Mình làm việc cả tuần và thường có 1-2 ngày cuối tuần rảnh rỗi hơn một chút. Mình thường dùng một chút thời gian của ngày cuối tuần này để nhìn lại những gì đã làm và lên kế hoạch cho những tuần tiếp theo. Nếu tuần vừa rồi mọi thứ tốt đẹp, mình cần làm gì để duy trì điều đó? Nếu tuần vừa rồi mọi thứ đều rất tệ, mình cần làm gì để cải thiện tốt hơn ở tuần sau? Mình sẽ ‘review’ tuần và đặt mục tiêu theo 3 phương pháp.

1/ Đặt 5 câu hỏi về những sự việc đã xảy ra trong tuần

Năm câu hỏi đó là Who? What? How? Where? When?

Who: Tuần rồi mình đã gặp những ai? Người nào mang lại những cuộc trò chuyện chất lượng và mình muốn tiếp tục có những cuộc trò chuyện như thế? Người nào khiến mình cảm thấy tốn thời gian và sẽ hạn chế những cuộc gặp như vậy?

What: Tuần vừa rồi mình đã làm những đầu việc gì? Việc nào là hướng đến mục tiêu lớn của cuộc đời mình? Việc nào là vô bổ, nên hạn chế làm trong thời gian tới?

How: Tuần rồi mình đã giải quyết công việc như thế nào? Có cách nào để mình làm việc đó tốt hơn hay hiệu quả hơn không? Có việc nào mình có thể quy trình hoá hoặc giao việc cho ai khác hay không?

Where – When: Tuần vừa rồi mình đã đến những đâu, chỗ nào là chỗ mình làm việc năng suất và hiệu quả, đem lại năng lượng tích cực cho mình? Khoảng thời gian nào trong ngày mình cảm thấy bản thân làm việc năng suất nhất?

Khi trả lời chi tiết những câu hỏi trên, mình sau đó dựa vào kết quả để chọn lọc, cái nào tốt thì duy trì cho tuần tiếp theo, cái nào không tốt thì hạn chế giảm bớt. Mình không kì vọng trong một tuần mình làm được 100% những điều tốt. Việc đơn giản mình làm là cố gắng sửa những thói xấu mỗi ngày.

2/ Review về 10 khía cạnh trong cuộc sống trong tuần

Có 10 khía cạnh trong cuộc sống, mình sẽ chấm theo thang điểm 1 (rất không tốt) đến 10 (rất tốt) về chất lượng từng khía cạnh trong tuần vừa qua của mình. 10 khía cạnh đó bao gồm:

  • Sự nghiệp: công việc tại công ty, công việc làm thêm.
  • Phát triển bản thân: học gì, đọc gì, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng gì mới?
  • Tài chính: tiền mình kiếm được, tiền mình đã tiêu trong tuần.
  • Tình yêu: mối quan hệ của mình với vợ (nếu là bạn thì là với người yêu).
  • Gia đình: mối quan hệ của mình với những người trong gia đình.
  • Thú vui: mình đã làm gì chỉ đơn thuần để giải trí mua vui cho bản thân?
  • Cho đi: mình đã làm gì để đóng góp cho xã hội này?
  • Sức khoẻ thể chất: chất lượng việc ăn, ngủ, tập của mình.
  • Sức khoẻ tinh thần: mình đã làm gì để chăm sóc cho tinh thần và cảm xúc?
  • Tâm linh: mình đã làm gì để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình.

Để đánh giá điểm này, mình dùng bút màu và giấy để vẽ vời như một hình thức giải trí luôn. Sau khi chấm điểm xong, bạn có thể thử suy nghĩ xem trong tuần tới mình muốn tăng điểm mục nào, mình cần làm cái gì để tăng điểm mục đó lên cao hơn.

3/ Đặt mục tiêu hoàn thành 3 điều quan trọng và làm 1 điều mới cho tuần tới

Mình làm rất nhiều việc nên có nhiều mục tiêu cần phải hoàn thành. Nếu cuối tuần nhìn lại xem mình đã hoàn thành hết danh sách 50-100 điều đó chưa và thấy chưa xong, chắc hẳn mình sẽ thất vọng lắm.

Vì vậy, mình đơn giản hoá việc đặt mục tiêu cho bản thân bằng việc chọn ra 3 mục tiêu lớn và quan trọng nhất mình muốn hoàn thành trong tuần tới. Nếu tất cả những việc khác không làm xong, chỉ có 3 việc làm xong thì đó là 3 việc gì? Mình sẽ ghi 3 việc này ra note điện thoại để ngày nào cũng nhìn thấy.

Mình cũng không muốn cuộc sống nhàm chán tuần nào cũng như tuần nào, vì vậy mình sẽ nghĩ xem tuần tới mình có thể làm một điều gì mới mà mình chưa làm để thay đổi hay không? Thử chơi một môn thể thao mới, đọc một cuốn sách thuộc nhóm sách mình chưa đọc bao giờ, hoặc thử gặp một người bạn mới – tất cả những điều này làm cho cuộc sống của mình trở nên thú vị hơn.

Cuối tuần là thời gian tuyệt vời để mình chậm lại, sắp xếp mọi thứ và lên kế hoạch tốt hơn cho bản thân. Chúc bạn cũng như vậy nhé.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: