Để có chỗ đứng ở chỗ làm, bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững, bạn cần trang bị thêm kỹ năng xã hội tốt. Nếu bạn có kỹ năng xã hội tốt, bạn có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt và phối hợp làm việc thuận tiện hơn với đồng nghiệp. Một người có kỹ năng xã hội tốt là người biết cách kiềm chế cảm xúc của mình, hiểu được cảm xúc của người khác, biết khi nào cần lắng nghe và nên nói gì trong các tình huống cụ thể.
Kỹ năng xã hội hay còn gọi là trí thông minh xã hội – “social intelligence” là một khái niệm được nhà tâm lý học người Mỹ Edward Thorndike đưa ra vào năm 1920. Ông này định nghĩa: “Khả năng hiểu và quản lý con người, để hành động khôn ngoan trong các mối quan hệ giữa người với người.” Không ai sinh ra đã tự nhiên giỏi kỹ năng này. Kỹ năng xã hội được phát triển qua năm tháng nhờ môi trường sống và học hỏi từ nhiều kỹ năng nhỏ khác nhau.
1/ Chân dung một người có kỹ năng xã hội tốt
Một người có kỹ năng xã hội tốt là một người có những tính cách, tố chất giúp họ kết nối và giao tiếp với người khác tốt hơn. Bạn hãy thử kiểm tra và đánh giá xem các tố chất dưới đây mình được mấy điểm trên thang điểm 10 nhé.
- Lắng nghe chủ động. Trong cuộc trò chuyện, tạo cảm giác cho đối phương được lắng nghe, họ thích nói chuyện và tâm sự với mình, tin tưởng mình để trò chuyện.
- Điều phối cuộc trò chuyện. Người này có kỹ năng nói chuyện với nhiều kiểu người, hài hước, tinh tế, biết điều hướng cuộc trò chuyện để mọi người cùng tham gia. Nói vừa đủ, kiến thức rộng.
- Tạo ấn tượng với người khác. Người này biết cách tạo ấn tượng với người khác thông qua phong thái tự tin, thần thái, trang phục, cử chỉ – vừa đủ không quá lố lăng.
- Không tranh cãi. Người này không sa đà vào những cuộc tranh cãi không có hồi kết, thay vào đó lắng nghe quan điểm trái chiều với trí óc cởi mở, đón nhận sự khác biệt.
2/ Cách để phát triển kỹ năng xã hội tốt
Có những người tự nhiên đã ‘có duyên’ hơn người khác mà không cần cố gắng nhiều, tuy nhiên với đa số thì kỹ năng xã hội hoàn toàn có thể học được. Dưới đây là một số cách.
- Tập kỹ năng lắng nghe chủ động. Chúng ta thường được đào tạo nhiều về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, nói – chứ ít khi hoặc hầu như không bao giờ học về kỹ năng lắng nghe chủ động. Lắng nghe chủ động là hoàn toàn chú tâm khi nghe người khác, không dùng điện thoại, không ngắt lời. Suy nghĩ sâu cảm về câu từ và cảm xúc của người nói. Cụ thể một số tips lắng nghe chủ động tại đây.
- Tập tìm hiểu lý do và tôn trọng sự khác biệt. Nếu khi đi làm hoặc ra ngoài xã hội có một người có ý kiến khác, thậm chí trái ngược hoàn toàn với mình – hãy tập tính ‘tôn trọng’ trước tiên và sau đó là ‘tò mò’ về lý do đằng sau. ‘Tôn trọng’ sự khác biệt của người khác, không chỉ trích, chửi bới cá nhân cả trên mạng lẫn ngoài đời khi họ khác mình. ‘Tò mò’ lý do vì sao họ khác mình, môi trường sống của họ thế nào, họ lớn lên ra sao, được dạy dỗ những gì. Ví dụ, khi mình đi sân bay thi thoảng sẽ có những cô/chú lớn tuổi chen hàng. Phản ứng thông thường có thể là khó chịu. Tuy nhiên, khi suy nghĩ kỹ với tâm thế ‘tò mò’, mình có thể hiểu rằng đây có thể là lần đầu tiên họ được đi máy bay, chưa hiểu các quy tắc xếp hàng, vậy mình nhẹ nhàng nhắc nhở họ để họ biết.
- Tập luyện cải thiện trí thông minh cảm xúc. Trí thông minh cảm xúc là việc bạn nhận diện và kiểm soát được cảm xúc của mình, cũng như nhận diện được cảm xúc của người khác để có cách xử lý phù hợp. Ví dụ, bạn biết được khi nào mình giận, để lúc đó không phun ra những lời khó nghe. Bạn biết được người khác đang trong tâm trạng nhạy cảm, để nhẹ nhàng hơn với họ. Trí thông minh cảm xúc bạn có thể học qua hai cách là thực hành thiền mỗi ngày và học các khoá học về tâm lý cảm xúc.
3/ Tài liệu tìm hiểu thêm về chủ đề kỹ năng xã hội
- Bài Talks 55 phút của Daniel Goleman tại Google.
- Phân tích não bộ của kỹ năng xã hội, bài chia sẻ tại TedxUQ.
- Sách Trí tuệ cảm xúc của Daniel Goleman.
- Bộ sách Đọc vị bất kỳ ai.