Chuyện là Tết nhất cũng coi như đã xong, bây giờ là thời điểm nhiều người hướng sự tập trung quay trở lại với công việc. Năm mới chắc hẳn có những người có ý định đổi việc mới, tuy nhiên còn chần chừ vì nhiều nỗi sợ khác nhau. Vậy phải nên làm như thế nào?
1/ Tham khảo lời khuyên của người khác, nhưng cần soi chiếu dưới thế giới quan của mình
Năm 2020 có một lần mình đổi việc mà nhiều người bảo là “thằng này bị khùng”. Lúc đó mình đang làm cho một công ty bất động sản với mức lương “khủng” 3x một tháng, bỗng cái đùng nghỉ và chuyển qua làm tại trường đại học với thu nhập chưa bằng một nửa. Một vài người thân trong nhà biết chuyện khuyên can mình đủ điều.
Khi bạn có ý định đổi việc và đang cảm thấy chưa chắc chắn, bạn có thể hỏi và trò chuyện tham khảo ý kiến từ người khác. Mỗi người có thể cho bạn một lời khuyên khác nhau, thậm chí ngược hẳn nhau, lời khuyên nào bạn cũng có thể thấy hay và đúng. Tuy nhiên, lời khuyên của mỗi người cũng chỉ xuất phát từ thế giới quan riêng của họ, quan điểm sống của họ. Việc bạn cần làm là vẫn lắng nghe những lời khuyên, nhưng cần có thời gian tổng hợp, soi xét xem những lời khuyên đó có thể ứng dụng thế nào trong trường hợp của bản thân mình.
Ví dụ trong trường hợp trên, những người bảo mình “khùng” vì nghỉ việc lương cao chọn việc lương thấp đa số là những người đã có gia đình hoặc thế hệ trước; thế giới quan của những người này coi trọng sự ổn định về tài chính. Trong khi bản thân mình ở thời điểm đó đang quan trọng hơn về “đam mê”, được làm đúng công việc yêu thích. Mỗi người có một giá trị sống khác nhau.
Chính vì người cho lời khuyên có thể mang tính chủ quan, vai trò của một người tư vấn hướng nghiệp hay làm coach có thể giúp ích hơn cho những bạn đang hoang mang nghề nghiệp. Người làm coach hay tư vấn hướng nghiệp không phải (và không nên) cho những lời khuyên từ kinh nghiệm cá nhân, thay vào đó đặt câu hỏi, đưa mô hình để giúp người được tư vấn suy nghĩ thấu đáo hơn cho vấn đề đang gặp phải. Bạn có thể đăng ký tư vấn hướng nghiệp online cùng Tuấn Anh tại đây.
2/ Tương lai là viễn cảnh không có thật
Một trong những lý do khiến nhiều người chần chừ trong việc đổi việc mới là “lỡ tương lai có gì thì sao?”. Lỡ như công việc mới không như ý, lỡ như lại chán nản muốn bỏ việc như hiện tại, lỡ mình đưa ra quyết định sai lầm thì thế nào?
Tâm trí con người có xu hướng tự nhiên nghĩ về tương lai, điều này có điểm tốt ở chỗ nó giúp chúng ta có sự chuẩn bị từ hiện tại. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp giống như trên, suy nghĩ quá nhiều về tương lai là vật cản khiến cho chúng ta không dám hành động. Việc chúng ta có thể làm là:
- Vẫn suy nghĩ về tương lai nhưng với góc nhìn đa chiều hơn. Theo bản năng tự nhiên mình đã nghĩ về những điều tiêu cực rồi, vậy hãy cố “vắt óc” xem có điều gì tích cực trong tương lai nếu việc đổi việc này thành công hay không?
- Tập các bài tập kéo suy nghĩ về hiện tại nhiều hơn. Càng tập trung trọn vẹn cho hiện tại và ít nghĩ đến tương lai, bạn sẽ càng bình tĩnh và sáng suốt hơn trong việc ra quyết định. Một trong những bài tập để luyện kỹ năng sống trọn vẹn trong hiện tại là thiền. Mỗi ngày bạn hãy thiền ít nhất 5 phút, chỉ cần ngồi đơn giản một chỗ và tập trung vào hơi thở của mình.
3/ Không có thất bại trong từ điển, chỉ có bài học mà thôi
Khi đi dạy mình thường hỏi vui các bạn sinh viên là: “Nếu được quay lại quá khứ để yêu lại người yêu cũ, mấy đứa có chịu không?”. Câu trả lời cho việc này tuỳ theo cảm xúc và chuyện tình cảm của mỗi bạn, tuy nhiên mình rất thích một ý được một bạn sinh viên chia sẻ đó là: “Em sẽ không thay đổi điều gì trong quá khứ, vì chính những ngu ngốc ngày đó mới tạo nên em trưởng thành của ngày hôm nay.” Cá nhân mình hoàn toàn tán đồng với suy nghĩ này.
Suy nghĩ và lập kế hoạch thì dễ làm hơn là hành động, bởi suy nghĩ thì không thể thất bại, trong khi hành động thì có thể có thất bại. Đó là góc nhìn tự nhiên khiến chúng ta chần chừ chưa dám làm điều mình muốn làm. Nếu vậy, bạn có thể tập thay đổi từ “thất bại” trong từ điển cá nhân sang từ “bài học”. Không có thất bại, mỗi trải nghiệm trong cuộc sống chúng ta là một bài học. Càng nhiều bài học chúng ta càng lớn nhanh. Học càng sớm càng mau trưởng thành. Học là việc suốt đời, năm nào cũng học, đến già vẫn có bài học là chuyện bình thường.
4/ Còn thở là còn gỡ, hãy có cho minh một điểm tựa chắc
Trong “sới bạc” ngày Tết có câu vui vui là “Còn thở là còn gỡ”, mình nghĩ câu này cũng có thể áp dụng vào trong đời sống hàng ngày. Để “thở” được thì cần có “oxy”, hay một điểm tựa. Để giúp cho mình dễ dàng ra quyết định hơn, không chỉ trong công việc mà ở cả các khía cạnh khác trong cuộc sống, dưới đây là một số điểm tựa mỗi người nên vun đắp:
Gia đình: dành thêm thời gian cùng ba mẹ. Chỉ cần biết rằng dù có khó khăn thế nào, một năm có bết bát ra sao, vẫn có nhà để về hoặc có ba mẹ sẵn sàng dang tay đón chào, tự nhiên lòng sẽ vững tâm hơn trong việc ra quyết định.
Tâm lý: có người lo ít, có người lo nhiều. Lo nhiều đến từ nhiều lý do. Có thể do gene, do ba mẹ dạy, do môi trường sống… Dành thêm thời gian tìm hiểu về tâm lý của bản thân, cách mình sinh ra và lớn lên như thế nào sẽ giup cho chúng ta tự tin hơn trong việc ra các quyết định.
Khoản tiền tiết kiệm: nếu chưa có một khoản tiền tiết kiệm, bạn nên bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ. Nên có một khoản từ 3-6 tháng chi tiêu trung bình, khi đó mình sẽ tự tin hơn rất nhiều trong việc quyết định có nghỉ việc hay không.