Thay vì viết phần Mục tiêu nghề nghiệp nghe một cách rất sáo rỗng, bạn có thể thay cho phần đó bằng một phần khác là Career Summary hay Profile chẳng hạn.
Tuy nhiên kể cả Objective hãy Career Summary cũng không phải là những thông tin bắt buộc phải có trong CV. Với những ai chưa biết, một đoạn Career Summary trong CV là một đoạn ngắn khoảng 3-4 dòng ở ngay đầu CV, dưới phần thông tin cá nhân, giúp tóm tắt lại thật nhanh kĩ năng và kinh nghiệm mà bạn có, giúp cho nhà tuyển dụng scan CV của bạn nhanh hơn: Đây là một ví dụ:
Summary
- Expert communicator with 10+ years of experience dedicated to community development and advocacy within the field of education
- Strong public speaking, teaching, and facilitating skills for diverse student, professional, and general audiences
- Extensive involvement in all levels of relationship building, marketing, and program development
- Proven ability to manage multiple projects while meeting challenging deadlines
Tuy nhiên, chúng ta có thật sự phải có phần này ở trong CV không? Câu trả lời là: Tuỳ. Phần Career Summary phù hợp với bạn nào có chút ít kinh nghiệm khi đi làm rồi, và các kinh nghiệm này tập trung ở một lĩnh vực nào đó. Hoặc nếu bạn có những kĩ năng nổi bật ở một lĩnh vực nào đó, bạn cũng có thể viết vào phần Career Summary.
Nếu bạn quyết định viết phần Career Summary và trong CV, hãy dành thời gian đầu tư cho nó. Đây là phần đầu của CV, là nơi đầu tiên nhà tuyển dụng sẽ đọc, vì vậy đừng có qua loa. Tuy nhiên cũng đừng viết dài quá, chỉ nên dài từ khoảng 4-6 gạch đầu dòng thôi nhé, để nhà tuyển dụng còn có thời gian đọc các phần khác trong CV của bạn.
Bây giờ mình sẽ giới thiệu cho các bạn 3 bước ngắn gọn để viết một bản Career Summary tốt hơn:
Bước 1: Phải hiểu rõ bạn đang ứng tuyển cho vị trí nào
Vì Career Summary không thể viết dài được, nên chúng ta phải xúc tích và có trọng tâm, để nhà tuyển dụng đọc phát là phải thấy “à, bạn này có kĩ năng và kinh nghiệm liên quan phết”. Trước khi bắt tay vào viết, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi như thế này:
- Kĩ năng nào bạn thích được sử dụng nhất trong công việc?
- Thành tích nào trong công việc khiến bạn tự hào nhất?
- Bạn có đam mê nhất với chủ đề gì?
Bước 2: Phân tích xem bạn đang hướng đến ngành nghề nào
Khi bạn đã biết rõ mình muốn làm gì rồi, thì bước tiếp theo cần phân tích xem là bản thân mình muốn hoạt động ở đâu – trong lĩnh vực nào, ở đâu, công ty nào. Sau đó, hãy tìm hiểu về lĩnh vực đó và các tin tức xã hội xoay quanh nó: Ví dụ đọc tin tức thị trường trên các trang báo mạng, vào website công ty nghiên cứu và phân tích xem Job Description mà công việc công ty đó đòi hỏi gì.
Hãy tự hỏi bản thân những câu sau:
- Vị trí bạn đang tìm kiếm đòi hỏi tính cách, kĩ năng, kinh nghiệm như thế nào?
- Nếu bạn là một nhà tuyển dụng ở công ty đó, bạn sẽ muốn có một ứng viên như thế nào?
Bước 3: Tìm điểm chung của bạn và công ty
Với những kiến thức mà bạn đã tìm được về công ty và lĩnh vực bạn muốn hoạt động, bây giờ bạn nên ngâm cứu xem bản thân mình và lĩnh vực đó có liên quan gì đến nhau không. Hãy nghĩ và sau đó viết ra 3 đặc điểm nổi bật nhất của bạn, khiến bạn khác biệt hoàn toàn với các ứng viên khác.
Một bản tóm tắt sự nghiệp trong CV có thể là một công cụ rất tốt giúp CV của bạn được nhà tuyển dụng scan nhanh hơn giữa một núi CV. Quan trọng nhất là bạn phải biết viết những thông tin sao cho phù hợp, cụ thể, không chung chung, không sáo rỗng để giúp nhà tuyển dụng không chỉ hiểu rõ về kĩ năng của bạn, mà còn biết được cả mục tiêu nghề nghiệp của bạn nào nhé. Ngoài ra, phần Summary này bạn có thể dùng để tự giới thiệu bản thân khi đi networking hoặc là phỏng vấn nữa đó.