Hoàn cảnh gia đình, môi trường lớn lên, học tập và làm việc quyết định đến 90% thế giới quan, cách suy nghĩ, hành động của một người. Bạn không hiểu vì sao người ta phải xấu tính như thế, tuy nhiên mọi việc họ làm đều có lý do đằng sau.
Để mình nói cho các bạn nghe một vấn đề. Nghe xong bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn, bớt khó chịu hơn về những việc xấu mà người khác đang đối xử với mình.
Một vài cá nhân tìm đủ mọi cách để dìm, đạp bạn xuống – bạn thấy việc đó rất là sai và vô đạo đức. Tuy nhiên thực tế là không có ai vô đạo đức ở đây hết.
Vấn đề là như thế này: Mỗi người chúng ta sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khác nhau, cha mẹ và họ hàng dạy dỗ chúng ta khác nhau, lớn lên chúng ta đi học và tiếp xúc với những kiểu người khác nhau, học những ngành học có những giá trị khác nhau, từ đó khiến chúng ta có những mục đích sống khác nhau.
Từ mục đích sống, mỗi người sẽ lựa chọn những cách hành xử và ra quyết định khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Việc một người làm nghe có vẻ sai với bạn lại có thể rất hợp lý với người ta.
Một người lớn lên từ nghèo khó ở quê, có cơ hội vươn lên khi ra thành phố, thấy xung quanh mọi người “dẫm đạp”, “kèn cựa”, “nịnh hót” với nhau để đạt được mục đích – sẽ có những suy nghĩ về cách đi tới thành công khác với một người đã sinh ra từ vạch đích, cha mẹ có tài chính tốt.
Một người học kinh doanh, bán hàng sẽ nhìn nhận giá trị thành công gắn liền với tiền bạc khác với một người học xã hội, tâm lý học.
Một người không có gì để mất sẽ có những quyết định liều lĩnh hơn người vẫn còn nhiều thứ để bảo vệ trong tay.
Và có rất nhiều ví dụ về sự khác nhau như trên.
Mỗi người chúng ta biết những điều mà người khác không biết, và ngược lại. Từ đó, chúng ta có những quyết định khác nhau, miễn sao đạt được lợi ích của bản thân. Những quyết này có thể bao gồm cả việc làm điều xấu với người khác.
Trong cuộc đời đi làm, tôi từng bị hãm hại vô cớ vài lần. Một lần cách đây vài năm, tôi mới vào Sài Gòn và đồng ý nhận lời tham gia sự kiện cho một công ty hai cá nhân tên H và A. Một hôm tôi nhận được email từ ban tổ chức về việc huỷ sự kiện với lý do thay đổi địa điểm, sẽ báo lại tôi sau. Bẵng đi một thời gian, sau này tôi mới biết bạn H. bịa chuyện với cộng đồng rằng do tôi huỷ tham gia phút chót nên sự kiện bị đổ bể theo, từ đấy dẫn đến một nhóm các bạn ghét và nghĩ tôi xấu xa lắm. Tôi huỷ kết bạn, bỏ theo dõi những người này, viết một thông báo đính chính sự việc cho ai hiểu rồi thôi.
Hay gần đây tôi bỗng được dính vào một vụ lùm xùm không đâu. Số là bạn G. nhận chức quản lý ở một đơn vị tôi từng làm việc. Chắc vì tôi thân thiết với người quản lý trước (người bạn G. không ưa), nên bạn tìm một số cách để “loại bỏ” tôi khỏi những việc liên quan. Chuyện cũng chẳng vấn đề gì, cho đến một lần tôi không hề được mời tham dự một sự kiện nọ (có tên tôi trong đó), nhưng bạn G. và các đệ tử nói với mọi người hôm đó rằng có mời nhưng tôi không tham gia và cũng không xác nhận. Điều này thể hiện sự tắc trách trong công việc, điều tôi sẽ không bao giờ làm (tôi luôn là người rất rõ ràng trong công việc dù nhận lời hay từ chối), nên tôi phải lên tiếng.
Tôi hiểu rằng với những người ở câu chuyện trên, cách hành xử như vậy giúp họ đạt được điều họ mong muốn. Không hợp với cách sống của tôi, nhưng hợp lý với cách sống của họ.
Mỗi khi những chuyện như trên xảy ra, những người thân thiết xung quanh hay bảo tôi phải làm rùm beng lên, dùng sức mạnh của mạng xã hội để bóc phốt đi cho bọn nó biết mặt. Tôi hay cười vào bảo “thôi, làm vậy để làm gì”. Viết những lời tiêu cực thế chỉ làm rác trang cá nhân của mình, rồi mình lại mất thời gian, năng lượng tiêu tốn vào những điều tiêu cực đó. Chuyện xấu ai làm người đó biết, mình thanh minh không có ích lợi gì. Thay vào đó, mình dành thời gian đóng góp những điều tích cực hơn cho xã hội.
Thực ra tôi cũng không mong những người làm điều xấu với mình phải trả giá cho những gì họ làm. Thực tế tôi không biết cái giá họ phải trả là gì, nhưng nếu nhìn bề ngoài vẫn thấy họ rất thành công dựa trên những gì họ đưa lên mạng xã hội. Hiểu hơn về tâm lý con người và cách mỗi cá nhân bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, tôi thông cảm và hiểu được cách vì sao một người hành xử như vậy. Ở đây có thể nhìn nhận câu chuyện ở 2 khía cạnh (1) có những người tạo giá trị cho bản thân bằng cách mang đến giá trị tốt đẹp cho người khác hoặc (2) nâng bản thân lên bằng cách đạp người khác xuống, cách nào cũng ổn – tuỳ lựa chọn của bạn. Điều thứ 2, mọi quyết định của một người thực tế chỉ xoay quanh việc (yêu) và (sợ), ở đây tôi đoán rằng những người này làm vậy vì sợ mất đi những thứ họ đang có, tiền tài, địa vị, quyền lực…
Thực tế xã hội này có nhiều người hơn bạn nghĩ. Có một số người hôm nay với bạn là quan trọng vì bạn đang chơi và tiếp xúc mỗi ngày, ngày mai có thể trở thành kẻ thù. Có những người bây giờ bạn chưa biết là ai, sau này có thể trở thành người rất quan trọng trong cuộc đời của bạn. Vì vậy đừng quá dính chấp vào một vài chuyện tiêu cực và bỏ mất những cơ hội gặp gỡ những việc tích cực hơn.
Khi bạn không kì vọng nhiều trong một mối quan hệ, bạn sẽ ít thất vọng hơn khi việc không như ý xảy ra. Trong một mối quan hệ với người khác, tôi không bao giờ nói rằng tôi tốt đẹp hay đúng đắn hoàn toàn, nhưng tôi luôn thành thật và hết mình với bạn. Khi bạn cần, tôi sẽ giúp. Thấy điều gì không hay, tôi sẽ nói. Tôi làm những điều như vậy không mong cầu nhận lại gì từ phía người đối diện. Tôi không cần bạn phải nói tốt cho tôi. Tôi cũng không cần bạn phải làm điều này điều kia cho tôi. Bất kỳ việc gì bạn làm, tôi đều đón nhận, kể cả tốt hay xấu. Chính vì sự không kỳ vọng như vậy, tôi cảm thấy thoải mái, dễ buông bỏ, không hề tức giận gì khi có một điều không như ý người khác làm cho mình.
Một điều nữa bạn có thể cảm thấy khó chịu đó là tại sao những người xấu với bạn (hoặc bạn biết họ xấu với cả xã hội) lại vẫn có nhiều thành công trong cuộc sống. Trông họ vẫn có nhiều tiền, địa vị cao trong xã hội, bằng cấp cao thạc sĩ – tiến sĩ, hoặc được một bộ phận kính nể, tôn thờ thông qua những bình luận trên mạng xã hội. Nếu bạn cảm thấy khó chịu vì những điều trên hoặc tìm cách thay đổi là bạn đang tự rước cái thiệt vào bản thân đấy. Thực tế xã hội nó như vậy, hàng trăm ngàn năm trước đã có những người như vậy, bây giờ vẫn thế và trong tương lai vẫn sẽ như thế. Thái độ tốt chưa chắc đã mang đến một cuộc sống tốt. Nhiều mối quan hệ, giỏi nói có thể mang lại địa vị và quyền lực cao. Nhưng cuộc sống như thế nào mới là tốt? Có hẳn địa vị và quyền lực cao đã là tốt hay không? Hay một cuộc sống được sống đúng với giá trị của bản thân, được nhìn thấy những gì mình làm có ích cho người khác, có sức khoẻ, có sự tự do trong suy nghĩ mới là tốt? Tuỳ bạn quyết định.
Nói chung với những người làm điều xấu với bạn tại chốn đi làm, đây là một số việc tôi đã làm và bạn có thể làm:
- Đính chính khi cần nếu việc đó gây ảnh hưởng đến bạn và những người khác;
- Đưa vào sự tò mò để tìm hiểu xem vì đâu mà một cá nhân lại có thể làm việc như vậy;
- Tiếp tục làm những việc mình đang làm; thậm chí có thể tiếp tục đối xử tốt với người đó;
- Không so sánh, không cảm thấy xã hội bất công khi người đó đạt được những quyền lực, địa vị trong cuộc sống. Thay vào đó, bạn định nghĩa lại định nghĩa thành công của bản thân, tập trung xây dựng những thành công của riêng mình. Ngắn gọn là bớt nhìn ra ngoài, tập trung vào trong mình hơn.
__
Trong tháng 11, mỗi ngày Tuấn Anh sẽ chia sẻ một nội dung liên quan đến các khía cạnh khác nhau trong việc đi làm hàng ngày. Mời các bạn đón đọc. Nếu bạn có đóng góp gì về một chủ đề hay thảo luận về nội dung bài viết, đừng ngần ngại chia sẻ quan điểm của bạn nhé.