Nếu bạn tìm hiểu một chút tình hình kinh tế, chính trị, tài chính – không khó để nhận ra chúng ta đang bắt đầu một thời kỳ khủng hoảng mới. Rất nhiều dự đoán cho thấy năm 2022 mới chỉ là điểm bắt đầu, 2023 – 2024 có thể là thời điểm khủng hoảng nặng nề hơn. Biểu hiện của khủng hoảng ảnh hưởng tới từng cá nhân chúng ta là khi bạn thấy vật giá xung quanh tăng (tô phở 40K thành 50K, gói mì 7K thành 10K), các công ty cắt giảm nhân sự hàng loạt do làm ăn thua lỗ hoặc tái cấu trúc. Trong thời điểm của bài viết này, Meta (công ty mẹ của Facebook) mới cho cắt giảm 11,000 nhân sự.
Khủng hoảng là câu chuyện lớn, nhiều thứ cùng tác động tạo nên sự khủng hoảng đó. Một mình cá nhân chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn cũng không thể thay đổi được khủng hoảng. Với tư cách mỗi cá nhân, là một người lao động, mình nghĩ rằng chúng ta hãy kiểm soát những gì bản thân có thể kiểm soát được để tạo sự ổn định cho nghề nghiệp của bản thân. Một cá nhân có sự ổn định trong nghề nghiệp là bớt một gánh nặng cho xã hội. Một doanh nghiệp có nhiều cá nhân ổn định nghề nghiệp sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn. Một đất nước có nhiều doanh nghiệp có những cá nhân hiểu rõ bản thân và có mục tiêu rõ ràng là một đất nước có nhiều tiềm năng phát triển.
Vậy ngay ở thời điểm này, mỗi cá nhân chúng ta cần làm gì để đón đầu cho cơn bão khủng hoảng đã, đang và sắp sửa đi qua?
1/ Review lại bản thân, hiểu rõ điểm mạnh mũi nhọn của mình ở đâu
Tuy rằng khủng hoảng có thể khiến các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ sa thải tất cả mọi người. Ngược lại, thời điểm khủng hoảng là thời điểm các doanh nghiệm chọn giữa lại những nhân tài có giá trị nhất với công ty, người có thể đóng góp nhiều nhất, đúng chức năng nhất những gì mà công ty đang cần ở thời điểm này.
Để trở thành một người như vậy, bản thân mỗi cá nhân chúng ta cần dành thời gian review lại quãng đường đi làm một vài năm qua của bản thân. Thông qua hoạt động viết lại CV, bạn hãy xem từ khi bắt đầu lên đại học đến thời điểm hiện tại bạn đã trải qua những công việc gì? Đâu là những công việc bạn thích? Đâu là những kỹ năng thế mạnh của bạn? Một vài thành tích bạn cảm thấy tự hào nhất là gì? Tất cả đáp án của những câu hỏi trên cần được thể hiện trong CV của bạn.
2/ Xây dựng các mối quan hệ chất lượng cả trong và ngoài lĩnh vực bạn đang làm việc
Hãy tưởng tượng một cách đơn giản, khi khủng hoảng xảy ra, các công ty sẽ cắt giảm một phần ngân sách không cần thiết – trong đó có ngân sách của việc tuyển dụng. Điều đó có nghĩa tuyển dụng lúc này ưu tiên từ các mối quan hệ, thay vì bỏ tiền cho các đơn vị tuyển dụng như trước. Hiểu được điều này bạn sẽ hiểu rằng việc xây dựng những mối quan hệ chuyên nghiệp ngay từ thời điểm này là rất quan trọng. Hãy tự đặt câu hỏi này cho bản thân, nếu bây giờ bạn thông báo cho thế giới biết “Tôi muốn tìm việc“, bao nhiêu người trong mối quan hệ hiện tại biết bạn muốn tìm việc gì và có thể giới thiệu được công việc cho bạn? Những người đó chính là những người trong mối quan hệ chuyên nghiệp.
Nếu bạn là một người hướng nội, ngại đi ra ngoài giao tiếp, một trong những cách để ở nhà mà vẫn xây dựng được các mối quan hệ chuyên nghiệp là thông qua mạng xã hội LinkedIn.
3/ Tập làm quen với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống
Trong thời gian khủng hoảng hiện nay, mọi thứ bất ngờ đều có thể xuất hiện trong cuộc sống và công việc của bạn. Có thể đầu năm bạn vẫn còn cùng công ty bàn luận những câu chuyện đường dài, đến giữa năm bạn đã nằm trong nhóm danh sách sa thải là chuyện hoàn toàn thường tình. Chính vì vậy để tồn tại tốt trong khoảng thời gian này, bạn cần rèn luyện cho bản thân một tinh thần sẵn sàng với mọi sự thay đổi. Chúng ta không kì vọng cuộc sống sẽ mãi ổn định. Chúng ta không kì vọng những mục tiêu kế hoạch mà chúng ta đặt ra sẽ luôn đi đúng đường. Chúng ta phải có kế hoạch B, thậm chí kế hoạch C. Mà kể cả việc kế hoạch B hay C đổ vỡ, chúng ta cũng không ngạc nhiên vì chuyện là như vậy.
4/ Suy nghĩ về việc mình có thể làm gì tốt hơn cho công việc hiện tại?
Như đã chia sẻ ở trên, khi khủng hoảng xảy ra, những người làm việc tốt hơn, đóng góp nhiều hơn là những người có nhiều cơ hội được công ty giữ lại hơn. Thông thường có những người đã đi làm lâu năm, quen tay quen việc khiến chúng ta quên mất việc phải cố gắng hơn nữa, dần dần khiến cho chúng ta bị thụt lùi so với thế hệ trước. Ví dụ thế hệ 8x, 9x hiện nay khi đi làm nếu không chịu khó cập nhật những kiến thức mới thì rất dễ bị thụt lùi bởi sự năng động và giỏi của các em Gen Z. Một số việc bạn có thể suy nghĩ để cải thiện công việc của mình tốt hơn là:
- Công việc này đóng góp gì cho bức tranh chung của công ty?
- Mình có thể làm gì để quy trình hoá các bước trong công việc này, giúp công việc nhanh hơn?
- Mình có thể làm gì để hỗ trợ các phòng ban, bộ phận khác trong công ty?
- Mình có thể ứng dụng phần nào công nghệ trong công việc đang làm để công việc xử lý tốt hơn không?
5/ Ổn định kinh tế trước khi bắt đầu một sự thay đổi
Nếu bạn đang có ý định nghỉ hoặc đổi việc, hãy chắn chắn mình có một khoản tiền mặt ổn định trước khi nghỉ. Một khoản ổn định theo khái niệm quỹ khẩn cấp trong tài chính cá nhân ở đây tương đương 3-12 tháng chi tiêu thông thường của bạn. Nếu bạn đang chi tiêu mỗi tháng 10 triệu, bạn nên có 30 – 120 triệu tiết kiệm trước khi nghỉ việc. Khoản tiền mặt này giúp bạn sống tốt, có thời gian suy ngẫm và chuẩn bị các bước tiếp theo để tìm việc tốt hơn.
6/ Chăm sóc tốt cho sức khoẻ tinh thần và thể chất của bản thân
Giữa lúc khủng hoảng thế này, rất dễ để mỗi người chúng ta rơi vào trạng thái sợ, từ nỗi sợ này khiến cho chúng ta gặp phải những vấn đề như lo âu, stress, từ đó khiến chúng ta không thiết tha ăn uống. Những việc này gây tác động rất xấu đến sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình. Khi tinh thần mệt mỏi và sức khoẻ không đủ tốt, tự nhiên chúng ta cũng sẽ có những quyết định không tốt. Vậy nên dùng có khủng hoảng hay không khủng hoảng thì bạn vẫn nên:
- ăn uống đủ bữa, đủ chất, dùng ứng dụng MyFitnessPal để theo dõi bữa ăn;
- thực hành thiền định, hít thở, dùng ứng dụng Headspace để thiền;
- tập thể dục hoặc vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày để có sức khoẻ;
7/ Trò chuyện cùng người khác
Bạn có thể là người rất giỏi đưa ra lời khuyên với người khác nhưng việc của mình lại không giải quyết được, rối như tơ vò, đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Đó là lý do việc trò chuyện với người khác về vấn đề nghề nghiệp của bản thân cũng là một cách để bạn vượt qua phần nào khủng hoảng. Bạn có thể tìm một người Mentor hoặc một Career Coach để trò chuyện, giúp bạn gỡ rối hơn trên con đường nghề nghiệp.
Nếu bạn đang cần tìm một người Career Coach có khả năng lắng nghe và đưa ra những giải pháp phù hợp, bạn có thể đặt lịch cùng Tuấn Anh tại đây.