Là một người làm nghề tư vấn (hướng nghiệp, tâm lý, coach…), ngoài những kiến thức và kỹ năng chuyên môn, bạn có thể cần thêm một kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Thành ngữ trước đây có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”, tức ý nói về việc người có năng lực giỏi thì cứ tự nhiên nhiều người biết đến. Tuy nhiên câu thành ngữ trên chỉ phù hợp trong bối cảnh cộng đồng nhỏ, tất cả mọi người biết nhau và các ngành nghề có ít sự cạnh tranh. Hiện nay trong thời đại công nghệ và toàn cầu hoá, giỏi là bước đầu tiên, biết chia sẻ về điều mình giỏi để người khác biết đến là việc tiếp theo. Vậy bạn cần làm việc trên như thế nào? Trong bài viết này Tuấn Anh sẽ chia sẻ đến bạn một số bước cơ bản.
1/ Xác định đối tượng phục vụ hướng đến
Mỗi người tư vấn hướng đến một nhóm đối tượng cần được tư vấn khác nhau. Mỗi nhóm này có tính cách, thói quen, quan điểm sống và các mối quan tâm khác nhau. Ví dụ, Tuấn Anh làm việc với các bạn sinh viên và người mới đi làm – những người nhanh nhạy với Internet, thường xuyên thay đổi theo trend, thích những nội dung ‘sáng tạo’ và nhanh – vì vậy Tuấn Anh cần học cách làm nội dung ngắn, gần gũi và đa dạng. Một chị L. tư vấn tài chính tới đối tượng là những người có học thức, đầu tư lâu dài – vì vậy chị làm những nội dung sâu, đòi hỏi nhiều thời gian để đọc và nghiền ngẫm.
Xác định đúng nhóm đối tượng bạn muốn tập trung tư vấn giúp bạn không bị dàn trải thời gian và nguồn lực cho những nhóm không mang lại nhiều lợi ích cho bạn. Để xác định nhóm đối tượng phục vụ, bạn có thể trả lời một số câu hỏi cơ bản bên dưới:
- Độ tuổi? Địa điểm sinh sống, làm việc? Trình độ học vấn.
- Những người này tiêu thụ nội dung gì trên Internet?
- Những người này quan tâm đến chủ đề gì?
- Những ước mơ, mong muốn của họ là gì?
2/ Tìm kênh mạng xã hội trọng tâm và tạo một website
Sau khi đã xác định được nhóm người được tư vấn mục tiêu ở bước trên, bạn có thể dựa vào các thông tin đó để chọn một kênh mạng xã hội trọng tâm, đồng thời tạo một website cá nhân.
Tuy hiện nay có rất nhiều trang mạng xã hội nhưng Tuấn Anh vẫn khuyến khích bạn tạo một website cá nhân trước. Website cá nhân có tính tuỳ chỉnh cao hơn, khả năng lưu trữ thông tin nhiều hơn và lâu hơn so với các trang mạng xã hội.
Việc xác định trang mạng xã hội nào là trọng tâm để sản xuất nội dung phụ thuộc vào thế mạnh của bạn + mối quan tâm của đối tượng tư vấn bạn phục vụ. Ví dụ, bạn thích viết lách – Facebook, LinkedIn là các trang phù hợp. Bạn thích sáng tạo hình ảnh, Instagram. Bạn thích nói, Youtube, Tiktok. Bạn đang nhắm tới Gen X, Y, LinkedIn. Bạn đang nhắm tới Gen Z, Tiktok.
3/ Sản xuất nội dung có gu riêng và định kỳ
Sau khi đã xác định được kênh mạng xã hội trọng tâm và có một website riêng, việc tiếp theo bạn cần làm là sản xuất nội dung liên quan đến chủ đề tư vấn bạn đang làm. Thời điểm này là thời điểm bùng nổ của công việc sản xuất nội dung, vì vậy muốn nội dung của bạn được nổi bật và biết đến nhiều hơn, bạn cần đảm bảo được hai tiêu chí cơ bản: có gu riêng và định kỳ.
Có gu riêng tức là trình bày nội dung theo phong cách riêng của bạn. Ví dụ, cùng về cách thức viết lách, có nhiều người chọn viết sâu, học thuật, nhiều trích dẫn, Tuấn Anh chọn cách viết ngắn, đơn giản, đưa ra nhiều kế hoạch hành động. Cùng là chủ đề hình ảnh, có người đầu tư vào chụp hình đẹp, có người đầu tư vào vẽ. Mỗi hình thức nội dung đều có điểm hay, miễn sao hình thức đó bạn cảm thấy thoải mái khi làm và duy trình sự đồng bộ trong phong cách trong tất cả các nội dung.
Định kỳ tức là tần suất bạn sản xuất nội dung đều đặn trên website hoặc trang mạng xã hội mà bạn đã chọn. Có thể mỗi ngày, mỗi 2-3 ngày hoặc một tuần một lần. Trong thời đại quá nhiều nội dung hiện nay, tối thiểu 1 tuần bạn nên có một nội dung mới.
4/ Mở rộng nội dung sang các nền tảng mạng xã hội khác
Sau khi bạn đã có một lượng nội dung nhất định (khoảng trên 50 nội dung) trên website hoặc trang mạng xã hội bạn chọn, bạn có thể tìm cách lan toả nội dung tới nhiều người hơn thông qua việc chỉnh sửa và mở rộng nội dung sang các nền tảng khác. Ví dụ, sau khi quay xong một video cho YouTube, bạn có thể ghi lại các nội dung đã nói thành một bài blog hoặc lấy phần audio đưa lên thành một kênh Podcast. Việc đa dạng hoá nội dung này giúp bạn tiếp cận tới nhiều người xem hơn, vì có người thích đọc, người lại thích nghe, xem. Nếu việc này tốn thời gian, bạn có thể cân nhắc thuê các bạn freelancer giúp bạn thực hiện công việc này.
5/ Không ngừng cập nhật những thay đổi mới
Bài viết này tập trung hướng dẫn một số bước đơn giản để xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Mạng xã hội hiện nay lại thay đổi mỗi ngày. Các thuật toán, quy tắc, trang mạng mới xuất hiện mỗi ngày, đòi hỏi bạn cần bớt chút thời gian để cập nhật những thay đổi đó. Ví dụ, 2 năm vừa qua rất nhiều cá nhân, nhãn hàng chuyển dịch nội dung từ viết trên Facebook sang các video ngắn trên Tiktok.
Trên đây là một chia sẻ ngắn về việc làm thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, chúc các bạn thành công.