹ năng mềm. Kỹ năng chuyên môn là những kỹ năng đặc thù thuộc về lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Ví dụ bạn theo đuổi Marketing, thì kỹ năng chuyên môn có thể là Kỹ năng nghiên cứu và phân tích khách hàng và thị trường, Kỹ năng phân khúc thị trường. Mấy cái này gõ Google là ra hết. Kỹ năng khác kiến thức ở chỗ là có thêm một động từ phía trước, để thấy sự hành động. Ví dụ bạn có thể có kiến thức về “các kênh Marketing” nhưng bạn cần có kỹ năng “phát triển các kênh Marketing”.
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, bạn cần có kỹ năng mềm – tức là những kỹ năng có thể giúp bạn làm ở nhiều công việc khác nhau. Các kỹ năng mà thế kỷ 21 đang rất coi trọng đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và kỹ năng quản trị cảm xúc. Bạn có thể xem thêm bộ 3 kỹ năng thế kỷ 21 tại đây.
Vậy bước đầu tiên, hãy ngồi xuống thử viết ra 10 kiến thức, 10 kỹ năng công việc và 10 kỹ năng mềm mà bạn đang có nhé.
3/ MẠNG LƯỚI QUAN HỆ
Đây là thứ quan trọng nhất để giúp bạn tìm việc hiện nay, nhưng vẫn đang bị nhiều bạn bỏ qua hoặc chưa đầu tư vào. Nếu bạn đã từng có cơ hội làm việc ở các công ty lớn, bạn sẽ thấy rằng khi công ty đăng tuyển một vị trí mới, họ sẽ ưu tiên giới thiệu của những nhân viên trong công ty trước – sau đó mới đăng tin ra bên ngoài. Hay tương tự tưởng tượng bạn là chủ một công ty muốn tìm một người làm Kế toán, bạn cũng sẽ đi dò hỏi xung quanh và sẽ hẹn gặp một số người được giới thiệu trước khi đọc hồ sơ CV, đúng không nào?
Chính vì lý do trên, dù bây giờ bạn mới chỉ đang là sinh viên thôi hay đã đi làm 10 năm rồi, xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp không bao giờ là muộn cả. Mạng lưới chuyên nghiệp là tất cả những ai có tiềm năng giới thiệu công việc cho bạn. Đó có thể là bạn học cũ, các anh chị cựu sinh viên, đồng nghiệp, sếp cũ, một anh chuyên gia nào đó bạn quen được trong hội thảo – mạng lưới càng rộng bạn càng có nhiều cơ hội.
Không nhất thiết khi bạn làm trong một lĩnh vực thì cứ phải chăm chăm xây dựng mạng lưới trong lĩnh vực đó. Ví dụ bạn làm Nhân sự đi, không nhất thiết cứ phải đi gặp gỡ vào giao lưu với toàn những người làm nhân sự. Bạn có thể tham gia những buổi sự kiện có sự xuất hiện của các chủ công ty vừa và nhỏ, hay bất kỳ các doanh nghiệp nào – đó cũng có thể là mạng lưới cho bạn, vì biết đâu trong sự quen biết của họ lại biết ai đó đang cần nhân sự thì sao.
Tuy vậy, để mạng lưới phát huy hết hiệu quả, bạn phải biết ‘quảng bá’ một chút cho bản thân mình. Dù mạng lưới bạn có cả 1000 người nhưng chẳng ai biết khả năng của bạn là gì – thật khó để họ giới thiệu cho bạn. Chính vì vậy, bạn phải biết cách ‘quảng bá’ khả năng của mình thông qua CV, LinkedIn hay các bài blog chẳng hạn.
4/ NHU CẦU TUYỂN DỤNG
Bạn cũng cần biết thị trường ngoài kia có công việc nào đang được săn đón nhiều – tuy nhiên với kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp của mình, yếu tố này thực sự ảnh hưởng rất nhỏ. Chỉ cần bạn đầu tư tốt vào hai điều ở trên, khả năng thất nghiệp của bạn là rất thấp.
Yếu tố này chỉ ảnh hưởng khi bạn đang thích những lĩnh vực rất đặc thù, ít cơ hội ví dụ như phi công chẳng hạn – thì cần phải cân nhắc và xem xét.
Một trang để bạn biết được nhu cầu tuyển dụng là trang http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/ của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM.
Trên đây là công thức tuyển dụng giúp bạn có thể tìm được công việc tốt hơn cho năm 2021. Chúc bạn một năm mới thuận lợi về nghề nghiệp nhé.
Hãy ấn đăng ký kênh để giúp Tuấn Anh có thêm nhiều subs nhé ^^!
■ Facebook: https://www.facebook.com/anhtuanle23/
■ Group: https://www.facebook.com/groups/viet1…
■ Instagram: https://www.instagram.com/huongnghiepne/
■ Tik Tok: https://www.tiktok.com/@anhtuanle.vy
■ LinkedIn: https://linkedin.com/in/anhtuanle234
■ Gmail: hi@anhtuanle.com
Bài viết tham khảo Công Thức Tuyển Dụng của Hướng nghiệp Sông An – Phoenix Hồ.
1 bình luận cho “Làm Sao Để Có Việc”
ôi hôm nay mới biết anh có podcast trên spotify. subscribed anh ơi!!! chúc anh một năm 2021 thành công ạ 🙂
ThíchThích