Chào các bạn,
Tiếp tục chuỗi mỗi ngày một bài viết về hướng nghiệp trong tháng 11 – hôm nay mình muốn chia sẻ về vấn đề “thương hiệu cá nhân”, cụ thể là về việc “tự tin nói về những điều mình đã làm được”. Trong hành trình đi làm ở nhiều lĩnh vực từ tâm lý, giáo dục, bất động sản, nhân sự, mình có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiểu người khác nhau làm những vai trò công việc khác nhau. Điều thú vị là trong khi có những người chỉ làm 1 mà nói lại 10, lại có những người làm được rất nhiều nhưng ít khi nói về những điều mà họ đã làm được.
Khi mình hỏi những người này về việc “tại sao bạn không khoe và cho người khác biết những gì bạn đã làm được”, câu trả lời mình nhận được thường là “tôi cảm thấy những việc này cũng bình thường”, “tôi thấy xấu hổ”, “tôi không thích nổi tiếng” hoặc là “để hữu xạ tự nhiên hướng”.
Tại sao bạn lại cảm thấy xấu hổ khi chia sẻ về những điều mình đã làm được, dù bạn biết việc đó là tốt? Tại sao bạn cảm thấy xấu hổ khi nói về bản thân mình?
Khi đứng một số lớp về thương hiệu cá nhân, mình nói với các anh/chị học viên rằng, để anh/chị có thể mang đến giá trị đến nhiều người hơn, họ cần phải biết anh/chị là ai và giỏi điều gì trước tiên. Để họ biết được điều này, anh/chị phải là người tự công nhận bản thân, trước khi mong chờ người khác công nhận mình.
Xã hội Việt Nam dạy chúng ta phải “khiêm tốn”, hạn chế nói về mình, từ đó mang đến những “nỗi sợ” khi phải khoe những gì bản thân đã làm được. Ví dụ khi mình nói với một số người rằng hãy viết chia sẻ đi, mình thường nhận được câu hỏi ngược lại là “lỡ không có ai thích đọc thì sao”, “lỡ họ không đồng ý với quan điểm mình viết thì sao”, “lỡ họ bóc phốt thì sao”… Vấn đề là trong cuộc sống này không phải tất cả mọi người đều tốt, đều đồng ý với bạn, dù bạn có làm gì đi nữa, vẫn sẽ có một bộ phận những người có quan điểm trái chiều, thù địch, đối nghịch với bạn mà thôi. Vậy tại sao bạn không tập trung vào mặt tích cực?
Để mình chia sẻ một vài tình huống mà bạn có thể suy nghĩ để nói về bản thân nhiều hơn, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp mà không cảm thấy xấu hổ nhé.
Nói về bản thân khi gặp gỡ người khác
Có bao giờ bạn rơi vào tình huống ở trong một sự kiện hoặc một cuộc họp, trong khi mọi người nói rất nhiều thì bạn chỉ im lặng lắng nghe hay không? Bạn có thể cảm thấy những gì mọi người đang nói thật lớn lao, giá trị, trong khi những gì mình làm không có gì đáng để nói. Mình đề nghị rằng, trong lần tới, ở một cuộc gặp gỡ (chuyên nghiệp hoặc bạn bè vui vẻ), nếu có cơ hội để nói một chút về những việc bạn đang làm, hãy thử nói. Hãy nhắc bản thân rằng, mình không làm điều này vì bản thân mình; mình đang nói về những gì mình làm được để tạo cơ hội kết nối với những người khác – từ đó mang lại thêm giá trị cho nhiều người hơn.
Ví dụ trong một sự kiện A, một bạn doanh nhân chia sẻ với mọi người rằng “tôi có rất nhiều ý tưởng viết lách, nhưng không có thời gian để viết blog cho trang doanh nghiệp của tôi”. Nhận thấy đây là một cơ hội, trong khi trò chuyện với bạn này mình đã nói: “mình cũng là một người thích viết lách, và mình nghĩ là dịch vụ công ty mình có thể giúp bạn trong việc sản xuất nội dung cho công ty. Bạn có muốn sắp xếp một buổi hẹn mình thảo luận thêm không?”. Đó là cách mình tự tạo cơ hội cho bản thân và quảng cáo thêm về dịch vụ mà công ty mình có; viết nội dung cho doanh nghiệp.
Viết nội dung và đăng trên các trang mạng xã hội
Nếu bạn có một trang blog và có những bài viết xoay quanh dịch vụ mà bạn đang cung cấp, đừng ngần ngại chia sẻ lên mạng xã hội. Nếu bạn có những bài viết trên báo hoặc trang nào đó, hãy chia sẻ để những người khác cùng biết. Hãy chia sẻ ở tất cả những kênh có thể như Facebook, Instagram, LinkedIn, thậm chí là các nhóm Zalo tới những cá nhân mà bạn nghĩ rằng nội dung bài viết đó có ích.
Nếu bạn học được điều gì đó mới, hãy chia sẻ
Xã hội hiện nay chuộng những người có thể làm được nhiều kỹ năng khác nhau. Ví dụ, một người làm công việc viết có thể thiết kế cơ bản, hiểu cơ chế vận hành của mạng xã hội, biết chụp hình, làm web. Vì vậy, nếu bạn học được thêm một kỹ năng nào đó mới trong công việc, đừng ngần ngại cho cả thế giới biết điều đó. Đây không phải khoe mẽ, đây chỉ đơn giản là cho thế giới biết bạn có thể làm được những gì.
Tập giới thiệu bản thân trong thang máy
Có một khái niệm mà dân bán hàng thường dạy nhau đó là “elevator pitch” – thuyết trình trong thang máy. Hiểu ngắn gọn là trong 30 – 60 giây để giới thiệu về bản thân và những dịch vụ bạn có, bạn sẽ giới thiệu điều gì? Đây là việc bạn nên chuẩn bị trước ở nhà, viết ra những gì bạn định giới thiệu và học thuộc nhuần nhuyễn. Lần tới khi có cơ hội tham gia một sự kiện doanh nghiệp, một chương trình có những khách hàng tiềm năng, hoặc chỉ đơn giản là giới thiệu bản thân khi bạn đi chia sẻ ở đâu đó – bạn đã có sẵn nội dung để nói.
Nói chung là, khoe khoang về bản thân không phải là xấu. Cơ hội không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Cơ hội là do chúng ta tạo ra nhờ sự chủ động của chúng ta. Càng nhiều người biết về bạn, bạn càng có nhiều khả năng đóng góp nhiều hơn cho xã hội này. Hãy nhớ điều đó nhé.
Tuấn Anh có dịch vụ tư vấn tìm việc (tư vấn hồ sơ CV, phỏng vấn) và tư vấn hướng nghiệp giúp bạn tìm kiếm được công việc phù hợp, bạn có thể đăng ký tại đây.