Giai đoạn này đang là thời điểm khó khăn với tất cả chúng ta, Covid-19 vẫn chưa hết hẳn, xăng tăng, lạm phát, nguy cơ về những bất ổn chính trị và kinh tế. Thật khó để không lo lắng ở thời điểm này, đặc biệt là những lo lắng về sự ảnh hưởng tiêu cực của những điều trên đến công việc và nghề nghiệp của chúng ta
Trong cuốn sách rất nổi tiếng, ‘The 7 Habits of Highly Effective People’ – tác giả Steve Covey có chia sẻ về mô hình Vòng tròn lo lắng. Giống như hình bên dưới:

Ba vòng tròn này vô cùng dễ hiểu. Đại loại là tâm lý con người chúng ta ai cũng có nhiều thứ quan tâm và nhiều mối lo lắng – tuy nhiên không phải mọi thứ chúng ta đều có thể kiểm soát và điều khiển nó làm theo ý mình được. Chính vì vậy, chúng ta cần phân loại những điều chúng ta đang quan tâm và lo lắng mỗi ngày ra từng vòng tròn khác nhau, từ đó dành năng lượng cho những điều mang lại giá trị cao nhất.
Vòng tròn ngoài cùng màu nhạt bao gồm những thứ nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chúng ta như dịch bệnh Covid-19, giá xăng tăng lên 32,000 (ngày 14/06/2022), ông này ông kia làm to mới bị bắt tạm gia, chứng khoán Bitcoin rơi liên tục. Những thông tin này chúng ta biết, lo, nhưng không có tác động được nhiều đến sự thay đổi. Nếu chúng ta đang dành quá nhiều năng lượng vào việc cố gắng những điều này, chúng ta đang phí phạm thời gian. Ví dụ, nếu chứng khoán lên bạn vui còn chứng khoán xuống bạn rầu cả ngày, mang cái rầu rĩ đó đến chỗ làm, về nhà thì bạn đang để cho vòng tròn này kiểm soát cuộc đời mình.
Vòng tròn ở giữa màu cam là những thứ mà chúng ta có thể tác động một chút. Ví dụ, bạn thuyết phục người khác làm điều gì đó, như là mong muốn bồ mình thay đổi một số tính cách để “tốt hơn” chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể tác động, chứ không kiểm soát được kết quả. Kết quả có thay đổi hay không, vẫn phải phụ thuộc vào người đó.
Vòng tròn cuối cùng màu đỏ là vòng tròn kiểm soát, chính là điều chúng ta nên tập trung nhiều thời gian và năng lượng vào nhất. Những gì chúng ta có thể kiểm soát được? Đó là cảm xúc và cách phản ứng tích cực hay tiêu cực với một sự việc (hãy nhớ là sự việc thì không kiểm soát được, nhưng cách chúng ta phản ứng với sự việc đó thì mình kiểm soát được). Ví dụ mình nộp đơn ứng tuyển công việc và trượt thì đây là sự kiện mình không kiểm soát được do đó là quyết định của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, mình có thể kiểm soát được cách mình phản ứng với sự kiện đó. Mình sẽ chán nản, chui vào phòng vò đầu bứt tai trách mình bất tài vô dụng hay mình sẽ coi đó là một bài học để đứng lên lao ra ngoài tìm cơ hội khác. Hay việc chúng ta gửi CV đến một nơi, việc CV đó có trúng tuyển và được gọi phỏng vấn hay không chúng ta cũng không kiểm soát được. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát được việc học để biết cách viết CV tốt hơn, cần chuẩn bị Portfolio hay LinkedIn như thế nào, cần có những hồ sơ giấy tờ gì.
Thuyết ba vòng tròn này rất dễ hiểu và rất hay để giúp bạn bắt đầu phân loại được đâu là điều mình nên tập trung lo lắng, đâu là điều mình nên bớt lo lại trong cuộc sống này.
Nếu bạn đang còn có những lo lắng hoang mang trong nghề nghiệp, hãy đăng ký cùng Tuấn Anh tại đây: https://anhtuanle.com/tuvan/