Thẳng thắn mà nói, trì hoãn là tính cách mà ai cũng có – chỉ là ít hay nhiều. Trì hoãn nếu nhìn nhận kỹ là dấu hiệu cho mình biết rằng mình đang sắp xếp thời gian chưa tốt (nhiều quá nên lười làm) hoặc nhận việc chưa đúng khả năng và sở thích (khó quá, chán quá không làm). Bản thân mình cũng là một người hay trì hoãn, nhưng càng về sau này thì mình bớt trì hoãn hơn với một số giải pháp như thế này:
1/ Chia nhỏ việc cần phải làm
Một trong những lý do dẫn đến trì hoãn là việc thấy khối lượng công việc nhiều quá, làm không biết đến khi nào mới xong – thôi chán chẳng làm nữa. Lấy ví dụ việc xuất bản sách của mình. Mọi người thường hay thắc mắc rằng, với công việc toàn thời gian rồi nhiều hoạt động khác, thời gian đâu mình đã xuất bản được 4 cuốn sách. Trong mắt mọi người, việc viết một cuốn sách 150 – 200 trang là một công việc đồ sộ và tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên nếu bạn chia nhỏ công việc này ra thì thấy không tốn quá nhiều. Ví dụ mình viết một cuốn sách trong một năm. Nếu chia nhỏ ra và đặt mục tiêu mỗi ngày, mỗi ngày mình chỉ cần hoàn thành một nửa hoặc một trang, không phải quá nhiều so với một người thích viết như mình.
Với những dự án lớn bạn đang làm, dù trong công việc hay dự án cá nhân, bạn cũng nên chia nhỏ như vậy. Giống như ăn một chiếc bánh, cắn từng miếng nhỏ cho đến khi ăn hết cả cái bánh.
2/ Bắt đầu nhỏ việc mới
Mình dạy về thói quen và phát triển bản thân, mình biết có nhiều bạn khi cảm hứng đang lên đặt mục tiêu rất to và bự. Ví dụ “tôi sẽ tập thể dục 5 buổi/tuần”, “tôi sẽ đọc 4 cuốn sách/tháng” hay “tôi sẽ dậy sớm 5:00 mỗi ngày trong 30 ngày”. Những mục tiêu trên nếu thực hiện được đều rất tốt, tuy nhiên với một cá nhân trước đó chưa từng làm những việc này, khả năng cao là sẽ nản và bỏ cuộc sau vài ngày đầu tiên. Lý do là vì khó quá.
Để giảm độ khó, từ đó có nhiều động lực để bắt tay vào một trong những điều trên và không trì hoãn, một cách mình làm là bắt đầu nhỏ. Bắt đầu như thế nào dễ nhất trong khả năng của mình. Ví dụ thay vì đặt mục tiêu tập thể dục 5 buổi/tuần, mình đổi thành tập 5 phút/ngày. 5 phút/ngày không phải là khoảng thời gian quá dài, mình có thể sắp xếp được. Và thường là sau 5 phút đó, mình quyết định tập thêm 40-45 phút nữa cho đủ một buổi tập.
Khó nhất là bước bắt đầu, khi đã bắt đầu được rồi, tự nhiên bạn sẽ có hứng để làm tiếp.
3/ Kết hợp hai việc có đôi có cặp
Nếu một việc cứ đụng tới là khiến bạn trì hoãn, hãy kết hợp việc đó với một việc khác. Ví dụ mình thường kết hợp việc tập thể dục cùng việc học ngoại ngữ. Mỗi ngày mình tập thể dục khoảng 45 phút – 1 tiếng, nhiều set, nghỉ giữa mỗi set 1-2 phút. Khoảng thời gian nghỉ đó, thay vì lướt Tiktok, mình tranh thủ học một vài bài tiếng Tây Ban Nha trên ứng dụng Duolingo hoặc tiếng Anh trên Elsa. Sau khi tập thể dục xong, mình dành khoảng 15-20 phút giãn cơ và tranh thủ ngồi thiền luôn. Vậy là mình làm được một nhóm 3 việc có ích cho bản thân trong một khoảng thời gian.
Bạn cũng có thể cân nhắc nhét một thói quen mới đi kèm với một thói quen hoặc một việc mà bạn đã làm quen thuộc, từ từ bạn sẽ có thói quen làm việc mới kia.
4/ Giảm những việc gây phân tâm
Một trong những lý do gây ra sự trì hoãn đó là sự hấp dẫn của những tác nhân bên ngoài: cụ thể là điện thoại và mạng xã hội. Đang làm việc tập trung mà thấy tin nhắn Facebook, mở ra kiểm tra một tí là coi như tụt luôn ‘mood’ học tập và làm việc. Giải pháp của mình cho việc này là tắt tất cả các notification trên điện thoại, từ ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội cho đến các ứng dụng mua sắm, vân vân. Hoặc nếu chưa đủ dũng cảm để tắt, khi đã xác định làm việc tập trung trong khoảng 30 – 60 phút, bạn hãy tắt nguồn điện thoại, tắt chuông hoặc úp màn hình điện thoại xuống, giảm thiểu tối đa các yếu tố gây nhiễu.
5/ Làm việc khó nhất đầu tiên
Chúng ta thường nhiều năng lượng nhất vào buổi sáng, nhưng chúng ta lại không dùng năng lượng đó cho những việc quan trọng. Thay vào đó, khi mới bắt đầu làm việc buổi sáng, chúng ta có thể có thói quen kiểm tra email, lướt FB, làm nhữg việc dễ trước. Xong xuôi thì hết buổi sáng. Đến chiều thì đã mệt phờ, lúc này mới ngán ngẩm nhìn các việc quan trọng và quyết định trì hoãn.
Giải pháp là mỗi ngày bạn hãy chọn ra một việc khó mà bạn có nguy cơ trì hoãn và đặt nó lên đầu, làm ngay lập tức vào buổi sáng khi bạn ngủ dậy. Sau khi hoàn thành việc đó, bạn có quyền làm các việc khác dễ hơn hay bạn thích hơn.
Trên đây là một số giải pháp tránh trì hoãn của Tuấn Anh, nếu bạn có giải pháp nào nữa hay bình luận để chúng mình cùng trao đổi nhé.