Trong cuộc đời đi làm, sẽ có lúc nào đó bạn gặp tình trạng chán việc. Không phải cứ làm đúng đam mê thì không chán, ai cũng có lúc chán. Sẽ có những ngày khi có nhiều vấn đề cùng ập vào đầu một lúc, bạn chỉ muốn bỏ hết tất cả, chạy đi đâu đấy thật xa hoặc làm một giấc ngủ. Tình trạng này trong tiếng Anh gọi là ‘job burnout’, dịch ra nôm na là chán, kiệt sức trong công việc.
Theo từ điển Merriam-Webster’s Collegiate, ‘job burnout’ được hiểu là tình trạng ‘kiệt quệ về thể chất, tinh thần và cả động lực làm việc‘. Sự kiệt quệ này có thể đến từ những căng thẳng trong công việc, xuất phát từ việc làm việc quá sức, nỗi sợ mất việc, những drama nơi công sở với đồng nghiệp hay với sếp. Sự chán nản còn có thể đến từ việc bạn đóng góp nhiều nhưng không được công nhận, hoặc bạn cảm thấy đãi ngộ (lương lậu) bạn nhận lại chưa tương xứng với những gì bạn mang đến cho công ty.
Làm một công việc mình không thích, không đúng đam mê và sở trường cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng và kiệt sức. Nếu bạn cảm thấy mỗi sáng thức dậy đi làm là một cực hình, đó là lúc bạn cần suy nghĩ xem mình nên nghỉ việc hay làm tiếp. Sai trong công việc có thể đến từ nhiều yếu tố, sai đồng nghiệp, sai môi trường, sai sếp, sai đầu việc.
Sự căng thẳng không phải là nguyên nhân duy nhất gây đến tình trạng chán và kiệt sức trong công việc. Chán và kiệt sức có thể xuất hiện ngay cả khi mọi thứ vẫn đang khá là ổn, công việc ổn, sếp ổn, đồng nghiệp, môi trường và khách hàng đều ổn. Bạn đang cảm thấy hài lòng với mọi thứ, rồi đột nhiên một ngày trong bạn xuất hiện một suy nghĩ nhỏ thấy chán chán ở công việc hiện tại. Dần dần suy nghĩ đó lớn dần, làm bạn bắt đầu mất bớt đi động lực và sự sáng tạo trong công việc. Hôm qua còn yêu công việc nhiều, tại sao hôm nay lại có sự thay đổi như thế?
Có nhiều người yêu công việc và là một ‘workaholic’ đúng nghĩa, họ sợ cảm giác khi rảnh quá và không được làm việc. Khi nghỉ ngơi cuối tuần, trong một buổi đi chơi với bạn bè và gia đình, lúc đang ốm bệnh nằm trên giường mà đầu bạn vẫn không ngừng nghĩ đến công việc, đó là lúc bạn đang để công việc làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình. Liệu có ai lúc nằm trên giường bệnh những năm tháng cuối đời và ước rằng mình đã dành nhiều thời gian để làm việc hơn không?
Ngoài việc sáng dậy mệt mỏi và không có động lực đi làm, có một số dấu hiệu khác cho thấy bạn đang trong tình trạng ‘burnout’. Các dấu hiệu này bao gồm: mệt mỏi, cáu gắt, khóc, lo lắng nhiều, chán ăn hoặc ăn nhiều, nghiến răng, lạm dụng sử dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, mất ngủ hoặc dễ gặp ác mộng, hay quên, làm việc kém hiệu quả, kém tập trung.
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), nếu tình trạng ‘burnout’ trong công việc kéo dài, có thể dẫn tới các vấn đề trầm trọng hơn như trầm cảm, lo lắng và các bệnh về thể chất. Trước khi gặp phải nhưng vấn đề nghiêm trọng trên, tình trạng ‘burnout’ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp ngay đến công việc của bạn như làm việc kém hiệu quả hoặc mong muốn nghỉ việc nhiều hơn.
Làm sao để thoát khỏi tình trạng ‘burnout’?
Đầu tiên, bạn cần nhận ra những dấu hiệu của việc kiệt sức được liệt kê ở trên. Càng nhận ra sớm, càng dễ xử lý. Cách dễ nhất và rõ ràng nhất là nghỉ công việc bạn đang làm. Với nhiều người, nghỉ việc có vẻ là một việc gì đó ghê gớm lắm – tuy nhiên hãy nghĩ kỹ xem, giữa sức khoẻ của bản thân và công việc mình đang chán hiện tại, điều gì quan trọng hơn? Nếu bạn đang ở trong giai đoạn đầu của việc ‘burnout’, điều quan trọng bạn cần làm là xác định xem điều gì là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự mệt mõi này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến ‘burnout’ mà mình thấy phổ biến nhất xung quanh bạn bè mình đó là làm việc quá nhiều. Tuy bên ngoài than thở nhiều việc quá, ghét công ty quá, nhưng bạn chọn cách làm nhiều hơn nữa. Nếu bạn đang là người giống thế này, bạn cần bắt bản thân tách khỏi công việc một cách có kế hoạch. Ví dụ, trong ngày lên kế hoạch ít nhất 30 phút, hoặc 1-2 tiếng cho việc giải trí của bản thân. Khi đã về đến nhà, toàn tâm toàn ý cho bản thân hoặc cho gia đình thay vì mang việc về nhà xử lý. Việc này có thể thực hiện dần dần, đầu tiên bạn dành ra 5-10 phút mỗi ngày, cố gắng về nhà đúng giờ một ngày trong tuần, sau đó tăng dần lên.
Nếu sự căng thẳng đến từ tác nhân bên ngoài, việc này khó xử lý hơn và nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Việc bạn có thể làm khi gặp một đồng nghiệp hay một sếp không hợp tính là thử ngồi xuống nói chuyện cùng họ tìm ra giải pháp hai người có thể phối hợp để làm việc tốt hơn, thay vì ôm sự bức tức vào mình mà không chịu chia sẻ.
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại không đúng, đây có thể là lúc để bạn thay đổi. Đừng vội vàng nghỉ việc nếu bạn chưa có một kế hoạch phát triển rõ ràng, hoặc có một quỹ dự phòng khẩn cấp về tài chính. Bạn có thể dành thời gian khám phá điểm mạnh và điểm yếu của mình qua các bài trắc nghiệm tính cách. Bạn cũng có thể khám phá xem mình đang tìm kiếm các tiêu chí gì trong công việc liên quan đến mức lương, con người, môi trường. Trong quá trình khám phá bản thân này, nếu vẫn còn có sự hoang mang, bạn có thể đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng mình. Định hướng nghề nghiệp là một hành trình dài, bạn có thể bắt đầu ngay từ công việc hiện tại của mình. Xây dựng một kế hoạch rõ ràng và có các phương án dự phòng rủi ro là cách có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng kiệt sức tạm thời.