Tư vấn hướng nghiệp như mình đang làm là một nghề giúp đỡ. Ngoài ra còn có rất nhiều công việc giúp đỡ như tư vấn tâm lý, coaching, bác sĩ, giáo viên, vân vân. Từ những quan sát cá nhân của bản thân, mình thấy rằng mọi người làm những nghề này có tâm và rất giỏi trong việc giúp đỡ người khác, tuy nhiên đôi khi lại ‘bỏ quên‘ mất việc tự chăm sóc bản thân mình, cụ thể là vấn đề sức khỏe.
Mình quan sát những người bạn trong cùng ngành nghề giúp đỡ, thấy có rất nhiều loại bệnh như đau bao tử (có thể do bỏ bữa), đau cổ tay, đau lưng (có thể do ngồi đánh máy quá nhiều), đau mắt (có thể do nhìn màn hình lâu) và một số bệnh lặt vặt khác.
Có rất nhiều lý do cho việc ‘quên chăm sóc mình‘ như bận quá, lười quá, mệt quá. Cá nhân Tuấn Anh nghĩ rằng, nếu bạn muốn giúp được nhiều người hơn, bạn phải là người có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt. Hai điều này tốt, bạn sẽ có nhiều năng lượng tích cực để gặp gỡ khách hàng cũng như làm việc được lâu dài hơn.
Vậy bạn có thể làm gì để nâng cao vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần?
1/ Kiểm tra định kỳ
Một chiếc xe muốn chạy tốt và bền cần bảo dưỡng định kỳ hàng tháng hoặc hàng năm. Một cá nhân muốn có sức khỏe tốt cả về tinh thần và thể chất nên bắt đầu bằng việc kiểm tra định kỳ, có thể là 6 tháng một lần.
Về sức khỏe thể chất, bạn có thể đặt lịch khám tổng quát ở bệnh viện. Mình thường khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược, với khoảng 1-3 triệu mình sẽ biết được các chỉ số về máu, nước tiểu, sức khỏe tim mạch và xương khớp để phát hiện các bệnh đang có hoặc phòng trước các bệnh sắp có. Ngoài ra, bạn có thể đăng ký đo lượng cơ, mỡ bằng máy đo inBody để biết về các chỉ số này. Câu hỏi cho bạn: lần gần nhất bạn làm việc khám sức khỏe định kỳ là khi nào?
Về sức khỏe tinh thần, việc gặp bác sĩ tâm lý 6 tháng một lần là một ý hay. Chúng ta đừng nghĩ rằng cứ phát bệnh nặng thì mới tìm đến bác sĩ để chữa, trong công việc và cuộc sống cá nhân ai mà chẳng có lúc stress và cần được xả những điều đó ra (đôi khi nói với người thân không phù hợp). Vậy nên, việc được xả sớm và định kỳ là một cách để mình ngăn ngừa stress tích tụ. Nếu bạn không muốn gặp bác sĩ tâm lý, việc có một nhóm những người cùng làm nghề giúp đỡ với nhau và thực hành lắng nghe không phán xét định kỳ cũng là một cách.
2/ Có lúc nào đó để công việc sang một bên
Tạm thời để công việc sang một bên vào một thời điểm nào đó là cách bạn có được sự cân bằng trong cuộc sống. Cân bằng giữa công việc và vui chơi, giữa cho và nhận, giữa việc hoàn thành các đầu việc và không làm gì cả.
Khi để công việc sang một bên, dù là 15 phút mỗi ngày hay một tiếng, bạn hãy tập làm một số điều nhỏ có ích cho bản thân như uống đủ nước, ăn đúng dinh dưỡng, vận động và tập thể dục. Một số điều bạn có thể làm thêm như đi bộ, viết journal, thực hành thiền, dành chút thời gian chơi với chó hoặc chỉ đơn giản là ngồi im nhìn trời. Thay vì ngồi làm việc liên tục nhiều tiếng đồng hồ trên máy tính để ghi chép hay nghiên cứu, cứ mỗi 30 phút bạn hãy dừng lại 5 phút, đứng dậy duỗi chân duỗi tay, rót một ly nước uống hoặc phóng tầm mắt ra xa để đỡ mỏi mắt. Ứng dụng Headspace phù hợp cho bạn thực hành thiền và ứng dụng 7 Minutes sẽ giúp bạn tập những bài thể dục ngắn.
Ngoài ra, là một người làm tư vấn, tạo một ranh giới phù hợp cũng rất quan trọng trong việc chăm sóc bản thân. Khi mới làm tư vấn, bạn có thể ham nhận giúp đỡ ngoài giờ hành chính, sẵn sàng trả lời tin nhắn lúc nửa đêm – những việc như vậy về lâu dài là kẻ thù cho sức khỏe.
3/ Thực hành thiền
Nghiên cứu cho thấy rằng thiền không chỉ mang lại sự bình tĩnh mà còn giúp giảm lo âu và trầm cảm, ung thư, đau mãn tính, hen suyễn, bệnh tim và huyết áp cao.
Để bắt đầu, bạn chỉ cần dành vài phút mỗi ngày. Sau đó, bạn có thể tăng lên 10, 20 hoặc 30 phút. Bạn có thể học về thiền trong sách, Internet hoặc các khóa học.
Các loại thiền:
- Thở sâu. Ngồi hoặc nằm xuống một cách thoải mái. Đặt tay lên bụng. Từ từ đếm đến bốn trong khi hít vào bằng mũi. Cảm thấy bụng của bạn phồng lên. Giữ hơi thở của bạn trong một giây. Từ từ đếm đến bốn trong khi bạn thở ra, tốt nhất là mím môi để kiểm soát hơi thở. Bụng của bạn sẽ tụt xuống từ từ. Lặp lại một vài lần.
- Thiền Chánh niệm. Tập trung vào hơi thở của bạn. Chú ý bất cứ điều gì đi qua nhận thức của bạn mà không phán xét. Nếu tâm trí của bạn bắt đầu giải quyết danh sách việc cần làm, chỉ cần quay lại tập trung vào hơi thở.
- Hình dung. Nhắm mắt lại, thư giãn và tưởng tượng về một nơi yên bình, giống như một khu rừng. Thu hút mọi giác quan của bạn: Nghe tiếng xào xạc của lá, ngửi mùi đất ẩm, cảm nhận làn gió nhẹ.
- Lặp đi lặp lại một câu thần chú. Ngồi yên lặng và chọn bất kỳ từ, cụm từ hoặc âm thanh nào có ý nghĩa và nhẹ nhàng. Bạn có thể lặp lại câu thần chú to hoặc âm thầm. Các chuyên gia cho biết sự lặp lại này tạo ra phản ứng thư giãn về thể chất.
- Tham gia vào một hình thức tập thể dục thiền định. Thử thái cực quyền hoặc khí công, sử dụng các chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển.