Người ta ai cũng có lúc cảm thấy bất an hoặc bối rối. Ví dụ như gặp người lạ, hoặc phát biểu tại nơi công cộng là những việc khiến người ta hồi hộp, lo lắng. Nhưng với những người có nỗi sợ đánh giá lớn thì họ lo lắng về những việc này cũng như những việc khác trong hàng tuần trước đó.

Có những ý tưởng muốn chia sẻ lên mạng xã hội nhưng không làm, vì sợ sau khi chia sẻ cư dân mạng sẽ ‘ném đá’, đánh giá mình kiến thức kém hoặc thích khoe khoang.

Có những niềm tin, lối sống bản thân cảm thấy hay ho muốn thực hiện theo nhưng không dám, vì sợ nếu làm thì đi ngược lại với quy chuẩn xã hội, bị bạn bè, gia đình đánh giá.

Nỗi sợ đến từ đâu?

Nỗi sợ bị đánh giá là nỗi sợ mình thấy ở nhiều người trẻ tại Việt Nam, có lẽ vì cách chúng ta lớn lên trong một môi trường giáo dục và xã hội khuyến khích “trẻ con không được hỗn”, “phải kính trên nhường dưới”, “người lớn luôn đúng”. Từ nhỏ nếu chúng ta có cãi một câu (mà có thể chúng ta đúng), chúng ta vẫn bị coi là hỗn láo với người lớn. Uất ức không làm được gì, vì mình vẫn là một đứa trẻ đang được ba mẹ nuôi ăn nuôi học. Hay đứa em cướp đồ chơi của mình, mình đánh nó hay mắng nó, thì bị người lớn đánh và mắng lại vì tội không biết nhường em. Lại uất ức nữa. Nhiều những ví dụ như vậy trong tuổi thơ dần dần tạo nên hình ảnh một con người sợ sai, sợ bị người khác đánh giá. Đi học không dám phát biểu vì sợ phát biểu sai bị cười. Sống ở khu dân cư thì không dám làm việc này việc kia vì sợ hàng xóm láng giềng đánh giá.

Sống trong vùng an toàn, nghe lời những người cần nghe, làm theo lời những người hướng dẫn thì rất dễ – bạn hoàn toàn có thể chọn cách sống như vậy cũng được, nhưng phải chấp nhận rằng mình sẽ không có gì nổi bật và không có nhiều tiếng nói. Lấy ví dụ, bạn chọn học đại học theo một ngành ba mẹ khuyên hay ra trường làm một công việc theo sắp đặt của ba mẹ – nếu bạn chấp nhận sự phụ thuộc đó, khi bạn muốn làm một điều gì đó của riêng mình, phải chấp nhận gặp phải những trở ngại khuyên răn từ người thân.

Muốn một cuộc sống tự do, tự quyết định mọi việc trong đời, được người khác nhớ đến ở một khía cạnh nào đó – bạn phải chấp nhận bị đánh giá. Không có người nào, việc gì có thể làm hài lòng 100% toàn bộ mọi người trên thế giới này. Bạn có thể được lòng một nhóm, một nhóm khác thì không quan tâm bạn là ai, và một nhóm thì kiểu gì cũng sẽ đánh giá bạn. Lấy ví dụ về chuyện làm từ thiện của người nổi tiếng: không làm thì bị đánh giá bủn xỉn, làm thì bị đánh giá khoe mẽ, không sao kê thì nói là không trung thực, sao kê thì bị đánh giá là làm trò. Bạn thấy không, kiểu gì cũng bị đánh giá.

Nỗi sợ trên mạng

Nếu bạn đặt cảm xúc của mình vào những lời đánh giá của người khác, bạn sẽ luôn luôn cảm thấy khổ. Người ta khen thì mình vui, người ta chê hay nói gì không hay thì mình buồn. Trong thời buổi mạng xã hội hiện nay, nhờ có sự hỗ trợ của Internet, những lời khen, chê, đánh giá được dễ dàng tuôn ra hơn – bởi lẽ người nói có thể ẩn danh mà chẳng lo người kia biết mình là ai. Sức mạnh của sự ẩn danh đáng sợ cực kỳ. Có những người trong giao tiếp người với người im re chẳng nói câu nào, nhưng khi lên mạng họ có rất nhiều đạo lý và tự tin. Những người đó biết bao nhiêu phần trăm về cuộc đời bạn? Những người đó có bao nhiêu năng lực chuyên môn trong lĩnh vực bạn đang nói? Những người đó ảnh hưởng gì đến miếng cơm manh áo của bạn? Nếu câu trả lời đều là không, tại sao lại để cảm xúc mình bị đu theo những lời đánh giá đó.

Mình là một người làm nội dung trên mạng xã hội – thường xuyên chia sẻ các nội dung về hướng nghiệp và phát triển bản thân lên các nền tảng như Facebook, LinkedIn, YouTube, Tiktok. Nếu bạn có ý định trở thành một người phát triển nội dung trên mạng xã hội, bạn phải chấp nhận một sự thật rằng, bạn càng được nhiều người biết đến và mạng xã hội càng nhiều người dùng trẻ, tỉ lệ bị đánh giá của bạn càng cao. Nói toẹt ra là tỉ lệ bị chửi khi bạn chia sẻ một nội dung gì đó càng cao. Lấy ví dụ hai nền tảng Facebook và đặc biệt là Tiktok, bạn hãy mở phần bình luận của một video hoặc bài viết nào đó chia sẻ quan điểm có lượng tương tác cao, bạn sẽ thấy vô vàn những câu chửi, cạnh khóe, phân tích, nhục mạ từ những tài khoản chẳng ai biết là ai. Chúng ta không thể kiểm soát được việc người khác nghĩ gì hay bình luận gì, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được cách phản ứng của chúng ta với những điều đó. Bạn không thể nói rằng những gì tôi chia sẻ trên mạng xã hội là chuyện cá nhân tôi – bởi lẽ khi bạn đã để chế độ Public – Công Khai, tức là bạn chấp nhận rủi ro của những ý kiến trái chiều. Cách mình phản ứng với những ý kiến trái chiều đó là phân tích xem: (1) người viết ý kiến này có đang sử dụng tài khoản thật hay không; (2) người viết ý kiến này có chuyên môn gì về chủ đề này hay không và (3) người viết này đang góp ý chuyên môn hay công kích cá nhân.

Đừng trốn chạy khỏi việc đánh giá, hay cố gắng tìm một giải pháp nào để không bị đánh giá. Như đã chia sẻ ở trên, nếu bạn chịu nghe lời, luôn làm theo lời người khác bảo – bạn sẽ ít bị đánh giá. Bạn cần tập đặt những lời nhận xét, đánh giá sang một bên – không biết những điều đó thành bản thân mình. Bản thân mình luôn như vậy, những lời nhận xét đánh giá dù có đúng có sai cũng không ảnh hưởng đến mình. Khi mình đủ vững, mình có thể ngồi xuống phân tích những lời nhận xét đánh giá. Không phải tất cả lời nhận xét đánh giá đều xấu, có những lời nhận xét đánh giá đến từ những người có chuyên môn, không công kích cá nhân, thực lòng thì hoàn toàn có thể giúp ích cho bạn tiến bộ hơn.

Vượt qua nỗi sợ bằng cách nào?

Nỗi sợ là một vấn đề của tâm, vậy cần trị bệnh từ trong tâm. Một số cách để bản thân mình gạt bỏ đi nỗi sự bị đánh giá đó là:

1. Cố gắng thành thật hết sức trong mọi hoàn cảnh. Một cách vô tình hay cố tình, chúng ta thường phóng đại một chút để làm cho bản thân nổi bật hơn. Khi phóng đại như vậy, chúng ta luôn mang cảm giác sợ bị ‘bóc’, hay gặp ai đó thực sự giỏi về vấn đề đó phản biện. Trước đây mình cũng vậy, khi chia sẻ mình cũng tự gọi mình là chuyên gia – nhưng thực tập mình luôn có nỗi sợ gặp một người giỏi hơn phản biện lại những gì mình chia sẻ, lúc đó mình sẽ cứng họng. Bây giờ thì mình thành thật nhất trong mọi vấn đề mình chia sẻ. Ví dụ trong quá trình làm tư vấn hướng nghiệp, đôi khi mình có chia sẻ về câu chuyện tâm lý. Khi chia sẻ chuyện tâm lý, mình luôn nói với người nghe rằng mình không phải chuyên gia tâm lý, chưa được đào tạo bằng cấp chính quy, mình chỉ là người thích về chủ đề này, đã có tự tìm hiểu và có học những khóa học ngắn hạn. Với sự thành thật này, chẳng ai đánh giá gì được mình cả.

2. Mình thực hành chánh niệm và ngồi thiền. Nếu bạn có duyên biết đến thực hành chánh niệm, Phật pháp hay thiền – bạn sẽ được tiếp xúc với một khái niệm cơ bản là “Không” – Vô Ngã. Nói một cách nôm na đơn giản đó là, không có gì tồn tại vĩnh viễn trên đời này. Khi bạn thuyết trình không hay và người ta cười vô mặt bạn, bạn nghĩ rằng người ta sẽ nhớ việc này suốt đời – nhưng thực tế là ai cũng có việc riêng của họ, sau một vài ngày chẳng ai còn nhớ đến. Bạn cứ nhìn những drama nghệ sĩ trên mạng xã hội mà xem – được bao nhiêu ngày thì nó trôi vào dĩ vàng? Con người bây giờ tuy khắc nghiệt nhưng cũng nhanh quên. Cuộc sống là chuỗi những sự kiện nối tiếp nhau và không thể có ai sống một cuộc đời của toàn những sự kiện tốt. Những sự kiện xấu sẽ diễn ra, nó sẽ khiến mình đau lúc đó, nhưng rồi nó sẽ đi. Thực hành chánh niệm và ngồi thiền giúp mình để những điều tiêu cực đi nhanh hơn, để nó trở thành quá khứ và không ảnh hưởng đến vấn đề hiện tại của mình.

3. Dừng việc đánh giá người khác. Như mình đã chia sẻ ở trên, việc người khác như thế nào chúng ta không thể kiểm soát được, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được cách hành xử của chính bản thân mình. Chúng ta hay thường khuyên nhau rằng, hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người ta đối xử với mình. Vậy thì thay vì trông chờ vào việc người khác ngừng đánh giá mình, thì mình hãy bắt đầu từ việc ngừng đánh giá người khác trước. Mình hạn chế gán những tính từ “xấu”, “tốt”, “hay”, “không hay” khi quan sát một sự việc hay một con người. Một người làm việc đó thì chỉ đơn giản là đang làm việc đó thôi, không có điều gì tốt hay xấu. Một người bán bảo hiểm thì là bán bảo hiểm, không có việc bán bảo hiểm tốt hay xấu. Thay cho sự phán xét, mình tập một thói quen nhìn người khác dưới lăng kính yêu thương. Khi mình yêu thương một người, mình sẽ cố gắng tìm hiểu xem lý do nào họ làm vậy. Hãy lấy một ví dụ, một người nào đó thông chốt kiểm soát Covid-19 trên đường, phản ứng đầu tiên của chúng ta có thể là giận và chửi bới người đó không chấp hành. Thực tế phản ứng vậy chẳng giúp ích được gì nhiều, mà còn làm cho mình cảm thấy bực bội. Hãy thử suy nghĩ dưới lăng kính yêu thương, thử đặt tình yêu vào người đó và suy nghĩ xem vì sao họ làm vậy? Có thể họ quá đói chăng? Hay đã ở nhà quá lâu? Biết đâu gia đình có người nhà có bệnh gấp? Bạn không cần phải đồng ý với hành động sai trái của một người, nhưng không nhất thiết phải chửi người đó.

Mình không nghĩ ra gì để viết thêm, nên mình sẽ dừng chủ đề này tại đây. Mọi người gợi ý thêm cho mình một số chủ đề băn khoăn của người trẻ đang lớn nhé.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: