Lĩnh vực Nhân sự được quan tâm nhiều hơn trong một vài năm trở lại đây. Một phần vì các doanh nghiệp chú trọng hơn đến hoạt động nhân sự bài bản, một phần là nhờ rất nhiều các bạn ‘influencers’ (người ảnh hưởng) đang làm các công việc headhunter (săn đầu người) hoặc tuyển dụng chia sẻ về nghề trên các nền tảng Tiktok và LinkedIn. Nhiều bạn học và làm trái ngành hiện tại quan tâm đến lĩnh vực nhân sự nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, vì vậy Tuấn Anh viết bài viết này để chia sẻ đến các bạn những bước một người trái ngành cần chuẩn bị để bước chân vào nghề nhân sự.
Một chút về bản thân mình: Tuấn Anh sắp tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị nhân sự, đã từng làm việc tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực tuyển dụng nhận sự (TopCV) và có nhiều năm làm công tác định hướng nghề nghiệp, đặc thù công việc tiếp xúc và gặp gỡ nhiều với các bạn/anh/chị làm công tác nhân sự tại các doanh nghiệp.
1/ Hiểu đúng và hiểu đủ về đặc thù của nghề nhân sự
Những thế hệ khác nhau đang có những hiểu nhầm khác nhau về công việc ngành nhân sự.
- Những người thuộc thế hệ lớn (6x-7x-8x) thường gắn nghề “nhân sự” với “hành chính nhân sự”. Hiểu nhầm này xuất phát từ đặc thù công việc và công ty mà thế hệ người lớn đã và đang làm việc. Trước đây tại doanh nghiệp công tác nhân sự tập trung chủ yếu vào các vấn đề hành chính như hợp đồng, lương bổng, chính sách lao động, chưa chú trọng nhiều đến các công tác phát triển nhân tài, đào tạo…
- Những người thuộc thế hệ trẻ (9x-2k) bây giờ lại có hiểu nhầm về làm nhân sự tức là làm tuyển dụng. Nhiều bạn đang hiểu rằng làm nhân sự là làm công tác tìm người tài về công ty, lọc CV, phỏng vấn. Đúng rằng tuyển dụng là một phần công việc của nhân sự, tuy nhiên công việc nhân sự vẫn còn rất nhiều phần khác như chính sách phúc lợi (C&B), đào tạo (L&D), phát triển nhân tài (development), hành chính (admin), văn hoá doanh nghiệp (employee engagement) và nhiều mảng khác.
Vì những hiểu nhầm có trên, để bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nhân sự, bạn nên dành thời gian để tìm hiểu đúng và đủ công việc và các chức năng khác nhau của công việc này. Nếu bạn khá tiếng Anh, bạn lên Google tìm từ khoá “human resource management” sẽ cho ra rất nhiều các bài đọc. Hoặc bạn có thể tiếp tục đọc bài viết này và tham khảo các tài liệu tiếng Việt chia sẻ bên dưới.
Hiểu một cách đơn giản, một bộ phận nhân sự chuyên nghiệp trong một công ty lớn có thể bao gồm 7 chức năng sau:
- Tuyển dụng và giữ chân nhân tài (recruiting, retaining)
- Gắn kết nhân viên (employee engagement)
- Quản lý hiệu suất (performance management)
- Lương bổng và phúc lợi (compensation &/ benefits)
- Phát triển và đào tạo (development & training)
- Quản trị rủi ro, an toàn lao động (risk management, health & safety)
- Kiểm toán và tuân thủ pháp luật (audits and legal compliance).
2/ Người có tính cách như thế nào hợp với nghề nhân sự?
Vì những hiểu nhầm kể trên mà cũng sinh ra những hiểu nhầm về mặt tính cách nào là phù hợp với công việc nhân sự. Ví dụ, người đang xem nghề nhân sự là “hành chính nhân sự” thì nghĩ rằng những người làm nhân sự cần có sự tỉ mỉ, chi tiết, ít nói, làm việc với giấy tờ nhiều. Trong khi đó, người đang hiểu nghề nhân sự là “tuyển dụng” thì cho rằng người làm nhân sự phải hướng ngoại, giỏi nói trước đám đông, giỏi thấu hiểu cảm xúc người khác. Vân vân.
Thực tế là những kiểu tính cách khác nhau có thể làm các công việc khác nhau trong lĩnh vực nhân sự. Bạn có thể tham chiếu bài trắc nghiệm tính cách Holland để biết tính cách của mình thuộc nhóm nào trong 6 nhóm và với tính cách đó thì phù hợp với công việc nào. Ví dụ:
- Người thích Nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi có thể hợp với công việc Phát triển và đào tạo (development & training), nghiên cứu và viết ra các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp.
- Người thích Xã hội – Nghệ thuật, tức những người thích tương tác với người khác, có khả năng ăn nói tốt, thấu hiểu cảm xúc có thể phù hợp với các công việc bên mảng Tuyển dụng, gắn kết nhân viên.
- Người thích Nghiệp vụ, tức những người tỉ mỉ, cẩn thận, giỏi sắp xếp tổ chức có thể phù hợp liên quan đến Lương bổng, phúc lợi, hành chính, luật lệ.
3/ Xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp trong lĩnh vực nhân sự
Sau khi bạn đã tìm hiểu rõ về các công việc khác nhau trong ngành nhân sự cũng như biết được tính cách của mình phù hợp với mảng nào trong nhân sự rồi, việc tiếp theo bạn cần làm là xây dựng mạng lưới quan hệ với những cá nhân đang làm trong lĩnh vực nhân sự. Việc xây dựng mạng lưới quan hệ này giúp bạn học hỏi từ những người đi trước và có cơ hội được giới thiệu việc làm liên quan đến lĩnh vực nhân sự. Bạn có thể xây dựng mạng lưới quan hệ bằng việc tham gia các sự kiện trực tiếp, hoặc kết nối với mọi người trực tuyến trong các cộng đồng. Một số cộng đồng và các cá nhân đang làm nhân sự nổi bật trên thị trường đó là: (lưu ý danh sách này sắp xếp ngẫu nhiên, không theo thứ tự ưu tiên, cũng không phải quảng cáo)
- Cộng đồng VNHR (https://vnhr.vn/) là một trong những cộng đồng lớn và có tiếng trong giới nhân sự với nhiều các anh chị có thâm niên nhiều năm trong ngành, tham gia cộng đồng bạn có cơ hội học tập và kết nối.
- Nhóm Facebook HRShare (https://www.facebook.com/groups/hrlinkvn/) và Chuyện nghề nhân sự (https://www.facebook.com/groups/NGHENHANSU) đều có hơn 100K thành viên, thường chia sẻ và giải đáp các câu hỏi liên quan đến công việc này. Bạn cũng có thể gõ vào thanh tìm kiếm Facebook chữ “nhân sự” và tìm ở phần nhóm cho ra rất nhiều nhóm khác. Bạn có thể làm tương tự với LinkedIn.
- Một số cá nhân đang làm công tác nhân sự nổi bật và thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội:
- Hà Nguyễn: https://www.facebook.com/hanguyenhrmtiktoker
- Jane Nguyen: https://www.linkedin.com/in/janenguyen2/
- Adele Doan: https://www.linkedin.com/in/adeledoan/
- Bùi Đoàn Chung: https://www.linkedin.com/in/buidoanchung/
- Trang Nguyen: https://www.linkedin.com/in/trangnguyen-rose/
- Trang Đàm: https://www.linkedin.com/in/dam-thi-thu-trang/
Nói chung là, hãy làm sao để một ngày mở Facebook, Youtube, Tiktok và LinkedIn của bạn thấy ngập tràn tin tức về ngành nhân sự, như vậy là bạn đang bắt đầu xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp tốt.
4/ Phát triển các kĩ năng chuyển đổi từ công việc cũ sang công việc nhân sự
Nhiều bạn lo lắng rằng nếu mình chuyển từ một công việc lĩnh vực khác sang ngành nhân sự thì nghĩa là mình bắt đầu từ con số 0, vậy mình phải làm sao?
Về kiến thức, bạn cần phải học các khoá học về nhân sự, tự đọc sách tìm hiểu thêm. Tuấn Anh sẽ giới thiệu một số sách và khoá học ở dưới.
Về mạng lưới quan hệ, bạn làm theo hướng dẫn ở trên.
Về kĩ năng làm việc, nếu bạn đã đi làm 1-5 năm tại doanh nghiệp, chắc hẳn bạn sẽ có những kĩ năng chuyển đổi để sử dụng trong công việc tại nhân sự. Kĩ năng chuyển đổi là những kĩ năng có thể được sử dụng tại nhiều ngành nghề khác nhau. Lấy ví dụ:
- Kĩ năng truyền thông, marketing => có thể sử dụng trong việc hỗ trợ tuyển dụng, tìm ứng viên hiệu quả.
- Kĩ năng bán hàng, tư vấn khách hàng => có thể sử dụng trong việc tư vấn tuyển dụng, phỏng vấn.
- Kĩ năng trợ lý, hỗ trợ văn phòng => có thể sử dụng trong các công việc liên quan đến hành chính, phúc lợi đòi hỏi sự tỉ mỉ.
Dưới đây là danh sách một số các kĩ năng lõi cần có và nên có của một người làm nhân sự:
- Phân tích và thấu hiểu
- Quản trị thương hiệu
- Kĩ năng giao tiếp
- Kĩ năng tạo ảnh hưởng, thuyết phục
- Kĩ năng quản trị sự thay đổi
- Giải quyết vấn đề
- Hiểu biết đa ngành
- Sử dụng công nghệ
5/ Các sách và khoá học để tìm hiểu thêm về nghề nhân sự
Như đã nói ở trên, nếu khá tiếng Anh, bạn chỉ cần lên Google và gõ “human resources management” sẽ cho ra rất nhiều bài đọc và khoá học có ích. Nếu bạn đang tìm kiếm các tài liệu tiếng Việt, dưới đây là gợi ý cho bạn (lưu ý, link có gắn affiliate nhưng nội dung đã được Tuấn Anh trải nghiệm và thấy tốt):
Sách tìm hiểu nghề nhân sự
- Nghề Nhân sự Việt (https://shope.ee/4ATDJgWThk) là một cuốn sách của cộng đồng VNHR, được viết bởi nhiều tác giả. Bạn đọc để có kiến thức đa chiều, cũng như biết được thêm những gương mặt nổi bật trong ngành Nhân sự.
- Phương pháp quản lý mục tiêu và đánh giá nhân sự theo MBO (https://shope.ee/7UjfHvqE9C) là một mô hình được nhiều công ty đang sử dụng, bạn đọc sách này để hiểu hơn về công cụ MBO và cách ứng dụng và hoạt động nhân sự trong công ty.
- Người trong muôn nghề (https://shope.ee/7UjfHvqE9C) giúp bạn hiểu nhiều hơn về các nghề khác nhau trong khối kinh tế. Làm nhân sự không chỉ cần biết về nghề nhân sự, sự hiểu biết đa ngành giúp bạn dễ thấu hiểu nhân viên hơn.
- Định vị bản thân (https://shope.ee/6Ur86GTSFO) là một cuốn sách của Tuấn Anh viết hướng dẫn các bạn cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Có nhiều bạn influencer trên các nền tảng mạng xã hội đã đọc và ứng dụng hiệu quả nội dung sách này.
Các khoá học về nhân sự
- Nghệ thuật quản trị (https://shorten.asia/psQaqvYE) của giáo sư Phan Văn Trường là một khoá học online rất hay giúp bạn hiểu về cách quản trị và xây dựng văn hoá doanh nghiệp, làm việc với C-Level.
- Xây dựng và quản trị đội ngũ bằng công cụ Enneagram (https://shorten.asia/Bh86zK5D). Đây là một công cụ được nhiều công ty lớn đang sử dụng để giúp nhân viên hiểu về bản thân và tương tác với người khác tốt hơn.
- Chuyên gia về hợp đồng lao động (https://shorten.asia/Jj6S9DZR), giúp các bạn nào đang muốn làm bên mảng hợp đồng, hành chính cập nhật kiến thức bài bản, chuẩn pháp luật Việt Nam.
Hi vọng sau bài viết này, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về nghề nhân sự, tự tin hơn để chuyển từ lĩnh vực hiện tại sang công việc nhân sự. Nếu còn băn khoăn, lo lắng về con đường nghề nghiệp sắp tới, hoặc đang không viết hồ sơ CV sao cho tốt, bạn hãy liên hệ Tuấn Anh tại đây nhé: https://anhtuanle.com/tuvan/