Nói đến hướng nghiệp, mọi người có thể nói đến chọn ngành, chọn trường, chọn nghề hay những thứ như đam mê, sở thích. Tuy nhiên, có một thứ cũng quan trọng không kém nhưng chúng ta lại ngại đề cập đến nó: tiền. Chúng ta ngại nói về tiền vì nghe chuyện tiền bạc có vẻ ‘xôi thịt’, hoặc ‘nhạy cảm’ – nhưng thực tế đây nên là một trong những kiến thức đầu tiên một người bước chân vào thị trường lao động cần học. Cách quản lý số tiền đang có như thế nào, cách chi tiêu sao cho hợp lý, cách đầu tư làm sao để tiền đẻ ra tiền? Nhiều người hay nói những chuyện cao siêu về đóng góp xã hội, nhưng mình cho rằng bản thân mỗi người phải ‘no bụng’, cảm thấy ổn và đủ đầy về tiền bạc của chính bản thân thì mới nên bắt đầu nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác.
Khi nói về tiền, nhiều người hay gán liền với việc làm giàu. Chẳng trách sao mà ngoài kia có rất nhiều các ‘chuyên gia’ dạy làm giàu, đầu tư, thổi nến, bán nhà, chứng khoán. Mình cho rằng, mỗi cá nhân trước khi nghĩ đến chuyện làm giàu, hãy bắt đầu bằng việc hiểu biết về tài chính cá nhân trước tiên. Vậy tài chính cá nhân gồm những bước như thế nào, dưới đây là những thực hành của bản thân mình trong cuộc sống hàng ngày.
1/ Hiểu
Đặt câu hỏi và ghi chép chi tiêu
Đầu tiên, một người cần hiểu về thực trạng tiền bạc của mình. Trước tiên, bản thân mình cần trả lời được các câu hỏi như:
- Mình đang có bao nhiêu tiền mặt?
- Mình có bao nhiêu các tài sản to (điện thoại, iPad, xe, nhà…).
- Mình đang có bao nhiêu nợ?
Sau đó, một người cần biết được hôm qua mình đã tiêu bao nhiêu tiền, vào những cái gì. Tuần trước mình đã tiêu bao nhiêu tiền? Tháng trước mình đã tiêu bao nhiêu tiền, cả năm trước mình tiêu bao nhiêu tiền? Chúng ta chắc chắn không thể nhớ được chi tiết từng khoản nếu không có ghi chép lại. Vậy hiện tại bạn có đang ghi chép lại tiền bạc của mình ở đâu không? Hiện tại, Tuấn Anh đang thực hiện việc ghi chép chi tiêu hàng ngày thông qua ứng dụng MoneyLover, mỗi khi tiêu một khoản nào đó, mình mở ứng dụng này để nhập vào.
Việc ghi chép bằng ứng dụng tiện lợi hơn là việc bạn dùng não để nhớ, ghi vào note trên điện thoại hay ghi vào một tờ giấy. Cái tiện ở đây là cuối tuần, cuối tháng nhìn lại, bạn sẽ biết mình đã tiêu vào những mục nào, mục nào tiêu nhiều, mục nào tiêu ít, số lần tiêu cho mục đó là bao nhiêu – tất cả những việc này được tự động hoá nên rất tiện. Ví dụ, khi nhìn một năm trước mình thấy có 60 mục chi tiêu cho KFC, 50 mục chi tiêu chi Texas – thế là nhẩm sơ sơ trung bình một tuần mình ăn 2 bữa gà rán, bảo sao hôm nọ đi khám bệnh bác sĩ bảo mỡ máu hơi cao.
Ghi chép chi thì cũng có ghi chép thu. Nếu bạn là một người đi làm bình thường, khả năng cao bạn chỉ có 1 khoản thu duy nhất cố định hàng tháng từ công ty. Câu hỏi bạn có thể đặt ra ở đây là, hiện tại bạn có hài lòng với khoản thu nhập đó không? Nếu không, bạn sẽ làm gì tiếp theo để tăng con số này lên? Đề nghị với công ty tăng lương, hay làm thêm một số công việc khác để có thêm thu nhập (phần sau của bài viết mình sẽ nói kỹ hơn về một số công việc này mình đang làm).
Hoạch định chi tiêu có kế hoạch
Khi bạn đã có thói quen ghi lại chi tiêu trong khoảng 3 tháng, bạn có thể bắt đầu hoạch định việc chi tiêu các tháng tiếp theo của mình. Mọi người cứ mải mê bàn chuyện làm giàu và đầu tư, tuy nhiên thực tế việc đầu tiên nên làm là giữ những đồng tiền mình đang có đã. Một tháng bạn chi ra ít hơn số tiền bạn kiếm được, như vậy cũng đã là một cách làm giàu.
Nếu sau khi quan sát các tháng chi tiêu gần đây bạn thấy ổn, cứ tiếp tục chi tiêu như vậy. Tuy nhiên, mình đoán phần lớn giống như mình, sẽ thấy rằng bản thân tiêu nhiều và phung phí quá. Vì vậy mục tiêu là tháng tiếp theo tiêu ít lại và tiết kiệm hơn. Đây là một mục tiêu tốt, nhưng nhiều bạn có cách thực hiện sai. Ví dụ 3 tháng vừa rồi mỗi tháng bạn tiêu 20 triệu, tự nhiên tháng này bạn quyết tâm chỉ tiêu 10 triệu thôi – như vậy là không có khả thi. Cách khả thi nhất là giảm dần theo từng tháng, ở đâu đó mức 10-20% mỗi tháng đã là rất tốt rồi. Tháng vừa rồi bạn tiêu 20 triệu, tháng này quyết tâm chỉ tiêu 18-19 triệu, vậy là đã thành công.
Khi hoạch định chi tiêu, bạn cần ghi rõ ra tất cả các khoản tiềm năng có thể chi và ước lượng số tiền chi trong tháng tiếp theo như thế nào. Ví dụ đây là các khoản Tuấn Anh thường chi trong một tháng, bạn có thể tham khảo cho bản thân:
- Tiền nhà cửa (thuê nhà, điện, nước, Internet, gửi xe, phí nhà cửa).
- Tiền ăn uống (mua đồ nấu ăn tại nhà).
- Tiền đi chơi ở ngoài (đi ăn nhà hàng, xem phim, chơi cái này cái kia).
- Tiền đi lại (Grab, đổ xăng, sửa xe, gửi xe).
- Tiền đồ dùng cá nhân/gia đình (dầu gội, sữa tắm, đồ trang trí trong nhà).
- Tiền tặng/cho đi (đám cưới, đám ma, gửi bố mẹ, từ thiện…).
- Tiền nuôi chó.
- Tiền các loại phí (điện thoại, Netflix, Spotify, Canva…).
- Tiền thuốc thang.
- Tiền học tập.
Trên đây là những khoản cơ bản, có những khoản khác bạn có thể liệt kê thêm, hoặc gom chung vào các đề mục trên.
Khi bạn xác định hàng tháng mình có một cục tiền cố định, bạn có thể suy nghĩ đến một vài nguyên tắc để chia cục tiền đó sao cho phù hợp. Có hai nguyên tắc dễ nhất bạn có thể tham khảo đó là.
- Nguyên tắc 50/30/20. 50% cho các chi tiêu cơ bản (nhà cửa, ăn uống, đi lại), 30% cho các nhu cầu khác (tức là có cũng được không có cũng không sao), 20% để tiết kiệm và đầu tư.
- Nguyên tắc 6 cái lọ. 55% cho nhu cầu cơ bản, 10% học tập, 10% hưởng thụ, 10% đầu tư, 10% tiết kiệm và 5% cho đi.
À, mình có một nguyên tắc nhỏ cho các bạn thuê nhà nữa, đó là không dành quá 30% số tiền mình kiếm được mỗi tháng cho nhà cửa. Ví dụ một tháng kiếm được 15 triệu, thì chi cho nhà cửa tối đa 5 triệu thôi – cái này là nguyên tắc phổ biến trong các nội dung về tài chính cá nhân.
Khi bạn đã hoạch định được kế hoạch chi tiêu 1 tháng theo các đầu mục ở trên rồi, bạn có thể chia nhỏ ra theo các tuần, 1 tháng có 4-5 tuần. Hãy cài đặt một ngày cố định hàng tuần, bạn dành ra 30 phút để xem lại xem mình đã làm đúng kế hoạch chưa, có chỗ nào bị lố không để tuần sau tem tém lại.
2/ Tiết kiệm
Khi bạn đã hiểu và biết hoạch định theo kế hoạch ở trên, bước tiếp theo là thực hiện các việc liên quan đến tiết kiệm. Ở trên mình đã nói một lần, chúng ta cứ lo đi đầu tư cái làm, làm giàu cái kia – nhưng đừng quên thế hệ ông bà, cha mẹ mình nhờ biết tiết kiệm mà mua được nhà, được xe, nuôi được cả một gia đình. Vậy nên theo mình, trước khi đầu tư, hãy biết tiết kiệm. Có một số nguyên tắc tiết kiệm hiện nay Tuấn Anh đang thực hiện theo và muốn chia sẻ cùng các bạn.
- Nguyên tắc 20% & trả cho bản thân mình trước. Với mỗi một đồng Tuấn Anh nhận về, mình luôn bỏ ra 20% quỹ tiết kiệm. 20% này có thể dùng để gửi tiết kiệm hoặc mang đi đầu tư (mình sẽ chia sẻ ở mục 3). Điều tiên quyết của nguyên tắc này là việc cứ mỗi khi nhận tiền, bạn phải thực hiện việc này đầu tiên. Số % của mình là 20%, còn bạn có thể đặt ra con số khác. Khi mình nhận lương 20 triệu, mình bỏ ra 4 triệu. Khi ai đó cho mình 100K, mình bỏ ra 20K. Lúc nào cũng tuân thủ đúng nguyên tắc. Việc trả cho bản thân trước tạo sự kỷ luật và giúp bạn có tiền. Đừng chờ đến khi tiêu hết cái này đến cái kia còn dư ra bao nhiêu thì mới tiết kiệm, khả năng cao là không dư ra đồng nào đâu.
- Tiết kiệm một quỹ khẩn cấp. Tiếng Anh gọi là emergency fund. Quỹ này dùng trong trường hợp bạn mất việc mà không có bố mẹ lo cho chỗ ăn chỗ ở, hoặc bạn phải đi viện. Quỹ này tương ứng với khoảng 3-6 hoặc 12 tháng chi tiêu của bạn. Tuỳ thuộc hoàn cảnh của bạn mà bạn chọn độ to phù hợp. Nếu bạn có gia đình chống lưng và có thể vay mượn dễ dàng, 3 tháng là đủ. Nếu bạn là người an toàn và lo lắng nhiều, nên có 12 tháng. Ví dụ mỗi tháng bạn đang tính chi tiêu tối thiểu 10 triệu mới đủ sống, vậy bạn cần quỹ 30 triệu (3 tháng) cho đến 120 triệu (12 tháng). Chi tiêu tối thiểu là bao nhiêu, đây là lúc bạn nhìn lại những ghi chép mình đã hướng dẫn ở bước hiểu.
- Tiết kiệm một quỹ ‘sinking fund’. Mình cũng chả biết gọi tên quỹ này tiếng Việt là gì, nhưng đại loại nó là một quỹ tiết kiệm dùng để chi cho một khoản nào đó bạn đã dự định trước trong tương lai. Ví dụ, đi du lịch, mua quà cho vợ, mua xe máy, vân vân. Quỹ này cũng nên tương ứng với một quỹ khẩn cấp.
Nếu bạn đã kiếm ra tiền và chưa có quỹ nào ở trên, hãy bắt đầu bằng việc tiết kiệm đủ 2 cái quỹ đó, sau đó ăn chơi gì tính sau.
3/ Đầu tư
Oke, đầu tư là một câu chuyện phức tạp và chắc chắn không thể nói hết được trong một bài viết này. Nói một cách đơn giản là, nếu bạn không có đầu tư, tiền của bạn sẽ bị mất giá dần. Hiện tại bạn có 30K và đổ được 1 lít xăng, nhưng năm sau xăng tăng lên 40K thì số tiền 30K đó của bạn bị mất giá. Hiểu không hiểu không?
Đầu tư thì có nhiều cách, đang ‘hot’ thì có chơi tiền ảo, chứng khoán, muốn giàu nhanh thì mọi người bảo đi buôn đất, cổ điển kiểu người lớn thì là mua vàng.
Mình không muốn dành nguyên đoạn này để nói về các nguyên tắc đầu tư, vì thực tế có nhiều người giỏi hơn mình đang làm việc đó. Ví dụ các bạn có thể tham khảo Khoá học hướng dẫn kỹ năng chứng khoán cơ bản, website LeoX là cộng đồng các anh chị đầu tư chuyên nghiệp, website của anh Hiếu và bạn Thành Công TC là hai người làm nội dung rất hay về đầu tư.
Dưới đây là những kinh nghiệm cá nhân của mình về đầu tư:
- Để đầu tư tốt thì nên có kiến thức. Đừng nghe người này người kia, kinh nghiệm cá nhân không phải thứ đáng tin cậy nhất khi đi đầu tư. Hãy theo dõi các trang trên để có kiến thức. Và hãy chỉ đầu tư vào những gì mình biết.
- Mình là người an toàn, nên mình chưa đầu tư vào những gì rủi ro. Mình đang mua vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng, chơi chứng khoán và mua các chứng chỉ quỹ trên ứng dụng Finhay (bạn có thể ấn đăng ký từ link đó để nhận được 5000 gửi xe từ mình haha).
Tăng thêm thu nhập
Đầu tư thì mình vẫn đang học, nhưng việc có nhiều khoản thu nhập thì mình rất rành. Bản thân mình là một người có nhiều khoản thu nhập, mình muốn chia sẻ với các bạn một số khoản thu nhập mà dù bạn làm ngành nghề nào cũng có thể bắt đầu được đấy là.
- Làm affiliate marketing. Tức là bạn giới thiệu các sản phẩm trên các trang thương mại điện tử chẳng hạn, và nhận lại % từ các sản phẩm đó. Càng nhiều người mua, bạn càng có nhiều tiền. Để làm được việc này hiệu quả, một thương hiệu cá nhân tốt hoặc sở hữu một kênh mạng xã hội bất kỳ có nhiều người theo dõi sẽ là lợi thế. Ví dụ khi bạn ấn vào trang này và mua bất kỳ cái gì trong đó, mình sẽ có tiền.
- Nhận quảng cáo. Nếu bạn có thương hiệu cá nhân tốt hoặc một trang mạng xã hội có nhiều người theo dõi như ở trên, bạn có thể nhận đăng quảng cáo cho các nhãn hàng. Ví dụ một kênh Tiktok mình làm có hơn 100K theo dõi có thể kiếm về 3-5 triệu cho một bài video quảng cáo.
- Bán bảo hiểm. Có thể bạn đang nghĩ tiêu cực về bảo hiểm, nhưng thực sự là bảo hiểm cho một nguồn thu nhập khác tốt. Bảo hiểm có thể dễ bán hơn bán nhà, và làm online được. Một hợp đồng bảo hiểm nhẹ nhàng khoảng 15 triệu, và bạn có thể có 30-40% thu nhập trong đó. Sắp tới mình đi bán bảo hiểm, mình sẽ hướng dẫn thêm cho bạn.
- Viết lách. Đây là thế mạnh của mình nên nó mang lại cho mình nhiều nguồn thu. Mình viết sách và nhận về 20-30 triệu cho 1 lần xuất bản. Mình có thể viết cho các nhãn hàng và nhận 1-2 triệu cho một bài viết. Nếu bạn thích viết, đây cũng là một kênh.
Trên đây là một chút chia sẻ kinh nghiệm cá nhân để giúp bạn đọc cải thiện tốt hơn chuyện tiền bạc. Chúc bạn thành công.