Trong cuộc sống chúng ta có rất nhiều mong cầu, hôm nay mình viết bài này chia sẻ quan điểm của mình về những mong cầu.
MONG MUỐN NGƯỜI KHÁC THAY ĐỔI VÌ MÌNH
1/ Trong mối quan hệ lứa đôi, gia đình hoặc mentor – mentee, chúng ta dễ phạm phải một sai lầm khiến bản thân khổ đó là mong muốn người kia thay đổi theo ý của mình. Sau khi mình hướng dẫn, chia sẻ, người đó thay đổi đúng ý mình thì mình vui, họ không thay đổi như mình mong đợi thì mình buồn. Rất dở nếu chúng ta đặt cảm xúc của bản thân vào hành động của người khác, thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Chúng ta thường nhân danh tình thương, “vì muốn tốt cho bạn nên mới khuyên bạn làm vậy”, để rồi chúng ta quay ra đau khổ hoặc thậm chí trách móc người kia khi họ không làm theo ý mình. Vậy đâu phải là thương người, vậy là đang thương chính bản thân mình rồi. Người thầy đầu tiên trong lĩnh vực hướng nghiệp, cô Phoenix Hồ đã dạy mình rằng, việc giúp đỡ người khác giống như việc chúng ta gieo một hạt mầm xuống đất và tưới nước cho hạt mầm đó. Vậy thôi, gieo hạt và tưới nước là việc chúng ta có thể làm. Hạt mầm có nảy lên hay không, trở thành một cái cây khẳng khiu hay vươn lên mạnh mẽ, điều này phụ thuộc vào nội lực của chính hạt mầm đó, đây là điều chúng ta không kiểm soát được. Chính vì vậy, thay vì vui vẻ hay giận giữ với một người, hãy dùng thái độ đó để đánh giá việc bản thân mình đã làm đã tốt hay chưa.
MONG MUỐN MỌI CHUYỆN TỐT ĐẸP ĐẾN VỚI MÌNH
2/ Ai cũng mong cầu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ với mình, luôn luôn là điều tốt đẹp, không có chuyện xấu gì xảy ra. Tuy nhiên cuộc sống chắc chắn không có màu hồng như vậy. Thay vì mong chờ một cuộc đời toàn những điều may mắn, mình học cách nhìn nhận mọi thứ xảy ra với mình đều thú vị và hay ho. Người nào mình gặp cũng có những sự thú vị riêng, không có ai là tốt hay xấu, chỉ có sự khác biệt. Sự việc nào xảy đến cũng đều có ý nghĩa, không có sự việc may mắn hay xui xẻo, chỉ đơn giản là việc đó xảy ra như vậy thôi. Tốt, xấu, may mắn, xui xẻo là những điều bản thân chúng ta thường gắn cho sự việc đó, còn bản chất sự việc thì không có tốt hay xấu. Khi nhìn nhận cuộc sống dưới lăng kính này, mình không còn những kì vọng. Khi không còn những kì vọng, chuyện gì xảy ra mình đều thấy rất tò mò và thú vị. Không có kỳ vọng, dù việc xảy ra không có như ý, mình cũng không thất vọng. Điều duy nhất mình sử dụng để đánh giá đó là vào thời điểm này, ngay lúc này đây, mình đã làm tốt nhất việc mình cần làm chưa?
MONG MỌI NGƯỜI LUÔN TỐT VỚI MÌNH
3/ Có những người mình mới gặp đã cảm thấy thiện cảm, có người chưa nói gì mới nhìn vẻ ngoài đã thấy khó ưa. Những sự đánh giá này đều đến từ vô thức trong suy nghĩ của chúng ta và những định kiến chúng ta có. Chính những định kiến này đôi khi khiến chúng ta khó phối hợp làm việc tốt được với người khác. Chúng ta thấy người này sao kỹ thế, người kia sao khó thế. Anh kia tự cao tự đại, bạn kia ít nói. Để hạn chế việc này, mình tập cho bản thân lăng kính nhìn người khác với con mắt yêu thương. Mình hướng tình yêu thương của bản thân tới tất cả mọi người mình gặp, dù người đó khác biệt mình như thế nào. Khi hướng con mắt yêu thương đến một người, bạn có thể thấu cảm và hiểu hơn cách một người hành xử giống như bạn không mong muốn. Một người kỹ tính trong công việc có thể vì muốn công việc đó tốt, không phải vì họ có ý bạn không tốt. Một người sếp khó tính, khó ưa có thể vì anh/chị ấy có nhiều áp lực về KPI từ cấp trên. Ba mẹ cáu gắt với mình có thể chỉ vì ba mẹ thương và không muốn mình gặp phải những điều xấu.
Hồi xưa mình mới chơi Tiktok và đăng vài video sửa CV cho các bạn, có những bạn vào bình luận kiểu “ông này thì biết cái gì”, “người gì mà khó tính thế”, “nhà tuyển dụng chảnh chó”.. và nhiều kiểu bình luận khác. Bạn mình sôi máu muốn vào chửi lộn với những người đó. Mình cười bảo thôi có gì đâu, thứ nhất chắc là người ta chưa hiểu, thứ hai những người đó cũng không phải người cần giá trị mà mình chia sẻ. Mỗi người một nhiệm vụ trên đời, sân si làm gì. Mình cứ làm việc của mình, họ làm việc của họ. Dần dần rồi những người đó cũng không còn thấy bình luận gì nữa, chắc vì họ thấy rằng việc họ ‘chửi bới’ không giúp ích được gì cho cả họ và mình.
MONG MỘT CUỘC ĐỜI THÀNH CÔNG
4/ Hôm trước trong một sự kiện chia sẻ với các bạn trẻ tài năng, mình có đùa “nếu các bạn chỉ cần lướt LinkedIn hay Tiktok 30 phút mỗi ngày, dần dần các bạn sẽ tự ti nhiều hơn vì thấy xung quanh mình quá trời là người giỏi”. Đây là một thực tế mình quan sát được từ các bạn trẻ. Trên LinkedIn là những thông tin người này được thăng chức, bạn kia đỗ MT, bạn nọ học được bằng này bằng nọ. Tiktok thì thấy người đẹp, bếp đẹp, nhà đẹp, mọi thứ đều hào nhoáng. Nhìn những điều đó xong rồi nhìn lại mình, không tự ti mới lạ, tự ti là hoàn toàn bình thường. Chia sẻ điều này để nhắn nhủ các bạn rằng, lướt mạng xã hội hiện nay cần phải có một ‘tinh thần thép’. Chúng ta đã học rất nhiều các kỹ năng làm việc, hãy thêm chút thời gian trang bị những kỹ năng về cảm xúc. Sự so sánh là không tránh khỏi, có thể nói là bản năng con người, nhưng hướng sự so sánh vào đâu là do mỗi cá nhân quyết định. Ví dụ, cùng tốt nghiệp RMIT giống mình, có những người đã là trưởng phòng, giám đốc của các công ty lớn, nếu so sánh với bạn bè thì mình chẳng là gì. Tuy nhiên, mình so sánh với bản thân mình của ngày hôm qua, của tuần trước, tháng trước xem mình đã tiến bộ hơn chưa. Tháng trước mình hít đất được 30 cái, tháng này đã tăng lên 50 cái. Tuần trước mình làm việc năng suất được 6 Pomodoro một ngày, tuần này đã tăng lên 8. Tạo ra càng nhiều tiêu chí để tự so sánh bản thân mỗi ngày, mình không còn thời gian để so sánh với người khác.
5/ Khi bạn làm một việc gì đó và cảm thấy lười biếng, mệt mỏi không muốn làm nữa – hãy suy nghĩ xem: việc này giúp ích được gì cho “cộng đồng”. Cộng đồng ở đây có thể là người trong gia đình, là một nhóm nhỏ ngoài xã hội, là đất nước này, là thế giới này. Khi làm một việc có ý nghĩa vượt ra ngoài những thỏa mãn về mặt cá nhân, bạn tự nhiên có thêm nguồn năng lượng để vượt qua cơn lười biếng. Ví dụ, có những lúc mình viết sách hay viết blog cũng rất lười và không muốn viết nữa. Lúc đó mình suy nghĩ rằng nếu bài viết này được viết ra, có thể có một người đọc được và được truyền động lực, giúp người đó vững bước hơn trên con đường họ đã chọn. Như vậy, mình đã giúp được một người trong cộng đồng. Còn bạn, việc bạn đang làm, có ích gì cho cộng đồng nào?