Hai năm qua khi làm việc cho một công ty Tâm Lý, mình có may mắn được “học ké” một số khóa học về dạy con cũng như đọc các đầu sách về dạy con – những khóa học và sách này đã thay đổi bản thân mình rất chi là nhiều luôn. Thay đổi rõ nhất cho mình đó là, mình biết được tại sao mình lại hành xử và ra quyết định như hiện tại. Ví dụ như tại sao mình không thích tranh luận hay nêu ra ý kiến tại các cuộc họp, tại sao mình thích làm công việc giúp đỡ người khác, tại sao cảm xúc của mình luôn bình tĩnh chứ không lên cao xuống thấp như nhiều người. Tất cả đều xuất phát từ quá trình mình được nuôi nấng từ nhỏ, những người, những môi trường, những ảnh hưởng từ hồi còn nhỏ xíu của mình. Nhờ những chương trình học và đọc những cuốn sách dạy con như vậy, mình có cơ hội được xem lại chính cuộc đời mình – xem bản thân mình đã lớn lên như thế nào – xem lại quá khứ là một hành trình không dễ dàng, nhưng rất là đáng.

1/ Đứa trẻ bên trong mỗi người

“Đứa trẻ nội tâm” (Inner Child) hiện hữu trong mỗi chúng ta là phần tính cách chân thật, dễ tổn thương và theo khuynh hướng cảm xúc. Đó là đồng thời là bản năng trực giác. Đứa trẻ nội tâm là nét tinh khôi nhất phản ánh con người chúng ta từ khi mới lọt lòng. Đó là cái tôi cốt lõi, tính cách tự nhiên, là sự tổng hòa của cảm xúc, trực giác, bản năng, và tài năng thiên bẩm.  

Tuy nhiên, quá trình trưởng thành đi kèm với “những ruồng bỏ và phớt lờ” về mặt cảm xúc và thể chất đã vô tình che lấp sự hiện hữu đứa trẻ nội tâm trong mỗi chúng ta. Chúng ta tự khoác lên mình những chiếc mặt nạ để bảo vệ đứa trẻ nội tâm tổn thương của mình.  

Để hồi phục những giá trị chân thật của bản thân, chúng ta cần học cách nuôi dưỡng lại đứa trẻ bên trong mình, khởi tạo những niềm tin mới để cái tôi chân chất tiếp tục được thấu hiểu và tỏa sáng trên hành trình cuộc sống. Khi đó, chúng ta sẽ được nạp đầy năng lượng, sự sáng tạo và sống có ý nghĩa và mục đích.

2/ Quá khứ ảnh hưởng tới hiện tại như thế nào?

Khi mình đi làm, đôi khi mình nhận được chia sẻ rằng mình “hời hợt”, “không toàn tâm toàn ý”, “không sống chết” vì một dự án/công việc nào đó. Ví dụ khi mình được giao tuyển sinh cho một lớp học với KPI là 25 học viên, kết quả cuối cùng mình chỉ tuyển được 5 người không làm mình buồn lắm. Đáng ra, khi chưa đạt được kết quả như vậy, người khác có thể thức đêm thức hôm để nghĩ ra giải pháp, lo lắng mất ăn mất ngủ để tìm cách – còn mình thì không. Mình vẫn vô tư nghĩ rằng chuyện chẳng có gì. Chính vì vậy trong công việc đôi khi mình không cố gắng đủ để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cá nhân mình bây giờ nhìn lại, mới biết rằng tính cách “vô lo vô nghĩ”, “nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng” này đến từ những trải nghiệm sống xa bố mẹ từ nhỏ, và ở cùng với ông bà từ nhỏ. Túm cái quần ngắn gọn là, từ nhỏ do bố mẹ đi làm xa ở nước ngoài, phải để mình lại một mình – hồi đó mình buồn mà không biết. Để tránh đi nỗi buồn và sự cô đơn, tâm thức mình tự nghĩ ra các trò chơi để xoa dịu, tự nghĩ ra cách để làm bản thân mình bớt buồn. Ngoài ra, do từ trước đến giờ mình quen ở một mình, tự làm một mình tốt nên thiếu đi sự phối hợp với đồng đội, khi làm việc chưa nghĩ được xa hơn những hậu quả công việc có thể dẫn tới cho đồng đội. Khi nhận ra được những điều này, mình đang khắc phục dần dần, khi làm việc thì cố gắng làm cùng mọi người nhiều hơn để được thúc đít, luôn đặt chữ trách nhiệm lên hàng đầu khi nhận một công việc mới.

Khi mình đi hướng nghiệp, mình cũng nhận thấy rằng “đứa trẻ” bên trong của mỗi người ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định hiện tại của các bạn. Ví dụ, có những bạn hồi nhỏ hay bị ba mẹ so sánh với trẻ hàng xóm, nên từ nhỏ luôn phải cố gắng để trở thành người giỏi nhất. Lớn lên, dù bạn biết công việc đó không phù hợp, nhưng trong vô thức vẫn chọn, vì nó mang lại cho bạn cái danh trở thành người giỏi nhất. Chỉ khi nhìn được ra vấn đề này – bạn mới bắt đầu hành trình sống cho con người hiện tại. Hay có bạn, từ nhỏ được người lớn dạy là không nghe lời người lớn là “bất hiếu”, “không ngoan”. Chính vì vậy khi lớn lên, việc chọn một ngành/nghề bạn thích mà trái ý ba mẹ trở thành một điều gì đó vô cùng khó khăn, vì cái cảm giác “không ngoan” đó làm bạn không thích chút nào.

Những vấn đề hướng nghiệp tưởng chừng đơn giản thôi, nhưng đi sâu vào mới thấy vô cùng phức tạp. Một quyết định chỉ đúng nhất khi mỗi cá nhân hiểu được chính mình

3/ Học gì – Đọc gì?

Hai khóa học mà mình có cơ hội được học tại Tâm Lý Hồn Việt (hiện tại Tâm Lý Hồn Việt đã đóng cửa rồi, các bạn chờ thời gian tới sẽ có công ty mới tên là Việt An) đó là “Thấu hiểu con – Hình thành giá trị & kỹ năng sống” và Thấu hiểu chính mình – Đón nhận & chữa lành quá khứ. Đây là hai chương trình học đã thay đổi rất nhiều cách mình tự nhìn vào những vấn đề của bản thân, cũng như cách mình đi làm công việc hướng nghiệp cho người khác. Trước đây khi tư vấn hướng nghiệp hoặc giảng dạy một lớp hướng nghiệp, quan điểm của mình đó là cứ đưa ra giải pháp tốt, người học khi lĩnh hội được giải pháp sẽ tự khắc thay đổi. Bây giờ mình tiếp cận vấn đề với cách khác. Mỗi một cá nhân chúng ta lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau, được ba mẹ nuôi dưỡng khác nhau, môi trường xã hội xung quanh chúng ta cũng khác nhau – chính vì vậy một giải pháp có thể áp dụng tốt cho người này, nhưng không thể áp dụng được cho người kia.

Về sách dạy con, mình giới thiệu các bạn tìm hiểu bộ “Dạy con trong hoang mang” của TS. Lê Nguyên Phương và cuốn “Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc” của hai tác giả Jessica Joel Alexander & Iben Sandahl. Đây là hai cuốn sách mà mình rất tâm đắc, bởi nó đi sâu vào các kiến thức tâm lý kết hợp với các ví dụ ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Thực sự ở thời điểm này, mình không thích những cuốn sách đưa ra giải pháp phải làm cái này làm cái kia, mình thích những đầu sách bàn luận về một vấn đề sau đó đưa ra các giải pháp tham khảo thuộc nhiều trường phái khác nhau, việc chọn giải pháp nào là do người đọc chúng ta tự quyết định.

Ngoài ra, cuốn sách “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” cũng là một cuốn rất hay, các bạn nên đọc thử.

___

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này, dù cho hằng ngày có vô vàn nội dung thu hút bạn trên mạng Internet.

Tuấn Anh chia sẻ các nội dung về hướng nghiệp hàng ngày qua các kênh Blog, Podcast và YouTube – các bạn đón xem nhé.

Các bài khác của Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/articles/

Đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh: https://bit.ly/tuvan-anhtuanle

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.