Những ‘người giúp đỡ’ theo định nghĩa của cá nhân Tuấn Anh là những người đang làm các công việc hướng nghiệp, tâm lý, coaching, giảng dạy, nhân sự… nói chung là chia sẻ kiến thức, lắng nghe và hỗ trợ người khác. Hiện nay mình thấy có rất nhiều người giúp đỡ có cái tâm và chuyên môn tốt thì không được nhiều người biết đến, trong khi có những thầy bà linh ta linh tinh với kiến thức lung ta lung tung trên mạng thì có nhiều người nghe theo. Chính vì vậy mình viết bài viết này chia sẻ gọn một vài kinh nghiệm giúp xây dựng thương hiệu cá nhân cho những người đang làm công việc giúp đỡ.

Vì sao cần xây dựng thương hiệu cá nhân?

Nhiều người nghe chữ “thương hiệu cá nhân” sẽ ngay lập tức gán với chữ “nổi tiếng”. Xây dựng cá nhân tức là phải nổi tiếng, mà nổi tiếng thì dễ có nhiều thị phị, thật không nên chút nào. Hãy làm rõ điều này lại một chút.

Mục tiêu cao cả nhất của một người giúp đỡ là gì – có phải là mang lại giá trị tốt đẹp nhất cho cộng đồng mình đang hướng đến, dù cộng đồng đó là ai, nhỏ hay lớn. Để có thể giúp đỡ cộng đồng, điều đầu tiên là những người trong cộng đồng đó phải biết bạn là ai, giỏi cái gì, từ đó có sự tin tưởng vào chuyên môn của bạn. Xây dựng thương hiệu cá nhân là một cách để bạn đạt được điều này: quảng bá về chuyên môn của bản thân để nhiều người biết đến hơn.

Điều thứ hai là về mặt tài chính. Một thương hiệu cá nhân tốt không chỉ giúp bạn có cơ hội tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, bạn còn có cơ hội có thêm thu nhập từ những cách khác như tham gia giảng dạy, chia sẻ, viết sách, tiền quảng cáo, vân vân.

Điều thứ ba là uy tín trong cộng đồng. Với một thương hiệu cá nhân tốt, đồng nghĩa với việc bạn là một người có uy tín tốt trong cộng đồng, điều này cũng giúp bạn dễ dàng hơn trong việc xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp, gặp gỡ những người có chuyên môn cao hoặc các lãnh đạo của các tổ chức khác.

5 bước xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?

Bước 1: Hiểu để bắt đầu

Để bắt đầu một điều gì đó, bạn cần phải hiểu thực trạng hiện tại của vấn đề. Đầu tiên, hãy đánh giá thực trạng sử dụng mạng xã hội của bản thân thông qua một số câu hỏi như:

  • Tại nơi bạn sống, mạng xã hội nào đang phổ biến?
  • Trong lĩnh vực bạn làm, những ai là cái tên nổi bật trên mạng xã hội?
  • Tần suất sử dụng mạng xã hội của bạn như thế nào? Bạn thường dùng mạng xã hội nào? Bạn làm gì khi sử dụng mạng xã hội đó?
  • Thông qua mạng xã hội, mọi người xung quanh đang nhớ đến bạn vì điều gì?
  • Chấm điểm từ 1 đến 10 cho độ nổi tiếng của bạn trên mạng xã hội, bạn cho mình bao nhiêu điểm?

Tiếp theo, hãy đánh giá đến đối tượng mà bạn hướng đến khi có ý định xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Đối tượng ở đây có thể là khách hàng, hoặc những người trong cộng đồng mà bạn muốn giúp đỡ. Hãy trả lời những câu hỏi cơ bản như thế này:

  • Người này sống ở đâu? Nông thôn hay thành phố? Tỉnh nào?
  • Người này có độ tuổi bao nhiêu? Cấp 3? Đại học? Đã đi làm? Đi làm lâu năm?
  • Những người này thường hoạt động trên mạng xã hội nào? Họ hay đọc kiểu tin tức gì?
  • Những người này học/làm về chủ đề gì? Kinh tế? Nghệ thuật? Công nghệ thông tin?

Cuối cùng, hãy đặt ra một vài mục tiêu theo dạng S.M.A.R.T về việc xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn trên mạng xã hội. Một số câu hỏi gợi ý cho việc bạn đặt mục tiêu đó là:

  • Thu nhập bạn muốn có được từ việc xây dựng thương hiệu này mỗi tháng là bao nhiêu?
  • Số lượng người theo dõi bạn muốn đạt được là bao nhiêu, trong thời gian bao nhiêu lâu?

Bước 2: Chọn chủ đề ngách

Nếu các bạn thường sử dụng mạng xã hội, bạn sẽ thấy rằng nhiều người chia sẻ về nhiều chủ đề khác nhau. Có người được nhớ đến vì khả năng nấu ăn ngon, có người thường đi du lịch, có người chia sẻ quan điểm sống thú vị, có người mát tay trong chuyện chăm chó mèo. Mỗi người mỗi một lĩnh vực giỏi, vậy trong những điều bạn đang đóng góp cho cộng đồng, điều gì hay lĩnh vực nào bạn muốn người khác nhớ đến về bạn?

Khi suy nghĩ về một lĩnh vực để người khác nhớ đến, hãy suy nghĩ nhỏ hơn về chủ đề ngách. Chủ đề ngách là một khía cạnh nhỏ trong một lĩnh vực lớn, chưa có nhiều người chia sẻ. Nói theo ngôn ngữ Marketing, đó là “unique selling point” – điểm bán hàng độc nhất về bạn. Ví dụ, năm 2015 khi Tuấn Anh bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân về hướng nghiệp, mình chưa xây dựng hình ảnh “tư vấn hướng nghiệp” – bởi khái niệm này khá rộng và mơ hồ với mọi người thời điểm đó. Mình bắt đầu bằng việc “tư vấn CV” – giúp mọi người chỉnh sửa CV tốt hơn, tăng cơ hội trúng tuyển. Đây là một chủ đề ngách vì thị trường có nhu cầu nhưng lại chưa có nhiều người làm về chủ đề này.

Bạn cũng cần suy nghĩ về một chủ đề ngách như vậy, một chủ đề có nhiều người cần, nhưng chưa nhiều người làm, càng nhỏ sẽ càng khiến bạn dễ dàng được ghi nhớ nhanh hơn.

Bước 3: Chọn kênh truyền tải

Có hàng trăm trang mạng xã hội ở ngoài kia, nhưng chung quy lại có 5 cách thức truyền tải chính đó là:

  1. Viết lách. Các nền tảng blog như WordPress, Vietcetera, Medium, Spiderum.
  2. Audio. Các nền tảng Podcast như Spotify, Apple Podcast, sách nói.
  3. Photo. Các nền tảng chia sẻ hình ảnh như Pinterest, Instagram.
  4. Video. Các nền tảng chia sẻ video ngắn và dài như YouTube, Tiktok.
  5. Cộng đồng. Facebook, LinkedIn, Tumblr, Twitter…

Nếu bạn đã chọn được một chủ đề ngách ở bước 2, điều tiếp theo bạn cần làm là chọn một cách truyền tải mà bạn cảm thấy tự tin nhất trong 4 cách từ số 1 đến số 4. Có người thích viết lách như mình, có người lại có giọng đọc truyền cảm, có người lại rất tự tin trước ống kính máy quay. Mỗi người một kiểu. Sau khi chọn được kênh truyền tải và sản xuất nội dung trên kênh đó, bạn mới chia sẻ lên các kênh cộng đồng ở mục số 5.

Thực tế khi bạn đã xây dựng thương hiệu cá nhân được một thời gian đủ dài, bạn có thể truyền tải thông điệp và nội dung của mình trên tất cả các kênh. Tuy nhiên điều này mất nhiều thời gian hơn, và đòi hỏi bạn có kiến thức về xây dựng nội dung đa dạng nhiều hình thức, cũng như cần có người hỗ trợ. Ví dụ, xuất phát điểm mình viết một bài blog. Sau đó từ nội dung blog mình có thể đọc để thành một cái Podcast, quay phim để thành một cái vlog, làm infographic để thành hình ảnh. Vậy là mình phủ sóng tất cả các kênh.

Để tận dụng tối đa hiệu quả của các kênh mạng xã hội, Tuấn Anh khuyến khích bạn trang bị một số kỹ năng quảng cáo online, có thể là quảng cáo Facebook hoặc Google hoặc Tiktok, bạn có thể tham khảo một số khóa tại đây.

Bước 4: Sản xuất nội dung đồng bộ và đều đặn

Sự khác biệt của một người làm nội dung với mục đích xây dựng thương hiệu cá nhân và một người dùng mạng xã hội cho vui là ở chữ đồng bộ và đều đặn.

Đều đặn là bạn có tần suất cụ thể để sản xuất nội dung liên quan đến chủ đề bạn chọn. Tùy đối tượng bạn nhắm đến và kênh truyền tải bạn sử dụng, đều đặn có thể là mỗi ngày, một tuần 2-3 nội dung. Trong thời đại nhan nhản các KOLs như hiện nay, tối thiểu bạn nên có 1 tuần một nội dung, dù đó là kênh nào đi chăng nữa.

Đồng bộ là bạn có một màu sắc riêng cho cách truyền tải của mình. Màu sắc ở đây có thể là về mặt hình ảnh hoặc về mặt giọng văn. Ví dụ mình viết blog theo dạng dễ hiểu dễ gần, có người thì viết theo kiểu khoa học, nhiều dẫn chứng chứng minh. YouTube có người làm vlog kiểu đóng vai, có người chỉ đơn giản ngồi nói trước camera, có người thì sử dụng hình ảnh vẽ để mình họa – mỗi người mỗi kiểu. Kiểu gì cũng được, nhưng phải đồng bộ.

Bước 5: Tham gia các cộng đồng liên quan

Bước cuối cùng bạn cần làm để xây dựng thương hiệu cá nhân là tham gia vào các cộng đồng liên quan đến chủ đề hoặc đối tượng mà bạn đang hướng đến. Ví dụ bạn nhắm vào đối tượng học sinh cấp 3, có thể phải tham gia các cộng đồng giải trí. Bạn nhắm vào đối tượng mẹ bỉm sữa văn phòng, bạn cần tham gia các cộng đồng yêu bếp yêu nhà. Tham gia cộng đồng để làm chi?

Thứ nhất, khi bạn làm ra nội dung bạn chia sẻ những nội dung đó trên các trang cộng đồng. Thứ hai, vào sinh hoạt tại các cộng đồng bạn sẽ biết được tâm tư, suy nghĩ, mối quan tâm hiện thời của những đối tượng mình đang nhắm tới, từ đó sản xuất ra các nội dung gần gũi và hợp thời hơn – người ta gọi là “bắt trend”.

Trên đây là 5 bước để giúp bạn xây dựng một thương hiệu cá nhân tốt hơn. Chúc bạn áp dụng thành công để lan tỏa những điều tích cực đến nhiều người hơn nữa. Tuấn Anh có viết một cuốn sách về thương hiệu cá nhân, bạn có thể tìm đọc tại đây.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: