Mình tự hứa với bản thân rằng sẽ viết Blog vào hai ngày thứ hai và thứ năm hàng tuần. Trong bài viết này, mình chọn ghi lại những suy nghĩ vụ vặt của mình ở nhiều khía cạnh khác nhau.
1/ Hãy dành thời gian đi tìm giá trị sống của mình. Giá trị sống là điều khiến bạn hạnh phúc trong cuộc sống này. Giá trị sống giống như một ngọn hải đăng trên biển, chiếu sáng giúp bạn định hướng công việc và cuộc sống của bản thân, tránh không đi lạc đường hoặc nếu có lạc thì cũng không lạc quá xa. Trong tâm lý học Adler có cụm từ “cảm thức cộng đồng”, hiểu nhanh đó là nếu giá trị của bạn càng hướng đến cộng đồng, giá trị đó càng mạnh mẽ. Càng hướng đến cộng đồng nhiều bao nhiêu, bạn càng có nhiều động lực và nguồn lực để vượt qua những khó khăn bấy nhiêu. Lấy ví dụ những người như Gandhi hay Bác Hồ, cũng là một người bình thường như chúng ta, nhưng với giá trị hướng tới sự độc lập của một dân tộc, họ đã vượt qua bao khó khăn trở ngại và kêu gọi được nhiều sự ủng hộ. Hay Đức Phật, Chúa Giê-Su, những người có giá trị sống mong muốn toàn thể nhân loại được hạnh phúc, hãy xem họ đã làm được gì. Tuy nhiên, hướng tới cộng đồng không nhất thiết cứ phải là làm những điều lớn lao cho đất nước hay toàn thể thế giới này. Cộng đồng của mỗi người mỗi khác. Cộng đồng có thể là cho một nhóm người nào đó hoặc chỉ đơn giản là cho những người thân của mình. Lấy ví dụ, giá trị cộng đồng hướng tới của mình là các bạn trẻ và những người đi tìm việc. Mỗi khi mình lười viết một bài blog hay làm một chương trình nào đó, mình suy nghĩ tới cộng đồng rằng nếu mình làm điều này, cộng động sẽ có thêm ít nhất một người có thể tìm được công việc tốt hơn và hạnh phúc hơn, như vậy mình lại có động lực để bắt đầu làm. Nếu bạn chưa tìm ra được giá trị sống của mình, hãy bắt đầu bằng việc suy ngẫm những câu hỏi như “Bạn ngưỡng mộ ai, giá trị gì ở người đó bạn ngưỡng mộ?” hay “Theo bạn, một cuộc sống như thế nào là một cuộc sống hạnh phúc?”. Ngoài ra, bạn có thể tìm các bài trắc nghiệm về giá trị sống trên mạng hoặc đăng ký tư vấn cùng Tuấn Anh.
2/ Hãy đơn giản và tối giản hơn cuộc sống hiện tại. Chúng ta khổ và stress chủ yếu vì chúng ta “tham” nhiều điều và còn dính mắc vào nhiều thứ. Tham nhiều là khổ nhiều. Chúng ta tham từ từ vật chất cho đến tình cảm, từ sự công nhận cho đến những địa vị xã hội. Tham vật chất là khi bản thân thấy phiền muộn vì chưa có được cái này cái kia, hoặc chưa có được những món đồ đời mới nhất của thứ mình đang sở hữu. Đang dùng iPhone 7 thì ước ao có iPhone 12, đang dùng iPhone 12 thì thấy bứt rứt vì iPhone 13 đã ra mắt. Tham tình cảm là khi chúng ta trao đi sự yêu thương của mình và mong nhận lại sự yêu thương tương tự từ người kia, nếu không nhận được thì mình buồn rầu. Thế nhưng trong cuộc sống mình đâu kiểm soát được suy nghĩ và hành động của người khác. Trao yêu thương đi là thứ bạn có thể kiểm soát, nhưng việc người khác có trao ngược lại hay không nằm ngoài khả năng của bạn. Chúng ta tham cả sự công nhận và địa vị xã hội. Viết một status trên mạng xã hội, chia sẻ một bằng cấp mới học được, chúng ta mong mỏi nhận được những cái “like”, “share” và sự chúc mừng của người khác. Càng bớt những điều tham, chúng ta sẽ càng đỡ khổ. Một trong những cách để bớt tham đó là ứng dụng lối sống đơn giản và tối giản và các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Với đồ đạc, hãy dành một ngày dọn dẹp tất cả đồ đạc đang có trong nhà, từ quần áo cho đến dụng cụ nhà bếp, xem xem đã có những món đồ nào lâu ngày mình không dùng, món đồ nào mình có thể tái sử dụng được không. Với tình cảm, hãy học cách trao đi những yêu thương tốt nhất trong khả năng, giảm bớt sự kì vọng của mình từ tình cảm của người khác.
3/ Không sinh tâm mình hèn kém hay tài giỏi, chỉ nên sinh tâm mình có thể làm gì để tốt cho cộng đồng này. Một trong những nỗi khổ mình thấy ở cả người trẻ và người lớn hiện nay đến từ “áp lực đồng đẳng”, việc so sánh bản thân mình với người khác. Mình không có được chức vụ như người này, Facebook mình không nhiều follows như người kia, lương mình không cao bằng người nọ, và nhiều điều so sánh khác nữa. Một trong những cách để giảm bớt áp lực đồng đẳng này đó là hãy dần dần giảm sự so sánh của bản thân ra các yếu tố bên ngoài, thay vào đó hãy so sánh với bản thân mình ở bên trong. Thay vì suy nghĩ mình hèn kém hay tài giỏi so với một người nào đó, hãy suy nghĩ xem mình đã tốt hơn chính bản thân mình của ngày hôm qua, của tuần trước, tháng trước, năm trước hay chưa.
4/ Sự giàu có có thể đo lường ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mỗi khi bạn cảm thấy tự tin về tài chính của bản thân, hãy suy nghĩ về điều này. Sự giàu có, không chỉ nằm ở tiền bạc mà còn có thể nằm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi không nói rằng tiền không quan trọng, trong cuộc sống bạn nên có tiền để sống dư dả thoải mái không phải lo nghĩ những nhu cầu cơ bản như cái ăn, cái mặc, chỗ ở, thuốc men. Tuy nhiên, tôi sẽ không dùng số tiền làm một thước đo của sự giàu có. Thay vào đó tôi đánh giá cao hơn một người giàu có ở sự trải nghiệm, kiến thức và sự giải thoát. Nhiều người có trải nghiệm và kiến thức nhưng vẫn bị chấp vào những điều này, vẫn lôi những điều đó ra để khoe. Giàu có là khi bạn thực sự vui vẻ, nhìn chuyện gì cũng thấy hay, người nào cũng đáng quý. Giàu ở trong tâm hồn. Một số cách để tăng sự “giàu có” này:
- Hãy cười nhiều lên vì đây là món quà miễn phí của mình.
- Đọc sách để tăng trải nghiệm.
- Giúp đỡ mọi người – biến những kiến thức mình học được thành hành động thiết thực, không lấn sâu vào lý thuyết giáo điều. Tuy nhiên, không đánh giá những người làm nghiên cứu là xấu, mỗi người một việc, ai làm tốt việc đó.
- Có được một đam mê, đam mê khác với thích, đắm chìm như phim Soul.
- Làm điều mình thích mà không phải làm điều của người khác. Ngay từ thời điểm này hãy suy nghĩ xem mình đã làm được chưa, cần gì phải chờ đến 70 tuổi mới làm được những điều này.
5/ Hãy dành nhiều thời gian suy ngẫm hơn nữa. Chúng ta đang sống trong một thời đại ngập tràn thông tin và cơ hội học tập – điều đó rất tốt và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng kẻo rơi vào “bẫy” của việc học. Chúng ta dành nhiều thời gian để tiếp nhận thông tin, từ Internet, các khóa học, người đi trước – mà không dành thời gian để tư duy suy nghĩ về những thông tin đó. Thông tin bạn tiếp nhận được là thông tin thô, qua quá trình suy ngẫm, điều chỉnh, áp dụng vào cuộc sống của bạn – những thông tin đó mới biến thành vốn sống của bạn. Trong Phật Giáo có cụm từ Văn – Tư – Tu nói về 3 việc của việc học: đầu tiên là “Văn” tức là chúng ta học qua việc nghe, đọc, học từ ai đó hoặc một đối tượng nào đó. Sau khi “văn” chúng ta “tư”, tức là tư duy xem nội dung đó có gì đúng, có gì sai, có thể áp dụng vào hoàn cảnh của bản thân mình như thế nào – bởi lẽ bản thân mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau. Cuối cùng, chúng ta “tu”, tức là thử áp dụng những điều đã học đó vào cuộc sống xem cuộc sống thay đổi ra sao. Mọi chuyện có thể suôn sẻ hoặc không suôn sẻ, nhưng việc “tu” hay còn gọi là thử và trải nghiệm này sẽ giúp cho chúng ta có những điều chỉnh tốt hơn cho lần sau.
Chúc bạn ngập tràn niềm vui.