Bài viết này dành cho các bạn thấy mình là người “thích nhiều thứ”, đang hoang mang không biết đam mê của mình, sao mình không thích sâu một thứ giống người khác và dễ tự ti, hay so sánh bản thân với những bạn bè đồng trang lứa. Trong bài này, mình giải thích về lý do vì sao bạn có tính cách như vậy, những biểu hiện của tính cách đó và cách giải quyết nếu đang rơi vào những trường hợp đó.

1/ Vì sao có những người thích nhiều thứ?

Có 2 lý do tạo ra những người thích nhiều thứ (có thể chính là bạn vì bạn đang đọc bài này).

Lý do bên ngoài

Đầu tiên là do sự phát triển của xã hội. Thời chúng ta khá xa với thời ba mẹ chúng ta nhiều năm về trước, nhiều ngành nghề để chọn lựa hơn. Ngày xưa bố mẹ quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài công việc như kỹ sư, giáo viên, bác sĩ, kế toán. Bây giờ thì có vô vàn ngành, trong mỗi ngành lại có vô vàn nghề nhỏ. Lấy ví dụ đơn giản trong Marketing thôi đã có Brand, PR, Content, Design, SEO và nhiều nhiều thứ khác nữa. Giữa một rừng các sự lựa chọn mà cái nào cũng hay, có chút bối rối là chuyện hoàn toàn bình thường.

Thứ hai là do sự phát triển của Internet. Nhờ có mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm, chúng ta dễ dàng tìm kiếm được thông tin về các ngành nghề, từ những điểm hay đến điểm không hay. Cũng nhờ có Internet, có nhiều người có thể lên mạng nói về những điều hay ho trong nghề của họ (chúng ta hay nghe nhiều về điều tốt hay là điều chưa tốt). Mà con người cũng kỳ lạ lắm, khi chúng ta đã thích thứ gì rồi, tâm trí chúng ta cứ tập trung vào những mặt tốt đẹp thôi, cố tình bỏ qua những thứ chưa tốt. Thế nên càng lướt Internet nhiều, càng tham gia các chương trình hội thảo nhiều, chúng ta càng bị rối là vì thế. Nhiều thứ hay quá mà.

Kể ra hai điều này để bạn đọc hiểu rằng, chúng ta đang có nhiều cơ hội và nhiều thông tin hơn so với thế hệ trước. Tuy nhiên đứng trước một rừng thông tin như thế, đôi khi chúng ta cần sự tĩnh lặng để suy ngẫm thì mới giải quyết được vấn đề, chút nữa bạn đọc phương pháp số 5 ở phần Cách giải quyết để biết thêm các suy ngẫm trong tĩnh lặng.

Lý do bên trong

Mỗi người chúng ta có một kiểu tính cách khác nhau, không phải tất cả mọi người đều thích nhiều thứ. Các bạn có thể thấy, dù cho những lý do bên ngoài nêu trên vẫn đang diễn ra, có rất nhiều người vẫn kiên định với lựa chọn và con đường đi của họ. Nhóm người này dễ gặp trong các ngành cần sự đào sâu nghiên cứu như Tài chính, Y, Luật… Bạn hãy xem bảng mô tả 6 nhóm tính cách theo Holland ở bên dưới. Hãy đọc thử mô tả 6 nhóm và tự đánh giá xem, bạn thấy mình giống 1-2 nhóm nào nhất? (Xem kỹ hơn giải thích từng nhóm tại đây.)

Nếu bạn thấy mình là kiểu người thích đủ thứ, khả năng cao bạn thuộc một trong 3 nhóm Nghệ Thuật, Xã Hội và Quản lý theo mô hình mật mã Holland ở trên. Những nhóm này thường thích nhiều thứ tại là vì:

  • Bản chất tính cách như vậy. Ví dụ nhóm nghệ thuật là nhóm thích sự đổi mới, làm việc dựa trên cảm hứng nhiều, có thể khi mới bắt đầu một công việc rất hào hứng, nhưng càng làm lâu thấy công việc càng lặp đi lặp lại thì cảm thấy bị chán.
  • Những nhóm này thích việc tương tác với người khác và dễ bị ảnh hưởng bởi người khác. Chính vì vậy, khi nghe người A chia sẻ công việc A mình thấy hay, người B khuyên làm nghề B mình cũng thấy hay, cứ vậy đâm ra cuối cùng không biết chọn cái gì.

Ngược lại, các bạn đi sâu về ngành tài chính, y dược, luật và những ngành tương tự thường có tố chất của Nghiệp Vụ, Nghiên Cứu, họ không có những đặc điểm giống như trên, nên ít rơi vào trường hợp thích nhiều thứ hơn. Tuy nhiên, họ lại có những vấn đề hướng nghiệp riêng, mình sẽ chia sẻ ở một nội dung khác sau.

Thêm vào đó, hoàn cảnh gia đình cũng tác động phần nào đến việc bản thân nhanh chán. Hãy thành thật suy nghĩ thế này, nếu bạn sinh ra trong một gia đình cực kỳ khó khăn phải lo chạy ăn từng bữa, lúc đó mối quan tâm hàng đầu của bạn chắc chắn sẽ là tiền – dù cho công việc đó có thực sự đúng đam mê hay không. Có thể hoàn cảnh gia đình bạn hiện tại không khá giả giàu nứt đố đổ vách, nhưng mình tin đâu đó bạn cũng chưa quá lo về những việc cơ bản như đồ ăn – nơi ở (những nhu cầu cơ bản trong tháp tâm lý Maslow). Chính vì vậy, bạn có nhiều thời gian hơn để lo lắng về “đam mê” hay “sở thích”.

Nói ra những lý do này để bạn đọc hiểu rằng, chúng ta không ai giống ai, mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau, tính cách khác nhau. Chính vì vậy đừng cảm thấy tự ti mặc cảm khi người khác nói rằng “từng này tuổi mà còn đi tìm kiếm đam mê sở thích” hay “sao không ổn định giống mọi người“, bạn nhé. Hãy nhìn nhận rằng à, hóa ra mình khác với người khác vì những điều như vậy.

2/ Người thích nhiều thứ có những lo lắng gì?

Người thích nhiều thứ thường rất hay đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng với Tuấn Anh, và thường mình thấy nhóm các bạn này thường có 3 nỗi lo lắng chính sau đây.

Nỗi lo 1: Cái gì cũng thích không sâu

Đây là những bạn thích rất nhiều công việc ngành nghề, sở thích khác nhau. Ví dụ Tuấn Anh có tư vấn cho một bạn đã đi làm 5 năm, hồi đại học bạn thích học kinh tế, ra trường lại thích Marketing, bây giờ sau 5 năm đi làm bạn lại đang quan tâm đến nhân sự, giáo dục hoặc truyền thông nội bộ.

Nếu bạn đang trong trường hợp này, Tuấn Anh có một số lời khuyên dành cho bạn:

  • Đừng tìm sâu một nghề, hãy tìm kiếm sự hạnh phúc ở thời điểm hiện tại. Ở phần trước bạn đã thấy, đặc tính tính cách của bạn là thích nhiều thứ, nhìn gì cũng hay, không phải kiểu người chỉ thích tập trung vào một việc. Nếu bạn cứ quả quyết phải đi tìm tên một công việc để theo đuổi suốt đời, bạn đang tự làm khó mình và bạn đang theo đuổi mục tiêu của những người khác (những người có tính cách nghiên cứu, nghiệp vụ). Thay vào đó, hãy tìm kiếm niềm vui và sự hạnh phúc. Những người thích đủ thứ thường là những người có khả năng tương tác với con người tốt, có nhiều cảm xúc (nhóm xã hội, nghệ thuật theo Holland), chính vì vậy việc cảm thấy vui vẻ khi đi làm là rất quan trọng với nhóm này. Vậy lần tới khi đi tìm việc, hãy suy nghĩ xem công việc đó có đem lại cho bạn sự vui vẻ, hạnh phúc ở thời điểm hiện tại hay không. Lý do Tuấn Anh dùng chữ “hiện tại” là vì mỗi thời điểm bạn sẽ có những tiêu chí quyết định sự vui vẻ khác nhau. Ví dụ, khi mới ra trường được làm với sếp tốt bạn vui. Khi đã lập gia đình, được làm việc gần nhà không phải OT là vui. Hãy đọc bài này để tham khảo các tiêu chí đó.
  • Bạn có quyền thích nhiều nghề trong một nhóm nghề. Bạn thử nhìn lại xem, những nghề bạn đang thích, có phải nó nằm trong một nhóm nghề hoặc một nhóm tính cách không. Nếu phải, việc bạn thích nhiều nghề là hoàn toàn bình thường. Ví dụ, Tuấn Anh từng thích làm truyền thông, rồi làm giáo viên, làm hướng nghiệp, tư vấn tâm lý, làm nhân sự… Nghe thì có vẻ nhiều và rối, tuy nhiên nếu nhìn nhận lại thì những nghề này đều có đặc tính “con người” và “hỗ trợ người khác”, vậy thì công việc nào cũng đúng cả. Nếu chưa chọn được công việc nào đúng nhất, hãy bắt đầu bằng việc đừng chọn sai. Ví dụ mình không thích số má mà làm kế toán là sai. Mình không phải người cẩn thận mà làm admin là sai.

Nỗi lo 2: Sợ mình thụt lùi so với đám bạn

Mình lấy luôn một ví dụ của một người em nhắn hỏi mình như thế này:

Làm sao bớt mặc cảm vì "đi sau, đi chậm" khi mà ra trường mới theo ngành Thiết kế. Vì trong lúc học ĐH thì bạn cx chỉ là đã trải nghiệm, chứ cx ko tập trung hẳn.

Trong khi bạn bè mà thích design sớm và có năng khiếu đã đi làm từ trong lúc học. Và còn có rất nhiều bạn bè khác học bài bản Thiết kế ở ĐH, có năng khiếu và trải nghiệm đi làm freelance, bây h đã có job ở cty có brand rồi.

Trường hợp trên có lẽ cũng giống tâm tư của nhiều bạn thuộc nhóm thích nhiều thứ. Thật khó chịu làm sao khi bằng tuổi nhau, mình vẫn còn loay hoay tìm xem mình thích gì hợp gì, đứa bạn kia đã lên chức này, làm quản lý nọ, ở công ty to kia.

Tâm lý con người thường thích so sánh với người khác và nhìn vào mặt mình còn thiếu. Ví dụ, thi thoảng mình hay so sánh với mấy đứa bạn học RMIT ngày xưa khi thấy họ đã là chủ doanh nghiệp hoặc vị trí cấp cao của một tập đoàn. Nhưng chính mấy đứa đó khi ngồi tâm sự lại nói với mình rằng, ước gì có nhiều thời gian tập thể dục, viết blog, có thương hiệu cá nhân giống như mình. Sinh viên so sánh với người mới đi làm, người mới đi làm so sánh với sếp, sếp so sánh với sếp to hơn. Vòng quay so sánh cứ tiếp diễn mãi không ngừng.

Bạn có thể ngừng vòng quay so sánh này bằng hai cách. Thứ nhất, hãy hướng sự so sánh vào bên trong của mình. Hôm nay mình đã làm tốt hơn hôm qua chưa? Tuần này mình đã làm tốt hơn tuần trước chưa? Thứ hai, hãy tập thói quen biết ơn những gì mình đang có. Bạn đọc đến mục 5 phần “Cách giải quyết” bên dưới mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về cách thực hành thói quen biết ơn.

Nỗi lo 3: Thấy mình chưa đủ giỏi

Vụ này Tuấn Anh thường gặp ở những bạn đang làm nhóm trưởng, leader của các CLB hoặc những người đã đi làm một vài năm. Những bạn này không phải không biết mình thích gì, nhưng luôn thấy rằng mình có gì đó chưa đủ, cùng là kỹ năng này mà ngoài kia có bao nhiêu người giỏi hơn mình.

Mấy nước phương Tây có một câu đùa rất buồn cười là “there’s always an Asian better than you“, kiểu dù mày làm gì sẽ luôn có thằng châu Á nào đó (thường là Trung Quốc) giỏi hơn mày. Trích dẫn câu đùa này để muốn nói với bạn đọc rằng, thế giới này có rất rất đông người, làm sao chúng ta trở thành người giỏi nhất được? (thật ra là cũng được, nhưng mà hiếm).

Thay vì luôn suy nghĩ đến việc phải trở thành người giỏi nhất, hãy tập dừng ở mức làm tròn nhiệm vụ được giao và làm đúng ở khả năng của mình ở thời điểm hiện tại. Hãy suy nghĩ xem mình có những điểm mạnh gì, có thể kết hợp những điểm mạnh đó ra sao để tạo thành một phiên bản bạn đặc biệt và duy nhất.

Ví dụ, cùng làm hướng nghiệp, Tuấn Anh có các thầy cô/anh chị rất giỏi nghiên cứu, họ nghiên cứu rất sâu, hiểu rất kỹ các mô hình, viết được ra các lý thuyết rất hay. Mình không làm được thế. Hay lại có những người thuyết trình rất truyền cảm hứng, có thể nói trước đám đông cả ngàn người làm họ khóc cười. Mình không làm được thế. Tuy nhiên, mình biết rằng mình có khả năng viết lách tốt và tư duy truyền thông, kết hợp cùng lối sống tối giản và chánh niệm, mình làm hướng nghiệp theo kiểu của mình. Mình là phiên bản duy nhất làm như vậy.

3/ Cần làm gì để bớt lo lắng?

Nói chung thì do thích nhiều thứ nên chúng ta bị hoang mang lo lắng, vậy đây sẽ là một số cách Tuấn Anh muốn bày cho bạn để bớt hoang mang lo lắng.

1/ Hãy làm một việc gì đó để rót suy nghĩ ra bên ngoài. Thường lo lắng đến từ việc chúng ta suy nghĩ nhiều quá. Chính vì vậy khi làm tư vấn hướng nghiệp, Tuấn Anh thường giao bài tập cho bạn đó về nhà làm các hành động rót suy nghĩ ra ví dụ như: tập thể dục, yoga nếu bạn thích vận động, viết Journal nếu bạn thích viết, làm thơ – ca hát – múa nếu bạn thích nghệ thuật. Tất cả đều tốt hết.

2/ Trò chuyện cùng người khác. Có một điều khá thú vị là có khi cùng vấn đề này, chúng ta chưa giúp được bản thân mình nhưng khi bạn bè khúc mắc ta lại cho được nhiều lời khuyên rất hay. Lý do là khi đứng ở góc nhìn thứ ba, chúng ta nhìn rõ và sáng suốt hơn là so với người trong cuộc. Chính vì thế kiếm một đứa bạn tâm sự hoặc thử tưởng tượng một đứa bạn giống mình đang gặp những vấn đề này, bạn sẽ khuyên điều gì?

3/ Khám phá thêm về bản thân. Một con chuột chuẩn bị chạy vào hang tối, nếu nó biết trước trong hang đó có sẵn một cái bẫy chuột đang chờ nó thì nó có thể không chạy vào đó nữa hoặc vẫn chạy vào nhưng biết cách né cái bẫy đó ra. Tâm trí con người giống như cái hang tối đó vậy. Bạn càng hiểu về cách tâm trí và cảm xúc của mình hoạt động, bạn càng có khả năng giải quyết được những vấn đề về hoang mang lo lắng. Đọc sách về chủ đề trí tuệ cảm xúc là một cách để giải quyết việc này, bạn có thể thử tìm cuốn Chatter – Trò chuyện với chính mình.

4/ Chia sẻ những điều mình biết. Lý do Tuấn Anh lập nhóm Viết 100 Từ là để mỗi người hãy chia sẻ một điều gì đó mà bản thân có nhiều kiến thức. Thật ra mỗi người chúng ta đều có những kiến thức nhất định về chủ đề gì đó. Có thể không phải cao siêu về kinh tế, chính trị mà chỉ đơn giản là kiến thức về phim, âm nhạc, cách nuôi chó nuôi mèo, tất cả đều hay. Bạn tập chia sẻ những điều mình biết là một cách để tăng sự tự tin của mình.

5/ Dành thời gian một mình. Bản thân bạn là người hiểu rõ mình nhất, theo những niềm tin tôn giáo và tâm linh, mọi câu trả lời đều có sẵn bên trong bạn rồi. Chỉ là chúng ta bị những thông tin nhiễu mỗi ngày xung quanh làm mờ đi thôi. Chính vì vậy cần phải có thời gian dành cho bản thân để suy ngẫm, từ đó bạn có thể tìm ra câu trả lời. Ví dụ, Tuấn Anh mỗi ngày đều duy trì thói quen thiền 30-60 phút bằng ứng dụng Headspace, thêm với việc viết Journal ghi ra 5 điều bản thân thấy biết ơn trong ngày. Thực sự những lúc thiền và viết Journal là những lúc bản thân cảm thấy sáng suốt và có nhiều ý tưởng hay ho nhất.

LỜI KẾT

Tuấn Anh cũng là người thích nhiều thứ. Tuấn Anh thấy rằng việc thích nhiều thứ là một món quà cuộc sống dành tặng cho mình. Nhờ thích nhiều thứ, mình có thể tận hưởng nhiều thú vui khác nhau. Mình vừa thấy rap rất hay, mà cải lương cũng hay. Mình thấy ở nhà đọc một cuốn sách rất thú vị, mà đi ra Pub làm một ly rượu cũng rất vui. Cái gì cũng hay, điều gì cũng lý thú, cuộc sống thật tuyệt vời.

6 bình luận cho “Nỗi Niềm Hướng Nghiệp Của Người Thích Nhiều Thứ”

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.