Càng ngày mình càng thấy nhiều bạn bè trải qua cảm giác ‘burn-out’ (kiệt sức) trong công việc. Không dưới 10 lần mình lướt Facebook trong năm qua thấy có người chia sẻ về tình trạng này. Bất kì ai cũng có thể gặp tình trạng kiệt sức trong công việc: dù là một người đang làm công việc mình không thích, hay là một người đang rất thành công, làm quản lý cấp cao ở công ty.
Ở các công ty lớn có quan tâm đến sức khoẻ tinh thần nhân viên, họ đã có riêng bộ phận hỗ trợ hoặc thuê ngoài các chuyên gia tâm lý để hỗ trợ. Các công ty vừa và nhỏ thì chưa có chú trọng vào việc này lắm, một phần vì còn nhiều thứ khác để lo hơn.
Có nhiều phương pháp và cách thức để giảm bớt tình trạng kiệt sức trong công việc, một trong những phương pháp đó là “thiết lập ranh giới” (setting boundaries). Mình viết bài viết này để hướng dẫn các bạn thiết lập ranh giới trong công việc, tự làm cho mình, hoặc chia sẻ lại với mọi người trong công ty để tất cả chúng ta có sức khoẻ tinh thần tốt hơn, từ đó làm việc hiệu quả hơn.
1/ Thiết lập ranh giới dựa trên thời gian của mình
Cái bẫy đầu tiên mà nhiều người mắc phải là thiết lập ranh giới dựa theo tiêu chuẩn của người khác. Ví dụ chúng ta hay nghe về việc là “không nên làm việc vào cuối tuần“, “không nên làm việc vào buổi tối“. Tuy nhiên không phải thời gian biểu của ai cũng giống nhau. Bạn có thể off sáng thứ 5 ở công ty, và dành sáng chủ nhật để làm việc bù. Có những công việc bạn dành nguyên buổi sáng để ngủ và chơi, tối mới bắt đầu làm việc.
Hãy hiểu nguyên tắc, không nên máy móc bắt chước theo lịch trình của người khác. Nguyên tắc thiết lập ranh giới cân bằng cuộc sống và công việc ở đây là trong ngày, trong tuần, trong tháng bạn có dành riêng một khoảng thời gian cho bản thân không đụng tới công việc, đó là khoảng thời gian nào?
- Nếu một ngày bỏ ra 15 phút dành riêng cho bản thân, bạn sẽ dành thời gian lúc nào?
- Nếu một tuần bỏ ra 2 tiếng dành thời gian cho bản thân, bạn sẽ đặt lịch thời gian nào?
- Nếu một tháng bỏ ra một buổi sáng/chiều để nghỉ ngơi không làm gì cả, bạn sẽ lên lịch thời gian nào trong tháng tới?
2/ Xây dựng sự uy tín cho bản thân
Nhiều bạn bây giờ thích được làm “tự do”, tức là tự quyết, thời gian, địa điểm và cách thức làm việc mà không bị phụ thuộc vào công ty. Việc này đương nhiên phụ thuộc vào chính sách làm việc của từng công ty, tuy nhiên trước tiên ở bản thân bạn cần phải tạo được sự uy tín trước.
Sự uy tín trong công việc đến từ hai việc đó là “làm như những gì mình nói” và “nói đúng những gì xảy ra”. Hai việc này tưởng chừng dễ mà lại khó.
“Làm những gì mình nói” tức là hoàn thành công việc ở chất lượng mình cam kết và thời gian mình cam kết. Để làm được việc này thì bản thân phải biết “lượng sức mình” để cam kết ở mức độ phù hợp. Tip của mình đó là hãy cam kết mức độ 8, làm được 10 – thay vì cam kết 10 nhưng chỉ làm được 8.
“Nói đúng những gì xảy ra” tức là không nói dối. Ví dụ nếu mình có việc đến công ty muộn vì lỡ ngủ dậy trễ, hoặc phải đưa con đi học, đưa vợ đi làm – hãy nói đúng như thế. Đừng bịa ra rằng hỏng xe, nhà có người thế này thế kia. Mình tin sự thành thật trong xã hội hiện nay được đánh giá cao. Nếu thành thật nói ra lỗi của mình, mình cũng ít có khả năng tái phạm lại lỗi đó lần sau. Sự thành thật cũng tạo được sự tin tưởng cao hơn ở đồng nghiệp. Ví dụ khi mình đi làm, do đặc tính công việc không ngồi ở công ty nhiều, mình thường sẽ chia sẻ Calendar cho các đồng nghiệp tương tác nhiều, để các bạn khi không thấy mình chỉ cần lên Calendar là biết mình đang làm gì, ở đâu – tiện liên lạc.
Uy tín còn có thể xây dựng thông qua việc “báo cáo công việc đầy đủ” và “xây dựng quy trình làm việc”. Với mỗi việc bạn làm, hãy ghi lại báo cáo càng chi tiết càng tốt, và xây dựng quy trình làm được việc đó mà người khác đọc vào có thể làm theo được 60-80%. Việc này có thể không được sếp yêu cầu, nhưng nếu bạn vẫn làm thì đó là một cách để lấy sự uy tín.
3/ Quản lý bản thân
Để thiết lập ranh giới cho công việc và cuộc sống cá nhân, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ mỗi ngày trong lịch trình của bạn.
Khi bạn muốn tập trung hoàn toàn cho công việc, hãy block một khoảng thời gian 1-2 tiếng, kiếm một chỗ ngồi không bị ai làm phiền, tắt notification điện thoại, mở nhạc Banroque để tăng sự tập trung.
Khi bạn muốn dành toàn tâm toàn ý cho một ai đó, hãy bỏ điện thoại sang một bên, mở chế độ máy bay càng tốt khi đang ngồi nói chuyện hoặc ăn tối với người đó.
Chúng ta dễ nhầm tưởng rằng mình “multitasking” – làm việc hiệu quả khi làm nhiều việc cùng một lúc. Tranh thủ vừa viết báo cáo vừa check email. Vừa họp vừa trả lời tin nhắn. Vừa ăn cơm vừa lướt Tiktok. Tất cả các việc trên đang làm cho độ tập trung của chúng ta bị ngắn lại, lâu dần tạo thói quen tập trung ngắn, ảnh hưởng xấu đến công việc. Nói chung hãy tập làm một việc một lần, xong việc đó chuyển qua việc khác.
Thời đại hiện nay, chúng ta không lo thiếu thông tin, bởi thông tin rất dễ tìm kiếm. Chúng ta không lo thiếu sách để đọc. Cái thiếu là độ tập trung của chúng ta khi nghiên cứu thông tin hay đọc một cuốn sách đó.
4/ Thay đổi tuỳ theo tình hình
Bạn hãy nhớ rằng là dù có thiết lập thời gian biểu như thế nào, việc có thay đổi bất ngờ và đột xuất là chuyện hoàn toàn bình thường. Đầu tuần bạn có thể lên kế hoạch cho nguyên một tuần tới, tuy nhiên trong quá trình làm việc hoàn toàn có thể phát sinh những công việc mới. Tuỳ theo mỗi giai đoạn trong cuộc đời mà bạn chọn tập trung cho những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Khi mới đi làm, bạn có thể chọn dành nhiều thời gian cho công việc để lấy kinh nghiệm. Khi đã có gia đình, bạn có thể chọn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Việc quan trọng nhất là cuối mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng bạn dành thời gian review lại các ranh giới mình đã đặt ra xem có cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp không.
Thiết lập ranh giới công việc và cuộc sống không chỉ đơn giản là việc làm việc giờ nào, nghỉ ngơi giờ nào. Thiết lập ranh giới cho bản thân đòi hỏi khả năng hiểu rõ bản thân, cam kết làm tốt công việc và có khả năng thay đổi thích nghi theo từng thời điểm. Chúc các bạn thiết lập ranh giới thành công.