Trong quá trình đi làm hoặc tìm việc có một số thời điểm mình cảm thấy bất ổn về tâm lý. Đặc điểm dễ nhận biết của sự bất ổn này là tâm trạng lo lắng, chán nản trong công việc, không có động lực làm việc hoặc lo sợ, tự ti trong quá trình tìm việc. Để giải quyết vấn đề trên, mình áp dụng một số ‘mẹo’ tâm lý học được, cụ thể như bên dưới.
1/ Tưởng tượng tiêu cực
Tưởng tượng tiêu cực là suy nghĩ về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra trong một vấn đề cụ thể mình đang gặp. Ví dụ mình đi làm và đang muốn nghỉ việc, trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là gì? Có thể mình sẽ hết tiền trả tiền nhà, tiền ăn. Hoặc là mình nộp đơn vào đâu cũng không nhận.
Tưởng tượng tiêu cực là phương pháp mình thực hành vì 3 lý do như sau:
- Cho bản thân sự chuẩn bị. Vì không muốn những điều trên xảy ra, mình sẽ cần chuẩn bị cho bản thân để tránh rơi vào trường hợp đó. Ví dụ ngay từ bây giờ mình cần có một khoản tiền tiết kiệm. Mình cũng cần đầu tư viết CV hay, học thêm các khoá học ngắn hạn để nâng cao năng lực bản thân giúp ứng tuyển được nhiều vị trí khác nhau.
- Chẳng may sự việc có xảy ra thật thì không bị quá sốc. Có nhiều việc xảy ra bất ngờ làm cho mình sốc vì mình không tin nó có thể xảy ra. Việc tưởng tượng tiêu cực đến cùng giúp cho bản thân bớt bị bỡ ngỡ nếu chẳng may việc đó xảy ra thật. Đương nhiên là khi việc xấu xảy ra thì mình vẫn đau đớn đấy, nhưng mình có nhiều khả năng đứng lên làm lại được.
- Trân trọng hơn những gì mình đang có. Khi tưởng tượng tiêu cực đủ sâu, mình sẽ nhìn lại những gì mình đang có ở thời điểm hiện tại với sự biết ơn sâu sắc hơn. Ví dụ với hoàn cảnh đói bụng không có đồng nào và làm công việc hiện tại tuy hơi mệt một chút, lựa chọn nào thực sự tốt hơn?
Để thực hành tưởng tượng tiêu cực, mình có thể suy nghĩ trong lúc ngồi tĩnh tâm hoặc viết ra những tưởng tượng.
2/ Ba sự kiểm soát
“Mẹo” tâm lý thứ hai liên quan đến định hướng nghề nghiệp mà mình thường áp dụng đó là phân chia ba sự kiểm soát. Mỗi ngày có rất nhiều việc xảy đến với mình, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, cảm xúc và việc ra quyết định của mình. Mình cần phân biệt xem các việc đó nằm trong sự kiểm soát nào.
- Không kiểm soát hoàn toàn. Là những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, ví dụ như kinh tế suy thoái, công ty cắt giảm lao động đột ngột, những suy nghĩ (xấu hoặc tốt) của những người xung quanh về mình. Nếu việc mình đang để tâm nằm trong vùng không kiểm soát hoàn toàn này, mình sẽ gạt nó qua một bên và không để tâm nhiều nữa. Ví dụ hiện nay báo chí nói rất nhiều về khủng hoảng kinh tế, nếu mình cứ đọc và cảm thấy nặng nề, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm trạng và năng suất làm việc thì không nên.
- Kiểm soát một phần. Là những việc mình có thể kiểm soát được phần nào từ phía mình, nhưng kết quả chưa chắc đã do mình quyết định. Ví dụ khi đi phỏng vấn mình kiểm soát được việc tìm hiểu về công ty và chuẩn bị cách trả lời phỏng vấn, nhưng việc kết quả phỏng vấn có đạt 100% như ý muốn hay không thì ngoài tầm kiểm soát. Tương tự vậy với việc nộp CV, mình có thể đầu tư viết CV thật tốt tuy nhiên việc nhà tuyển dụng có chọn mình hay không là ngoài tầm kiểm soát. Với những việc nằm trong nhóm kiểm soát một phần này, mình hiểu để làm tốt phần việc của mình, không bị kì vọng vào phần mình không kiểm soát được, từ đó ít thất vọng hơn.
- Kiểm soát hoàn toàn. Là những gì thuộc về bên trong mình. Kĩ năng mình có, giá trị sống mình theo đuổi là những gì mình có thể kiểm soát được hoàn toàn. Mình chọn học kĩ năng nào, học đến mức độ thành thục ra sao, mình chọn theo đuổi tiền bạc hay sự giải thoát, tất cả là do mình quyết định hết.
Sử dụng mẹo này trong hướng nghiệp để mình cân nhắc các sự việc xảy ra khác nhau trong ngày, từ đó quyết định xem việc nào nên đầu tư để tâm, việc nào thì không.
3/ Hiện tại – quá khứ – tương lai
Mẹo tâm lý cuối cùng trong hướng nghiệp có lẽ quen thuộc với nhiều bạn vì đây là mẹo đang được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trên mạng vào thời gian này, đó là: chú tâm vào hiện tại.
Tất cả những chuyện trong quá khứ là chuyện đã qua và không thể thay đổi. Dù mình làm dở, làm tệ việc gì thì nó cũng đã qua. Hình ảnh kém cỏi của bản thân đó cũng đã là hình ảnh trong quá khứ. Vì đã qua mình không nên tốn công tiếc nuối, lo lắng, tìm cách thay đổi làm gì. Thay vào đó mình nên tập trung vào ngày thời khắc hiện tại này có thể làm gì tốt hơn cho việc ngay trước mắt.
Ví dụ ứng dụng cho chuyện này là những trải nghiệm trong công việc cũ khi bạn đi làm hoặc trải nghiệm đi phỏng vấn thất bại nhiều lần. Có nhiều bạn tìm đến tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh trong tâm lý tiêu cực, nghĩ bản thân mình kém cỏi vì không làm việc tốt trong công việc trước đây. Hoặc là thấy bản thân bất tài vì phỏng vấn cả chục chỗ rồi vẫn chưa thành công.
Nếu nhìn theo góc độ quá khứ là chuyện đã quá, mình sẽ không để những trải nghiệm quá khứ định hình con người mình hiện tại. Đúng là quá khứ mình đã làm việc kém, bị sếp chửi đồng nghiệp xa lánh, không có nghĩa là hiện tại mình là con người y chang như vậy. Hiện tại mình có thể là một phiên bản khác, làm việc tốt hơn, hoà hợp với mọi người hơn, mình phải tin như vậy trước.
Còn tương lai thì sao, tương lai chỉ là những tưởng tượng, dự đoán trong đầu mỗi người chứ không có thật? Tuỳ theo trải nghiệm quá khứ của mỗi người mà tưởng tượng về tương lai khác nhau. Ví dụ đứng trước ngã rẻ của quyết định nghỉ việc: một người có thể tương lai ngập tràn điều tích cực như được làm việc mình thích, có thời gian chăm sóc bản thân, người khác lại lo lắng tương lai không tìm được việc tốt, hết tiền. Không có ai đúng ai sai cả, chỉ là góc nhìn khác nhau thôi. Và cuối cùng thì vẫn là góc nhìn, không phải thực tế vấn đề. Thực tế nhất chỉ là những gì đang hiện diện ngay lúc này cùng với mình. Bớt những suy nghĩ cho tương lai và kéo mình trở về hiện tại giúp mình bớt đi những kì vọng và lo lắng thừa thãi.
Trên đây là ba thực hành ‘mẹo’ tâm lý mình thường áp dụng vào công việc, chia sẻ lại hi vọng các bạn áp dụng thành công.