Bạn tôi chỉ cho tôi xem bức hình chụp 12 lãnh đạo năm ngoái của công ty, sau một năm bây giờ chỉ còn duy nhất 2 người trong tấm hình ở lại. Rất nhiều sự thay đổi đã diễn ra tại công ty cả về chiến lược lẫn nhân sự, đa số đều không đoán trước được vào thời điểm cuối năm ngoái.

Những thay đổi – hay gọi tên khác là ‘hỗn loạn’ trong nghề nghiệp đang xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn và khó đoán hơn mỗi ngày. Dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hết hẳn, chẳng ai biết sắp tới có thêm bệnh nào mới không, chiến tranh Nga – Ukraina kéo theo cả nền kinh tế đi xuống, khiến thị trường việc làm một vài năm tới chắc chắn còn nhiều bất ổn hơn nữa. Là một người đang đi làm, chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị cho sự hỗn loạn này đây?

1/ Thuyết hỗn loạn trong nghề nghiệp

Hai nhà nghiên cứu Robert Pryor và Jim Bright đã chia sẻ rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ nghề nghiệp hỗn loạn (chaos careers). Có một số gạch đầu dòng chúng ta phải thừa nhận với nhau như thế này:

  • Bạn có thể dành cả đời khám phá bản thân nhưng vẫn chưa hiểu hết về mình. Đấy là chuyện hoàn toàn bình thường.
  • Bản thân bạn và những gì xung quanh không ngừng thay đổi, bao gồm cả tình hình kinh tế, chính trị, những người xung quanh. Kỳ vọng vào sự ‘ổn định’ là một kỳ vọng không phù hợp.
  • Trong sự hỗn loạn, chúng ta không thể kiểm soát được mọi thứ. Có thứ chúng ta kiểm soát được, có thứ chúng ta không. Ví dụ, dịch bệnh là thứ chúng ta không kiểm soát được, học thêm về công nghệ để làm việc tốt hơn là thứ ta kiểm soát được.
  • Thất bại là việc tất yếu có thể xảy ra khi chúng ta bắt tay vào làm bất kỳ việc gì. Thay vì cố gắng làm sao để không thất bại, hãy tìm xem từ thất bại đó mình có thể học được gì.
  • Chúng ta cố gắng thu thập thật nhiều thông tin để ra quyết định đúng nhất, nhưng thực tế không bao giờ là đủ. Việc ra quyết định với những thông tin còn thiếu là việc chấp nhận được.

Sống trong thời kỳ hỗn loạn, chúng ta có thể gặp phải các vấn đề sau liên quan đến nghề nghiệp:

  • stress vì những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống
  • lo lắng về việc chọn nghề nghiệp “phù hợp”
  • gặp khó khăn trong việc tìm việc
  • mất việc vì công nghệ, tự động hoá

2/ Làm sao để đương đầu với sự hỗn loạn?

Nếu hiểu rõ ý trên, tới đây bạn biết rằng hỗn loạn là việc không tránh khỏi và không kiểm soát 100% được. Tuy nhiên, có những việc mỗi cá nhân chúng ta có thể bắt tay vào làm ngay để chuẩn bị tâm thế tốt nhất đương đầu với những hỗn loạn này.

Hiểu rõ tính cách, kỹ năng và công việc phù hợp với bản thân. Tức là biết được mình thích gì, giỏi gì, làm gì cả ngày mà không chán. Thị trường ngoài kia có công việc gì đang mang lại tiền liên quan đến những cái mình thích và giỏi đó. Ví dụ, Tuấn Anh thích ngồi một mình viết lách, cả ngày có thể viết mấy chục nghìn từ không mệt. Tuấn Anh tìm hiểu và làm các công việc liên quan đến viết sách, viết nội dung quảng cáo, viết blog để có thu nhập. Bạn có thể tìm hiểu sở thích và điểm mạnh của bản thân thông qua các bài trắc nghiệm tính cách (ví dụ các bài trắc nghiệm này) hoặc đặt lịch tư vấn cùng chuyên gia tư vấn hướng nghiệp để tìm hiểu sâu hơn. (Bạn có thể book lịch tư vấn online cùng Tuấn Anh tại đây).

Hiểu rõ kỹ năng chuyển đổi của bản thân. Kỹ năng chuyển đổi được định nghĩa là những kỹ năng có thể sử dụng để làm nhiều công việc khác nhau. Ví dụ các kỹ năng chuyển đổi quan trọng như Giải quyết vấn đề, Tư duy phản biện, Lãnh đạo, Thích nghi, Làm việc nhóm, Giao tiếp, vân vân. Bạn cần tự xác định xem đến thời điểm này sau một vài năm đi làm, đâu là những kỹ năng chuyển đổi bạn có và giỏi. Trong số trên, kỹ năng nào là kỹ năng bạn thích được làm mỗi ngày. Mỗi ngày đi làm nếu được thực hiện công việc sử dụng kỹ năng vừa thích vừa giỏi, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.

Xem thất bại như cơ hội để học hỏi kỹ năng mới hoặc tìm hiểu một lựa chọn nghề nghiệp mới. Như đã chia sẻ ở trên, thất bại là một phần tất yếu khi bạn bắt tay vào làm. Đừng sự thất bại, hãy nhìn sâu vào thất bại xem mình học được gì từ đó. Ví dụ, khi bạn quyết định nghỉ một công việc, hãy học xem điều gì ở công việc đó làm cho bạn khó chịu, quyết định nghỉ. Liệt kê được những điều này giúp bạn tìm kiếm cơ hội việc làm sau tốt hơn, không lặp lại những vấn đề cũ. Ví dụ, một khách hàng của mình nghỉ việc tại một start-up sau 1 năm làm việc và bạn xem rằng đây là một thất bại của bản thân. Sau khi được tư vấn, bạn thấy rằng thực tế nhờ có 1 năm làm việc này, bạn hiểu rõ hơn về phong cách làm việc của mình, cũng như biết rõ hơn về lĩnh vực nào mình muốn tập trung, con người nào bạn muốn làm việc cùng. Vậy nên không có thất bại, chỉ có bài học.

Có các phương án dự phòng cho bản thân. Các phương án dự phòng ở đây bao gồm tài chính, tinh thần và công việc. Về tài chính, trong thời gian hỗn loạn, một đồng tiết kiệm có thể bằng hai đồng kiếm ra. Hãy tiết kiệm cho bản thân một khoảng bằng 3-6, thậm chí 12 tháng chi tiêu để trong trường hợp xấu nhất không có việc, bạn vẫn sống tốt trong một khoảng thời gian. Về tinh thần, bạn cần những hoạt động sạc pin cho tinh thần mỗi ngày để đương đầu với những căng thẳng. Tuấn Anh gợi ý bạn thực hành thiền 20 phút chú tâm mỗi ngày, việc này sẽ giúp bạn tăng sự tập trung và giảm bớt căng thẳng. Về công việc, trong thời đại hiện nay dễ dàng hơn để bạn có thêm một công việc tay trái bên cạnh công việc chính. Hãy học thêm một kỹ năng như viết lách, thiết kế, IT, hoặc kinh doanh để làm công việc dự phòng cho công việc chính bạn đang làm. Phương án dự phòng càng kỹ càng, bạn càng đương đầu tốt với những hỗn loạn.

Mở rộng mối quan hệ và cập nhật kiến thức thị trường. Nếu nhìn nhận lý trí, bạn sẽ thấy rằng thị trường hiện nay không hề thiếu các công việc. Có rất nhiều công ty hay vị trí làm việc chúng ta chưa hề biết đến sự tồn tại của nó. Chính vì vậy, dù bạn đang giỏi hay giữ vị trí cao đến đâu, việc dành thời gian học thêm kiến thức mới, tham gia các chương trình liên quan đến thị trường việc làm và mở rộng các mối quan hệ chuyên nghiệp không bao giờ là thừa. Tuấn Anh có từng chia sẻ một bài viết về cách mở rộng mối quan hệ sử dụng LinkedIn, bạn có thể xem tại đây.

3/ Lời kết

Hỗn loạn có thể xảy ra xung quanh và chúng ta không thể kiểm soát được, tuy nhiên nếu tâm chúng ta không hỗn loạn, kết hợp với những sự chuẩn bị đầy đủ cả về kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ – dù bất kỳ vấn đề gì xảy ra, tôi tin rằng bạn vẫn có thể vượt qua được hết.

Chúc bạn chân cứng đá mềm vượt qua những ngày tháng giông bão.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: