“Định hướng nghề nghiệp” là một loại công việc mà người làm nghề này hỗ trợ người khác khám phá bản thân, tìm được công việc phù hợp và hạnh phúc trong công việc đó. Có nhiều cách để định hướng nghề nghiệp cho người khác như: giảng dạy, viết lách (hoặc làm các nội dung) và tư vấn cá nhân. Hiện tại ở Việt Nam chưa có nhiều người làm toàn thời gian công việc về hướng nghiệp nói chung và tư vấn hướng nghiệp nói riêng. Cá nhân Tuấn Anh đã làm công việc định hướng nghề nghiệp được 8 năm, trải qua nhiều hình thức công việc khác nhau như thỉnh giảng tại trường đại học, làm văn hoá doanh nghiệp và đào tạo kĩ năng tại công ty, viết sách, blog, làm Podcast, Tiktok về chủ đề hướng nghiệp và công việc mỗi ngày là tư vấn hướng nghiệp cá nhân. Nhân dịp có bạn nhắn tin hỏi cách làm thế nào để bắt đầu sự nghiệp ở công việc tư vấn hướng nghiệp, mình viết bài này để chia sẻ một số kinh nghiệm tới mọi người.
Làm tư vấn hướng nghiệp là làm gì?
Có nhiều tên gọi khác nhau cho công việc tư vấn hướng nghiệp trong tiếng Anh như “career coach”, “career consultant”, “career counsellor”. Để hiểu một cách đơn giản, “coach” làm nhiệm vụ khai phóng – tức là biết đặt nhiều câu hỏi để người được tư vấn trả lời, từ đó tự hiểu hơn về bản thân họ. “Counsellor” thì cần có chuyên môn về tâm lý. “Consultant” thì có thể vừa lắng nghe, vừa đưa ra một vài những giải pháp phù hợp. Bản thân Tuấn Anh tự gọi mình là “Career Consultant”.
Làm tư vấn hướng nghiệp tức là mình gặp gỡ người cần được tư vấn trực tiếp hoặc trực tuyến, 60 – 90 phút / buổi trong 1-3 buổi để giải quyết một hoặc nhiều những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của họ. Các vấn đề rất đa dạng phụ thuộc vào đối tượng bạn tư vấn là ai, bao gồm:
- Hướng dẫn chọn ngành học, trường học phù hợp sau THPT
- Khám phá điểm mạnh, điểm yếu, đam mê
- Hướng dẫn cách viết CV, chuẩn bị phỏng vấn, xây dựng thương hiệu cá nhân
- Hướng dẫn chuyển việc từ ngành A sang ngành B
- Giải quyết những vấn đề khi đi làm như: mất động lực, xung đột công sở, làm việc hiệu quả…
Làm cách nào để trở thành chuyên gia tư vấn hướng nghiệp?
Như Tuấn Anh đã chia sẻ ở đầu bài, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều người làm toàn thời gian công việc tư vấn hướng nghiệp. Số đông đang làm một công việc chính khác như nhân sự, giảng viên… và dành thời gian trống làm tư vấn hướng nghiệp. Bản thân Tuấn Anh đã làm toàn thời gian tư vấn hướng nghiệp trong nhiều năm, và dưới đây là các bước để các bạn có thể cân nhắc để trở thành một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp.
Bước 1: Kiểm tra tính cách mình có phù hợp với công việc này hay không?
Nhiều người chỉ nhìn vào bề nổi công việc của người tư vấn như “làm việc tự do”, “công việc có ý nghĩa cho xã hội” và thấy thích. Tuy nhiên giữa thích và có kiên nhẫn gắn bó với công việc này lâu dài hay không thì cần phải so sánh về tính cách của mình với tính cách đặc trưng của công việc. Là một người làm tư vấn hướng nghiệp cho người khác, Tuấn Anh thấy rằng mình cần có:
- Khả năng lắng nghe: trên 50% thời lượng buổi tư vấn là dành để lắng nghe khách hàng, vì vậy lắng nghe là một kỹ năng quan trọng. Bạn nên là người thích lắng nghe, còn nếu bạn là người thích nói liên hồi để người khác nghe thì nên cân nhắc lại, công việc giảng dạy có thể phù hợp hơn.
- Sự kiên nhẫn: cả trong việc tương tác với người khác lẫn với chính nghề nghiệp của mình. Làm tư vấn hướng nghiệp là mỗi ngày bạn tương tác với một kiểu người khác nhau, có người dễ tính, có người khó ưa, có người tiếp thu nhanh, có người tiếp thu chậm – vì vậy bạn phải thực sự kiên nhẫn.
- Ham học hỏi: để tư vấn hiệu quả, bạn cần là người chịu khó cập nhật những kiến thức mới thường xuyên, bởi thông tin ngành nghề và thị trường thay đổi mỗi ngày.
Bước 2: Kiếm một hoặc một vài tấm bằng
Ở Việt Nam hiện tại chưa có bằng cử nhân hay thạc sĩ tập trung vào mảng tư vấn hướng nghiệp. Nếu bạn có điều kiện du học bạn có thể tìm tại các đất nước như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand có các chương trình học liên quan đến mảng tư vấn hướng nghiệp.
Cá nhân Tuấn Anh thấy các bằng cử nhân và thạc sĩ ở các ngành như Kinh doanh, Truyền thông, Nhân sự cũng khá phù hợp để làm tư vấn hướng nghiệp – bởi những ngành này học kiến thức rộng, giúp bạn biết được nhiều khía cạnh khác nhau trong nền kinh tế. Ngoài ra, bằng cử nhân và thạc sĩ Tâm lý cũng phù hợp vì nó trang bị cho bạn những kiến thức hiểu tâm lý người khác và kĩ năng tư vấn tốt.
Bên cạnh những tấm bằng chính quy liệt kê ở trên, bạn có thể cân nhắc trang bị cho bản thân một số tấm bằng ngắn hạn liên quan đến hướng nghiệp thông qua việc học trực tiếp hoặc trực tuyến. Dưới đây là một số tấm bằng mà mình thấy tốt:
- Chứng chỉ chuyên viên hướng nghiệp của Hướng nghiệp Sông An. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chứng chỉ về mảng hướng nghiệp. Chất lượng chuyên môn ở đây cực tốt. Tuấn Anh đã học bằng cơ bản và nâng cao về tư vấn hướng nghiệp tại đây.
- Chứng chỉ hướng nghiệp của NCDA. NCDA là hiệp hội hướng nghiệp của Mỹ, một hiệp hội uy tín và chất lượng hàng đầu thế giới. Họ có cung cấp những chứng chỉ cơ bản và nâng cao về hướng nghiệp, có các khoá học online, bằng tiếng Anh, giá khoảng 1000 – 1500$, theo mình là khá ổn.
- Chứng chỉ coaching ICF. Ở Việt Nam mình biết đã có nhiều anh chị học bằng ICF và cũng đã có rất nhiều khoá học về ICF ở Việt Nam. Bạn có thể chọn học coach và sau đó nghiên cứu thêm về hướng nghiệp để có thể làm công việc tư vấn hướng nghiệp.
Cá nhân Tuấn Anh cho rằng nếu bạn đã xác định chuyên sâu về tư vấn hướng nghiệp, 2 chứng chỉ đầu sẽ tốt hơn vì ngoài kĩ năng tư vấn, bạn sẽ học về các kiến thức về trắc nghiệm tính cách, thị trường lao động – những thứ liên quan trực tiếp đến tư vấn hướng nghiệp.
Bước 3: Có kinh nghiệm đi làm thực tiễn
Tuấn Anh cho rằng một cá nhân nên có khoảng ít nhất 3 năm kinh nghiệm đi làm thực tiễn tại doanh nghiệp để có thể làm hướng nghiệp cho người khác tốt hơn. Lý do là vì nếu không có kinh nghiệm đi làm thực tiễn, những gì chúng ta nói ra sẽ chưa đủ nặng ký, vẫn mang màu sắc lý thuyết suông. Có những lý thuyết học một đằng như vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tế nó khác. Ví dụ khi Tuấn Anh học kiến thức hướng nghiệp ở nước ngoài thì không nói nhiều về vai trò của cha mẹ trong hướng nghiệp, nhưng tại văn hoá Việt Nam thì cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều.
Cá nhân mình bắt đầu chọn làm hướng nghiệp từ 2014. Tuy nhiên từ 2014 đến 2018 mình vẫn làm song song công việc truyền thông để kiếm tiền và hướng nghiệp. Giờ hành chính mình làm ở các công ty về truyền thông, cuối tuần và buổi tối mình học về hướng nghiệp và thực hành tư vấn. Đến 2018 khi có cơ hội về làm việc tại một công ty hướng nghiệp mình mới chuyển hẳn sang làm hướng nghiệp toàn thời gian.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường và thích hướng nghiệp, hãy tranh thủ đi làm 2-3 năm để lấy kinh nghiệm, và tranh thủ thời gian đó học thêm kiến thức hướng nghiệp. Nếu bạn là người đã đi làm và thích hướng nghiệp, hãy bắt đầu tìm khoảng thời gian trống trong tuần để thực hành tư vấn thử.
Bước 4: Phát triển kỹ năng theo khung năng lực
Mỗi nghề nghiệp đều có khung năng lực riêng để thành công trong nghề đó. Rất may là các anh chị chuyên gia đi đầu của hướng nghiệp tại Việt Nam đã dành thời gian và tâm huyết xuất bản Khung năng lực dành cho chuyên viên hướng nghiệp tại Việt Nam. Bạn hãy dành thời gian đọc kỹ khung năng lực này và xác định xem đâu là năng lực mình đã giỏi, đâu là năng lực mình chưa giỏi để dành thời gian học thêm.
Bước 5: Xác định nhóm đối tượng hướng nghiệp và chủ đề hướng nghiệp tập trung
Khi mới bắt đầu hướng nghiệp, Tuấn Anh chọn làm với nhóm sinh viên và tập trung hướng dẫn kỹ năng viết CV. Đến bây giờ sau 8 năm trong nghề với kĩ năng khá hơn, Tuấn Anh tập trung hướng nghiệp cho nhóm người đã đi làm và hướng dẫn họ tìm công việc phù hợp với bản thân.
Khi bạn muốn làm chuyên viên tư vấn hướng nghiệp, bạn cần xác định 1-2 nhóm đối tượng tập trung mà bạn muốn và cảm thấy thích hướng nghiệp cho họ nhất. Đó có thể là học sinh cấp 1, 2, 3, sinh viên đại học, người mới ra trường, người đã ra trường 3-10 năm, lãnh đạo cấp cao các công ty, phụ nữ, người khuyết tật, người đã nghỉ hưu… Tại vì mỗi nhóm đối tượng sẽ cần những kiến thức và kĩ năng khác nhau, việc xác định được nhóm đối tượng tập trung sẽ giúp bạn làm hướng nghiệp tốt và ít bị lan man hơn. Nếu bạn chưa xác định được, thời gian đầu hãy cứ thử. Tuấn Anh từng thử làm hướng nghiệp cho các nhóm khuyết tật, học sinh vùng sâu vùng xa nhưng cảm thấy không hợp vì mình không hiểu văn hoá của các bạn. Tuy nhiên nhờ những trải nghiệm đó mà bây giờ mình có thể xác định rõ đâu là đối tượng mình tập trung.
Ở phần định nghĩa mình đã đưa ra một vài vấn đề hướng nghiệp; ngoài những vấn đề trên còn nhiều vấn đề khác. Ví dụ như gap year, quay lại thị trường lao động sau khi sinh, tìm đam mê sau khi đã thành công trên thương trường – vân vân, tuỳ theo lĩnh vực bạn đang làm việc mà bạn cũng nên xác định nhóm các ngành nghề tập trung hướng nghiệp. Ví dụ có người thích hướng nghiệp cho nhóm ngành Kỹ thuật, có người thích làm với dân IT, có người thích làm với giới nghệ thuật.
Bước 6: Xây dựng mạng lưới quan hệ
Để thành công trong nghề này, bạn cần mạng lưới quan hệ.
Bạn cần xây dựng quan hệ với những người cũng đang làm hướng nghiệp hoặc các nghề gần với hướng nghiệp như nhân sự, giáo viên, chuyên viên đào tạo. Đây là những người giúp bạn có cộng đồng để học hỏi lẫn nhau cũng như giới thiệu cơ hội nghề nghiệp cho nhau.
Tuỳ theo nhóm đối tượng mục tiêu hướng nghiệp bạn xác định ở bước trên mà bạn dành thời gian mở rộng mạng lưới quan hệ với họ. Ví dụ các bạn thường thấy Tuấn Anh làm các sự kiện cho sinh viên, xuất hiện ở các trường đại học vì sinh viên là nhóm đối tượng hướng nghiệp tập trung của mình.
Các bạn đừng ngại vì mình là người hướng nội mà không xây dựng mối quan hệ được. Bạn hoàn toàn có thể xây dựng các mối quan hệ trực tuyến qua Facebook, LinkedIn. Có rất nhiều anh chị giỏi Tuấn Anh vẫn đang giữ quan hệ tốt, giới thiệu việc làm lẫn nhau mà vẫn chưa gặp mặt bao giờ.
Bước 7: Xây dựng thương hiệu cá nhân để quảng cáo về bạn
Nếu bạn đã có hòm hòm kiến thức và kĩ năng cũng như xác định được chủ đề, ngành nghề và nhóm đối tượng hướng nghiệp cụ thể, đây là lúc bạn cần xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, tối thiểu bạn nên có một website để giới thiệu về bạn và các dịch vụ bạn đang cung cấp, ví dụ như website anhtuanle.com của mình mà bạn đang đọc đây. Làm website không khó lắm đâu, nếu bạn đang cần hãy liên hệ Tuấn Anh sẽ hướng dẫn bạn.
Nếu bạn muốn nhiều người biết đến bạn hơn nữa, bạn cần chia sẻ thêm các bài viết và nội dung trên mạng xã hội. Tuỳ theo đối tượng mà bạn chọn mạng xã hội phù hợp. Ví dụ bạn muốn làm hướng nghiệp cho học sinh cấp 3, nên tập sử dụng kênh Tiktok. Bạn muốn hướng nghiệp cho nhóm người đi làm 25-30 tuổi, bạn nên viết các bài viết chia sẻ kinh nghiệm trên LinkedIn.
Tuấn Anh từng viết một số bài chia sẻ về kinh nghiệm làm thương hiệu cá nhân cho người tư vấn, bạn đọc nhé.
Bước 8: Ôn luyện và học hỏi để tiến bộ hơn
Khi bạn đã làm nghề đều đặn, mỗi tuần hoặc mỗi tháng bạn nên có những buổi gặp gỡ với người cùng làm nghề hoặc mentor để trao đổi về những điều đã làm tốt và chưa tốt trong các ca tư vấn để cải thiện. Trong một năm bạn cũng nên tham gia 1-2 khoá học để bổ sung thêm kiến thức cho bản thân.
Nghề tư vấn hướng nghiệp kiếm được bao nhiêu?
Một trong những lý do mình thấy công việc tư vấn hướng nghiệp chưa có nhiều người làm toàn thời gian là vì công việc này thu nhập còn bấp bênh. Đúng là có nhiều người quan tâm đến hướng nghiệp đấy, nhưng để họ sẵn sàng trả tiền cho tư vấn hướng nghiệp thì khá là khó.
Một ca tư vấn hướng nghiệp 60 – 90 phút có giá từ 500K – 5 triệu, tuỳ theo chuyên môn, kinh nghiệm và mức độ giá mà bạn đặt ra.
Trên đây là một vài chia sẻ nhanh về nghề hướng nghiệp. Nếu bạn đang quan tâm đến nghề này, đừng ngần ngại nhắn tin thêm cho Tuấn Anh mình trò chuyện nhé.