Tâm tư ở tiêu đề bài viết này là nỗi niềm hướng nghiệp của nhiều bạn mà Tuấn Anh gặp trong thời gian gần đây. Sự hoang mang này đến từ việc nhìn những người xung quanh ‘có vẻ’ thành công và rất kiên định với nghề của họ, trong khi bản thân mình cứ loay hoay chưa biết phải đi theo con đường nào.
1. Em không cần phải đi duy nhất một đường
Thực tế có rất nhiều người chưa biết đam mê của mình là gì, chưa chọn được nghề theo đuổi suốt đời, nhưng vẫn ổn. Cái ổn ở đây đến từ những lý do:
Công việc đang làm khiến họ VUI ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI. Hãy để ý hai từ được viết IN HOA. Những người “thích đủ thứ” là những người dễ vui với nhiều kiểu công việc khác nhau, và cũng dễ nhanh chán. Niềm vui có thể đến từ nhiều lý do, không nhất thiết phải là tên một công việc. Có thể khi mới ra trường, điều khiến mình vui là được làm cùng sếp giỏi. Khi đã đi làm một vài năm, niềm vui đến từ lương cao. Khi đã có gia đình, vui nhất là được làm gần nhà. Vì vậy, thay vì tìm xem nghề nào để đi suốt đời, bạn hãy đổi mục tiêu sang tìm xem tiêu chí nào làm mình vui ở thời điểm hiện tại. Công việc nào trong số những công việc mình đang có cơ hội đáp ứng được niềm vui đó.
Công việc đó không SAI quá NHIỀU. Lại hãy để ý đến hai từ IN HOA. Có thể bạn chưa biết được đâu là lựa chọn đúng bây giờ, nhưng bạn có thể thử ngồi xuống ngẫm nghĩ lại những trải nghiệm trong quá khứ xem đâu là những tiêu chí sai với mình. Sai tức là những yếu tố trong công việc trước đây làm bạn khó chịu và không muốn gặp phải khi tìm việc mới. Công việc giấy tờ số má quá nhiều trong khi mình là người thích nói – SAI. Công việc phải làm việc nhóm quá nhiều, trong khi mình thích một mình – SAI. Hãy liệt kê càng nhiều càng tốt những cái sai trong công việc trước, và cố gắng tránh được càng nhiều càng tốt những điểm đó trong công việc mới. Hãy lưu ý, bạn không thể tránh được tất cả, công việc nào cũng sẽ có những đầu việc bạn không thích, tuy nhiên nếu điều đó vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được thì không sao.
Em đừng lo lắng quá khi thấy mình vừa thích Marketing, Nhân sự cũng hay mà Giáo dục cũng thú vị. Nghe qua có vẻ là những nghề khác nhau, nhưng thực chất đều nằm chung trong nhóm “con người”. Dù em có làm chọn làm Marketing nhưng sau này đổi ý muốn chuyển qua Nhân sự, em vẫn có thể hoàn toàn đổi được. Khi đó, em đã có sẵn những kỹ năng “chuyển đổi” – tức là kỹ năng có thể mang từ nghề này sang nghề kia, chứ không phải bắt đầu từ số 0. Ví dụ, khi em làm Marketing em thường tổ chức sự kiện, kỹ năng tổ chức sự kiện đó có thể vẫn mang sang làm nhân sự tuyển dụng được. Chính vì vậy, đừng quá lo lắng về việc “lỡ mình sai phải bắt đầu lại từ đầu”, hãy dành tâm trí đó suy nghĩ xem có những kỹ năng nào mà tất cả lĩnh vực mình đang quan tâm đều cần dùng đến, mình dành thời gian trau dồi phát triển những kỹ năng đó.
2. Nếu đã chọn, hãy tạm ngưng ngó nghiêng xung quanh
Dù có lo lắng thế nào, đến một thời điểm nào đó em vẫn phải ra quyết định. Tất nhiên, có thể quyết định đó của em không phải là quyết định em thực sự hài lòng nhất, và cũng chưa biết tương lai có thể thay đổi như thế nào, nhưng hãy có niềm tin rằng đó là quyết định phù hợp nhất với em ở thời điểm này.
Khi đã đưa ra quyết định, hãy tạm đóng lại những sự ngó nghiêng xung quanh của em. Là người “thích đủ thứ”, em sẽ rất dễ bị tác động bởi những thông tin xung quanh, đặc biệt là những thông tin hay ho. Ví dụ em đã chọn Marketing, nhưng lên mạng thấy mọi người nói về nghề Nhân Sự hay quá, em sẽ càng dễ hoang mang lo lắng và cảm thấy không chắc chắn về lựa chọn của mình.
Vậy nên nếu đã đưa ra quyết định thử một lĩnh vực, em hãy bỏ ra ít nhất 6 tháng, hoặc tốt hơn là 1 năm trở lên để toàn tâm toàn ý nghiên cứu cho lĩnh vực đó. Bỏ theo dõi các nghề khác trên mạng xã hội, tập trung theo dõi những người đang làm nghề mình làm. Bỏ tham gia các chương trình định hướng nghề nghiệp, tập trung tham gia các chương trình hội thảo ngành mình làm. Bỏ đọc những sách về “đam mê”, tập trung đọc các sách về kỹ năng kiến thức của ngành mình. Hãy đặt cho mình một deadline làm việc này, sau 6 tháng hay 1 năm, em có thể nhìn lại một lần nữa xem mình có quyết định đi tiếp hay thay đổi không. Đó là cách làm cho em không bị mệt vì phải suy nghĩ quá nhiều.
3. Hãy đưa suy nghĩ ra ngoài, em sẽ dễ tìm thấy đáp án hơn
Khi suy nghĩ cứ ngập tràn trong đầu em, đi kèm với những cảm giác hoang mang, lo lắng, em sẽ không đưa ra được quyết định thấu đáo. Hãy tưởng tượng một ly nước với rất nhiều cát đang bay tứ tung bên trong, muốn có ly nước trong em có 2 cách (1) để ly nước lắng lại cho cát đọng xuống dưới hoặc (2) tìm cách vớt cát ra bên ngoài. Nước giống như tâm trí em, tâm trí muốn trong em cũng cần thực hiện hai cách trên.
Muốn tâm trí lắng lại, em cần thực hiện các hoạt động liên quan đến chánh niệm. Ngồi thiền, thực hành Yoga, đi bộ ngoài thiên nhiên là những cách đơn giản và miễn phí em có thể làm. Tập cho mình đưa suy nghĩ vào việc hiện tại mình đang làm, thay vì nghĩ về một trải nghiệm trong quá khứ hoặc tưởng tượng đến tương lai. Em có thể sử dụng ứng dụng Headspace để được hướng dẫn thiền (tiếng Anh), hoặc đọc thêm sách Search Inside Yourself để biết thêm các kỹ thuật thiền.
Muốn vớt cát hay đưa những suy nghĩ ra bên ngoài, em có thể tập thể dục, viết lách, múa, hát, làm thơ hoặc vẽ tranh. Tất cả các hoạt động có sự tương tác của cơ thể sẽ giúp cho em tạm đưa suy nghĩ ra bên ngoài, từ đó làm suy nghĩ chậm lại, giúp em suy nghĩ thấu đáo hơn. Ngoài ra, vận động cơ thể giúp tăng các chất kích thích giúp em sáng tạo và nghĩ được rõ ràng hơn.
Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp em bớt hoang mang cho những lựa chọn của mình.