Tại sao mình chưa tìm được việc, dù hồ sơ mình không đến nỗi tệ, mình cũng rải đơn đi nhiều nơi, bạn bè mình thì có vẻ là dễ dàng trúng tuyển vào các công ty hơn.
Mình cảm thấy công việc và công ty hiện tại không phù hợp, mình muốn tìm được công việc và môi trường phù hợp hơn, đúng đam mê sở trường với mình và khiến cho mình hạnh phúc mỗi ngày khi đi làm, giống như nhiều người ngoài kia.
Mình thấy bản thân mình thất bại, kém cỏi, không có gì xuất sắc, không có thành tựu gì nổi bật trong cuộc sống và công việc. Xung quanh mình nhiều người giỏi quá, làm được nhiều việc quá.
Ở trên là 03 trong số rất nhiều những tâm sự khác nhau Tuấn Anh thường gặp trong các buổi tư vấn hướng nghiệp. Vì đây là vấn đề Tuấn Anh thấy xuất hiện ở nhiều bạn hiện nay, mình viết bài viết này chia sẻ một số góc nhìn của mình về 3 sự việc này.
1/ Tại sao mình ứng tuyển chưa thành công?
Câu hỏi này thường xuất hiện ở những bạn nộp đơn nhiều nơi nhưng thường công ty không phản hồi lại, tỉ lệ được gọi phỏng vấn ít. Dần dần từ việc ứng tuyển mãi không được khiến bạn nghi ngờ bản thân, không biết có phải do mình kém hay không mà tìm việc mãi không được?
Ở góc nhìn hướng nghiệp, Tuấn Anh khẳng định rằng không có ai giỏi hay kém khi đi tìm việc. Nếu bạn chưa tìm được công việc ưng ý, rất có thể bạn đang ở trong một trong số các trường hợp sau:
A) Những công việc bạn ứng tuyển chưa đúng với những gì bạn thích, giỏi. Việc này thường xuất hiện từ việc bạn chưa hiểu bản thân hoàn toàn, nên khi viết lên hồ sơ chưa đủ thuyết phục nhà tuyển dụng. Để giải quyết việc này, bạn cần dành thời gian khám phá bản thân trước. Việc này không hề khó, thông qua một số bài test tính cách như Holland, 16Personalities hoặc một vài buổi gặp cùng chuyên gia hướng nghiệp là bạn hoàn toàn có thể hiểu rõ hơn về bản thân.
B) Cách viết hồ sơ của bạn chưa hay. Tức là có những bạn hiểu bản thân rồi, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng khá ổn nhưng cách viết hồ sơ hay cách nói về bản thăn chưa có ổn. Việc này khiến cho bạn chưa cạnh tranh được với những bạn ứng viên ngang ngửa, hoặc có thể kém bạn một chút nhưng viết hồ sơ tốt hơn. Để giải quyết việc này, bạn hãy dành chút thời gian tuốt tát lại thiết kế CV, đọc thêm các bài viết hướng dẫn viết CV của Tuấn Anh để sửa lại cho tốt hơn nhé.
C) Cách tiếp cận tìm việc của bạn chưa đủ. Nếu bạn chỉ đang nộp CV thông qua các tin tuyển dụng thấy được trên Facebook hay qua các trang tìm việc như TopCV, Vietnamwork thì như vậy là chưa đủ. Có nhiều công việc tốt hơn ở những kênh khác nữa. Ví dụ như bạn tìm việc qua mạng lưới headhunter ở LinkedIn. Bạn tham gia các hội thảo, chương trình có sự xuất hiện của người trong công ty bạn quan tâm và kết nối với họ. Bạn tự ứng cử giới thiệu bản thân vào công ty thay vì chờ công ty mở tin tuyển dụng. Bạn có thể đọc kỹ bài viết hướng dẫn các cách tìm việc chủ động tại đây.
Hãy nhớ ứng tuyển chưa thành không phải là vì mình kém cỏi, mà vì phương pháp chưa đúng. Mình tập trung thay đổi phương pháp là được nhé.
2/ Tại sao công việc này không phù hợp với mình?
Nhiều bạn đi làm cảm thấy chán ngán, ngoài việc có lương hàng tháng thì chẳng có động lực gì khác. Mỗi sáng thứ 2 đi làm là một cực hình.
Lại có những bạn công việc khá ổn, khá thành công trong công việc nhưng vẫn cảm thấy có gì đó chưa đủ “phê”, chưa thực sự xem công việc là đam mê. Nguyên nhân do đâu?
Khi bạn nói một công việc không phù hợp với mình, bạn phải xác định rõ công việc đó hợp hay không hợp ở điểm nào. Không có công việc nào hợp hay không hợp 100%, giống như con người không có ai hợp 100% với chúng ta cả. Sẽ có những điểm lệch, vấn đề là chúng ta xác định xem đó là điểm gì, điểm đó có quan trọng với chúng ta hay không.
Trong bài viết “Làm sao biết công việc đó phù hợp với mình?”, Tuấn Anh đã chia sẻ về 7 yếu tố cấu thành sự yêu thích trong công việc bao gồm Kỹ năng, Kiến thức, Lương, Vị trí, Môi trường, Con người và Giá trị. Bạn có thể đọc lại bài viết này để xác định từng yếu tố cho mình. Ở mỗi thời điểm, bạn sẽ đặt một số yếu tố quan trọng hơn yếu tố khác, từ đó dẫn đến quyết định khác nhau trong cuộc sống. Ví dụ mới ra trường bạn đặt tiêu chí Sếp giỏi đầu tiên, khi đã đi làm 3-5 năm có thể bạn sẽ quan trọng lương hơn.
Về vấn đề làm việc ổn, có thành tích nhưng vẫn cảm thấy mệt, rất khó thể bạn đang làm việc sử dụng những kỹ năng không tạo động lực. Những kỹ năng không tạo động lực là những kỹ năng bạn làm tốt, nhưng không thực sự thích. Lý do làm tốt là do làm lâu ngày thì quen. Ví dụ, một bạn học tài chính ra trường làm kế toán 5 năm, mỗi ngày công việc đều như vậy nên bạn xử lý rất nhuyễn. Tuy nhiên, bạn không thực sự thích công việc đó. Vấn đề là sếp thì chỉ quan tâm bạn làm được việc hay không thôi, nên càng làm lâu bạn càng giỏi, càng giỏi thì càng làm nhiều hơn. Mà làm nhiều hơn + không thích sẽ dẫn đến mệt. Điều cần làm là bạn sớm xác định được kỹ năng tạo động lực của bản thân, từ đó tìm kiếm công việc phù hợp. Bạn có thể đặt lịch tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh để Tuấn Anh gửi bạn một bài tập xác định kỹ năng này nhé.
Chốt lại là thị trường việc làm hiện nay rất nhiều công việc, công việc tốt và hợp vẫn đang ngoài kia chờ bạn, vậy nên đừng đắm chìm vào việc lo lắng quá nhé.
3/ Tại sao mình chưa thành công?
Câu hỏi thứ 3 này là một câu hỏi lớn.
Ngoài lý do chủ quan do mình cố gắng chưa đủ, mình chưa may mắn, kiến thức kinh nghiệm chưa đủ thì mình nghĩ rằng câu hỏi này thường đến từ việc chúng ra so sánh bản thân mình với người khác.
Hàng ngày chúng ta tương tác với nhiều người khác nhau, về nhà chúng ta lên mạng cũng tương tác với nhiều người khác. Bản tính con người được dạy là hãy nhìn người khác mà phấn đấu, điều này vô tình tạo cho chúng ta thói quen nhìn vào thành tựu của một người đạt được. Khi chúng ta không đạt được những thành tựu tương tự, chúng ta cảm thấy thất bại.
Câu hỏi phải đặt ra ở đây là: bạn có xuất phát điểm giống người đó không? Xung quanh bạn có những hỗ trợ giống họ không? Bạn có biết mục tiêu cuộc sống của họ là gì không? Nếu câu trả lời toàn là không, tại sao lại lấy thành tựu của người đó để ốp lên của mình?
Lấy ví dụ nhé, mình xuất bản 5 cuốn sách, mình có trang blog triệu views, mình được lên báo – vậy nhìn nhận ở khía cạnh nào đó thì mình thành công đúng không? Tuy nhiên mình không phải giám đốc công ty, mình cũng chẳng làm ở công ty lớn, không có tiền tỉ, không có ô tô, không có nhà – tức là những tiêu chuẩn thành công của xã hội – vậy mình có thực sự thành công hay không?
Chắc bạn cũng hiểu rằng so sánh với người khác thì chẳng hay gì, nhưng vô thức cứ bị như vậy thì phải làm sao? Giải pháp là hãy hướng về bên trong và làm những hoạt động hướng ra cộng đồng thay vì để tôn cái tôi của mình. Mỗi ngày hãy ngồi thiền vài phút hoặc dành thời gian suy ngẫm một mình, đối diện với cái tôi của mình. Khi làm một việc gì đó, hãy suy nghĩ xem việc mình sắp làm có ích gì cho ai, cho xã hội, cho cộng đồng – đừng nghĩ nhiều đến chỉ những ích lợi cho bản thân, tự khắc bạn sẽ bớt so sánh lại.
Ví dụ mình viết nhiều sách, blog, làm Podcast hàng ngày nhưng thực sự mình không để ý có bao nhiêu người xem hay đọc. Mình thường tâm niệm rằng một người đọc và thấy có ích thôi là vui rồi, không quan trọng trăm hay nghìn người. Đấy là lý do mình vẫn cứ viết lách đều đặn, không bị nản khi nhìn thấy ngoài kia có nhiều người thành công.
Trên đây là một vài góc nhìn từ cá nhân và hướng nghiệp cho ba câu hỏi lớn ở tiêu đề, hi vọng sẽ có ích với bạn đọc.