Sau 3-4 năm học tại trường, mục tiêu tiếp theo của sinh viên năm cuối sắp ra trường là tìm được một công việc ưng ý. Không có định nghĩa công việc như thế nào là chuẩn nhất, chỉ có công việc phù hợp với tính cách và định hướng của mỗi người. Mỗi người có thể gặp những khó khăn khác nhau trong hành trình tìm việc khi mới ra trường. Một bạn sinh viên học tập kết quả tốt và có nhiều kinh nghiệm làm việc có thể lo lắng rằng những công việc ‘ngon’ sẽ có những bạn khác giỏi hơn mình. Những bạn chưa đi làm nhiều thì có thể lo lắng không biết lấy gì để thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn mình.

Trong hơn 8 năm làm tư vấn hướng nghiệp đã qua, Tuấn Anh có cơ hội được tư vấn và giảng dạy kĩ năng tìm việc cho nhiều thế hệ sinh viên khác nhau, từ các bạn sinh viên quốc tế cho đến trường công, từ các bạn học kinh tế cho đến khối kĩ thuật. Trong bài viết này Tuấn Anh sẽ chia sẻ lại một số kinh nghiệm có thể giúp các bạn sinh viên năm cuối và sắp ra trường tìm kiếm công việc tốt hơn nhé. Mình tin rằng nếu bạn thực hiện đúng và đủ các bước dưới đây, cơ hội tìm được việc làm tốt của bạn sẽ tăng lên nhiều lần.

1/ Tuốt tát lại LinkedIn

So với nhiều năm trước thì bây giờ mình thấy đã có nhiều bạn sử dụng LinkedIn hơn. LinkedIn là một trang mạng xã hội tốt để tìm việc và xây dựng mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp. Tuy nhiên để làm được hai việc trên thì bạn cần phải thực hiện một số điều dưới đây:

  • Cập nhật đầy đủ thông tin: có nhiều bạn có tài khoản LinkedIn nhưng mở ra lại trắng trơn không có gì. Bạn nên cập nhật đầy đủ các phần hình ảnh, giới thiệu, kinh nghiệm, học vấn, kĩ năng. Bạn có thể xem LinkedIn của Tuấn Anh tại đây làm ví dụ và tham khảo hai bài viết hướng dẫn 20 nội dung sửa trên LinkedIn tại đây.
  • Kết nối với những người làm headhunter, nhà tuyển dụng, người làm trong công ty bạn thích, cựu sinh viên. Nói chung là cố gắng làm sao có ít nhất 100 ‘connections’ trên LinkedIn mà 500 thì càng tốt. Những người này là những người có thể giới thiệu việc làm cho mình sau này.
  • Xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua việc sáng tạo nội dung trên LinkedIn. Vì LinkedIn cũng là một trang mạng xã hội nên bạn càng chăm chỉ sáng tạo nội dung trên đó thì profile của bạn càng sáng hơn và được đẩy lên top nhiều hơn để người khác để ý tới.

2/ Cập nhật lại CV

Gần như bạn sinh viên nào Tuấn Anh gặp bây giờ cũng đều đã có một bản CV. Tuy nhiên bản CV có tốt hay chưa thì lại là câu chuyện khác. Dưới đây là một số cách để bạn làm bản CV của mình tốt hơn.

Hiện nay các bạn có thể dễ dàng tìm được trên mạng vô vàn những bài viết hướng dẫn cách viết CV. Mình chỉ lưu ý rằng không có công thức nào tạo ra một bản CV chuẩn 100% nộp đâu trúng đó, chỉ có một bản CV ít các lỗi sai vặt và phù hợp với công việc đang nộp mà thôi. Có những bản CV thành tích rất nhiều nhưng chưa chắc đã phù hợp với công việc ứng tuyển.

3/ Ứng tuyển trên các trang tìm việc

Có rất nhiều các trang tìm việc phổ biến mà mình không thể liệt kê hết như TopCV, Vietnamwork, Indeed, Glints, Vieclam24h… Một số tips giúp các bạn tận dụng tốt hơn các trang tìm việc đang sẵn có đó là:

  • Luôn cập nhật bản CV mới nhất của mình trên các trang đó, vì ngoài việc các bạn đi tìm việc thì có rất nhiều nhà tuyển dụng cũng đang tìm ứng viên trên đó. Việc cập nhật bản CV mới nhất giúp bạn có khả năng được nhà tuyển dụng để mắt đến.
  • Khi gửi CV cho nhà tuyển dụng, hãy bớt chút thời gian viết thêm một Cover Letter dành riêng cho công ty đó, việc này thể hiện thành ý và giúp cho hồ sơ của bạn nổi bật hơn so với các ứng viên ‘rải’ CV.

4/ Mở rộng mạng lưới quan hệ

Việc tìm việc thông qua các mối quan hệ có thể có hiệu quả hơn là việc đi rải đơn trên các trang tuyển dụng. Lý do là nếu mình được ai đó giới thiệu trực tiếp, độ uy tín của mình trong mắt nhà tuyển dụng cũng đã tăng cao hơn, dễ dàng hơn đến với vòng phỏng vấn. Một số tips để các bạn mở rộng mối quan hệ đó là:

  • Tham gia các chương trình hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến. Trong buổi đó hãy cố gắng có được contact (FB/LinkedIn) của các diễn giả, về nhà kết bạn và gửi email tạo dựng mối quan hệ.
  • Tham gia các chương trình mentoring đang có. Hiện nay có một số chương trình như Mentori, Menteelogy cho phép bạn kết nối với mentor là những anh chị đã đi làm nhiều năm trong ngành. Các anh chị này hoàn toàn muốn dành thời gian hỗ trợ bạn miễn phí, tại sao lại không tận dụng cơ chứ.
  • Tận dụng các nguồn lực hỗ trợ việc làm đang có trong trường. Trong một số trường đại học quốc tế (và cả trường đại học Việt Nam), bộ phận hướng nghiệp hoặc quan hệ doanh nghiệp làm rất nhiều việc để mang doanh nghiệp về với sinh viên của trường. Nếu bạn đang là sinh viên, hãy tận dụng mối này, kết nối với các anh chị trong trường và các doanh nghiệp trong các chương trình của trường. Doanh nghiệp đã chịu về trường tức là họ đã có sự ưu tiên cho sinh viên trường rồi đó.

5/ Chuẩn bị tinh thần

  • Tìm việc có thể mất thời gian, vì vậy hãy kiên nhẫn và không nản lòng. Nếu bạn mới nộp đơn 2 chỗ và trượt thì chưa to tát lắm đâu. Hãy nộp thêm khoảng 20 chỗ khác để có thể đưa ra nhận xét. Một quá trình tìm việc có thể kéo dài khoảng 3-6 tháng, vì vậy trước khi nghỉ việc
  • Sẵn sàng xem xét các cơ hội thực tập hoặc công việc tạm thời để tích luỹ kinh nghiệm. Có những thời điểm mình chưa tìm được công việc toàn thời gian ưng ý, và nếu chưa gặp áp lực về tài chính thì hãy cân nhắc một công việc thực tập hoặc tạm thời, tìm một người sếp tốt để lấy thêm kinh nghiệm và học hỏi bạn nhé.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.