Điểm thi Đại học năm nay cao bất ngờ so với các năm, khiến nhiều bạn rơi vào tình cảnh “không đỗ đại học”. Bây giờ phải đi đường nào? Mình viết bài hướng nghiệp này dành tặng các bạn 2K3, 2K4, hoặc bạn đọc có em trong độ tuổi đó có thể gửi cho các em đọc tham khảo nhé.
1/ Các lựa chọn cao đẳng / học nghề
Trong một sự kiện hôm trước cùng CLB iBNA, có bạn tham gia đã hỏi “Nếu không vào được đại học, có phải em đang kém hơn so với bạn bè của em?”. Không, nhất quyết là không kém hơn. Đại học chỉ là một con đường trong nhiều con đường mà một bạn học sinh tốt nghiệp cấp 3 có thể chọn.
Những con đường khác có thể bao gồm học cao đẳng hoặc học nghề. Khi nghe đến chữ cao đẳng nghề, bạn có thể dễ bất chợt xuất hiện cảm giác rằng lựa chọn này ‘thấp kém’ hơn so với việc học đại học. “Rớt đại học mới phải học nghề” – nhiều người nói vậy. Tuy nhiên đây là một hiểu nhầm tai hại.
Việc chọn vào đại học hay học cao đẳng nghề phụ thuộc khá nhiều vào định hướng công việc tương lai của một bạn sau khi đi làm. Trong ba câu hỏi lớn về hướng nghiệp, việc ra trường làm công việc gì nằm ở câu hỏi thứ ba – “tôi muốn đi về đâu”? Tùy theo định hướng đi về đâu mà bạn chọn cách thức đi cho phù hợp. Nếu đi về hướng làm kinh tế hoặc các lĩnh vực cần chuyên môn cao như Y, Luật, vân vân – đại học là một con đường cần thiết. Nếu đi về hướng làm nghề như Thiết kế, Công nghệ thông tin, Kỹ sư, Nấu ăn…, ngoài đại học ra có rất nhiều các chương trình cao đẳng vẫn đào tạo.
Học cao đẳng có lợi thế hơn ở chỗ học ngắn hơn so với đại học, sớm ra trường đi làm và bắt đầu kiếm tiền được ngay. Nói những điều này không phải là để nói rằng đại học kém hơn cao đẳng hay ngược lại, mà mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng có nhiều con đường khác nhau để đến với thành công.
Nhà tuyển dụng thực tế không loại bạn vì bạn học cao đẳng thay vì đại học, quan trọng là bạn có kỹ năng và kinh nghiệm gì mang đến công việc đó. Kỹ năng và kinh nghiệm thì dù học đại học hay cao đẳng bạn đều tích lũy được. Bản thân mình trong quá trình đi làm hướng nghiệp cho các trường như FPoly hay Cao Đẳng Sài Gòn đều thấy sinh viên rất giỏi và năng động.
2/ Gap-year một năm thi lại
Hôm qua mình đọc về câu chuyện đỗ đại học Y sau 9 năm rời phổ thông rất truyền cảm hứng, bạn có thể đọc để lấy động lực. Nếu bạn thích lĩnh vực bạn thi năm nay nhưng chưa có được sự may mắn trúng tuyển, dành 1 năm gap-year để ôn thi lại cho năm tới cũng không phải là một lựa chọn tồi.
Nhắc đến việc thi lại sau 1 năm, nhiều bạn có thể lo lắng về việc “em đi sau bạn bè đồng trang lứa”. Nhưng hãy suy nghĩ như thế này: đi chậm 1 năm để đúng hướng của mình, hãy chọn đâm lao theo một lĩnh vực khác cho có và học sai trong 4-5 năm tiếp theo? Ngoài ra, mỗi người có một đồng hồ thời gian riêng, đừng so sánh đồng hồ của mình với người khác. Bạn có thể đi chậm 1 năm trong việc học đại học, nhưng ngoài kia có khá nhiều anh chị sinh viên tốt nghiệp đại học rồi vẫn chưa biết mình thích gì, đam mê gì – như vậy là chậm hơn bạn rất nhiều.
Trong 1 năm gap-year này, ngoài việc ôn thi bạn có thể làm được rất nhiều việc có ích. Có rất nhiều các CLB bạn có thể tham gia như AIESEC, iBNA, VOCO để tăng trải nghiệm. Đi du lịch, học thêm ngoại ngữ, đi làm thêm, học các khóa học ngắn hạn online – trời ơi biết bao nhiêu là thứ để tận hưởng.
3/ Tinh thần học tập trọn đời
Một người thành công trong xã hội hiện nay là một người cần có tinh thần “lifelong learning” hay học tập trọn đời. Chưa vào đại học không có nghĩa là bạn ngừng học. Dù chọn chờ 1 năm để thi lại hay vào luôn một trường khác trong năm nay, bạn cũng cần mang theo tinh thần học tập trọn đời đó. Học tập trọn đời được hiểu là đừng để cho việc học của mình chỉ gói gọn trên ghế nhà trường, hãy xem việc mỗi một trải nghiệm trong cuộc sống này là một việc học. Khi đó bạn có thể có rất nhiều thứ để học như:
- Học thêm một ngoại ngữ bên cạnh tiếng Anh như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn để giúp mình có thể giao tiếp thêm với nhiều người, hiểu thêm văn hóa nước khác;
- Học về tâm lý học giúp mình hiểu hơn về cảm xúc và hiểu về người khác;
- Đọc những đầu sách hay và kinh điển của thế giới, để thấy thế giới này thật rộng và nhiều thứ hay ho đang chờ đợi mình.
- Học về dinh dưỡng và tập luyện để chăm sóc cho thân thể của mình, có sức khỏe tốt thì sẽ làm được nhiều điều tốt hơn.
- Học bất kỳ một thứ gì đó bản thân thích mà lâu nay bạn chưa có dịp học như guitar, nhảy, ảo thuật, …
Kết thúc mỗi ngày trước khi đi ngủ, hãy suy nghĩ xem: Hôm nay mình đã học được gì?
4/ Nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở một người đi làm?
Tùy theo từng công việc mà có những yêu cầu khác nhau, tuy nhiên về cơ bản nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm ở một bạn trẻ ba điều đó là A.S.K. (Attitude – Thái độ, Skills – Kỹ năng và Knowledge – Kiến thức).
Thái độ không phải là thứ bạn được dạy chỉ trong trường lớp mà bạn có thể học từ bất kỳ đâu. Một bạn trẻ được kỳ vọng sẽ có thái độ cầu thị, ham học hỏi, dấn thân và kiên trì trong công việc.
Kỹ năng có thể đến từ các hoạt động ngoại khóa, từ việc tham gia CLB đến đi làm. Việc này cũng không cần phải chờ khi vào đại học mới có thể làm, ngay bây giờ dù bạn là học sinh cấp 3 cũng đã có thể tham gia các CLB được rồi.
Kiến thức đúng là sẽ cần trường lớp, nhưng có nhiều kiểu trường lớp có thể dạy. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các lớp học online nở rộng trên các trang như Udemy, Kyna, Coursera, LinkedIn với chất lượng rất cao, đó là nơi bạn hoàn toàn có thể bổ sung thêm kiến thức ở bất kỳ lĩnh vực nào. Một số khóa học hay mình đã học các bạn có thể tham khảo tại đây.
Lời kết: Không có con đường hay lời khuyên nào là đúng 100%, chỉ có con đường phù hợp với bản thân bạn ở thời điểm đó. Chúc em vững tin trong hành trình học và làm sắp tới.