Mình xin mở đầu luôn bằng một sự hiểu nhầm tai hạn về khái niệm cân bằng công việc và đời sống cá nhân: nhiều người cho rằng cứ phải làm việc 8 tiếng, vui chơi 8 tiếng thì mới là cân bằng, thực tế không phải như vậy. Cân bằng là khi bạn hài lòng với cả hai khía cạnh công việc và cuộc sống cá nhân, không khía cạnh nào bị ảnh hưởng tiêu cực bởi khía cạnh còn lại.
Việc cân bằng công việc và những phần còn lại trong cuộc sống có vẻ là một chủ đề thử thách, ít nhất là khi mình quan sát những người bạn tầm tuổi với mình (từ 20 đến 30). Rất khó để có thời gian cho gia đình, bạn bè, tôn giáo, học hành, chăm sóc bản thân và các hoạt động cá nhân khác khi mà công việc đang chiếm quá nhiều thời gian và sức lực.
Là một người có nhiều việc, nhưng đồng thời cũng rất quan trọng những khía cạnh cá nhân của bản thân, mình muốn chia sẻ tới các bạn đọc một vài cách đang giúp mình cân bằng được những điều này.
1/ Bắt Đầu Từ Tư Duy
Như đã chia sẻ từ đầu bài, cân bằng cuộc sống – công việc không nhất thiết phải là con số 50/50. Không phải cứ 8 giờ làm việc ở công ty thì 8 giờ bạn phải dành cho gia đình và người yêu (thực tế điều này là không thể). Tư duy cân bằng đầu tiên mình dùng đó là toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ ở thời điểm đó. 8 tiếng ở công ty, mình toàn tâm toàn ý làm việc công ty – không dành thời gian làm những việc vô bổ như chat chit hay đọc tin tức. Khi đã hết giờ làm về nhà, mình ngừng lập tức việc trả lời email hay tin nhắn từ công ty, thay vào đó dành thời gian cho việc học ngoại ngữ, nói chuyện với người yêu, thiền, vân vân. Việc này tưởng dễ nhưng lại vô cùng khó, bởi trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, mình thấy rằng chúng ta có xu hướng thân ở đây nhưng tâm ở chỗ khác. Ngồi ở công ty thì tranh thủ xem phim lướt web, rồi để dồn việc về nhà vừa ăn tối vừa làm.
Tư duy thứ hai đó là bạn phải xem việc đạt được cân bằng công việc – cuộc sống là một mục tiêu. Xã hội hiện nay có xu hướng đề cao việc ham làm. Tức là chúng ta được khuyến khích học thêm kỹ năng này, phát triển kỹ năng kia, làm thêm giờ để tích lũy, vân vân. Đến khi chúng ta mệt nhoài vì nhiều ngày OT, vì stress công việc – lúc đó chúng ta mới tìm đến việc làm sao để cân bằng. Tại sao không đặt chuyện cân bằng ngay từ đầu trở thành một mục tiêu? Khi bạn thực sự coi đó là một mục tiêu, bạn sẽ đặt thứ tự ưu tiên khác cho điều này. Ví dụ, bạn mong muốn có thêm thời gian cho gia đình, vậy bạn đã tự “đặt lịch hẹn” với gia đình giống như bạn đang đặt lịch với sếp hay khách hàng chưa?
2/ Một Số Cách Để Cân Bằng
Đặt Lịch Cố Định Cho Bản Thân
Khi đi làm, chúng ta phải đặt lịch trước với khách hàng và sếp hay đồng nghiệp, và hiếm khi chúng ta dám hủy những lịch đã đặt đó – vì trách nhiệm với công ty. Vậy, bạn hãy thử trách nhiệm với bản thân bằng việc đặt lịch cho chính mình cố định theo ngày hoặc theo tuần để làm một số điều bạn mong muốn.
Ví dụ, mình làm việc toàn thời gian từ 08:00 đến 17:00. Mình thường ngủ dậy lúc 05:30 và đi ngủ lúc 22:00. Từ lịch này mình thấy rằng nếu trừ đi ăn uống và vệ sinh cá nhân (khoảng 1 giờ), buổi sáng mình có dư ra 1 giờ và tối có dư ra 4 giờ để làm gì đó. Vì mình rất quan trọng việc phát triển tinh thần, nên mình dành ra 1 giờ buổi sáng cho việc ngồi thiền và đặt lịch cố định việc thiền này vào buổi sáng. Vì mình thích đóng góp xã hội, mình đặt lịch 1 tiếng của 3 buổi tối trong tuần để viết blog, làm Podcast và quay YouTube. Mình coi những việc này cũng quan trọng như việc của công ty, nên rất áy náy nếu hủy hẹn.
Ngắt Kết Nối Công Nghệ
Công nghệ cho chúng ta cơ hội được kết nối mọi lúc mọi nơi, nhưng đấy cũng là cái dở cuốn theo chúng ta vào công việc. Sáng sớm đã nhận tin nhắn tinh tinh, qua 6 giờ chiều vẫn tinh tinh tin nhắn. Mình thực sự không thích điều đó. Mình quan điểm thế này:
- Một ngày bạn đã dành đến 8-10 tiếng đồng hồ ở công ty để làm việc; nếu bạn không giải quyết được hết công việc đến nỗi về nhà xử lý, chứng tỏ bạn đang làm việc không hiệu quả. Hãy tập trung vào việc giải quyết vấn đề làm việc sao cho hiệu quả hơn. Ví dụ, thay vì dành cả buổi sáng kiểm tra email và trả lời tin nhắn, bạn dồn những việc khó cần nhiều não vào đây. Buổi chiều khi đang mơ mơ màng màng vì buồn ngủ, rất thích hợp để kiểm tra email và trả lời tin nhắn.
- Bạn có thể đưa ra lý do rằng tuy bản thân muốn ngắt kết nối nhưng những người xung quanh cứ cố tình nhắn vào giờ đó, phải làm sao? Vấn đề là người khác hành xử sao mình không kiểm soát được, thứ mình kiểm soát được là chính bản thân mình. Ví dụ khi đi làm, mình luôn giao tiếp rất rõ với đồng nghiệp và sếp là mình sẽ giải quyết công việc từ 08:00 đến 17:00, mọi người có thể đặt lịch họp hay liên hệ thoải mái trong khung giờ này. Với những khung giờ ngoài khung giờ kia, không phải mình không thể hỗ trợ, nhưng sẽ chậm hơn, hoặc cần báo trước ít nhất 24 giờ. Ai cũng có cuộc sống cá nhân, mình tin người đó sẽ hiểu cho bạn.
Tập Thể Dục Và Thiền
Một cách hoàn hảo, bạn nên dành ra khoảng 30 phút thiền và 60 phút vận động mỗi ngày, khung giờ nào cũng được tùy bạn. Nếu bạn làm được điều này, mình tin chắc bạn sẽ thấy chất lượng cuộc sống cải thiện hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu chưa đạt được con số trên ngay, hãy bắt đầu bằng một số con số nhỏ như:
- Dành ra 3-5 phút ngồi không để thở trong khoảng thời gian nào đó trong ngày. Ví dụ khi vừa ngủ dậy, khi mới ăn cơm trưa ở văn phòng, trước giờ đi làm về, trước khi đi ngủ.
- Cứ ngồi làm việc khoảng 1 tiếng, bạn nên đứng dậy đi lại vận động khoảng 5-10 phút. Mình đi làm thấy nhiều bạn ngồi văn phòng cả ngày, chỉ đứng dậy buổi trưa ăn rồi chiều lại ngồi tiếp. Điều này rất có hại. Bạn nên đứng dậy và scan cơ thể một vòng, từ mắt, mũi, miệng rồi vai, tay, bụng, chân, scan đến đâu bạn làm một vài động tác co duỗi đến đó cho cơ bắp khỏe khoắn.
Bí kíp của mình là bắt đầu nhỏ, và kiên trì làm mỗi ngày và tăng dần cho đến khi bạn đạt được con số trên.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn cần tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh, có thể đăng ký tại đây.