Ngày trước mình chơi Tinder, ‘match’ được cũng nhiều mà không thấy ai ưng ý. Căn bản là mình ‘dễ dãi’, nhìn cô nào cũng thấy xinh đẹp và hay ho lúc ban đầu. Sau một thời gian nói chuyện, gặp gỡ thì không thấy hay ho như cô mới quẹt được nữa. Thế là cứ luẩn quẩn mãi chuyện ‘chọn ai’, đi lâu dài với người nào. Kể mà mình có ‘gu’, khó tính một tí, nhiều tiêu chí một tí thì chắc là việc chọn lựa dễ dàng hơn.
Mình dùng chuyện Tinder để gây sự chú ý thôi, còn cụ thể bài viết này mình muốn nối câu chuyện trên sang việc chọn lựa nghề nghiệp của những người bạn xung quanh mình, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Bạn có nhiều cơ hội lựa chọn, đứng trước một ngã đường có nhiều lối đi và không biết đi về đâu, đường nào cũng có điều hay, chọn đường này thì tiếc con đường kia.
Với những bạn đang đứng trước ngã rẽ chọn nghề, mình có một vài chia sẻ thế này:
Chúng ta đang sống trong thời kỳ VUCA. VUCA là viết tắt của Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Nói một cách ngắn gọn, không biết trước được chắc chắn 100% tương lai xảy ra chuyện gì. Chính vì vậy, không thể và rất khó có thể lên được một bản kế hoạch nghề nghiệp xa trong 20, 10 năm, thậm chí là 5 năm tới. Ở thời điểm này, điều mỗi cá nhân nên làm trong nghề nghiệp là (1) lên những kế hoạch ngắn hạn theo tháng, quý, năm và thường xuyên review lại kế hoạch đó; (2) chấp nhận ‘sự không biết rõ’ là một điều tất yếu, không cố đi tìm con đường nghề nghiệp rõ 100% và (3) trang bị các kỹ năng công nghệ, kỹ năng chịu áp lực, kỹ năng thích nghi với mọi sự thay đổi.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta không hề thiếu cơ hội, thứ chúng ta đang thiếu là sự tập trung. Nếu bạn tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có tấm bằng trong tay, mình tin bạn không thể đói. Có thể không làm việc đúng ngành bạn thích, nhưng có rất nhiều lựa chọn khác đủ lo cơm ăn mỗi ngày, ví dụ nhân viên kinh doanh, giao hàng, tư vấn bảo hiểm. Nói để thấy, cơ hội chúng ta so với thế hệ trước là rất nhiều. Tuy nhiên, đi kèm với nhiều lựa chọn là việc dễ hoang mang. Giống như việc đi siêu thị, nếu chỉ có 2 loại sữa để chọn, việc đưa ra quyết định sẽ dễ hơn nhiều là có 10 loại sữa có tác dụng na ná nhau trên kệ. Nhiều hay ít thì cũng phải đến lúc chúng ta đưa ra lựa chọn. Nếu đã đưa ra lựa chọn, điều chúng ta cần làm là tập trung và chuyên chú. Trong công việc nếu bạn đã đưa ra một lựa chọn, hãy đặt cho mình một giới hạn ít nhất 6 tháng, hoặc 1 năm chuyên chú cho công việc đó. Hãy ghi ra giấy thật rõ lý do nào mình chọn công việc này. Mỗi tuần, tháng, quý bạn nhìn lại xem những gì mình đang làm có đúng lý do ban đầu mình đã chọn không. Công việc nào cũng có những trở ngại và điểm trừ, nhưng nếu vẫn đúng lý do cốt lõi thì vẫn đúng để bạn ở lại.
Sự tập trung cần được rèn luyện từ những việc nhỏ hàng ngày. Chúng ta không thể tập trung vào việc lớn nếu những hành động nhỏ hàng ngày chưa tập trung. Nếu bạn ngồi học/làm việc mà vẫn tranh thủ lướt mạng xã hội, đó là chưa tập trung. Nếu bạn đi chơi với bồ, bạn bè nhưng vẫn tranh thủ mở email kiểm tra công việc ở chỗ làm, đó là chưa tập trung. Nếu bạn ăn cơm và xem YouTube, đó là chưa tập trung. Tập trung trong việc nhỏ hàng ngày là bạn thực sự đắm chìm 100% vào làm việc đó, một cách toàn tâm toàn ý. Trong phật giáo và thiền gọi khái niệm này là chánh niệm. Chánh niệm là có mặt một cách tỉnh thức ở mọi thời điểm. Bạn đánh răng và tập trung vào đánh răng. Bạn tắm và tập trung vào cảm nhận làn nước chảy qua mình. Bạn nắm tay một người và tập trung vào cảm nhận sự mềm mại, sự xúc chạm da thịt với người đó. Việc gì cũng có thể dùng để rèn luyện sự tập trung.
Đến đây mình đã đến giờ học, mình xin dừng bài viết để tập trung học. Chúc bạn có thêm góc nhìn để đưa ra quyết định tốt hơn.