Nên chọn theo ngành nghề mình thích, nhưng không có thông dụng ở thị trường lao động. Hay nên chọn theo ngành nghề mình làm được, thông dụng, nhưng lại không có nhiều hứng thú? Đây là một câu hỏi khó trong hướng nghiệp. Trong bài viết này, Tuấn Anh sẽ chia sẻ đến bạn về thuyết con nhím, một trong những lý thuyết rất quen thuộc có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề trên.

Hãy bắt đầu từ câu chuyện con nhím và con cáo. Trong chuyện ngụ ngôn Hy Lạp thời xưa, cáo và nhím thường đánh nhau mỗi ngày. Cáo dùng đủ mọi cách như trèo lên cây, chạy vòng quanh, chui vào hố, vân vân để chọc nhím, nhưng lần nào cũng thua. Nhím chỉ có đúng một cách duy nhất là xù lông lên tự bảo vệ mình. Sau này câu chuyện được đưa vào sách “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins và được chia sẻ như một mô hình để đến với thành công.

Thuyết con nhím ứng dụng trong hướng nghiệp có thể được hiểu một cách đơn giản là: Để có được công việc lý tưởng, công việc đó phải đáp ứng được 3 vòng tròn đó là (1) Đúng thứ mình thích, (2) Đúng thứ mình giỏi và (3) Đúng thứ xã hội cần. Thiếu 1 trong 3 yếu tố sẽ dẫn đến các vấn đề khác nhau. Ví dụ làm thứ mình giỏi và đúng xã hội cần, nhưng không thích thì sẽ dẫn đến nhàm chán. Làm thứ mình thích và xã hội cần, nhưng mình không giỏi, thì mình không tạo ra thành tựu gì. Làm thứ mình vừa giỏi vừa thích, nhưng xã hội không cần, thì không có tiền.

Vậy làm sao để tìm được điểm giao thoa màu vàng kia, đây là các bước các bạn cần thực hiện.

Bước 1: Xác định 10 điều mình thích

Bạn hãy lấy giấy bút ra, hoặc note trong điện thoại cũng được – thử viết nhanh ra 10 điều mình thích. Đó có thể là bất kì điều gì trong công việc, cuộc sống cá nhân, những điều bạn thường làm vào lúc rảnh, những điều bạn làm và cảm thấy vui vẻ. Hãy ghi ra ít nhất 10 sở thích của mình.

Danh sách này không nên khó viết, vì chúng ta ai cũng có sở thích cả. Ví dụ 10 sở thích của Tuấn Anh là: viết blog, đọc sách, ngồi thiền, chạy bộ, chơi PS5, chơi board game, đá bóng, xem phim, hát, dọn nhà.

Bước 2: Nghĩ đến tên một nghề và tên một người đang làm việc liên quan đến sở thích của mình

Sau khi bạn đã có trong tay danh sách 10 sở thích ở trên, bạn thử chọn ra 3-5 sở thích bất kì và suy nghĩ về một nghề và một tên người nào đó đang làm nghề liên quan đến sở thích đó. Người này có thể ở Việt Nam hoặc quốc tế.

Ví dụ Tuấn Anh thích đọc sách, mình biết đến booktuber Vui Lên trên YouTube chuyên review sách. Hoặc mình thích đá FIFA, mình biết đến Đội tuyển ProGamer đã vô địch FIFA Online 4 cấp thế giới. Vậy là những sở thích của mình ngoài kia đang có những người sống và làm việc trong nghề đó, họ kiếm ra tiền từ nghề đó. Liệu mình có làm được không nhỉ?

Còn bạn thì sao, sở thích của bạn có ai đang làm công việc liên quan không? Nếu suy nghĩ đến việc làm một công việc liên quan đến sở thích đó, bạn tự đánh giá mức độ khả thi thế nào?

Bước 3: Liệt kê ra 10 thứ mình giỏi

Sau khi đã phân tích về những thứ mình thích, bạn hãy tiếp tục liệt kê ra những thứ mình giỏi. Những thứ mình giỏi có thể là:

  • những thứ bạn làm dễ dàng mà người khác xung quanh cảm thấy khó khăn
  • những thứ bạn thường đảm nhận làm khi ở trong một nhóm
  • những thứ người khác nhận xét tốt về bạn

Việc liệt kê thứ mình giỏi có thể khó hơn so với việc liệt kê thứ mình thích, nhưng cố gắng suy nghĩ mình tin các bạn có thể làm được. Hãy thử nhìn lại các trải nghiệm trong quá khứ và hỏi mọi người xung quanh, cố gắng viết ra được các thứ mình giỏi nhé.

Ví dụ Tuấn Anh giỏi viết lách, thiết kế website, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo, xây dựng thương hiệu cá nhân, chơi FIFA, tính nhẩm,…

Cũng giống như ở trên, bạn thử suy nghĩ xem trong những thứ mình giỏi, có ai đang làm nghề liên quan không. Công việc hiện tại bạn đang làm có được sử dụng kĩ năng mình giỏi không?

Bước 4: Hiểu về thị trường lao động

Dù là thứ mình thích hay mình giỏi mà không phải thứ xã hội cần thì cũng không giúp mình kiếm ra tiền được. Để biết được thị trường lao động cần gì, bạn cần dành thời gian đọc các tài liệu báo cáo thị trường xem ngành nghề gì đang hot ở hiện tại và có tiềm năng hot ở tương lai. Bây giờ có công cụ ChatGPT rất tiện, bạn có thể hỏi luôn nó. Ví dụ Tuấn Anh thử hỏi công việc nào đang hot ở hiện tại và nhận được câu trả lời là:

Sau đó Tuấn Anh hỏi tiếp ChatGPT xem nghề nào sẽ hot vào 2030 thì nhận được câu trả lời bên dưới:

Việc tìm hiểu và khám phá xem ngành nghề nào đang hot có thể giúp bạn đón đầu tương lai, học và trang bị các kĩ năng phù hợp để có thể làm được các công việc này.

Một số lưu ý khi theo thuyết con nhím

1/ Hành trình tìm ra điểm màu vàng là hành trình cả đời, có thể thay đổi theo thời điểm. Chính vì vậy nếu công việc bạn đang làm hiện tại không phải giao thoa của cả 3 thì cũng không sao cả. Ví dụ, có những người chấp nhận làm công việc mình không thích, nhưng có tiền để trang trải gia đình. Trong khi đó có những người chấp nhận làm việc mình thích nhưng không có nhiều nhu cầu, để thoả mãn đam mê và chấp nhận ít tiền. Vấn đề ở đây là sự chấp nhận, bạn có chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của mình hay không.

2/ Điểm màu vàng có thể thay đổi theo thời gian. Vì qua nhiều trải nghiệm mình sẽ giỏi nhiều thứ hơn, thích nhiều thứ hơn, thị trường cũng thay đổi liên tục nên điểm màu vàng của mình cũng sẽ như vậy. Chính vì vậy không phải cứ bây giờ xác định được điểm màu vàng rồi thì mình sẽ theo nghề đó mãi.

3/ Nếu thị trường đang chưa cần, bạn hãy tạo ra nhu cầu. Có rất nhiều công việc không quá “hot” trên thị trường, chỉ có số ít người biết thôi. Vậy mình thích và giỏi cái đó nhưng vì nó không hot nên mình bỏ cuộc? Một giải pháp là hãy tạo ra nhu cầu cho thị trường. Ví dụ khi Tuấn Anh làm công việc hướng nghiệp từ 2015 chưa nhiều người biết. Tuấn Anh vẫn kiên trì viết blog và chia sẻ rất nhiều về chủ đề này, dần dần nhiều người biết hơn và tìm đến Tuấn Anh tư vấn hơn.

Trên đây là một bài viết mô tả lại về mô hình con nhím và các bước giúp các bạn tìm ra điểm giao thoa của mình. Chúc các bạn thành công.

2 bình luận cho “Chọn ngành nghề mình thích hay giỏi?”

  1. em vừa thích thiết kế thời trang nhưng vẽ kh đẹp, lại vừa thích kinh doanh về thời trang nhưng lại không chắc sau này về ngành này lắm. Vậy em nên làm như thế nào ạ?

    Thích

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: