Mình nên làm gì với cuộc đời mình? Để sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Không giống như những câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp như sở thích, kỹ năng, kiến thức, câu này không dễ để Google.
Tuy vậy, mình biết rằng có rất nhiều bạn đã, đang và sẽ băn khoăn với câu hỏi này ở một thời điểm nào đó trong đời, về lộ trình nghề nghiệp sắp tới, về đam mê của bản thân, về ý nghĩa của công việc hiện tại. Từ kinh nghiệm của bản thân và những cuộc trò chuyện với nhiều người thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp, mình viết bài này để chia sẻ tới các bạn đọc một số cách các bạn có thể làm mỗi khi rơi vào trạng thái hoang mang, lạc lối như thế này nhé.
1/ Nói chuyện với mọi người
Hãy lên lịch trò chuyện với 50 người. Bạn bè, gia đình, bạn của bạn, đồng nghiệp, một chú Grab – ai cũng được. Hãy trò chuyện và thử hỏi về cuộc sống của họ, họ làm gì mỗi ngày để kiếm sống, băn khoăn lo lắng hằng ngày của họ là gì. Đừng kỳ vọng gì từ cuộc trò chuyện đó, đừng mong người ta sẽ tìm việc cho bạn, cứ đơn giản trò chuyện và kết bạn thôi.
Đôi khi mình cũng hay lo lắng về vấn đề công việc của bản thân. Mình làm thế này đã đủ chưa, lương như vậy có ổn không, phát triển đến mức nào thì mới được. Cho đến khi mình làm chương trình Radio và được trò chuyện cùng nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mình bỗng ngộ ra rất nhiều điều. Khi so sánh vấn đề của bản thân với những vấn đề của người khác ngoài kia, tự nhiên thấy vấn đề của mình chẳng có gì quá to tát, chỉ là mình đang lo lắng thái quá thôi.
Nếu bạn chưa có cơ hội hoặc chưa đủ tự tin để nói chuyện cùng người khác, hãy thử bắt đầu đọc một số bài báo về người khác. Nếu bạn chưa biết hỏi gì khi gặp người khác, có thể tham khảo bảng câu hỏi phỏng vấn này.
2/ Bắt tay vào làm
Phải thú thật, những thứ được gọi là thành công của mình đến thời điểm này – đa phần đều bắt đầu từ việc mình nổi hứng bắt tay làm một thứ gì đó. Blog anhtuanle.com 3 triệu lượt xem hiện tại bắt đầu từ việc mình nổi hứng mở một trang blog sau khi đọc hết một cuốn sách. Nhóm Viết 100 Từ gần 150K thành viên đến từ việc mình nổi hứng mở một cộng đồng viết.
Khi bạn đang lạc lối trong đống suy nghĩ, cách tốt nhất có thể làm là hãy bắt tay làm gì đấy. Làm gì cũng được, không quan trọng đâu. Lên LinkedIn tạo một tài khoản nếu bạn chưa có. Mở một blog giống như mình nếu bạn chưa có. Lên Coursera học một khóa học nào đó mà bạn thích. Bất kỳ cái gì.
3/ Lấy cảm hứng từ người khác
Mình rất thích đọc sách tiểu sử, hơn là dòng sách self-help – vì mình thích đọc về những khó khăn đời thực của mỗi người. Mình đọc để thấy họ cũng là người, mình cũng là người – họ làm được, có cớ gì mình không làm được cơ chứ.
Bạn có thể lên ngay Tiki, vào mục sách tiểu sử, mua 3 cuốn về 3 người khác nhau và đọc trước khi đi ngủ. Khi ngủ dậy hãy viết ra 10 điều bạn muốn làm khác đi trong ngày hôm nay và thử thực hiện một vài điều trong đó. Lặp lại cho ngày tiếp theo.
Ở đây có top những cuốn sách hay về tiểu sử, bạn có thể tìm đọc. Hoặc để tiết kiệm tiền, chỉ cần đơn giản lên đọc một bài báo online.
4/ Hướng nghiệp là hành trình cả một đời
Nếu bạn kỳ vọng một ngày nào đó, trong một khoảnh khắc nào đó, ở một thời điểm nào đó – bạn bỗng nhiên nhận ra được sứ mệnh của cuộc đời mình và toàn bộ kế hoạch tương lai của bạn sẽ rõ mồn một – vậy thì bạn đang chờ một điều không có thực rồi.
Thực tế là, sẽ chẳng bao giờ có khoảnh khắc đó cả. Trong cuộc sống có vô vàn thứ sẽ tác động đến bạn mỗi ngày, nhiều thứ trong đó chúng ta không kiểm soát được. Thay vì luôn thất vọng khi không dự đoán được tương lai, hãy chuẩn bị một tâm thế luôn tò mò, vui vẻ đón chờ điều bất ngờ đến với mình xem sao.
5/ Làm những việc bản thân chưa từng làm
Có việc gì bạn luôn muốn thử mà chưa dám làm không? Đi leo núi? Đứng trước đám đông? Hát một bài? Ra khỏi vùng an toàn của bản thân cũng là một cách để bạn tôi luyện ý chí để đối mặt với những thử thách khó hơn trong cuộc sống.
Một cách tôi luyện dễ nhất bạn có thể làm ngay vào sáng mai nhé: Tắm nước lạnh.
6/ Thất bại là thất bại, không có xấu
Chúng ta nên tập thói quen không dán nhãn cho thất bại, và cả thành công. Thành công hay thất bại, hãy coi đó là một trạng thái công việc hay hoạt động của bạn. Nếu bạn cứ vui vì thành công, buồn vì thất bại và không chịu đựng được sự buồn vì thất bại đó, sẽ thật khó để bạn ngoi lên được mỗi khi vấp ngã.
Hãy cứ coi mỗi cú vấp là một bài học để mình học hỏi và lớn lên. Cuộc sống này là một chuỗi những thử nghiệm mà.
7/ Bạn không cần biết tất cả mọi thứ
Có rất nhiều thứ chúng ta không biết, và việc bạn không biết làm một điều gì đó là điều hoàn toàn bình thường.
Cũng không có ai giỏi hơn ai tất cả mọi thứ.
1 bình luận cho “7 Cách Tìm Câu Trả Lời cho câu hỏi “Mình Nên Làm Gì Với Cuộc Đời Mình?””
Reblogged this on Tran Thu.
ThíchThích