Hôm nay trong lúc ngồi thiền, trong đầu mình chợt xuất hiện những suy nghĩ về ‘nỗi sợ’. Con người ai cũng giống nhau, đều có nỗi sợ. Sợ ma, sợ ra đường đụng xe, sợ mất đi người yêu thương, sợ bản thân vô dụng, ti tỉ những nỗi sợ khác nhau. Một trong những nỗi sợ thầm kín của nhiều người đi làm chắc hẳn là mất việc. Nếu ngày mai, hay một ngày nào đó trong tương lai, vì một lý do nào đó – mình mất đi công việc đang ngon lành hiện tại, chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?

Khi có một nỗi sợ xuất hiện, việc cần làm không phải là gạt nỗi sợ đó qua một bên mà nên bình tĩnh đối đầu và đối thoại thẳng với nỗi sợ đó. Mình đã ngồi thiền và suy nghĩ sâu về ‘nỗi sợ mất việc’ và nghiệm ra một vài điều như thế này.

1/ Công việc chỉ là một phần của cuộc sống, không phải tất cả.

Chúng ta dễ để cho những cảm xúc trong công việc lấn át cả những khía cạnh khác trong cuộc sống. Kiểu như là ở chỗ làm vui vẻ đạt KPI thì về nhà ăn gì cũng thấy ngon, nhìn mặt vợ chồng con cái thấy vui vẻ hạnh phúc. Đi làm mà bị sếp mắng, khách hàng chửi, không đủ chỉ tiêu là về nhà mất ăn mất ngủ, nhìn ai cũng thấy khó chịu. Theo mình không nên như vậy.

Bản thân mỗi người nên cố gắng tạo một vạch ngăn, khoảng cách giữa khía cạnh này với khía cạnh kia trong cuộc sống. Công việc là công việc. Thời gian giải trí là thời gian giải trí. Ăn, ngủ là ăn, ngủ. Hạn chế để tâm trạng từ việc này lấn sang việc kia.

Mình biết rằng nói thì dễ, để làm được khó vô cùng. Tuy nhiên không phải là không làm được. Thông qua thực hành thiền định, chánh niệm, chúng ta có thể rèn luyện được sự tập trung tối đa vào từng thời điểm, từng khoảnh khắc, từ đó không bị những suy nghĩ của việc khác lấn át. Ví dụ, nhờ thực hành thiền thường xuyên, khi mình ăn mình tập trung vào món ăn đó – mùi vị ra sao, độ ngon thế nào, tạm gác những bộn bề suy nghĩ của công việc sang một bên, đến giờ làm việc nghỉ tiếp.

Nghĩ sâu hơn về nỗi sợ mất việc, nếu mất việc thì thế nào? Ở khía cạnh công việc, tâm trạng sẽ tồi tệ lắm. Tuy nhiên mình vẫn còn đó thời gian cho bản thân, những người thân yêu xung quanh và một thế giới đầy những thứ để học. Chính vì vậy cùng là thời gian thất nghiệp, có những người ủ rủ tâm trạng, lại có những người tận dụng khoảng thời gian này để làm mới bản thân, học thử một vài thử mới, kết nối lại với những mối quan hệ chất lượng, nói chung là làm bản thân tốt hơn.

2/ Càng có kế hoạch dự phòng, càng cảm thấy yên tâm

Vì sao chúng ta sợ thất nghiệp? Một phần vì sợ không có tiền trả các thể loại hoá đơn tiền nhà, điện nước, cơm ăn mỗi ngày. Một phần khác có thể vì tâm lý thấy bản thân vô dụng khi so sánh với người khác. Khi ngồi nghĩ kỹ về vấn đề thất nghiệp, mình nhận ra rằng nếu một cá nhân khi bước ra đời có được những thứ dưới đây thì vấn đề lo lắng thất nghiệp có thể bớt nhức nhối.

Bố mẹ ổn định. Cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Khi bố mẹ gia đình vui vẻ hoà thuận, tài chính cơ bản, lỡ có thất nghiệp mình vẫn về ăn bám bố mẹ được trong vài tháng, thậm chí cả năm. Yếu tố này thì thuộc về yếu tố bên ngoài, mình không kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu đang có gia đình như vậy, mình nên cảm thấy biết ơn.

Quỹ khẩn cấp. Là một khía cạnh cơ bản trong tài chính cá nhân, mình có đề cập ở bài viết tối giản về tiền một lần. Đại loại là, chúng ta cần một số tiền tiết kiệm bằng khoảng 3-12 tháng chi tiêu của bản thân. Một tháng đang chi tiêu khoảng 10 triệu, nên có tiết kiệm 30-120 triệu. Khi có khoản này trong tay, lỡ có thất nghiệp bất thình lình mà không ‘ăn bám’ được bố mẹ như ví dụ nêu trên, ít nhất mình có trong tay vài tháng tiền để sống. Điều rút ra ở đây là: nếu chưa có quỹ khẩn cấp, bạn nên tiết kiệm ngay đi.

Bảo hiểm. Cũng là một thứ có thể giúp mình yên tâm hơn. Không bắt buộc có, nhưng nên có. Khi thất nghiệp, sợ nhất là phải chi một khoản tiền to. Đột nhiên nằm viện là một khoản tiền to như thế. Vậy nên có bảo hiểm viện phí có thể giúp bớt phần nào nỗi lo tốn tiền khi đang thất nghiệp.

Nhiều công việc khác nhau. Thời này, nếu chịu khó, ngoài công việc chính văn phòng, một người có thể làm thêm một đến một vài công việc khác nhau. Bản thân mình có vài nguồn thu nhập bên ngoài việc đi làm công ty. Tiền nhuận bút sách, tiền hoa hồng giới thiệu sản phẩm, tiền viết nội dung cho các báo, tiền đi dạy, tiền làm quản lý website. Khi có trong tay nhiều khoản thu nhập khác nhau, nỗi lo thất nghiệp cũng ít ít lại. Mất khoản này mình còn khoản khác. Mình có viết một bài về những điều cần có để làm việc tự do nói kỹ hơn về vấn đề này.

Các mạng lưới quan hệ. Cũng giống như có trong tay nhiều công việc khác nhau, việc sở hữu những mối quan hệ chất lượng cũng là một cách để bớt đi nỗi lo thất nghiệp. Mình thường hay lo xa về việc bản thân thất nghiệp vậy thôi, tuy nhiên mình tin khi cần, mình có thể tự quảng cáo bản thân trên LinkedIn để những người trong mạng lưới của mình. Việc bạn có thể làm lúc này: tạo một tài khoản LinkedIn và bắt đầu xây dựng mối quan hệ trên đó.

3/ Sợ là chuyện tương lai, bây giờ cần phải hành động.

Quanh đi quẩn lại, chuyện lo lắng vẫn là lo cho cái thứ có thể xảy ra ở tương lai. Cái lo lắng của chúng ta có thể thành hiện thực hoặc không, chúng ta không biết được. Vì đó là chuyện tương lai mà.

Điều chúng ta có thể làm là tập trung vào ngay hiện tại bây giờ. Trong công việc mình đang làm ở công ty, suy nghĩ xem mình có thể xây dựng quy trình ở đâu để tự động hoá / tiết kiệm thời gian của mình hơn, mình có thể học thêm gì để nâng cao kỹ năng lãnh đạo, mình có thể tham gia khoá học nào để cải thiện kỹ năng chuyên môn. Tập trung cho hiện tại, chuyên tu tập trung vào việc mình làm cũng là một cách để bớt thời gian suy nghĩ vẩn vơ.

Trên đây là một số chia sẻ của mình về việc sợ thất nghiệp. Chúc bạn bình an.

Bạn có suy nghĩ thế nào về việc này, cùng chia sẻ với Tuấn Anh nhé.

Đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh tại đây: https://anhtuanle.com/tuvan/

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì không?

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chạy bằng WordPress.com.

%d người thích bài này: