Là một người đang ở độ tuổi trưởng thành, mình cũng giống như bao bạn, có những nỗi lo lắng riêng trong cuộc sống. Từ áp lực so sánh với người xung quanh, cho tới việc suy nghĩ quá nhiều, hôm nay mình muốn chia sẻ về vấn đề giàu có. Từ khi kiếm được đồng tiền đầu tiên vào thời điểm sinh viên năm nhất, đầu mình bắt đầu suy nghĩ về chuyện ‘giàu có’. Thành thật là giàu có về tiền bạc chưa bao giờ là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời mình, nhưng không vì thế mà nói rằng chuyện tiền nong ít quan trọng. Bản thân mình là một người làm những công việc hướng đến cộng đồng nhưng lúc nào mình cũng giữ quan điểm rõ ràng, cái bụng mình có no thì mới lo cho người khác.

Vì sao bạn muốn giàu có?

Mình rất thích mô hình Golden Circle (vòng tròn vàng) của Simon Sinek mỗi khi bắt đầu theo đuổi một điều gì đó. Vòng tròn có 3 câu hỏi Why? How? What? – Tại sao? Sự khác biệt nào? Làm gì?. Khi nói về chuyện giàu có, bạn có thể thấy trên mạng nhan nhản các khóa học làm giàu, chỉ cho bạn cách đầu tư cái này, lướt sóng cái kia – đó là What. Để có động lực làm một điều gì đó lâu dài và vượt qua nhiều khó khăn, bạn cần trả lời được câu hỏi Why? Tại sao bạn muốn giàu?

The Golden Circle Presentation | Simon Sinek

Chúng ta được nói ra rả bên tai về chuyện đi làm lương cao, tiết kiệm, đầu tư, vân vân… để có nhiều tiền. Nhiều tiền để mua nhà mua xe, lo cho con cái sau này, có của ăn của để, vân vân. Đó là những điều xã hội nói. Bản thân mỗi người sẽ có một mục đích khác nhau, mục đích của bạn là gì? Ví dụ, mình muốn giàu có để có một cuộc sống tự do – không bị phụ thuộc vào cá nhân nào, có thể chăm lo được cho gia đình nhỏ và bố mẹ của mình. Khi mục đích giàu có của bạn vượt ra khỏi khuôn khổ những nhu cầu của bản thân, hướng về một cộng đồng nào đó, tự khắc bạn sẽ có nhiều động lực hơn để kiếm tiền và vượt qua những khó khăn.

Khi bạn đã trả lời được câu hỏi tại sao cho mình, bạn có thể suy nghĩ về cách thức làm gì để giàu có.

3 bước trong hành trình tài chính cá nhân

Một vài năm trước mình thấy có rất nhiều khóa học dạy làm giàu; trong 1-2 năm gần đây mình thấy những chương trình về tài chính hướng nhiều về phía tài chính cá nhân. Tức là dạy cho cá nhân tư duy tài chính. Có rất nhiều phương pháp, sách vở nhưng tựu chung một cách đơn giản lại thì nếu bạn còn đang chật vật với chuyện giàu có của bản thân, đây là ba bước để bạn kiểm tra và điều chỉnh lại.

Bước 1: Hiểu để bắt đầu

Trước khi bắt đầu làm gì đó hãy kiểm tra vấn đề gì đó, bạn cần hiểu thực trạng hiện tại của vấn đề. Trước khi giảm cân phải biết mình đang có bao nhiêu cân. Trước khi học tiếng Anh phải biết mình đang ở trình độ nào. Chuyện tài chính cũng vậy, bạn cần phải hiểu được thực trạng tài chính hiện tại của mình. Một vài câu hỏi đơn giản mình đặt ra để bạn tự trả lời như thế này:

  1. Bạn có đang ghi chép lại chi tiêu hằng ngày không? Ghi bằng cách nào?
  2. Tháng vừa rồi bạn thu, chi bao nhiêu tiền?
  3. Tổng tài sản tiết kiệm hiện tại của bạn là bao nhiêu?
  4. Nếu hỏi một khoản chi bất kỳ trong năm qua, ví dụ năm qua bạn đã uống bao nhiêu tiền trà sữa, bạn có trả lời được không?

Để hiểu về tài chính, bạn chỉ cần bắt đầu bằng một thói quen đơn giản đó là ghi chép lại chi tiêu của mình. Ngày xưa bố mẹ ông bà mình ghi chép bằng giấy và bút mỗi lần đi chợ, cuối tuần cuối tháng cộng vào tính toán. Thời này mình hiện đại rồi, bạn nên sử dụng Excel hoặc một ứng dụng trên điện thoại để ghi. Việc này giúp bạn giảm được công tính toán, mỗi khi tìm lại số liệu nhanh hơn. Ví dụ đợt vừa rồi dịch bệnh ở nhà thèm gà rán quá, mình mở ứng dụng MoneyLover lên và biết được một năm qua mình đã ăn 5 triệu tiền gà rán, lần ăn gần nhất là ngày XX tháng YY vì có ghi rất rõ trên ứng dụng.

Bước 2: Tiết kiệm

Mình bắt đầu đi làm từ năm nhất đại học, tức là năm 2012, mức lương trên 3 triệu, vẫn ở với bố mẹ. Giả như từ lúc đó đến bây giờ mỗi tháng mình có tư duy bỏ ra được 2 triệu tiết kiệm thì bây giờ mình đã có 2 triệu x 12 tháng x 10 năm = 240 triệu tiền tiết kiệm. Nhưng thực tế mình chả có xu nào cả, vì mình đã không tiết kiệm.

Mãi đến những năm sau này, cỡ 2017-2018, mình mới ngộ ra chuyện cần tiết kiệm từ việc đọc một số cuốn sách về tài chính cá nhân. Mình tiết kiệm được 60 triệu để ra đó không đụng tới. Đến mùa dịch như thế này mới thấy con số đó quý giá. Kể cả mình có mất việc không làm gì đi chăng nữa, mỗi tháng chi tiêu ở Sài Gòn 10 triệu, mình vẫn có thể sống ổn 6 tháng mà không cần phải làm gì.

Hay một chuyện thực tế hơn. Một ngày đang yên đang lành mình đi viện khám bệnh và được bác sĩ cho nhập viện phẫu thuật, tổng viện phí gần 20 triệu. May mà có khoản tiết kiệm.

Kể chuyện cá nhân để mình muốn cho bạn thấy rằng, trong hành trình người lớn có những việc bất ngờ xảy đến mình không lường trước được mà cần một cục tiền. Từ những chuyện cỏn con của bản thân như mất việc, đi viện, cho tới những việc to tát hơn như chuyện gia đình, cưới xin sau này.

Hãy bắt đầu tiết kiệm một quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp = 6 tháng chi tiêu trung bình của bạn. Nếu bạn tiêu một tháng 10 triệu, hãy có quỹ 60 triệu. Tiêu một tháng 20 triệu, có quỹ 120 triệu. Quỹ này để riêng ra một nơi, chỉ chi tiêu trong trường hợp khẩn cấp. Có được quỹ này rồi thì ăn chơi nhảy múa gì cũng được.

Có 2 cách tiết kiệm mình thấy hiệu quả với bản thân mình đó là:

  • Mua bảo hiểm dài hạn (10-20 năm hoặc xa hơn nữa). Thứ nhất, bảo hiểm chi trả cho bạn mỗi khi bạn nhập viện bất thình lình (ví dụ như mình ở trên). Thứ hai, mua dài hạn thì bảo hiểm như một khoản tiết kiệm (lãi suất không cao).
  • Pay Yourself First – trả cho mình trước. Đừng chờ đến cuối tháng sau khi chi tiêu hết mọi thứ rồi còn dư bao nhiêu mới tiết kiệm. Ngay từ bây giờ, dù bạn đang ở tuổi nào, nếu chưa có thói quen tiết kiệm, hãy bắt đầu cách tiết kiệm bằng phương pháp này. Đặt ra một con số % mục tiêu bạn tiết kiệm, ví dụ 20% cho mỗi số tiền bạn nhận về. Cứ mỗi khoản tiền nào chảy vào túi, dù từ nguồn nào, dù to hay nhỏ, bỏ ra 20%.
  • Finhay – gần đây nếu bạn để ý có một ứng dụng tài chính quảng cáo rầm rộ là ứng dụng Finhay. Bạn có thể tải thử ở đây, tập thói quen bỏ vào vài triệu tiết kiệm.

Bước 3: Đầu tư

Đời người có mấy khoản đầu tư lớn cần chi: cưới xin, mua xe, mua nhà. Mấy khoản này cần từ khoảng trăm triệu đến vài tỉ. Thành thật chúng ta cũng phải thừa nhận, chỉ đi làm công ăn lương lương 20-40 triệu/tháng và tiết kiệm thì tốn kha khá thời gian để đạt được những mục tiêu này.

Chưa kể đến lạm phát mỗi năm. Đồng tiền để nguyên là đồng tiền mất giá. Lạm phát trung bình của Việt Nam theo dự báo là khoảng 4% mỗi năm, tức là năm nay bạn ăn tô phở 50K thì năm sau nó sẽ là 52K, năm sau nữa là 54.5K và cứ thế tăng dần. Để tiền không mất giá, bạn cần đầu tư.

Thêm một bài học nữa mình học được từ hành trình tiền bạc của bản thân, đó là hãy tập thói quen đầu tư càng sớm càng tốt – đừng chờ đến khi bạn có nhiều tiền mới đầu tư. Hãy tìm hiểu các kênh đầu tư từ bài viết này trên trang LeoX. Tiếp đó, hãy tìm hiểu bản thân mình, xem mình là người thích ổn định hay ưa mạo hiểm, và chọn con đường phù hợp với khẩu vị của mình. Đằng nào lớn cũng phải đầu tư, bạn càng tìm hiểu sớm càng có nhiều kiến thức, càng trải nghiệm và thất bại vài ba lần (với số tiền nhỏ), bạn sẽ học được những bài học cho bản thân tốt hơn. Bản thân mình là một người cũng mới bập bẹ đầu tư, chưa có thành tựu gì đang kể nên mình chỉ dừng phần này ở mức giới thiệu cộng đồng https://leox.vn/ là một cộng đồng mình rất yêu thích.

Nhưng giàu có không chỉ nằm ở tiền bạc.

Ở trên mình nói chuyện con số tài chính nhiều, có thể bạn hơi đau đầu – bây giờ mình sẽ nói đến những điều ‘mềm’ hơn. Trừ khi bạn là dân tài chính (có hứng thú với những thử thách tiền bạc), hay bạn đang cần rất rất rất nhiều tiền cho một việc gì đó – còn lại bản thân mình cho rằng không nên chạy theo cái bả tiền bạc. Đúng là bạn cần tiền để có một cuộc sống tốt, nhưng không nên đặt tiền lên thành mục tiêu cuối cùng của cuộc sống này.

Hãy hỏi bản thân Tại sao? Tại sao bạn muốn có nhiều tiền? Có phải vì:

  • bạn muốn được tự do trong các lựa chọn, trong thời gian mỗi ngày;
  • muốn có nhiều thời gian cho người thương;
  • muốn mang đến những điều tốt đẹp cho người thương;
  • để đóng góp cho xã hội;

Nếu vì những lý do trên, bạn không cần phải có quá nhiều tiền để làm. Nhiều tiền để làm gì khi bạn phải làm ngày làm đêm, làm cả cuối tuần, bỏ bê sức khỏe bản thân, bỏ bê những người mình yêu thương nhất. Nếu mục tiêu thực sự của bạn là 4 điều mình làm ở trên, bạn vẫn có thể làm ngay từ thời điểm này mà không cần quá nhiều tiền.

  • bớt chút công việc lại, bớt làm đêm làm hôm, bớt làm cuối tuần, bớt vừa làm vừa ăn => bạn đang chăm sóc cho bản thân.
  • bớt họp hành, bỏ bữa cơm cùng gia đình, bớt vừa trông con vừa mở email => bạn đang mang đến những điều tốt nhất cho người thương của mình.
  • dành thời gian làm thiện nguyện, dành thời gian chơi với con, dành thời gian nghe người yêu kể chuyện => thời gian cũng là một đơn vị tiền bạc.

Để không dính phải bả tiền bạc, đầu lúc nào cũng đau đáu chuyện tiền, sống tối giản và không đánh giá người khác dựa trên con số tiền nong là hai cách mình làm. Sống tối giản giúp mình thoát khỏi những cám dỗ của quảng cáo, tránh phải mua sắm linh tinh để phải nai lưng ra làm thêm tiền phục vụ cho chuyện đó. Thay vì đánh giá một người trên mức lương họ kiếm được, mình cảm phục một người vì kiến thức họ có, lòng bao dung và sự giác ngộ của họ về mặt tinh thần.

Dưới đây là một số nhóm cộng đồng tài chính và sách mình thấy bổ ích:

3 bình luận cho “Làm Sao Để Giàu?”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: