Trong quá trình tư vấn hướng nghiệp gần đây cho các bạn mới ra trường và bắt đầu tìm việc, cũng như một số bạn đã có nhiều kinh nghiệm muốn chuyển ngành, Tuấn Anh thấy nhiều bạn gặp khó khăn trong việc được các công ty gọi đi phỏng vấn sau khi nộp hồ sơ. Trong bài viết này, Tuấn Anh muốn chia sẻ đến các bạn một số góc nhìn và phương pháp giúp các bạn giảm bớt sự lo lắng này cũng như tăng cơ hội được các công ty liên hệ lại sau khi gửi hồ sơ đến các công ty đó.
1/ Vì Sao Công Ty Không Gọi Bạn Đi Phỏng Vấn?
Khi nộp hồ sơ 1-2 tuần tới 20-30 công ty khác nhau mà tỉ lệ được gọi đi phỏng vấn rất thấp, bạn có thể có xu hướng nghi ngờ về năng lực của bản thân, chắc là mình “kém” nên không công ty nào nhận mình đây mà.
Năng lực của bạn chưa đủ có thể là một lý do – trong vô vàn những lý do khác khiến bạn không được gọi đi phỏng vấn. Có rất nhiều lý do ở đây khách quan mà bạn không kiểm soát được. Tuấn Anh liệt kê ra một vài ví dụ:
- Bạn nộp đơn qua các trang tìm việc như Vietnamwork, CareerBuilder và hồ sơ bị thất lạc.
- Vị trí bạn nộp thực ra đã tuyển được người rồi nhưng họ quên chưa xóa tin tuyển dụng đã đăng.
- Nhân sự tắc trách làm rơi rớt hồ sơ của bạn hay nhân sự chưa giỏi để đọc đúng hồ sơ của bạn.
- Sếp của vị trí đó đang đi công tác, chưa có thời gian đọc hồ sơ của bạn.
- Hồ sơ bạn tốt nhưng có nhiều người khác tốt hơn.
- cùng nhiều lý do khác.
Tuấn Anh chia sẻ điều này ở đây với mục đích giúp bạn nếu đang trong trường hợp này bớt lo lắng hơn. Một mặt bạn vẫn dành thời gian để xem lại hồ sơ CV của mình (có thể liên hệ Tuấn Anh để được tư vấn CV tại đây), một mặt khác bạn mở rộng góc nhìn và hiểu thêm rằng có những yếu tố khách quan khiến bạn chưa được gọi đi phỏng vấn – như vậy không có nghĩa là bạn kém cỏi hay không đủ năng lực.
2/ Làm Sao Để Tăng Cơ Hội Được Gọi Đi Phỏng Vấn?
2.1 Xem lại hồ sơ năng lực của bạn
Điều đầu tiên chắc chắn bạn phải làm là xem lại xem hồ sơ của mình đang có vấn đề gì không? Có thể là bạn chưa ghi ra đủ những kinh nghiệm hay kỹ năng để thuyết phục nhà tuyển dụng? Có thể bạn ghi ra rất nhiều nhưng những thông tin lại chưa liên quan lắm? Có thể cách trình bày CV của bạn chưa được đẹp, vân vân. Bạn hãy tham khảo các bài viết về Cách viết CV của Tuấn Anh đã hướng dẫn để sửa lại nhé.
Có một vài ngành nghề (ví dụ như Truyền thông, Marketing, Viết, Sale..) thì CV không là chưa đủ, bạn cần có thêm Portfolio để chứng minh khả năng làm việc của bản thân, hoặc một Cover Letter để giải đáp những vấn đề khiến nhà tuyển dụng thắc mắc. Bạn lưu ý nhé.
2.2 Theo dõi tiến trình gửi hồ sơ của bạn
Hãy tư duy giống như một người Sale – một nhân viên kinh doanh. Để chăm sóc hay ‘dụ dỗ’ một khách hàng mua sản phẩm của bạn, bạn cần có một quy trình nhiều bước để theo dõi người đó. Ví dụ dăm bữa nửa tháng lại gọi điện hỏi han một lần, sinh nhật thì gửi email chúc mừng, vân vân.
Tìm việc cũng phải như vậy, nếu bạn chỉ gửi hồ sơ đi và ngồi đó chờ được gọi đi phỏng vấn, bạn đang ở thể bị động. Hãy biến bản thân chủ động hơn khi đi tìm việc. Hãy lập một bảng Excel theo dõi tất cả những thông tin liên quan đến việc tìm việc của bạn như: bạn nộp cho công ty nào ngày nào, khi nào thì hết hạn deadline, ngày nào thì bạn email lại để hỏi, ngày nào thì bạn điện thoại để hỏi, vân vân. Việc có động tác email hay gọi điện để hỏi lại về hồ sơ của bạn sẽ giúp bạn giảm bớt được phần nào việc dính vào những lý do khách quan mà Tuấn Anh nêu ở trên. Tuấn Anh có một mẫu Công cụ theo dõi quá trình tìm việc tại đây, bạn có thể tham khảo.
Trên đây là một số điều giúp bạn tăng cơ hội cho bản thân, chúc bạn thành công nhé.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về hướng nghiệp, đừng ngần ngại email tới hi@anhtuanle.com hoặc đăng ký tư vấn với Tuấn Anh tại https://anhtuanle.com/tuvan/