Từ khi bắt đầu đi làm năm 2015 đến bây giờ, ngoại trừ công việc thực tập đầu tiên mình có được do nộp CV, tất cả các công việc từ đó về sau đều đến từ các mối quan hệ. Nhiều người xung quanh mình cũng tìm được những công việc ưng ý thông qua các mối quan hệ, chứ không phải đến từ việc nộp đơn. Hiểu một cách đơn giản rằng để có được những cơ hội nghề nghiệp tốt và có những thăng tiến trong công việc, xây dựng networking (mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp) là một việc rất quan trọng mà chúng ta cần phải làm.

“Quan hệ” ở đây không phải kiểu quan hệ tiền bạc, đút lót – quan hệ chuyên nghiệp ở đây là những mối quan hệ bạn có cá nhân, hoặc trong trường học, doanh nghiệp, trong gia đình có thể hỗ trợ bạn trong quá trình tìm việc, làm việc và họp tập. Có mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp tốt, bạn có nhiều khả năng biết trước những cơ hội việc làm trước khi nó đăng tuyển lên trên mạng.

Để mình dẫn chứng một vài số liệu:

  • 80% người được khảo sát trên LinkedIn nói rằng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp quan trọng trong việc phát triển nghề nghiệp. [Link]
  • 35% nói rằng những cuộc trò chuyện trên LinkedIn giúp họ có được cơ hội việc làm tốt.

Chúng ta có thể xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp với ai:

  • Những người đồng nghiệp cũ, sếp cũ hoặc hiện tại.
  • Khách hàng cũ hoặc hiện tại.
  • Cựu sinh viên tại trường đại học đã học.
  • Những mối quan hệ trong cuộc sống.
  • Giáo viên, giảng viên.
  • Bất kỳ ai bạn gặp và có những cuộc trò chuyện có ích về nghề nghiệp.

Một số tips xây dựng quan hệ chuyên nghiệp cho bạn, đặc biệt là dành cho những bạn hướng nội giống như mình.

  1. Không chỉ xây dựng mối quan hệ với người trong ngành. Vì thực ra những người ngoài ngành bạn đang làm việc vẫn có thể giới thiệu cho bạn những cơ hội tốt. Ví dụ mình làm trong lĩnh vực viết lách nhưng có mối quan hệ với một số anh chị làm tài chính, kế toán. Khi công ty kế toán của anh chị cần tìm người viết, họ đã giới thiệu công việc đó cho mình.
  2. Xem việc xây dựng và quản lý các mối quan hệ như làm chăm sóc khách hàng tại công ty. Việc này nghe có vẻ hơi máy móc nhưng là việc bạn cần phải làm, dù bạn từng có kinh nghiệm làm chăm sóc khách hàng hay chưa thì cũng nên học tư duy chăm sóc khách hàng. Cụ thể ở đây, bạn cần có một danh sách cụ thể những người trong nhóm mối quan hệ chuyên nghiệp của bạn – ví dụ là một bảng Excel. Ở trong đó bạn cần thông tin cá nhân của họ, ghi lại những lần bạn gặp gỡ người ta, nói chuyện chủ đề gì. Thế mạnh của họ là gì, có thể giúp bạn phần nào trong công việc (ví dụ giới thiệu công việc, sửa CV, chia sẻ kinh nghiệm…). Nên đặt ra định kỳ thời gian hỏi han, ví dụ 3-6 tháng email chào hỏi một lần, chứ đừng để đến lúc cần nhờ mới liên hệ sẽ không hay.
  3. Bạn làm được gì cho mối quan hệ này? Vì networking là câu chuyện 2 chiều, nãy giờ mình chỉ nói về việc người khác có thể làm được gì cho mình, bạn cũng cần phải nghĩ thêm về việc mình có thể mang lại được gì cho mối quan hệ của bạn? Nếu bạn còn trẻ hay không giỏi bằng người ta, đừng vội nghĩ rằng mình không làm được gì hay ho. Ví dụ, Tuấn Anh có thể giúp một bạn sinh viên trong vấn đề nghề nghiệp, bạn có thế mạnh về làm Tiktok, có thời gian có thể giúp lại Tuấn Anh một số dự án trong công việc.
  4. Xây dựng mạng lưới quan hệ Online cũng được. Nếu bạn là người hướng nội giống mình, ngại đi quá nhiều sự kiện thì hãy tận dụng các trang như LinkedIn, Facebook trước. Bạn có thể tham gia vào các group nhóm liên quan đến ngành, hoặc dùng tính năng tìm kiếm để tìm ra các anh/chị làm tại công ty bạn thích hoặc cựu sinh viên trường của bạn. Sau đó kết bạn, chào hỏi và trò chuyện online.

Một vài ví dụ về việc có được cơ hội việc làm từ mạng lưới quan hệ của mình và của những người mình được tư vấn:

  • Bạn H là sinh viên mới tốt nghiệp ngành Truyền thông và đang tìm việc. Bạn cầm CV đến ngày hội việc làm của trường, mỗi booth bạn đi qua đều dành chút thời gian nói chuyện với anh/chị trông booth của công ty, sau đó gửi CV nhờ giới thiệu công việc truyền thông nếu có. Cuối cùng, bạn nhận được lời mời phỏng vấn từ một tập đoàn lớn cho vị trí PR của một nhân viên mới nghỉ. Họ chưa định đăng tuyển nhưng nhân tiện thấy CV của bạn phù hợp thì gọi phỏng vấn luôn.
  • Bạn L. là một du học sinh chuẩn bị về nước và rất thích làm việc tại công ty X của một ca sĩ nổi tiếng tuy nhiên không thấy công ty đăng tuyển. Mình nói bạn dùng LinkedIn tìm ra thông tin của giám đốc nhân sự của công ty, bạn chủ động nhắn tin giới thiệu bản thân + gửi kèm CV và nói về mong muốn làm việc tại công ty. Công ty đã phản hồi lại bạn, hiện tại họ chưa tuyển vị trí Marketing tuy nhiên họ biết một công ty khác (cũng của ca sĩ này) sắp mở và cần vị trí này, vì vậy họ mời bạn đi phỏng vấn.
  • Một tập đoàn kiểm toán lớn và một tập đoàn bán thuốc lớn cần tìm người viết Content. Chị mentor của mình chơi thân với giám đốc 2 công ty này và biết mình giỏi viết lách, đã giới thiệu cho mình ứng tuyển. Mình được gọi phỏng vấn, được nhận và làm việc freelance 2 công việc này.

Cách để một người Introvert xây dựng mối quan hệ trong một sự kiện online:

  • Xác định mục tiêu rõ ràng trước khi tham gia sự kiện. Trong sự kiện này bạn muốn biết điều gì mới? Có gì hay ho bạn muốn chia sẻ trong sự kiện này không? Mình muốn kết nối với những kiểu người nào trong sự kiện này? Bao nhiêu người?
  • Xác định danh sách những người muốn kết nối. Nếu bạn biết hôm đó có những diễn giả nào hoặc những công ty hoặc những cá nhân nào tham dự, trước sự kiện bạn có thể xác định trước ai là những người bạn muốn kết nối.
  • Nhờ giới thiệu. Nếu bạn có một người bạn biết trước người bạn định kết nối, hãy nhờ người ta giới thiệu.
  • Nghiên cứu một chút về người định kết nối. Nếu đã xác định được người ở trên, mình dành chút thời gian dùng Google, Facebook và LinkedIn để ‘stalk’ thông tin của người ta, xem có điểm gì chung hoặc chủ đề gì đó dễ nói chuyện hay không.
  • Xác định trước một vài chủ đề sẽ nói chuyện. Có thể xoay quanh nội dung của sự kiện hộm đấy, hoặc một vài câu hỏi bạn muốn hỏi người ta, hoặc là những thứ bạn có thể hỗ trợ người ta.
  • Đặt lịch gặp gỡ online. Nếu sau sự kiện mình có được email hoặc thông tin liên hệ của họ, mình sẽ email để liên hệ gặp gỡ nhanh (có thể là online) trong 15-30 phút để kết nối thêm.

Xây dựng mạng lưới quan hệ có thể là một việc bạn ‘ngại’ làm, nhưng hãy hiểu rằng đó là việc rất quan trọng bạn cần làm để tăng cơ hội tìm được những công việc ổn áp hoặc thăng tiến trong công việc nhé.

___

Nếu bạn đang có những băn khoăn nghề nghiệp và cần tư vấn thêm, hãy đăng ký cùng Tuấn Anh tại đây.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: