Đến thời điểm này của đại dịch Covid-19, chắc hẳn bạn cũng đang phải đối diện với nhiều sự không rõ ràng như: Liệu mình có dính virus? Bao giờ thì có vắc xin? Công việc của mình có an toàn không? Bao giờ thì cuộc sống trở lại bình thường? Những câu hỏi mà không biết câu trả lời.
Con người không thích sự không rõ ràng, nên thà chọn một thứ gì đó rõ ràng mà xấu còn hơn một điều không rõ ràng mà có thể là tốt. Chẳng hạn, bạn chọn ở lại công việc hiện tại dù biết rằng môi trường làm việc ở đây rất không ổn và không hợp, chứ không chọn việc rời đi mà chưa biết tương lai công việc thế nào (có thể sẽ tốt hơn). Một nghiên cứu ở Anh chỉ ra rằng, người tham gia dễ stress hơn nếu họ biết rằng họ có 50% khả năng bị điện giật, so với những người biết 100% họ sẽ bị.
Chúng ta đánh đồng “không rõ ràng” là xấu và “rõ ràng” thì luôn tốt. Tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng, sự “không rõ ràng” tùy thuộc vào chủ đề và mức độ, lại có thể là thứ đem lại cho chúng ta niềm vui. Một ví dụ rõ nhất là xem phim kinh dị hoặc đọc những chuyện bí ẩn chưa giải đáp được – sự “không rõ ràng” từ những thứ này làm con người ta tò mò và thích thú.
Tuy vậy, sự “không rõ ràng” trong thời kỳ dịch bệnh này có vẻ là loại “không rõ ràng” xấu. Đau đớn do bệnh tật, mất việc do đại dịch, không biết bao giờ dịch mới kết thúc. Sự không rõ ràng này làm cho chúng ta có xu hướng suy nghĩ tiêu cực.
Có hai cách để giải quyết sự không chắc chắn: giảm sự rủi ro hoặc tăng khả năng chịu đựng. Hầu hết chúng ta chọn giảm sự rủi ro.
“Chủ nghĩa khắc kỷ” – một trường phái triết học đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây bởi giới trẻ – rất phù hợp để giúp chúng ta đối phó với sự bất trắc. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ đã sống trong một thời kỳ bất ổn, khi Athens rơi vào tình trạng mất nhiều quyền độc lập sau cái chết của Alexander Đại Đế. Cái cũ đã mất mà cái mới thì chưa có.
Những người theo thuyết khắc kỷ tin rằng “đa số mọi thứ trong cuộc đời nằm ngoài tầm kiểm soát của ta”. Tuy vậy, ta có thể kiểm soát được quan điểm (opinions), sự thôi thúc (impulses), mong cầu (desires) và sự thù ghét (aversions). Nói chung là trạng thái tinh thần và cảm xúc của ta. “Hãy thay đổi điều bạn có thể, chấp nhận điều bạn không thể”. Làm chủ được kỹ năng này, bạn làm chủ được cuộc đời mình.
Khi bạn đau, đó là một cảm giác, một phản xạ. Tuy nhiên bạn có thể điều khiển tâm trí để không tập trung và phóng đại cái đau, không dẫn từ cái đau sang sự hoảng loạn.
Đại dịch Covid-19 có thể thay đổi nhiều điều trong hoàn cảnh sống của chúng ta, nhưng tâm trí và cách chúng ta phản ứng vẫn là của chính chúng ta.
Thuyết khắc kỷ có một ví dụ rất hay về sức mạnh của tư duy, dù phép ẩn dụ về một hình trụ lăn xuống đồi. Lực hấp dẫn sẽ giúp cho hình trụ lăn, nhưng hình dạng của hình trụ sẽ quyết định độ nhanh và trơn tru của việc lăn. Chúng ta không thể kiểm soát đồi hay trọng lực, nhưng chúng ta có thể kiểm soát hình dạng của hình trụ, tức trạng thái tâm trí của chúng ta.
Lấy ví dụ, vì đại dịch Covid-19 mà bạn có thể bị mất việc hoặc giảm lương. Sự kiện này giống như ngọn đồi, là điều không thể thay đổi. Những gì bạn có thể thay đổi là thái độ tiếp cận của bạn. Đương nhiên chúng ta không thể bắt ép bản thân phải cảm thấy vui vẻ hạnh phúc trong hoàn cảnh này, nhưng ít nhất chúng ta có thể bớt phản kháng và khoan dung hơn với chính bản thân mình.
Sự không rõ ràng làm cho xã hội chúng ta phát triển – cứ nhìn cách khoa học đã phát minh ra rất nhiều thứ là thấy. Sự không rõ ràng làm cho chúng ta phải sáng tạo và lao vào để tìm kiếm giải pháp.
Hoa anh đào rất đẹp, nhiều người thích, chỉ nở 1-2 tuần rồi biến mất. Vẻ đẹp nằm trong sự biến mất của chính nó. Cuộc sống là phù du. Mọi thứ chúng ta biết và yêu một ngày nào đó sẽ không còn tồn tại, bao gồm cả chính chúng ta. Điều này là điều rõ ràng trong cuộc sống. Đại dịch đến khiến cho những kế hoạch của chúng ta trở nên không rõ ràng và tạm bợ. Khó có thể vui vẻ tuyệt đối trong hoàn cảnh này, tuy nhiên ít nhất chúng ta cũng có thể học cách bao dung với sự không rõ ràng, và thử nhìn nó dưới góc độ như một vẻ đẹp bí ẩn của cuộc sống.