Khi mình làm công việc tư vấn hướng nghiệp tại Hướng Nghiệp Hồn Việt, có rất nhiều những chàng trai cô gái tìm đến tư vấn với một mong muốn ‘rất nhỏ’ rằng sau khi tư vấn sẽ chọn được một nghề phù hợp với mình cả đời. Hay nói cách khác, anh tư vấn làm thế nào thì làm, phải giúp em đưa ra một quyết định đúng 100% mới được. Không được như thế thì trả tiền em về.

Với những trường hợp như thế này, mình thường chia sẻ đến các em hai lý thuyết hướng nghiệp rất dễ hiểu và hay ho đó là ‘Đường cong chữ S’ (The ‘S’ Curve) và ‘Ngẫu nhiên có kế hoạch’ (The Planned Happenstance). 

‘Đường cong chữ S’ được định nghĩa bởi một ông lý thuyết gia người Anh tên là Charles Handy vào năm 1994, nói rằng những thay đổi trong cuộc sống (life transition) của chúng ta được minh họa giống như một chữ S nằm ngang vậy, có lúc lao xuống, có lúc lao lên – chứ không phải một đường thẳng. Chúng ta cứ nghĩ rằng cuộc đời mình là một đường thẳng, học hết cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi xong đại học rồi đi làm, thăng chức, nghỉ hưu rồi xuống lỗ. Nhưng tiếc là cuộc đời đâu có như vậy, sẽ có những biến cố lên voi xuống chó mà ta chẳng thể nào biết trước được.

thuc-te-anhtuanle

Từ chuyện đường cong chữ S ở trên, mình mới nối nó qua chuyện Ngẫu nhiên có kế hoạch. Cái gì mà kì cục vậy? Đã ngẫu nhiên rồi thì làm sao có kế hoạch được nữa? Nói chung là thế này: thuyết Ngẫu nhiên có kế hoạch (Planned Happenstance) của Krumboltz & Levin mặc cho mọi chuyện có thể xảy ra ngẫu nhiên không ngờ, nhưng nếu ta luyện được những tính cách cần thiết để chuẩn bị cho những vấn đề không ngờ đó, thì dù cái ngẫu nhiên đó có xấu đến đâu, ta cũng sẽ vượt qua được hết.

Vậy để trả lời cho câu hỏi Làm sao để ra quyết định nghề nghiệp đúng 100%? trong một xã hội đầy những cái ngẫu nhiên và như chữ S nằm ngang thế này, các bạn trẻ hãy chuẩn bị những tính cách như sau:

1. Curiosity (Luôn tò mò để tìm hiểu đủ thông tin)

Để ra một quyết định đúng, việc đầu tiên cần làm là phải nghiên cứu thật nhiều thông tin bổ trợ đằng sau. Nếu mà bạn quyết định đến hoặc đi một công ty nào đó mà không có đủ công ty – ví dụ như ra nhập một công ty vì lương cao nhưng chưa hiểu văn hóa công ty đấy – thì rất dễ bạn sẽ thất vọng khi thấy sự khác biệt đấy.

Việc bỏ ra thêm thời gian để tìm hiểu thông tin về một công ty sẽ giúp cho bạn bớt đi nhiều khả năng tiếc cái này cái kia khi đã vào làm. Cá nhân mình đã gặp rất nhiều bạn trẻ chỉ vì áp lực ‘phải có việc làm’ mà vội nhảy bổ vào một nơi, sau rồi thử việc vài tháng lại chán, rồi lại áp lực nhảy vào nơi khác – rồi lại chán. Vòng quay cứ thế lặp lại mãi.

Bài viết này là một vài gợi ý của mình về những thông tin bạn có thể tìm về công ty mà bạn đang quan tâm. 

2. Optimism (Phải lạc quan và bình tĩnh)

Mỗi khi phải lựa chọn là ta phải tốn năng lượng. Lựa chọn càng to thì ta càng mệt, đó là chuyện bình thường của tất cả mọi người. Thế nhưng, nếu ta biết cách giữ cho bản thân ở trạng thái bình tĩnh, tâm an, tinh thần khỏe khoắn nhất có thể, ta có thể giảm bớt đi vài phần trăm những quyết định sai. Vì khi tinh thần ta ổn đinh, ta ít có khả năng đưa ra những quyết định dựa trên cảm tính hay cảm xúc hơn. Giống như kiểu lúc đang cáu thì gào lên ‘Chia tay đi!’ xong về đến nhà lại khóc rấm rứt giá như lúc ấy mình bình tĩnh hơn ấy.

Có rất nhiều cách để giúp bản thân bình tĩnh, ví dụ như đi học một khóa học về tâm lý, đi ra ngoài gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn, tập thiền qua những ứng dụng như Headspace hoặc một số cách khác như mình viết ở đây. Nói chung nguyên tắc nhanh để giữ bình tĩnh đó là, loại bỏ hết tất cả suy nghĩ trong đầu và tập trung vào hơi thở, làm vậy càng lâu càng tốt.

3. Flexibility (Mở rộng các lựa chọn nghề nghiệp ra)

Đôi khi vì chưa tìm hiểu kĩ, chúng ta thường bị giới hạn bởi những lựa chọn nghề nghiệp ít ỏi trong đầu chúng ta. Ví dụ, gần đây mình có một bạn khách hàng học sư phạm nhưng không thích làm giáo viên, lại có rất nhiều hiểu biết về mỹ phẩm. Bạn cứ băn khoăn hoài về chuyện nên đi làm giáo viên cho đúng ngành học và có tiền hay nên theo làm một công ty mỹ phẩm cho thỏa đam mê nhưng lương bấp bênh.

Nhưng đó đâu phải hai lựa chọn duy nhất? Bạn đã thử nghĩ về việc dạy cho những chàng trai cô gái về cách sử dụng những loại mỹ phẩm cơ bản chưa? Hay ví dụ vừa làm công việc đam mê vào ban ngày nhưng bớt chút thời gian buổi tối đi gia sư kiếm thêm tiền chẳng hạn?

4. Listing (Viết ra tốt hơn là nghĩ ngợi)

Có rất nhiều người trong chúng ta là những người rất thích nghĩ ngợi, trong đầu nghĩ rất nhiều, mà trong thuật ngữ hướng nghiệp hay gọi là nhóm Nghiên cứu theo mật mã Holland.

Nếu bạn thấy bản thân mình đang làm một đứa như thế, suốt ngày nghĩ về cái tốt cái xấu của một việc mà chẳng giải quyết được, có lẽ bạn nên tập viết ra. Việc viết ra giấy hay ra đâu đấy giống như là mình đang rót suy nghĩ trong đầu ra ấy, ta sẽ dễ nhìn thấy các lựa chọn để quyết định hơn. Ngoài ra, với những người hay suy nghĩ thì việc viết hay vẽ sẽ giúp họ vận động não phải nghệ thuật nhiều hơn, từ đây bớt suy nghĩ hơn.

5. Thay đổi góc nhìn

Đây là thứ quan trọng nhất mà mình muốn chia sẻ với các bạn trong việc ra quyết định và cả sau đó nữa. Ta thường tốn nhiều năng lượng để suy nghĩ xem lựa chọn nào là ‘the best’ – tốt nhất đúng không? Mỗi khi như vậy ta hãy dừng lại, suy nghĩ đơn giản một chút, nhắc nhở bản thân mình là – không có lựa chọn nào là đúng cả cuộc đời cả, chỉ có những lựa chọn tạm thời phù hợp ở thời điểm đó thôi.

Chúng ta không phải máy, chúng ta không hoàn hảo – vậy nên chúng ta có quyền quyết định sai. Thi thoảng quyết định sai nhưng nhờ đó mà ta mới biết đâu là đúng. Việc tiếc nuối, dằn vặt bản thân chỉ tổ làm cho ta tốn năng lượng hơn, mà cũng chẳng giúp ta làm cho việc tốt hơn tí nào.

 

Tổng kết lại là, thật ra chẳng ai có thể cam kết với bạn rằng bạn có thể ra một quyết định nghề nghiệp đúng 100% cả. Và mình cũng cam đoan, chẳng ai dám mạnh miệng nói rằng họ 100% thấy công việc hoàn toàn phù hợp với họ đâu. Công việc nào cũng có cái hay, cái chưa hay, với những bạn sinh viên mới ra trường, một công việc phù hợp khoảng 60-70% những gì mà ta đang tìm kiếm là tốt lắm rồi đó.

Tài liệu tham khảo:

4 bình luận cho “Làm sao để ra quyết định nghề nghiệp đúng 100%?”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: