Định hướng là nghề nghiệp là một chủ đề rất rộng với rất nhiều câu hỏi khác nhau tùy thuộc bạn đang ở thời điểm nào trong cuộc đời. Bạn là học sinh cấp ba thì băn khoăn “chọn ngành nào, trường gì“? Sinh viên đại học thì có những trăn trở về “làm công việc gì” hay “làm sao để tìm được việc tốt“. Người đã đi làm thì bắt đầu suy tư về việc “công việc này có đúng đam mê” hay “lộ trình thăng tiến như thế nào”. Những người đã đi làm lâu năm và lên sếp thì suy nghĩ về những câu chuyện xa hơn như “làm sao quản lý nhân viên tốt” hay “cân bằng đời sống cá nhân và công việc”.

Rất nhiều câu hỏi như vậy, nếu không được hệ thống hóa lại sẽ dễ khiến cho chúng ta bị rối trên con đường nghề nghiệp. Lúc nào cũng chạy theo trả lời những câu hỏi nhỏ khiến chúng ta cảm thấy không bao giờ có đủ thời gian và không bao giờ thỏa mãn được trên hành trình tìm kiếm câu trả lời. Là một người sống tối giản, mình rất thích tóm gọn những vấn đề phức tạp lại thành một cách đơn giản hơn, đồng thời sử dụng nguyên tắc số ba. Nếu chỉ chọn ra 3 câu hỏi lớn cho mọi vấn đề nghề nghiệp, đó là ba câu hỏi gì?

1/ Tôi đang có gì? (What, Why, Who)

Một người từ 18 tuổi trở lên chắc chắn đã có một số điều để nói về bản thân. Cái có ở đây không có ý nói đến những thứ hữu hình như chiếc điện thoại, bộ quần áo, mà đang nói đến những thứ vô hình mềm như tính cách, thế giới quan hay các mối quan hệ. Là một người trưởng thành, bạn không thể và không nên nói rằng “Tôi không hiểu gì về mình” – những cái bạn cần hiểu thực tế vẫn luôn ở đó bên trong bạn, việc cần làm là bạn dành thời gian tìm ra nó. Dùng từ “tôi chưa hiểu” sẽ tốt hơn từ “không”. Nếu chưa hiểu thì dưới đây là một số gợi ý để bạn khám phá thêm.

Hãy dùng ba mẫu câu hỏi lớn trong tiếng Anh mà chúng ta đã học là What – Why – Who để đặt càng nhiều câu hỏi về bản thân và sau đó tự trả lời. Lấy ví dụ một số câu hỏi đó là:

  • What are your interests, skills, character? Bạn có sở thích, kỹ năng hay tính cách gì?. Với câu hỏi này, bạn có thể ngồi xuống suy nghĩ về những việc đã làm trong quá khứ, việc nào bạn làm cảm thấy thích hoặc giỏi hơn những người xung quanh, việc nào bạn có thể làm cả ngày mà cảm thấy không mệt? Sau đó, bạn có thể sử dụng thêm một số bài trắc nghiệm như Holland, MBTI hay 16Personalities để đối chiếu. Ngoài ra, bạn có thể học về một số công cụ mất phí như DISC hay Enneagram.
  • Why do you do what you do? Tại sao bạn làm điều bạn đang làm?. Câu hỏi “Tại sao” sẽ khó trả lời hơn câu hỏi “Cái gì ở trên” – bởi để trả lời được câu hỏi này bạn cần tìm hiểu sâu về “Giá trị sống” (Values) và “Niềm tin” (Belief) của bản thân. Tùy theo việc bạn lớn lên cùng ai và trong môi trường như thế nào, bạn sẽ theo đuổi những giá trị và niềm tin khác nhau. Ví dụ một người sống trong hoàn cảnh nghèo khó đặt giá trị tiền bạc lên hàng đầu để thoát nghèo. Một người theo đạo Phật sẽ theo đuổi giá trị “không nói dối” khi làm việc. Tất cả những điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc bạn lựa chọn một công việc hay một nghề nghiệp, cũng như vượt qua được những khó khăn có thể gặp trong nghề nghiệp đó.
    • Không phải ai cũng đã có câu trả lời về giá trị sống của bản thân, đây là thứ mình khuyến khích các bạn nên dành thời gian tìm hiểu. Giá trị sống có thể không vĩnh viễn với thời gian mà thay đổi tùy theo hoàn cảnh. Mới ra trường, bạn có thể chọn theo đuổi giá trị tri thức học hỏi, nhưng khi đã lập gia đình, giá trị về gia đình và sự ổn định sẽ được đặt lên hàng đầu. Ở mỗi thời điểm, bạn có một giá trị xác định rõ, bạn dễ dàng vượt qua những khó khăn gặp phải hơn. Ví dụ nếu bạn đặt giá trị gia đình và sự ổn định lên hàng đầu, khi đi làm có thể bị chèn ép, không hợp sếp hay đồng nghiệp nhưng vẫn mang lại mức lương tốt để nuôi sống gia đình – với giá trị trên bạn vẫn có thể cố gắng vượt qua được.
    • Một trong những cách tìm ra giá trị của mình là đọc sách, bạn có thể tìm đọc cuốn Đi tìm lẽ sống, Ikigai.
  • Who are in your professional network? Ai có trong mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp của bạn. Mạng lưới quan hệ chuyên nghiệp tức là bất kỳ ai có thể giúp đỡ, trò chuyện cùng bạn về chủ đề nghề nghiệp. Đó có thể là sếp hoặc đồng nghiệp công ty cũ, các anh chị cựu sinh viên trong trường hay các anh chị mentor bạn biết qua một chương trình nào đó. Từ năm 2014 bắt đầu ra trường đến bây giờ, chỉ có đúng công việc đầu tiên đi thực tập là mình nộp đơn, còn lại các công việc sau đó đều được giới thiệu qua các mối quan hệ. Các công ty khi tìm người, họ cũng ưu tiên người được giới thiệu hơn – bởi sẽ có một sự tin tưởng và đảm bảo nhất định. Vì vậy dù bạn đang ở độ tuổi nào đi chăng nữa, cũng cần dành thời gian suy nghĩ và bắt đầu xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ rộng và bền vững. Nếu bạn ở nhà, vẫn có thể xây dựng mạng lưới quan hệ bằng việc tham gia các sự kiện trực tuyến hoặc sử dụng mạng xã hội LinkedIn.

Ở trên mình lấy ví dụ về ba câu hỏi What, Why, Who – bạn có thể dựa vào đó tự đặt ra thêm các câu hỏi cho bản thân tùy theo từng thời điểm mà bạn đang gặp vấn đề.

2/ Mục tiêu của tôi là gì? (Where, When)

Con người luôn hướng về phía trước, chứ ít ai chịu hài lòng với những gì đang có. Tức là chúng ta sẽ luôn có những mục tiêu muốn đạt được trong nghề nghiệp và cuộc sống. Đây là câu hỏi lớn thứ hai bạn cần trả lời.

Ở từng thời điểm trong cuộc đời và tùy hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta có những mục tiêu khác nhau. Như ở đầu bài có giới thiệu, sinh viên có thể có mục tiêu về “tìm công việc tốt” trong khi người đi làm sẽ có mục tiêu “cân bằng cuộc sống và công việc”. Hoặc cùng là hai bạn sinh viên ra trường, có người sẽ muốn “tìm công việc lương cao” để lo cho gia đình, có người lại muốn “làm việc đúng đam mê sở thích” để thỏa mãn bản thân. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh. Nói ra điều này để muốn nhắc bạn đọc rằng, để xác định con đường đi đến sắp tới của mình, bạn cần tĩnh lại để nhìn lại hoàn cảnh hiện tại của mình. Đừng chỉ nghe theo những mục tiêu trên mạng xã hội do một số ít những người nổi tiếng nói. Các shark cá mập có thể khuyên bạn mới ra trường đừng nghĩ đến chuyện kiếm tiền, hãy tập trung kỹ năng – chưa chắc đã đúng. Các chuyên gia hướng nghiệp hay bảo bạn là hãy tìm ra đam mê của mình, đi làm là phải đúng đam mê – chưa chắc đã đúng.

Để trả lời câu hỏi mục tiêu, bạn có thể dùng 2 cấu trúc hỏi tiếng Anh tiếp theo để làm gợi ý. “Where” là tôi muốn đi đến đâu và “When” là tôi muốn đi đến đó vào thời điểm nào.

Ví dụ, mục tiêu của bạn là đạt được tự do tài chính. Vậy “where” là phải tìm hiểu xem tự do tài chính là cần con số bao nhiêu tiền? Và “when” là mình đặt mục tiêu đến năm nào, 30-40 hay 50 tuổi thì đạt được con số đó?

Hay mục tiêu của bạn là có được một công việc làm tốt sau khi ra trường. “Where” là công việc như thế nào, làm ở kiểu công ty gì, vị trí gì thì gọi là tốt? “When” là khi nào thì mình đạt được vị trí đó?

Một trong những cách đặt mục tiêu đúng mà chắc chắn các bạn đã nghe qua và học rất nhiều rồi đó là phương pháp S.M.A.R.T, tức viết tắt cho:

  • Specific: Mục tiêu phải rõ ràng cụ thể. (Ví dụ: kiếm tiền).
  • Measurable: Có con số đo lường được. (Ví dụ: 100 triệu).
  • Actionable: Có các phương pháp hành động cụ thể. (Ví dụ: tiết kiệm hàng tháng, đầu tư chứng khoán, làm thêm…)
  • Realistic: Phải thực tế. (Ví dụ: kiếm 100 triệu trong 1 năm sẽ thực tế hơn kiếm 10 tỷ trong 1 năm với một người mới ra trường).
  • Time-bound: Có thời gian cụ thể. (Ví dụ: 12 tháng).

Gộp chung các ví dụ trên, mình có thể có một mục tiêu là: “Có được 100 triệu trong tài khoản sau 12 tháng kể từ bây giờ. Cách làm là tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, đi làm thêm một công việc”. Cách làm sẽ nói kỹ hơn ở bước 3.

3/ Tôi cần làm gì để đạt được mục tiêu trên? (How)

Khi đã hoàn thành 2 bước “hiểu mình” và “viết ra mục tiêu” ở hai bước trên, đây là bước hành động. Có nhiều người chỉ suy ngẫm, khám phá bản thân, đặt ra mục tiêu nhưng không hành động. Nếu không hành động, bạn sẽ chẳng đạt được điều gì cả. Có nhiều người vẫn không hành động, vì sợ mình sẽ thất bại. Ngồi khám phá bản thân và viết ra mục tiêu thì không có thất bại, nên lúc nào cũng vui. Bắt tay vào hành động thì có nguy cơ thất bại, khi đó thì không còn vui nữa.

Bạn phải chấp nhận rằng, dù bạn có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, dù bạn có giỏi đến mức nào, tự tin đến bao nhiêu chăng nữa, thất bại vẫn là một phần rủi ro của hành động. Hành động càng khó, mức thưởng càng nhiều thì rủi ro của thất bại càng cao. Nếu thất bại là một phần tất yếu như vậy, thay vì tìm cách lập một kế hoạch hoàn hảo 100% không có thất bại, hãy tập cách xử lý cảm xúc và đứng dậy sau khi có thất bại sẽ hay hơn. Phương tây có hai khái niệm rất hay là “resilience” (sự đàn hồi) và “what doesn’t kill you make you stronger” (cái gì không giết được bạn thì làm bạn mạnh mẽ hơn). Thay vì né tránh thất bại, hãy học hỏi hai tính cách này, đưa nó vào tính cách của bạn để tự tin đối mặt với thất bại.

Không ai muốn thất bại khi theo đuổi mục tiêu của mình, vậy nên sẽ có những cách để giảm thiểu tối đa sự thất bại này. Một số cách (how) mà mình có thể gợi ý cho bạn để theo đuổi mục tiêu đó là:

  • Bắt đầu nhỏ. Chúng ta dễ hưng phấn quá mà đặt một mục tiêu quá tham vọng, những ngày đầu sẽ cao hứng làm được hết nhưng sau đó sẽ bị nguội dần. Ví dụ có bạn học được phương pháp Pomodoro làm việc hiệu quả theo block 25 phút, ngay lập tức đặt mục tiêu sẽ làm 10 blocks mỗi ngày – được vài ngày thì đuối. Nên bắt đầu từ 1 block thôi, xong 1 tuần ổn thì tăng lên 2.
  • Làm theo định kỳ. Cá nhân mình tin rằng, kỉ luật giúp bạn đến với thành công hơn là tùy hứng. Thay vì tùy hứng làm việc đó 1 tuần 1 lần theo hứng, bạn có thể kỉ luật theo định kì bạn đặt ra. Định kì ở đây có thể là mỗi ngày, hoặc vài ngày trong tuần. Ví dụ, mình đặt mục tiêu là viết 1-2 cuốn sách một năm. Để làm được việc này mình đặt ra việc cần làm là một tuần dành ra ít nhất 25 phút ngày thứ 3 và thứ 5 để viết – không quan trọng viết hay hay dở, cứ đúng đến ngày đó thì làm thôi.
  • Có thời gian nghỉ ngơi. Có bạn lại ham chạy theo mục tiêu quá mà quên mất việc nghỉ ngơi. Thực tế bạn phải xem nghỉ ngơi như một phần cần phải có trong việc hoàn thành được mục tiêu. Có nghỉ ngơi thì bạn mới có năng lượng để mà làm tiếp. Chính vì thế trong ngày ngoài việc lên kế hoạch làm việc, bạn cũng nên để vào lịch 30-60 phút nghỉ ngơi, tương tự trong tuần cũng nên có một buổi.
  • Có phản tư định kỳ. Cứ cắm đầu làm mà không phản tư thì có thể bạn đi sai đường mà không biết. Càng làm nhiều bạn càng đi sai. Chính vì vậy bạn cần có phản tư định kỳ. Phản tư tức là ngồi xuống xem và tổng kết lại những việc mình làm trong ngày trong tuần đã đi đúng mục tiêu hay chưa, có cần điều chỉnh gì hay không.

Đến đây thì mình cũng không biết viết gì thêm, hi vọng bài viết này giúp ích cho các bạn trên con đường nghề nghiệp. Nếu bạn muốn tư vấn hướng nghiệp, hãy đăng ký tại đây.

Mình cũng mới lập kênh YouTube, nếu bạn hay xem YouTube thì theo dõi mình tại đây nhé.

Xem bài này trên YouTube:

Nghe bài này trên Spotify:

2 bình luận cho “Ba Câu Hỏi Lớn Để Giải Quyết Mọi Vấn Đề Hướng Nghiệp”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.